Trí Vũ - Các tiên tri giả thời nay

<div class="boxleft300"><img
src="http://files.myopera.com/trivu/blog/intel2017details.png" /><div
class="textholder">Công nghệ sản xuất chip của Intel</div></div>

<div class="rightalign"><em>"Hãy coi chừng tiên tri giả, là những
kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là
muông sói hay cắn xé" (Matthew 7:15-20)</em></div>

Cách đây hơn 2000 năm, tại đất nước Israel, có những người
dám từ bỏ mọi sự để đi lang thang khắp nơi, đem đến cho
mọi người các sứ điệp mà họ tin rằng đến từ Thượng
Đế. Họ được mến mộ và được xem là các nhà tiên tri
của thời bấy giờ.

Tuy nhiên, chức danh này rất dễ bị lạm dụng, có nhiều
người tự xưng là tiên tri để gây uy tín, quyên góp tiền
bạc, để có cuộc sống nhàn nhã xa hoa. Họ được gọi là
"tiên tri giả". Sự việc nghiêm trọng đến độ các bậc
chức sắc thời đó phải giảng giải cho người dân cách phân
biệt giữa các vị tiên tri thật và tiên tri giả.

Hơn 2000 năm sau, bằng cách tư vấn những điều sai lệch, với
các chiêu bài làm lợi cho quốc gia, đổi mới công nghệ cho
Việt Nam… một số người dưới cái mác là những chuyên gia,
nhà tư vấn, là việt kiều yêu nước, là nhà khoa học chân
chính… kỳ thực, các nhà "tiên tri giả" đang tìm mọi cách
trục lợi để làm giàu cho bản thân và làm nghèo đi đất
nước này.

Vụ tàu "Hoa Sen" là một minh chứng cho tài nghệ của các
"tiên tri giả" thời nay, trước đây nó một chiếc phà chở
khách và ô tô bên Ý, từng bị sự cố nứt đôi đáy tàu hai
lần và có nhiều lo ngại về an toàn khi sử dụng. Theo nhận
định của một số chuyên gia, giá trị của nó vào thời
điểm mua (tháng 11/2007) không quá 10 triệu USD, nhưng nó vẫn
được các chuyên gia Vinashin mua về với giá 60 triệu Euro để
phục vụ cho việc vận chuyển hành khách, hàng hóa Bắc-Nam.
Chỉ một năm sau đó, tàu đã phải ngưng hoạt động do kinh
doanh không hiệu quả. Đến tháng 01/2009, tàu bị nứt vỏ phải
đem đi vá tại nhà máy Huyndai Vinashin. Hiện nay tàu được cho
thuê lại với giá 16,500 USD một ngày.

Để thuyết phục được người khác nghe và làm theo mình, các
"tiên tri giả" đều có bằng cấp cao, có một chút uy tín
được gầy dựng trước đó, họ nắm bắt được các yếu
điểm của một số lãnh đạo là trình độ tiếp cận khoa
học còn thấp, ngoại ngữ kém, có tính háo danh… cho nên họ
đưa ra cái bánh vẽ thật lớn, thật ngon… rồi tổ chức họp
báo làm rùm beng, coi nó là một bước đột phá cho công nghệ
nước nhà. Thử hỏi ai mà không mê. Sau đó để đi tiếp
đoạn đường dài phía trước, nhà nước phải bỏ tiền ra
đầu tư,mua sắm thiết bị… như vậy họ đã tóm được con
mồi.

Nước Việt Nam trước giờ vẫn bị xem là nước nông nghiệp
có trình độ khoa học kỹ thuật lạc hậu. Để thoát ra khỏi
cảnh lạc hậu này, cần phải có lãnh đạo có tầm nhìn xa
trông rộng để từ đó mới định hướng được cho một nền
công nghệ. Singapore có lãnh đạo Lý Quang Diệu tài ba dẫn dắt
một hòn đảo nhỏ bé nghèo tài nguyên thành một quốc gia hùng
cường sống dựa vào kỹ thuật công nghệ. Trong khi chúng ta
còn đang loay hoay định hướng thì có nhiều thầy dùi nhảy vô
bày đủ trò làm tiêu tốn nhiều tiền của nhân dân và làm
chệch hướng phát triển kỹ thuật của đất nước theo xu
thế phát triển chung của thế giới.

Những năm gần đây, đình đám chuyện một nhóm chuyên gia, kỹ
sư của ĐHQG làm ra con MCU 8-bit, rồi 32-bit đầu tiên của Việt
Nam. So với thế giới, nó đã trễ hơn 30 năm. Khi mấy con MCU
này ra đời, rồi cũng ồn ào họp báo, rồi cũng ra rả ngợi
khen... Chỉ có ai trong nghề và tiếp cận thực tế mới hiểu
rằng đề tài này làm cho vui mà thôi chứ chẳng thể thương
mại hóa hay ứng dụng gì được. Vì trong ngành điện tử,
chipset làm ra phải là loại tốt nhất, có tiếng tăm, giá cả
phù hợp, có nhiều ứng dụng phụ trợ, thì người thiết kế
mới sử dụng cho sản phẩm của mình. Gữa muôn vàn lựa chọn
từ Intel, TI, Atmel, Microchip, Cirrus Logic, Samsung, Renesas… thì vì
sao phải chọn MCU của ICDREG (1) vừa kém chức năng lại vừa
mắc? Điều đau lòng là nó được sinh ra từ ngân sách của
nhà nước, ít thì cũng là vài tỉ đồng cho khúc dạo đầu
này.

<h2>Các "tiên tri giả' vẫn không dừng lại.</h2>

Có lẽ do "được đằng chân" rồi nên họ tiếp tục kêu
gọi làm chuyện động trời khác. Ngày 30/06/2011,
"<strong><em>Hội thảo sản xuất chip điện tử tại Việt
Nam</em></strong>" do Tổng Công ty công nghiệp Sài Gòn (CNS) tổ
chức với ước tính xây dựng nhà máy sản xuất chip với kinh
phí 200 triệu USD (2) và sẽ sản xuất chip theo công nghệ cũ
180nm (3). Ý định xây dựng nhà máy này từ nguyện vọng
"<em>chuyển đổi từ nền công nghiệp thâm dụng lao động gia
công sang nền công nghiệp có giá trị gia tăng cao và tạo ra
lượng hàng hóa có công nghệ chất xám cao, do người Việt Nam
mình làm chủ, góp phần bảo mật an ninh, quốc phòng, bảo vệ
bí mật của quốc gia của nước ta</em>" như ông N.V.T, tổng
giám đốc CNS phát biểu. Điều này nghe thì thấy đã lỗ tai
nhưng nếu phân tích kỹ thì liệu rằng xây dựng nhà máy sản
xuất chip ở Việt Nam có "<em>góp phần bảo mật an ninh, quốc
phòng, bảo vệ bí mật cúa quốc gia của nước ta</em>" hay
không. Và nếu có thì dựa trên cơ sở nào và có đáng bỏ
tiền ra để làm không? Về mặt kỹ thuật, vì sao chọn công
nghệ quá cũ và lạc hậu 180nm trong khi Intel đã bắt đầu xây
dựng nhà máy có thể làm chip 14nm dự kiến sẽ đi vào hoạt
động năm 2013 với kinh phí dự kiến trên 5 tỉ USD (4).

Theo xu hướng phát triển chung của thế giới, các công ty làm
về chipset chia ra 2 loại: công ty thiết kế chipset (fabless) và
công ty sản xuất chipset (fabrication). Các hãng làm về fabless
thì rất nhiều nhưng làm về sản xuất thì có thể đếm trên
đầu ngón tay. Ví dụ như các hãng Atmel, AMCC, Cirrus Logic,
SigmaDesigns, Micrel, Microchip, Micron, SST… là các hãng fabless, họ
thiết kế xong thì gởi ra ngoài để sản xuất con chip đó,
chỉ ngoại trừ một số trường hợp cá biệt như Intel hoặc
Samsung thì vừa có đội ngũ thiết kế, vừa có nhà máy sản
xuất. Các nhà máy sản xuất chip thương mại nổi tiếng hiện
nay đặt ở Taiwan và Korea. Nói về đầu tư, hãng fabless tập
trung chủ yếu cho đội ngũ kỹ sư thiết kế, còn hãng sản
xuất chip phải đầu tư tốn kém hơn rất nhiều lần do phải
lo về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nhân lực quản lý,
điều hành… xây dựng một nhà máy đàng hoàng cũng tốn vài
tỉ USD.

Do đó, không hiểu vì đâu chúng ta lại chọn con đường gian
khổ, tốn kém và đi ngược với xu hướng phát triển kỹ
thuật điện tử như vậy. Tiền thuế của người dân phải
được sử dụng hiệu quả dù đó chỉ là một xu nhỏ. 200
triệu USD để bỏ vào cho một nhà máy sản xuất chip là không
lớn, tuy nhiên đó là một số tiền đầu tư quá lớn khi chưa
biết phần thắng nằm trong tay.

Hãy nghe ông N.Đ.H giám đốc ICDREG kể: "<em>tôi đã từng đi
gặp các "đại gia" trong nước để bàn về việc xây dựng
nhà máy sản xuất chip. Khi nghe nói, phải đầu tư vài trăm
triệu đô và ít nhất ba năm sau mới có lời, nhiều người
nói: Như vậy, thà đi buôn bất động sản có lời hơn
nhiều</em>". Thế mới thấy rất khó dụ tư nhân bỏ tiền vô
đầu tư chuyện họ không nắm rõ và không hấp dẫn, cho nên
đi tư vấn cho các đối tượng khác sẽ dễ kiếm ăn hơn.

Cũng cần nói thêm, trong thành phần khách mời tham dự hội
thảo sản xuất chip vừa rồi, không thấy được một khuôn
mặt nào sáng giá để có thể nói lên được định hướng
đúng đắn của dự án. Ông N.Đ.H vốn là một giảng viên
điện tử đại học Bách Khoa chưa từng có một ngày kinh
nghiệm thực tiễn sản xuất chip nhưng rất giỏi làm
"<em>đề tài khoa học nhà nước</em>". Giáo sư Đ.L.M là
người của quá khứ với kiến thức cũ đã lâu không được
cập nhật. Nghe lời khuyên của giáo sư Đ.L.M nhân sự kiện
này được các báo trích dẫn "<em>đã quyết tâm xây dựng
nhà máy, tại thời điểm này nên chú ý đến việc đào tạo
nhân lực trong nước và gởi đi nước ngoài</em>" mới thấy
hết cái ý nghĩa vô thưởng vô phạt của nó. Bất kỳ ai cũng
có thể nói được như thế! Còn thành phần từ nước ngoài
có giáo sư B.N.C được giới thiệu là một chuyên gia trong lĩnh
vực thiết kế chip, giám đốc của công ty Identic (Thụy Sĩ),
tuy nhiên tra trên Google vẫn chưa tìm ra Identic là công ty nào và
có khả năng gì trong việc tư vấn lựa chọn công nghệ và
thiết lập nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.

<h2>Làm thế nào để nhận biết được "tiên tri giả" và
lời góp ý chân thành cho các vị có trách nhiệm.</h2>

Sách cổ ghi lại cách nhận diện các "tiên tri giả" cho
người dân như sau: "<em>xem tính tình biết được tiên tri
thật hay giả</em>" vì "tiên tri giả" giảng dạy người ta
chân lý nhưng không làm theo, "<em>tiên tri nào đòi dọn cơm,
đãi tiệc cho mình là tiên tri giả</em>", "<em>kẻ nào mượn
danh Thánh Linh mà nói rằng hãy cho ta tiền hoặc một thứ gì
khác, thì đừng nghe hắn; nhưng nếu người bảo ngươi giúp
đỡ người cùng túng thì đừng xét đón người</em>".

Với các vị có trách nhiệm ngày nay, mong muốn đất nước
mình hội nhập với nền khoa học kỹ thuật hiện đại là
điều đáng quí nhưng phải sáng suốt để không lâm vào cảnh
tiền mất tật mang. Các vị phải biết lắng nghe và chọn cho
đúng thầy. Hãy sử dụng tiền của nhân dân cho thích đáng.
Kẻ nào đưa ra vấn đề chia chác, lại quả đó chính là
"các tiên tri giả". Nếu quí vị muốn phát triển một xu
hướng kỹ thuật mới nào đó, hãy chỉ rõ tiềm năng và kêu
gọi các doanh nghiệp tư nhân trong nước, các công ty nước
ngoài đứng ra làm. Có thể ưu đãi, miễn giảm thuế cho họ
trong thời gian ban đầu để kích thích đầu tư. Chỉ có tư
nhân làm thì họ mới lo lắng đến đồng tiền đã bỏ ra và
quản lý mới tốt được.

Mong ước một ngày chúng ta được dự phần vào bàn tiệc công
nghệ cao còn nhiều chông gai!

<strong>Trí Vũ </strong>
________________________________

<strong><em>Tham khảo:</em></strong>
(1). Trang web của ICDREG.
http://www.icdrec.edu.vn/
(2). Nhà máy chip "Made in VN" & phát biểu của giáo sư Đ.L.M
http://www.cns.com.vn/Default.aspx?mod=news&atv=news_detail&idtype=3&idnews=26
http://www.cns.com.vn/Default.aspx?mod=news&atv=news_detail&idtype=3&idnews=27
(3). Chip Việt Nam đi từ công nghệ 180nm và phát biểu của
N.Đ.H
http://baodatviet.vn/Home/KHCN/Chip-Viet-Nam-Di-tu-cong-nghe-180nm/20117/153039.datviet
(4). Intel dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất chip 14-nm:
http://nextbigfuture.com/2011/06/intels-14nm-and-10-nm-processes-based.html

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9671), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét