Vương Trí Nhàn - Chống tham nhũng kiểu Chí Phèo

Trong các chương trình địa lý bọn tôi học những năm sau hòa
bình 1954 thường có câu đất nước mình rừng vàng bể bạc.
Các vùng khoáng sản là cả một niềm tự hào. Tin tức về mỏ
than in trang nhất trên các báo gây ấn tượng không chỉ với
các đoàn xe và cần cẩu hoành tráng, mà còn hình ảnh những
người thợ mỏ đi sâu vào lòng đất, khai thác khu mỏ một
cách khoa học. Biểu tượng của một nền sản xuất hiện
đại đấy!
Còn hiện nay, -- thời của phát triển - nhớ đến các
vùng mỏ là người ta nhớ tới khai thác theo lối thổ phỉ.
Vài cái lều như lều vịt được dựng lên. Rồi từng bao
tải con con được buộc sau xe đạp và chuyền tay từ xe nọ
sang xe kia. Trên nền của một vùng đất hoang sơ, con người sao
mà bé nhỏ thảm hại! Giống như những đứa trẻ nhân lúc bố
mẹ đi vắng mở tủ lấy tiền ra phố chơi game, chúng ta ăn
cắp của ngay quê hương xứ sở mình!

Mùa hè 2004, có dịp nghỉ ở Sầm Sơn, tôi được nghe một
cậu xích lô giải thích về tình trạng đường xá ngổn ngang
ổ gà khấp khểnh: "<em>Có gì lạ hả bác, ban ngày giao thông
vừa đổ cát sỏi ra đường, thì đêm dân họ ra họ hót về
xây nhà xây sân, đâu mà còn vật liệu làm đường</em>".

Còn việc sau đây thì xảy ra ở Hải Phòng: một cây cầu mới
xây ở bị bà con mình tháo nậy cả ốc vít, bù loong, để mang
bán đồng nát.

Những hoạt động mang tính chất thách thức cả pháp luật như
thế này rõ ràng cách phản ứng tự phát của người dân.

Ở chỗ riêng tư, ta hãy nghe họ lý sự:

– Không ăn thì mấy ông chính quyền cũng ăn.

– Các ông ấy ăn nhiều chứ mình được mấy!

Thì ra không phải là họ không hiểu rằng mình sai trái hư
hỏng. Song họ vẫn làm. Họ chống tham nhũng và quản lý kém
bằng cách thêm một tay đẩy nhanh cái quá trình tiêu cực ấy.
Mà đây không phải chỉ là những phản ứng nhất thời. Phải
xem nó – thời gian gần đây -- là cả một xu thế chi phối
cách sống cách nghĩ nhiều người.

Vụ thi cử nào cũng kèm theo bao tai tiếng. Dẫu vậy, trong nhận
thức cuả nhiều người tôi quen, so với những vụ PMU18 hoặc
Vietnam Airlines hoặc Vedan… thì những bê bối trong ngành giáo
dục thường được xem là chả thấm thía gì.

Nói chung, người ta dễ thông cảm với chuyện mấy ông
chính quyền địa phương dung dưỡng cho các trường "tùy
nghi" trong thi cử; người ta lại càng dễ bỏ qua cái chuyện
mấy bậc cha mẹ học sinh xông vào tận trường thuê người
giải bài rồi ném đáp án cho thí sinh.

Đặt những cuộc thi là cái mốc thì dễ dàng nhận ra có
một sự nỗ lực liên tục trong hành xử của các bậc phụ
huynh trong suốt thời gian con cái đến trường. Sự nỗ lực
này kéo dài từ chuyện quà cáp cho thầy cho cô để xin điểm
từ các năm tiểu học, cho tới việc chạy đôn chạy đáo xoay
sở và mua chỗ cho con ở các cơ quan công sở sau khi con tốt
nghiệp đại học.

Hình như trong muôn vàn thứ tội hối lộ, cái chuyện hối
lộ để con cái có được mảnh bằng và chỗ làm việc là dễ
tha thứ nhất.

Tại sao cách định hướng tương lai theo kiểu đó đang
trở thành phổ biến?

Hãy nghĩ đến một lý do đơn giản: với nhiều người
dân thường, nay là lúc hiện tượng tham nhũng đã trong tình
trạng bất khả kháng.

Vậy thì chỉ có một cách tốt nhất để một người
bình thường đỡ thiệt là họ cũng phải được tham dự vào
cái bộ máy quan liêu đang hái ra tiền đó.

Mà làm gì có phép mầu nào khác, ngoài cách kiếm cho con
cái các loại bằng cấp danh hiệu. Rồi chịu khó xuất ít
vốn mua chức vụ, từ đó len dần vào bộ máy, để có cơ
hội tham nhũng như ai.

Bỏ vốn ra rồi sẽ có lúc hoàn vốn, người ta ngấm
ngầm rút kinh nghiệm. Không hẹn mà nên, nhiều người đã gặp
nhau ở cái "ý tưởng lớn" đó.

Đọc trên một số tờ báo, thấy nói các cuộc đình công trên
toàn quốc đã lên đến con số hàng ngàn. Và trên diễn đàn
Quốc hội, khi bàn về luật lao động các đại biểu có xu
hướng muốn xem việc đình công này là một phản ứng tự
nhiên, có sự tranh chấp không thỏa đáng thì phải có đình
công, không thể vì cớ " bảo đảm yêu cầu quản lý, yêu
cầu ổn định " mà xem cuộc đình công nào cũng là bất
hợp pháp.

So với cách phản ứng trực tiếp bằng đình công của
công nhân, thì cái cách bà con "nhẫn nhục chung sống với
bất công" "lấy tham nhũng nhỏ để chống tham nhũng lớn"
mà tôi thử miêu tả trên đây có vẻ không mấy thách thức,
song chính ra nó mang lại những tai hại sâu xa và nặng nề hơn.
Nói nôm na tức là cách "chống tiêu cực" ấy có vẻ Chí
Phèo và nó gây hại ngay đến cả người trong cuộc, nó hạ
thấp người ta xuống.

Ghi lại ở đây tôi chỉ muốn lưu ý rằng đạo đức và
cách kiếm sống của con người trong xã hội là có liên quan
đến nhau.

Từ những sự việc nho nhỏ hàng ngày trong lòng cộng
đồng luôn luôn có sự tổng kết ngấm ngầm để biến thành
"minh triết" chi phối sự tồn tại hàng ngày của mỗi cá
nhân.

Trong y tế, một khi tình hình căn bệnh lây lan đã quá
phổ biến, người ta gọi đó là một trận dịch. Trong sức
khỏe tinh thần cũng có hiện tượng tương tự.

<em>In lần đầu trên báo Người đại biểu nhân dân 7-2006. Bổ
sung và in lại trong Những chấn thương tâm lý hiện đại, Nxb
Trẻ, 2009. Hoàn chỉnh lần cuối, 8-2011.</em>

<h2>Ghi chú ngày 12-8-11</h2>

Chí Phèo đã trở thành một thứ siêu mẫu trong xã hội hiện
đại với nghĩa một cách sống trơ tráo liều lĩnh ăn vạ.
Gần đây một số nhà nghiên cứu văn học có xu thế nhận ra
trong nhân vật này của Nam Cao niềm khao khát lớn lao là
được trở lại với cuộc sống lương thiện và xem đó chính
là một điểm sáng trong hình tượng nhân vật. Song trong bài
này, người viết vẫn dùng Chí Phèo theo nghĩa cũ.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9630), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét