Vũ Cao Đàm - Chính Lênin mới là người đã làm cho Liên Xô tan rã

<div class="boxright300"><img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/lenin.jpg" width="497" height="376"
alt="lenin.jpg" /><div class="textholder">Một bức tượng Lenin bị
kéo sập tại Nga sau khi chế độ Xô Viết tan rã. Ảnh:
cornell.edu</div></div>
Đọc bài "<a href="http://www.boxitvn.net/bai/27897">Stalin là người
đã làm cho Liên Xô tan rã</a>" của Peter Rutland và Philip Pomper
do Phạm Nguyên Trường dịch đăng trên Bauxite Việt Nam, tôi
sực nhớ đến một cuốn sách rất thú vị, được xuất bản
ngay sau ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười với tiêu đề
"Mười ngày rung chuyển thế giới" của John Reed, một nhà
nghiên cứu xã hội học người Mỹ, người đã có mặt trong
những ngày bão táp của Cách mạng Tháng Mười. Cuốn sách
được dịch ra tiếng Việt từ năm 1960 và được tái bản năm
1977.

Điều đặc biệt gây ấn tượng với tôi, là trong cuốn sách
đó đã trích dẫn những văn kiện quan trọng cảnh báo Lênin
về sự tan rã của Nhà nước Xô-viết, và họ đã dự báo,
sự tan rã đó được manh nha ngay từ trong mô hình tổ chức
Nhà nước của Lênin: Ngay từ những ngày đầu tiên ngay sau khi
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, hàng loạt nhà lãnh đạo
của các đảng cộng sản đã phê phán đường lối của Lênin
và dự báo sự sụp đổ của Nhà nước Xô-viết. Chẳng hạn,
các Ủy viên Hội đồng Dân ủy của Lenin như Noguin, Rưkov,
Miliutin, Teodorovitch, Shliavnikov đã ra văn bản tuyên bố:

"Chúng tôi tán thành một chính phủ xã hội gồm mọi đảng
phái xã hội. Chúng tôi cho rằng chỉ có một chính phủ như
vậy mới có thể củng cố được những thành quả to lớn do
giai cấp công nhân và quân đội cách mạng giành được trong
những ngày tháng 11 vừa qua. Ngoài chính sách đó ra, chúng tôi
chỉ nhìn thấy có một khả năng, là duy trì một chính phủ
hoàn toàn bolshevitch bằng chính sách khủng bố chính trị. Hội
đồng Dân ủy đã đi theo con đường đó. Chúng tôi không thể
và cũng không muốn đi theo họ. Chúng tôi nghĩ rằng con đường
đó sẽ dẫn tới sự loại trừ ra khỏi sinh hoạt chính trị
những tổ chức vô sản lớn, thiết lập một chế độ vô
trách nhiệm và đưa cách mạng và nước nhà tới chỗ bị tiêu
diệt. Tự thấy không thể chịu trách nhiệm về một chính
sách như vậy, chúng tôi xin từ chức Ủy viên nhân dân trước
Ủy ban Xô-viết toàn Nga" [[1]].

Đồng thời, Kameniev, Rưkov, Miliutin, Zinoviev và Noguin đã có thư
xin rút khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng [[2]]:

"Chúng tôi nghĩ rằng, thành lập một chính phủ như vậy
(gồm tất cả các đảng xã hội) là cần thiết để tránh
một cuộc đổ máu mới, tránh nạn đói đe doạ… Chúng tôi
không thể nào chấp thuận chính sách tai hại của Trung ương,
chính sách chống lại ý nguyện của đại đa số giai cấp vô
sản và binh lính, là những người mong muốn hòa bình giữa các
nhóm khác nhau của nền dân chủ, và không muốn có đổ máu
nữa. Bởi vậy, chúng tôi từ bỏ chức vụ Ủy viên Trung ương
để được quyền nói ý kiến của chúng tôi với quần chúng
công nông và binh lính… Chúng tôi rời Ban chấp hành Trung ương
giữa lúc thắng lợi, giữa lúc đảng của chúng tôi lên nắm
chính quyền, bởi vì chúng tôi không thể chịu đựng được
lâu hơn nữa và đứng nhìn chính sách của những người lãnh
đạo trong Ban chấp hành Trung ương dẫn chúng tôi đến chỗ
mất những thành quả của cách mạng và dẫn đến chỗ tiêu
diệt giai cấp vô sản".

Sau này (1935), Trosky cũng đã dự báo sự sụp đổ của Nhà
nước Xô-viết của Stalin. Ông viết: "Những người Leninist
đã không thể bảo vệ chế độ Xô-viết khỏi tan rã và rơi
vào chế độ quân chủ". Và "Sự sụp đổ của chủ nghĩa
Stalin là điều có thể đoán trước được và nó sẽ là sự
trừng phạt đích đáng cho hàng loạt tội ác chống lại giai
cấp công nhân thế giới [[3]].

Rosa Luxemburg, một nhà lý luận Marxist, nhà triết học xã hội
người Đức gốc Ba Lan-Do Thái cũng có nhiều ý kiến về nền
độc tài Xô-viết của Lênin [[4]], trong đó gây tranh luận
nhiều nhất là hai tác phẩm "Vấn đề tổ chức của Đảng
Xã hội Dân chủ Nga" (1904) và "Bàn về cách mạng Nga"
(1918).

Trong bài này, bà mạnh dạn phê phán quan điểm sợ giới trí
thức có ảnh hưởng nguy hiểm tới phong trào vô sản và phê
phán cách tiến hành "chế độ dân chủ tập trung tàn nhẫn"
là "chủ nghĩa tập trung cực đoan", kết quả "Ủy ban trung
ương trở thành hạt nhân tích cực thật sự, còn tất cả các
tổ chức khác chẳng qua chỉ là công cụ chấp hành của trung
ương mà thôi."

Năm 1918, khi đang ở trong tù, bà viết bài "Bàn về cách mạng
Nga". Bản thảo chưa hoàn tất này đưa ra những ý kiến mạnh
mẽ phê bình Đảng Cộng sản Bolshevich Nga, chủ yếu nói đảng
này đã đối lập chuyên chính với dân chủ, nhấn mạnh chuyên
chính mà thủ tiêu dân chủ.

Bà viết: chuyên chính vô sản là "chuyên chính của giai cấp
chứ không phải là chuyên chính của một đảng hoặc một tập
đoàn. Đó là chuyên chính thực hành dân chủ không hạn chế…
tiến hành công khai với mức độ tối đa, được quần chúng
nhân dân tham gia một cách tích cực nhất và không bị ngăn
trở." Bà luôn cho rằng bản chất của xã hội XHCN là ở
chỗ đa số quần chúng lao động không còn là quần chúng bị
thống trị mà là người chủ toàn bộ đời sống chính trị
kinh tế của mình, làm chủ một cách có ý thức trong sự tự
do, tự quyết.

Về dân chủ XHCN, Rosa Luxemburg bao giờ cũng liên hệ nó với
khái niệm tự do và dùng khái niệm ấy để giải thích. Trong
"Bàn về cách mạng Nga", bà viết: "Tự do bị hạn chế
thì đời sống công cộng của nhà nước sẽ khô khan, nghèo
nàn, công thức hóa, không có hiệu quả. Đó là do thủ tiêu
dân chủ mà bịt mất nguồn của mọi tài sản tinh thần và
sự sôi nổi trong đời sống".

Bà viết: "Cùng với sự áp chế đời sống chính trị của
cả nước, đời sống Xô-viết nhất định sẽ ngày một tê
liệt. Không có bầu cử, thiếu vắng ngành xuất bản không bị
hạn chế và sự tự do hội họp… thì đời sống của bất
cứ tổ chức công cộng nào cũng dần dần bị tiêu diệt, trở
thành đời sống không có linh hồn, chỉ có tầng lớp quan liêu
vẫn là nhân tố hoạt động duy nhất".

Bà vạch rõ, phải cảnh giác với việc chuyên chính vô sản
diễn biến thành "sự thống trị của một tập đoàn nhỏ",
"chuyên chính của một nhóm nhà chính trị", "chuyên chính
trên ý nghĩa thống trị của phái Jacobin".

Bà cảnh báo: nếu cứ để tình trạng đó phát triển thì
nhất định sẽ dẫn đến "sự dã man hóa đời sống công
cộng", gây ra sự cưỡng chế, nỗi sợ hãi và nạn tham
nhũng, sự "suy đồi đạo đức".

Rõ ràng, sự sụp đổ của Nhà nước Xô-viết đã được
cảnh báo và dựa trên nền độc tài theo mô hình tổ chức Nhà
nước của Lênin và càng được khoét sâu thêm bởi sự dã man
hóa đời sống công cộng của Stalin.

Lời dẫn của bản dịch "Mười ngày rung chuyển thế giới"
cũng cho biết, năm 1919 Lênin đã đọc John Reed một cách hứng
thú và đã viết thư cổ vũ Nhà xuất bản ở Mỹ và không có
ý kiến gì bác bỏ những sự kiện về lời cảnh báo của
những nhà cách mạng cùng thời với ông.

V.C.Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

[1] John Read: Mười ngày rung chuyển thế giới, Nxb Văn hóa, Hà
Nội, 1960, Bản dịch tiếng Việt của Đặng Thế Bính và
Trương Đắc Vỵ, tr. 336 (đã đối chiếu bản tiếng Anh).

[2] John Read: Mười ngày rung chuyển thế giới, Nxb Văn hóa, Hà
Nội, 1960, Bản dịch tiếng Việt của Đặng Thế Bính và
Trương Đắc Vỵ, tr. 337 (đã đối chiếu bản tiếng Anh).

[3] Trotsky: Stalin đã đánh bại cánh tả như thế nào? Báo Sự
thật, Tháng 11/1935,
http://www.marxists.org/vietnamese/trotsky/1935/11/taisao.htm

[4] Xem: http://en.wikipedia.org/wiki/Rosa_Luxemburg

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9679), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét