Phương Chi - Quy định của pháp luật về việc tập trung đông người nơi công cộng

Để giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền
tự do dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật,
ngày 18-3-2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số
38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự
công cộng.

Theo Điều 7 của nghị định, việc tập trung đông người ở
nơi công cộng <span class="underlined-text">phải đăng ký trước
với UBND có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó</span>
và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký (<em>quy định
này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan
Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức chính trị - xã hội tổ chức</em>). Bản đăng ký phải
có các nội dung cơ bản sau: a) Họ tên, tuổi, địa chỉ của
người đăng ký; tên, trụ sở và các thông tin khác của tổ
chức đăng ký; b) Nội dung, mục đích việc tập trung đông
người; c) Ngày, giờ diễn ra hoạt động, thời gian kết thúc;
d) Địa điểm tập trung, đường đi, sơ đồ lộ trình sẽ đi
qua; đ) Tên của các tổ chức dự kiến tham gia và họ tên,
tuổi, địa chỉ của người đại diện cho tổ chức đó; e)
Số người dự kiến tham gia; cờ, ảnh, phương tiện mang theo,
nội dung biểu ngữ, khẩu hiệu (nếu có); g) Cam kết thực
hiện đúng nội dung, phạm vi hoạt động đã đăng ký và thực
hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật
tự công cộng. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận được bản đăng ký, chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền
có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc đăng ký tập trung
đông người. Chủ tịch UBND đã cho phép hoặc chủ tịch UBND
cấp trên trực tiếp có quyền tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc
hủy bỏ việc tập trung đông người khi xét thấy các hoạt
động đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công
cộng hoặc vi phạm nội dung đã cho phép...

Các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng gồm: 1. Quy định
khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi
âm, ghi hình, chụp ảnh; 2. Phân luồng giao thông, cấm hoặc
hạn chế người và phương tiện giao thông ra, vào những khu
vực nhất định; 3. Khi xảy ra tình trạng gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến trật tự công cộng thì tùy theo tình hình
cụ thể, cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện các
biện pháp sau đây để ổn định tình hình, bảo đảm trật
tự công cộng và xử lý người vi phạm: a) Thuyết phục, yêu
cầu mọi người chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của
pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng và chấm dứt ngay
hành vi vi phạm; b) Đặt rào cản, chốt giữ các nút giao thông;
c) Tạm đình chỉ hoạt động của các phương tiện giao thông;
d) Kiểm tra giấy tờ tùy thân; khám người, phương tiện; tạm
giữ người, phương tiện vi phạm; thu giữ vũ khí và các vật
dụng nguy hiểm theo quy định của pháp luật; đ) Cưỡng chế
người có hành vi vi phạm rời khỏi địa điểm tập trung
đông người trái pháp luật; e) Sử dụng công cụ hỗ trợ và
các công cụ, phương tiện khác để bảo đảm trật tự công
cộng; g) Trưng dụng tạm thời phương tiện, cơ sở vật chất
của cơ quan, tổ chức và công dân theo quy định của pháp
luật để phục vụ cho các biện pháp cấp bách nhằm lập lại
trật tự công cộng; h) Các biện pháp khác do pháp luật quy
định (quy định tại Điều 9 Nghị định 38/2005/NĐ-CP).

<h2>Giới hạn của hoạt động biểu tình ở một số quốc
gia</h2>

Phần lớn nội dung của luật biểu tình ở các quốc gia có
nhiều điểm chung như: quy định giờ giấc, địa điểm, phạm
vi và cả những yếu tố kỹ thuật liên quan và biện pháp
phòng ngừa những hành vi quá giới hạn cho phép.

Ví dụ, ở Anh các cuộc biểu tình phải xin phép trước 14
ngày. Địa điểm biểu tình có thể diễn ra ở nhiều nơi trừ
các khu vực cấm như quanh tòa nhà quốc hội. Tuy nhiên, người
biểu tình sẽ bị ngăn chặn hoặc giải tán ngay nếu gây cản
trở giao thông hoặc có biểu hiện gây bạo loạn. Người biểu
tình có hành động kích động bạo lực, tiến hành các hành vi
bạo lực đều bị bắt giữ và có thể bị kết tội hình
sự.

Tại Iraq, người tổ chức biểu tình phải nộp đơn lên Bộ
trưởng Nội vụ và Thống đốc tỉnh 72 giờ trước khi tiến
hành biểu tình, trong đó nêu rõ số người sẽ tham gia cũng
như thời gian và địa điểm biểu tình. Biểu tình phải diễn
ra hòa bình, các khẩu hiệu sử dụng trong cuộc biểu tình
không được kích động bạo lực tôn giáo và sắc tộc,
người biểu tình không được mang theo vũ khí nóng; nếu dẫn
tới bạo lực sẽ phải hứng chịu các biện pháp trấn áp theo
thẩm quyền của cảnh sát. Lệnh giới nghiêm cũng có thể
được ban hành trong các trường hợp cuộc biểu tình có dấu
hiệu đe dọa nghiêm trọng đến an ninh...

Phương Chi

______________________

<h2>Nghị định của Chính phủ số 38/2005/NĐ-CP</h2>

<em><strong>Nghị định của Chính phủ số 38/2005/NĐ-CP ngày 18
tháng 3 năm 2005 quy định một số biện pháp bảo đảm trật
tự công cộng.</strong></em>

<center><strong>NGHỊ ĐỊNH</strong></center>
<center><strong>CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 38/2005/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM
2005
QUY ĐỊNH MỘT SỐ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ CÔNG
CỘNG</strong></center>

<center><strong>CHÍNH PHỦ</strong></center>

Để giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền
tự do dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

<center><strong>NGHỊ ĐỊNH:</strong></center>

<strong>CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG</strong>

<strong>Điều 1.</strong> Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về một số biện pháp bảo đảm
trật tự công cộng; nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ,
ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và trách nhiệm của tổ chức,
cá nhân trong việc bảo đảm trật tự công cộng.

<strong>Điều 2.</strong> Trách nhiệm bảo đảm trật tự công
cộng

1. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm chấp hành
nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật
tự công cộng; tôn trọng các quy tắc chung của cuộc sống xã
hội; phát hiện, tố cáo mọi hành vi vi phạm pháp luật về
trật tự công cộng hoặc xâm phạm quyền tự do dân chủ của
công dân; tham gia, hỗ trợ các cơ quan chức năng phát hiện,
ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự công
cộng.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài cư trú và hoạt động trên
lãnh thổ Việt Nam có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quy
định của Nghị định này và các quy định khác của pháp
luật có liên quan đến bảo đảm trật tự công cộng.

<strong>Điều 3.</strong> Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật về trật tự công cộng

1. Cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp có trách nhiệm tuyên
truyền, giáo dục thành viên và người thuộc cơ quan, tổ
chức, địa phương mình ý thức tuân theo pháp luật, thực
hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy chế dân chủ trong
từng lĩnh vực công tác; kịp thời có biện pháp loại trừ
nguyên nhân, điều kiện gây ảnh hưởng xấu đến trật tự
công cộng.

2. Cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm thường xuyên
tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật
về bảo đảm trật tự công cộng, về khiếu nại, tố cáo,
về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc bảo đảm
trật tự công cộng để mọi người biết và tự giác chấp
hành.

<strong>Điều 4.</strong> Giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp
luật về bảo đảm trật tự công cộng

1. Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức thành
viên của Mặt trận giám sát việc thi hành pháp luật về bảo
đảm trật tự công cộng của tổ chức và cá nhân.

2. Thủ trưởng cơ quan nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
các cấp trong phạm vi quản lý của mình, có trách nhiệm
thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về
bảo đảm trật tự công cộng; kịp thời có biện pháp ngăn
chặn, giáo dục và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp
luật về bảo đảm trật tự công cộng.

<strong>Điều 5.</strong> Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để thực
hiện hoặc lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người
khác tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng
hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

2. Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật ở
lòng đường, vỉa hè, trước trụ sở cơ quan, tổ chức, tại
khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc
hội, Hội đồng nhân dân hoặc các hoạt động chính trị quan
trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc nơi công cộng
khác.

3. Tiến hành các hoạt động quy định tại Điều 7 Nghị
định này mà không được phép của Uỷ ban nhân dân cấp có
thẩm quyền.

4. Gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ
chức, của cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
hoặc cản trở, chống người thi hành công vụ.

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, bao che hoặc
xử lý không nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo
đảm trật tự công cộng.

6. Các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự
công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân hoặc trái
với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh nơi công cộng.

<strong>Điều 6.</strong> Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật
về bảo đảm trật tự công cộng

1. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công
cộng đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm
minh theo đúng quy định của pháp luật.

2. Việc xử lý vi phạm pháp luật về trật tự công cộng
phải thực hiện theo đúng quy định của Nghị định này và
các quy định khác của pháp luật có liên quan; phải căn cứ
vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm và
những tình tiết khác có liên quan để quyết định hình thức,
biện pháp xử lý thích hợp.

3. Chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết sau khi đã
áp dụng các biện pháp hướng dẫn, giáo dục, thuyết phục
nhưng người vi phạm vẫn không chấp hành hoặc cố tình vi
phạm, chống đối, gây rối trật tự công cộng.

<strong>CHƯƠNG II: NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ</strong>

<strong>Điều 7.</strong> Quy định về tập trung đông người ở
nơi công cộng

Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký
trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các
hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng
ký. Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do
các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.

<strong>Điều 8.</strong> Thủ tục đăng ký tập trung đông
người ở nơi công cộng

1. Trước khi tiến hành các hoạt động tập trung đông người
ở nơi công cộng, tổ chức hoặc người tổ chức các hoạt
động đó phải gửi bản đăng ký đến Uỷ ban nhân dân có
thẩm quyền. Bản đăng ký phải có các nội dung cơ bản sau
đây:

a) Họ tên, tuổi, địa chỉ của người đăng ký; tên, trụ
sở và các thông tin khác của tổ chức đăng ký;

b) Nội dung, mục đích việc tập trung đông người;

c) Ngày, giờ diễn ra hoạt động, thời gian kết thúc;

d) Địa điểm tập trung, đường đi, sơ đồ lộ trình sẽ đi
qua;

đ) Tên của các tổ chức dự kiến tham gia và họ tên, tuổi,
địa chỉ của người đại diện cho tổ chức đó;

e) Số người dự kiến tham gia; cờ, ảnh, phương tiện mang
theo, nội dung biểu ngữ, khẩu hiệu (nếu có);

g) Cam kết thực hiện đúng nội dung, phạm vi hoạt động đã
đăng ký và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về
bảo đảm trật tự công cộng.

2. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được
bản đăng ký, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền
có trách nhiệm xem xét, giải quyết việc đăng ký tập trung
đông người.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đã cho phép hoặc Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp trên trực tiếp có quyền tạm đình chỉ,
đình chỉ hoặc huỷ bỏ việc tập trung đông người khi xét
thấy các hoạt động đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến
trật tự công cộng hoặc vi phạm nội dung đã cho phép.

4. Bộ Công an hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm
quyền của Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc tiếp nhận,
giải quyết việc đăng ký, tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc
huỷ bỏ việc tập trung đông người ở nơi công cộng.

<strong>Điều 9.</strong> Các biện pháp bảo đảm trật tự công
cộng

1. Quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông
người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.

2. Phân luồng giao thông, cấm hoặc hạn chế người và phương
tiện giao thông ra, vào những khu vực nhất định.

3. Khi xảy ra tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến
trật tự công cộng thì tuỳ theo tình hình cụ thể, cơ quan
chức năng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau đây
để ổn định tình hình, bảo đảm trật tự công cộng và
xử lý người vi phạm:

a) Thuyết phục, yêu cầu mọi người chấp hành nghiêm chỉnh
các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công
cộng và chấm dứt ngay hành vi vi phạm;

b) Đặt rào cản, chốt giữ các nút giao thông;

c) Tạm đình chỉ hoạt động của các phương tiện giao thông;

d) Kiểm tra giấy tờ tuỳ thân; khám người, phương tiện; tạm
giữ người, phương tiện vi phạm; thu giữ vũ khí và các vật
dụng nguy hiểm theo quy định của pháp luật;

đ) Cưỡng chế người có hành vi vi phạm rời khỏi địa
điểm tập trung đông người trái pháp luật;

e) Sử dụng công cụ hỗ trợ và các công cụ, phương tiện
khác để bảo đảm trật tự công cộng;

g) Trưng dụng tạm thời phương tiện, cơ sở vật chất của
cơ quan, tổ chức và công dân theo quy định của pháp luật
để phục vụ cho các biện pháp cấp bách nhằm lập lại trật
tự công cộng.

h) Các biện pháp khác do pháp luật quy định.

4. Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành việc áp dụng các
biện pháp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

<strong>Điều 10.</strong> Thẩm quyền áp dụng các biện pháp
bảo đảm trật tự công cộng

1. Cán bộ, chiến sỹ, thủ trưởng các đơn vị Công an nhân
dân đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự
công cộng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình được thực hiện các biện pháp để bảo đảm trật tự
công cộng quy định tại các khoản 2, 3 Điều 9 Nghị định
này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Tổng cục trưởng Tổng
cục Cảnh sát, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng
Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục
Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục
trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt,
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Giám đốc
Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung đoàn
trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình có quyền quyết định áp dụng và tổ
chức thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng
quy định tại các khoản 2, 3 Điều 9 Nghị định này.

3. Trường hợp cấp thiết và theo đề nghị của Giám đốc
Công an cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết
định áp dụng các biện pháp cần thiết khác và huy động
lực lượng tham gia bảo đảm trật tự công cộng theo quy
định của pháp luật.

4. Trong trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của địa
phương thì theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp
tỉnh, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân
cấp tỉnh có liên quan để chỉ đạo giải quyết và ra quyết
định áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của
pháp luật để duy trì và bảo đảm trật tự công cộng.

5. Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng về trật tự công
cộng, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ
quyết định.

<strong>Điều 11.</strong> Xử lý vi phạm pháp luật về trật tự
công cộng

1. Đối với những trường hợp tập trung đông người trái
pháp luật, gây rối trật tự công cộng hoặc thực hiện các
hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 5 Nghị định này
thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện
pháp cần thiết theo quy định của Nghị định này và các quy
định khác của pháp luật có liên quan để ngăn chặn và xử
lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

2. Trường hợp tập trung đông người trái với quy định của
pháp luật vì lý do khiếu nại, tố cáo thì các cơ quan chức
năng có trách nhiệm hướng dẫn công dân thực hiện quyền
khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; đồng
thời vận động, giáo dục, thuyết phục họ tự giải tán,
trở về nơi cư trú. Đối với người cố tình vi phạm, không
chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành
vi chống đối, gây rối trật tự công cộng hoặc xâm hại
đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người
khác, xâm phạm tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì
các cơ quan chức năng được phép áp dụng các biện pháp cần
thiết theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, xử lý và
buộc người vi phạm trở về nơi cư trú.

<strong>Điều 12.</strong> Trách nhiệm của các Bộ, ngành, Uỷ ban
nhân dân các cấp trong tổ chức thực hiện việc bảo đảm
trật tự công cộng

1. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm ban hành
hoặc đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về
bảo đảm trật tự công cộng và tổ chức thực hiện nghiêm
chỉnh các quy định đó; kịp thời thông báo, trao đổi thông
tin với Uỷ ban nhân dân và các cơ quan có liên quan khi có vụ
việc xảy ra để chủ động phối hợp xử lý các tình huống
liên quan đến bảo đảm trật tự công cộng; khi xây dựng, ban
hành chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về phát
triển kinh tế, xã hội, phải chú ý đến các yêu cầu về
bảo đảm trật tự công cộng; đồng thời, phải có kế
hoạch, biện pháp cụ thể để hướng dẫn, tổ chức thực
hiện có hiệu quả, không để phát sinh sơ hở, thiếu sót dẫn
đến khiếu nại, tố cáo, gây rối, làm ảnh hưởng xấu đến
trật tự công cộng.

2. Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Nghiên cứu, đề xuất, ban hành văn bản hướng dẫn thuộc
thẩm quyền và tổ chức thực hiện các quy định của pháp
luật về bảo đảm trật tự công cộng;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chỉ đạo
Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện các biện pháp bảo đảm
trật tự công cộng theo quy định tại Nghị định này và quy
định của các văn bản pháp luật khác có liên quan;

c) Tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp theo quy
định của pháp luật để bảo đảm trật tự công cộng;

d) Tổ chức chỉ đạo việc điều tra, xử lý các hành vi xâm
phạm trật tự công cộng theo quy định của pháp luật.

3. Thanh tra Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của mình, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan tổ chức thực hiện công tác thanh tra, giải
quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật,
bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức,
cá nhân; phối hợp với Bộ Công an bảo đảm trật tự công
cộng ở những nơi xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người.

4. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các
cơ quan, đơn vị trong Quân đội có kế hoạch phối hợp với
chính quyền địa phương nơi đóng quân tuyên truyền, vận
động nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính
sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần bảo
đảm trật tự công cộng; phối hợp với chính quyền địa
phương và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các
biện pháp bảo đảm trật tự công cộng khi có yêu cầu của
cơ quan có thẩm quyền.

5. Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm bảo đảm thông tin
an toàn, thông suốt, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền trong việc kiểm soát thông tin để phục vụ yêu cầu
bảo đảm trật tự công cộng.

6. Uỷ ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền
hạn của mình, có trách nhiệm:

a) Chủ động nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, phát
hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng
quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
và các quyền tự do dân chủ khác của công dân để lôi kéo,
kích động hoặc cưỡng ép người khác tham gia tập trung đông
người trái phép, gây rối trật tự công cộng, chống người
thi hành công vụ hoặc các hành vi khác làm ảnh hưởng đến
trật tự công cộng, xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm lợi ích
của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá
nhân; có biện pháp cụ thể để ngăn ngừa, tiến tới loại
trừ các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng đó;

b) Có kế hoạch chủ động, phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban
Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các tổ chức thành viên của
Mặt trận trong việc tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn nhân
dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước, có ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật,
xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng; giám sát và xử lý
theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng tập trung đông
người để thực hiện các hành vi quá khích làm tổn hại
đến trật tự công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân;

c) Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự công
cộng trong phạm vi địa phương; phối hợp với các Bộ, ngành,
các cơ quan có liên quan xử lý tốt việc tập trung đông
người trái pháp luật và những hành vi vi phạm gây ảnh
hưởng xấu đến trật tự công cộng tại địa phương;

d) Giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, đúng pháp luật những
vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Khi xảy ra
tình trạng người của địa phương mình tập trung đông
người trái pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự
công cộng ở địa phương khác thì phải phối hợp với Uỷ
ban nhân dân nơi xảy ra tập trung đông người để giải quyết
và tổ chức đưa số người đó trở về nơi cư trú;

đ) Quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông
người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh và tổ chức thực
hiện việc đặt các biển báo đó.

<strong>CHƯƠNG III: KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM</strong>


<strong>Điều 13.</strong> Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực
hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự
công cộng thì được khen thưởng theo quy định của pháp
luật.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của
Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về bảo
đảm trật tự công cộng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi
phạm và tuỳ theo đối tượng vi phạm là tổ chức hay cá nhân
mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách
nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo
quy định của pháp luật.

3. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện
nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng xâm hại đến lợi
ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ
chức, cá nhân thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà
bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của
pháp luật.

4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm
trong tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy
định về bảo đảm trật tự công cộng hoặc có hành vi sách
nhiễu, dung túng, bao che, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức,
cá nhân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo để xảy ra tình
trạng tập trung đông người trái pháp luật, gây ảnh hưởng
xấu đến trật tự công cộng thì tuỳ theo tính chất, mức
độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách
nhiệm hình sự.

<strong>CHƯƠNG IV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH</strong>

<strong>Điều 14.</strong> Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày
đăng Công báo.

Những quy định trước đây của Chính phủ về bảo đảm
trật tự công cộng trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

<strong>Điều 15.</strong> Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị
định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9693), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét