<i>Sẽ có hàng trăm, và rồi đây hàng ngàn đảng viên cộng
sản đồng loạt khước từ độc tài toàn trị, thành lập
chính đảng mới để đấu tranh công khai với Đảng Cộng sản
cầm quyền. – (Hồ Ngọc Nhuận)</i>
<div class="boxleft320"><img
src="http://www.rfa.org/vietnamese/blog/blog-082013-tnt-08202013160657.html/ttxva.org-305.jpg/image"
width="305"> <div class="textholder">Luật gia Lê Hiếu Đằng (áo
sọc bên trái) tham gia biểu tình tại Sài gòn ngày 1/7/2012 Photo
courtesy of ttxva.org </div></div>
Khi bệnh tật người ta thường yếu đuối. Ông Lê Hiếu
Đằng lại khác. Trong "những ngày nằm bệnh" vừa qua, nhân
vật này bỗng chợt cảm thấy có sự "thôi thúc... phải
thanh toán, tính sổ lại tất cả... những trải nghiệm cay
đắng mà" mình "cùng nhiều bạn bè nữa trong phong trào học
sinh sinh viên trước 1975 đã chịu đựng... sau hơn 45 năm chiến
đấu trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam, với 45 tuổi
Đảng."
Tuổi đảng của Lê Hiếu Đằng, rõ ràng, không ngắn. Tuổi
đời của ông chắc chắn, cũng hơi dài. Và <i>những trải
nghiệm cay đắng</i>, tất nhiên, không ít. Qua hàng chục trang
giấy ghi lại những "suy nghĩ miên man" của Lê Hiếu
Đằng, tuy thế, độc giả vẫn tìm được "một kỷ
niệm" mà ông mô tả là "khó quên" và (tương đối)
cũng... ngọt ngào:
<blockquote> "... tôi đã từng tham gia phong trào đấu tranh Sinh
viên học sinh Huế lúc còn học đệ nhị, đệ nhất Quốc học
Huế và đã từng bị bắt giam ở lao Thừa Phủ Huế gần một
năm với Lý Thiện Sanh (nay là bác sĩ định cư ở Úc). Vì
chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc đó nghĩ tôi là thành viên
của Đoàn TN nhân dân Cách mạng Miền Nam.
Nhắc đến đây tôi có một kỷ niệm khó quên: ba tôi và mẹ
Lý Thiện Sanh nóng lòng vì đã đến kì thi Tú tài II nhưng
chúng tôi vẫn bị nhốt trong tù. Vì vậy ông bà làm đơn hú
họa xin hai chúng tôi ra thi. Thế mà chính quyền Thừa
Thiên-Huế lúc đó lại giải quyết cho ra thi."</blockquote>
Cách "giải quyết" của "chính quyền Thừa Thiên-Huế lúc
đó" thiệt là dễ dãi, và hơi thiếu tinh thần pháp trị.
Cái "truyền thống nhân trị" này kéo dài (lai rai) suốt
thời ông Diệm qua tới thời ông Thiệu, ở miền Nam.
Ngày 26 tháng 10 năm 1966, ông Trần Minh Tiết – Bộ Trưởng Tư
Pháp của thời Đệ Nhị Cộng Hòa – ra lệnh thả ông Trần
Kim Tuyến dù điều này không được Tổng Thống Nguyễn Văn
Thiệu tán thành. Không riêng gì Nguyễn Văn Thiệu mà cả
Nguyễn Khánh (trước đó) cũng muốn bắt giam ông Tuyến –
một nhân vật thực sự nguy hiểm cho bất cứ chế độ nào mà
ông ta không cộng tác. Tuy nhiên, cả hai đều không làm được
điều này giản dị chỉ vì nó... vi hiến. Là nhân vật quan
trọng thứ III của chế độ cũ, không phải là lý do để
(đương nhiên) phải vào tù nếu không có bằng chứng buộc
tội:
<blockquote>"Ông Trần Minh Tiết chiếu theo biên bản phiên họp
nội các, ra lệnh thả ông Tuyến. Giám đốc Chí Hòa là đại
tá Luyến cũng quen biết ông Tuyến nên bảo bà Tuyến:
- Đúng ra, khi có lệnh tha của tòa, tôi phải đưa ông bác sĩ
trả lại cho công an làm thủ tục, rồi mới cho về. Nhưng vì
ông đang đau, bà cứ lãnh về đi..." (Vĩnh Phúc. Những Huyền
Thoại và Sự Thực về Chế Độ Ngô Đình Diệm<a
href="http://discover.sjlibrary.org/iii/encore_sjpl/record/C__Rb2473981__S%28vi%CC%83nh%20phu%CC%81c%29__P0%2C3__Orightresult__X4?lang=eng&suite=sjpl"
target="_blank"></a>. Văn Nghệ, Westminster, CA:1998).</blockquote>
Cách hành xử của Nhà Nước Pháp Quyền Cách Mạng thì có
phần (hơi) khác – theo như lời tường thuật của người tù
Kiều Duy Vĩnh:
"<i>Mẹ tôi đến Bộ Công An ở phố Trần Bình Trọng hỏi
về anh con bị tù. Gác cửa không cho vào. Nhưng từ nhà tôi ở
chợ Hôm ra hồ Thiền Quang chưa đến 1 km nên hầu như liên
tục khi nào mẹ tôi đi đâu là mẹ tôi lại tạt vào Bộ Công
An quấy rầy họ. Đến nỗi người thường trực cứ trông
thấy mẹ tôi là tránh mặt không tiếp.</i>
<i>Mẹ tôi cứ đến hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ phải trả
lời. Nhưng cũng mất hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa
chỉ trại tù Cổng Trời: Công Trường 75A Hà Nội. Mẹ tôi
lại hỏi tiếp: Thế cái công trường này nó ở chỗ nào ở
cái đất Hà Nội này? Họ bảo họ không biết</i>…"
Thiệt là "hết biết" luôn nhưng chưa đến nỗi
"hết thuốc, nếu so với một trường hợp bất nhẫn
hơn nhiều của một người tù khác:
"<i>So với Kiều Duy Vĩnh thì người tù Lưu Nam còn bi thảm
hơn, ông không bao giờ được gặp mặt gia đình cho tới khi
chết mặc dù con cái hết lòng tìm kiếm. Con trai của ông là
ông Lưu Đức Tâm kể:</i>
<i>"Ông bố ở trại giam Quyết Tiến ở Hà Giang, còn gọi là
trại giam Cổng Trời. Trong 10 năm đó gia đình không có tin tức
gì thì dẫu biết cũng không thể đi thăm được. Cho đến năm
1961 gia đình nhận được một bức thư của ông cụ gửi về
nên mới biết ở trại đó.</i>
<i>Lúc bấy giờ gia đình cũng không có điều kiện để ra đi
thăm được bởi vì mẹ ở nhà ốm đau bệnh tật, con cái thì
còn nhỏ thành ra không đi thăm được, cho nên có gửi lên cho
ông bố một ít quà qua cái địa chỉ đó. Gửi bằng con
đường bưu điện nhưng không biết ông cụ có nhận được hay
không, tới năm 1962 thì ông cụ mất..."</i> (Trại Giam Cổng
Trời, Mặc Lâm, RFA).
Cách quản lý tù nhân của chính phủ ta, xem ra, rất tiện.
Cứ nhốt kín vào một chỗ, và nhốt cho tới chết luôn
rồi bó chiếu mang chôn là kể như. .. xong!
Chỉ có điều phiền là hết thế hệ này qua thế hệ
khác, dân Việt vẫn cứ hàng hàng lớp lớp lần lượt và
tiếp nối đi tù. Và những người tù hôm nay, xem chừng, khó
bị "chôn" hơn, cũng như khó "cải tạo" hơn nhiều –
theo như tin vừa loan của BBC<a
href="http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/08/130815_vn_political_prisoners_isolated.shtml"
target="_blank"></a>:
<blockquote> "Vợ một tù chính trị nói chồng bà tố giác
một số phạm nhân tại trại giam Nam Hà bị biệt giam vì
phản đối ban quản lý trại 'đánh bị thương một thanh niên
Công giáo'.
Vợ ông Vi Đức Hồi, bà Hoàng Thị Tươi, nói trong chuyến
thăm nuôi chồng tại trại Nam Hà ngày 14/8, bà được ông Hồi
cho biết ông đang bị biệt giam cùng với hai người nữa là
thanh niên Công giáo bị tuyên án hồi tháng 1/2013...
Bà cũng thuật lại lời ông Hồi cho hay lý do Lê Văn Sơn bị
cán bộ trại giam 'đánh bị thương ở chân' là vì 'không
chào cán bộ trong một lần sinh hoạt.' Ông Vi Đức Hồi, 56
tuổi, đã từng gia nhập Đảng Cộng sản năm 1980 và từng là
Giám đốc trường Đảng huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Từ năm
2006, ông đã bắt đầu viết nhiều bài báo chỉ trích Đảng -
ban đầu bằng bút danh, sau đó dùng tên thật khi ông bị khai
trừ khỏi đảng năm 2007."</blockquote>
Tưởng cũng nên nói thêm là sau khi bị khai trừ, ông Vi Đức
Hồi còn bị cô lập bởi một "Thông báo đặc biệt" như
sau:
<blockquote>"Để ngăn chặn, đập tan mọi âm mưu 'diễn
biến hoà bình'của các thế lực thù địch chống phá sự
nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Huyện uỷ yêu cầu các Chi,
Đảng bộ trực thuộc Huyện uỷ phải quán triệt đầy đủ
cho toàn thể Cán bộ, Đảng viên và quần chúng Nhân dân trong
Chi, Đảng bộ mình,Cơ quan, Đơn vị và Địa phương mình hãy
nêu cao cảnh giác cách mạng,kiên quyết không mưu kẻ địch,
đồng thời cắt đứt mọi quan hệ, giao tiếp với Vi đức
Hồi, mặt khác theo rõi, giám sát mọi hoạt động của Vi đức
Hồi, khi phát hiện có vấn đề khả nghi, trình báo cho cơ quan
Công an hoặc Chính quyền Địa phương kịp thời để có biện
pháp xử lý."</blockquote>
Dù đã "quán triệt đảng viên và quần chúng nhân dân.
..cắt đứt mọi liên hệ. . theo rõi, giám sát, trình báo để
kịp thời có biện pháp xử lý" nhưng (ngó bộ) vẫn chưa
được yên tâm cho lắm nên Đảng bắt luôn ông Vi Đức Hồi
– vào ngày 27/10/2010 – để bỏ vô tù.
Ba năm sau, sau khi đã bị giam cầm – theo như nguồn tin
thượng dẫn – ông Vi Đức Hồi lại còn bị mang đi biệt
giam (riêng một nơi thật kín) cho nó chắc ăn... hơn nữa. Ở
một xứ sở mà chỉ do "xây xát nhẹ của một chiếc xe ben"
có thể làm vỡ nguyên cả một cái đập nước khổng lồ
thì mọi sự lo âu, lo ngại, lo sợ, và run sợ của giới cầm
quyền (dù có lố bịch cỡ nào chăng nữa) đều có lý do
để biện minh.
Đó là nỗi lo sợ của "một con bệnh SIDA" – theo như
(nguyên văn) cách ví von của ông Lê Hiếu Đằng, trong bài
viết nêu trên. Qua diễn đàn bauxite Việt Nam, đọc được
vào hôm 16 tháng 8 vừa qua, ông Hồ Ngọc Nhuận – một
người đồng thời và đồng cảnh với ông Lê Hiếu Đằng
– lại còn vừa cho biết thêm:
"<i>Một chính đảng mới đang được vận động hình thành,
với tên gọi tạm là Đảng Dân chủ Xã hội, do ông Lê Hiếu
Đằng, một đảng viên cộng sản với 45 tuổi đảng, khởi
xướng. Sẽ có hàng trăm, và rồi đây hàng ngàn đảng viên
cộng sản đồng loạt khước từ độc tài toàn trị, thành
lập chính đảng mới để đấu tranh công khai với Đảng Cộng
sản cầm quyền.</i>
<i>Đảng mới Dân chủ Xã hội là một đột phá khẩu lịch
sử, cho nước tràn bờ, cho muôn người Việt Nam đứng dậy
phá xiềng, vươn vai thành Phù Đổng, chống lại nội tặc,
ngoại thù, cứu nước cứu dân và cứu cả chính mình</i>."
Cái xe ben của Lê Hiếu Đằng có thể "đột phá khẩu
lịch sử, cho nước tràn bờ" hay không là chuyện mà một
thằng (nát rượu) cỡ tôi – dù cho ăn kẹo – cũng không dám
lạm bàn. Tôi có cái tật (lớn) là đôi khi vừa cầm chai
vừa cầm bút. Rượu vào lời ra nên hay viết lòng vòng. Chớ
nói gần nói xa chả qua nói thiệt: dù có rất muộn màng
chăng nữa, mọi nỗ lực của ông Lê Hiếu Đằng – cùng
tất cả những vị đồng hội đồng thuyền – đều
đáng được tuyên dương và trân trọng.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130823/sttd-tuong-nang-tien-mot-chiec-xe-ben),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét