<em><strong>Đảng Cộng Sản Việt Nam ở trong tình trạng hơi
hỗn độn, nhưng Đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ có chút ít
để dậy dỗ Đảng Cộng Sản Việt Nam.</strong></em>
Nếu những đề tài cấp thiết sau đây nhắc nhở đến Trung
Quốc, quý vị hãy dành một ý nghĩ cho Việt Nam: thảo luận
về hiến pháp; cố gắng giảm bớt những đặc quyền của
những doanh nghiệp do nhà nước làm chủ; sự tức giận về
tham nhũng của giới chức chính quyền; bồi thường đất tịch
thu không thỏa đáng; ngăn cấm bất đồng quan điểm trên
mạng; công nhận cải tổ kinh tế thêm không chỉ mong muốn mà
còn cần thiết; và trong chính trị, bằng chứng của những
cuộc tranh chấp mãnh liệt giữa lãnh tụ cao cấp thuộc các phe
nhóm khác nhau.
Trung Quốc và Việt Nam là hai trong một vài Đảng Cộng Sản
còn đang nắm chính quyền, do đó khó ngạc nhiên khi thấy rằng
hai nước đang phải đối phó với nhiều vấn đề tương tự.
Tuy nhiên điều có thể báo nguy họ nhiều nhất là việc thiếu
những giải pháp rõ ràng. Cả hai đảng dự trù những cuộc
họp của những ủy ban trung ương vào mùa thu này. Cả hai đại
hội được thấy trước là rất quan trọng đối với sự
tiến hóa của việc cải tổ quốc gia. Đại Hội của Trung
Quốc sẽ diễn ra trong tháng tới. Đại Hội của Việt Nam đã
qua, cho thấy một vài dấu hiệu rõ rệt của một cách suy nghĩ
mới. Đảng Cộng Sản Việt Nam xem ra đang ở trong tình trạng
khó khăn rắc rối.
Ưu tiên trong chương trình nghị sự của Cộng Sản Việt Nam là
những đề nghị thay đổi hiến pháp của quốc gia. Bản hiến
pháp hiện nay, được chấp nhận vào năm 1992, và sửa đổi
lần cuối cùng vào năm 2001, không phản ảnh nền kinh tế và
xã hội cởi mở hơn của Việt Nam ngày nay. Một bản thảo
hiến pháp tu chính đã được phổ biến vào đầu năm nay để
dò phản ứng của công chúng. Kết quả gây hoảng hốt: hơn 26
triệu bình luận đã nhận được. Trong số đó có nhiều
điều đảng không muốn nghe.
Ba mệnh đề đặc biệt đã lôi cuốn sự chú ý. Những người
cấp tiến hi vọng hiến pháp có thể bảo đảm ngành tư pháp
độc lập. Hiện tại, hiến pháp hứa rằng nhà nước "không
ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa". Một số
người đã hi vọng thay đổi Điều 4. Điều này tôn vinh vai
trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản là "lực lượng lãnh
đạo Nhà nước và xã hội" trong một chế độ độc đảng.
Thứ ba, Điều 19 tuyên bố rằng "khu vực kinh tế quốc doanh
giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân." Nhiều
người lập luận rằng điều này vừa lỗi thời vừa tai hại.
Việt Nam đang phải chịu đựng ảnh hưởng của cuộc khủng
hoảng nợ nần một phần gây ra bởi sự phá gia bại sản của
những doanh nghiệp nhà nước. Mức phát triển kinh tế ở
khoảng 5% không đủ cung cấp việc làm cho dân cư trẻ và kinh
tế khó có thể khá hơn vào năm tới.
Dọn sạch khu vực nhà nước, có lẽ bằng cách tư nhân hóa
những công ty có lời (thí dụ như những công ty làm rượu) và
thu dọn những công ty lỗ lã (hầu hết những công ty còn
lại), là một điều kiện tiên quyết để có thể phục hồi
tình trạng phát triển nhanh hơn. Cũng rất cần thiết nếu
Việt Nam thành công trong việc tham gia vào hiệp ước tự do
thương mại do Hoa Kỳ lãnh đạo, Hợp Tác Xuyên Thái Bình
Dương. Nhưng dẹp bỏ "khu vực nhà nước" là một điều
kinh hoàng đối với nhiều người. Không những những viên
chức chính quyền là những người tham nhũng được hưởng
lợi vì những liên hệ kinh doanh. Hệ thống còn giúp bào chữa
chế độ độc đảng.
Sau đại hội, các ủy ban sẽ tiếp tục sửa đổi văn từ
của bản hiến pháp một cách vá víu. Nhưng có vẻ rõ ràng là
nhiều điều sẽ bị lẩn tránh. Việt Nam sẽ còn mang nợ
đối với một văn kiện công khai nhìn nhận sự biến cải sâu
sa mà nước này đã trải qua với đổi mới ("renovation")
vào năm 1986, nói chi đến những sự thay đổi nhanh chóng.
Thí dụ của Trung Quốc không giúp gì được nhiều ở đây,
mặc dù nước này cũng đã thảo luận về hiến pháp. Sự
khác biệt quan trọng là tại Trung Quốc, những người chỉ
trích Đảng Cộng Sản muốn đảng tôn trọng hiến pháp hiện
hữu. Hiến pháp hứa bình đẳng, những tự do phát biểu, hội
họp và tôn giáo, và một ngành tư pháp độc lập, Đảng Cộng
Sản phe lờ tất cả những thứ này. Ngay cả vai trò lãnh đạo
của đảng cũng chỉ đề cập đến trong lời tựa thay vì trong
thân của bản hiến pháp. Do đó những tháng vừa qua đã chứng
kiến báo chí của nhà nước xỉ vả "chủ nghĩa hợp hiến"
– một quan niệm táo bạo đòi hỏi hiến pháp phải được
tôn trọng – như một phương cách mới nhất mà phương Tây
sử dụng để phá hoại Trung Quốc bằng cách lén lút đưa vào
những ý tưởng phóng khoáng gây đổ vỡ một cách nguy hiểm.
Điều 4 sẽ ít là một vấn đề hơn tại Việt Nam nếu đảng
không bị thiếu tôn trọng như thế. Một phần, đây chính là
hậu quả của sự quản lý kinh tế tồi tệ trong những năm
gần đây. Một phần, nó phản ảnh sự kinh tởm đối vớ nạn
tham nhũng trong chính quyền lan tràn khắp nơi, đặc biệt ngay
tại trung tâm chính phủ. Đây là một lý do giải thích tại sao
trong một cuộc bỏ phiếu vào mùa xuân năm nay tại Quốc Hội,
cơ quan này tỏ ra dám làm hơn là nghị viện của Trung Quốc,
gần một phần ba đại biểu bầy tỏ sự thiếu tin cậy vào
vị thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng. Sự tức giận đối với
một chính quyền tham nhũng cũng giải thích tại sao Đoàn Văn
Vươn, một nông dân nuôi cá ở miền Bắc bị cầm tù năm năm
vào tháng Tư, trở thành một anh hùng dân tộc. Tội ác của
ông Vươn là bảo vệ đất đai của mình bằng súng và chất
nổ do ông tự làm, khi viên chức chính quyền đến nơi tịch
thu nó. Những sự chiếm đoạt đất đai cũng là một nguyên do
thông thường gây ra những chống đối tại Trung Quốc và
những cải tổ về một chế độ sở hữu đất đai đã nuôi
dưỡng những sự lạm dụng có thể (hoặc hay hơn, nên) là
một trong những quyết định lớn lao đã được công bố tại
đại hội đảng của Trung Quốc.
Cho tôi gặp người lãnh đạo của ông
Tại Trung Quốc cũng vậy, người nào đứng lên phản đối
thường được tôn sùng như những danh nhân qua mạng thông tin
xã hội. Tại Việt Nam, cũng như tại Trung Quốc, trong năm nay
đã xẩy ra một cuộc đàn áp không nương tay đối với bất
đồng chính kiến trên mạng với hàng chục người bị bắt
giam và những giới hạn mới về đàm luận trực tuyến. Tại
Việt Nam, chỉ có những "thông tin cá nhân, " và không phải
những bài báo, mới được phép trao đổi trên mạng. Đây xem
ra là một cố gắng yểu mệnh nhắm đòi lại sự độc quyền
về tin tức đại chúng mà đảng được hưởng trước khi có
Internet. Ngay cả nếu sự đàn áp có thể được thi hành, nó
cũng đã quá muộn để dập tắt được những sự chỉ trích
chua cay về đảng và chính quyền đang được nung nấu tại
Việt Nam, cũng như tại Trung Quốc.
Sự chỉ trích chua cay này được khích động bởi nhận thức
rằng những lãnh tụ đảng ít chú trọng đến quyền lợi
quốc gia hơn là bảo vệ quyền lực của mình chống lại
những đối thủ ghen tị. Tại Trung Quốc, việc thất sủng
của Bạc Hy Lai (Bo Xilai), một lãnh tụ địa phương nhiều tham
vọng, thu hút sự chú ý hiếm hoi của quần chúng về những
cuộc đấu đá không thương tiếc trong giới chính trị cao
cấp. Tại Việt Nam, Ông Dũng, thủ tướng, xem ra là mục tiêu
của một chiến dịch phát động bởi những lãnh tụ bảo
thủ, như Chủ Tịch Trương Tấn Sang. Sự khác biệt là tại
Trung Quốc, sự tranh chấp phe phái tạo ra một kẻ thắng cuộc
rõ ràng là Tập Cận Bình (Xi Jinping), chủ tịch đảng. Một
phần của vấn đề Việt Nam là không ai biết chắc là người
nào thật sự nắm quyền.
Nguồn: Across the Party Wall, The Economist
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/node/23050), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét