Nhóm của ông Dũng: Nội các mới của Việt Nam

Thế giới chuẩn bị chứng kiến một Nguyễn Tấn Dũng thực
sự. Tuần trước, Quốc Hội, ngành lập pháp của Việt Nam,
đã chính thức bầu Nguyễn Tấn Dũng vào vị trí Thủ tướng
Việt Nam, và đây là nhiệm kỳ thứ hai của ông. Trong tuần
này, nội các mới của ông đã được bầu. Đội hình trông
có vẻ rất trung thành với ông chủ, mang tính kế thừa mạnh
mẽ, và tập trung vào việc thực thi các chính sách hiện tại.

Một số nhà phân tích cho rằng Dũng là một người bảo thủ
trung thành trong bộ quần áo của một nhà cải cách. Những
người khác nhìn thấy một người theo chủ nghĩa dân tộc
mạnh mẽ, người hết mình cải cách kinh tế và kiểm soát xã
hội. Vào cuối nhiệm kỳ năm năm này của ông, kết quả sẽ
xác định ai là người đã đúng về Nguyễn Tấn Dũng.

Vào tuổi 64, Dũng, cựu sĩ quan y tế và cựu chiến binh tới
từ tỉnh cực Nam của Việt Nam, Cà Mau, đã vượt qua được
tiến trình xem xét nghiêm ngặt trong nội bộ Đảng Cộng Sản
Việt Nam và đã được cho cơ hội để chọn đội ngũ của
mình. Thành công hay thất bại của đất nước giờ đây đặt
trên vai của ông. Điều này không hoàn toàn giống với nhiệm
kỳ đầu tiên của ông, bởi khi đó ông chịu nhiều định
hướng, và buộc phải cố gắng điều hành một số Phó thủ
tướng và Bộ trưởng đã có sẵn [không "hợp rơ"]. Sau hai
lần hoán đổi nội các năm 2006 và 2007, và bây giờ khi có
điều kiện lựa chọn đội hình riêng của mình, Dũng về cơ
bản đã củng cố quyền lực điều hành của ông, và sẽ
chịu trách nhiệm chỉ đạo chính sách của Việt Nam tới năm
2015.

Đảng CSVN, luôn thận trọng và ý thức về sự cần thiết
phải duy trì kiểm soát, đã cẩn thận tổ chức đội ngũ lãnh
đạo để đảm bảo rằng nếu Dũng vấp ngã, những đòn bẩy
sẽ được dùng đến để chỉnh hướng, chủ yếu thông qua
việc đặt Trương Tấn Sang vào vị trí Chủ tịch nước.

Một đối trọng khác với quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng là
sự tiến bộ về chính trị của Quốc Hội. Ngành lập pháp
đã trở nên mạnh mẽ hơn trong thập niên vừa qua, nhưng vai
trò của nó là gây ảnh hưởng, cảnh báo và khuyến nghị. Nó
không nắm quyền lực quyết định, và chưa từng phản đối
một ứng cử viên lãnh đạo hay chức vị bộ trưởng do Đảng
đề cử.

Vào ngày 3 tháng 8, Quốc Hội đã xác nhận bằng biểu quyết
việc bổ nhiệm 4 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng nội các.
Cũng giống như cuộc bầu cử của lãnh đạo cấp cao một
tuần trước đó, không hề có bất ngờ. Nhìn kỹ các bộ
trưởng mới có thể thấy được những ưu tiên của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ.

Các đặc điểm quan trọng nhất của nội các mới là tinh
giản, liên tục, gắn kết và trẻ. Đây là đội bóng của ông
Dũng. Thủ tướng đã có thể thực hiện lựa chọn của mình
với nhiều tự do hơn so với khi ông được bầu lần đầu
vào năm 2006, cho thấy việc tiếp tục tăng cường sức mạnh
của văn phòng thủ tướng. Trong khi Tổng Bí thư Đảng CSVN,
ông Nguyễn Phú Trọng, mang danh nhân vật quyền lực nhất trong
cả nước theo hiến định, thì sự thống trị của văn phòng
Thủ tướng trong các công việc hàng ngày vẫn sẽ tiếp diễn.

Nội các mới được trông đợi sẽ tiếp tục yêu cầu nền
kinh tế và doanh nghiệp nhà nước thắt chặt kiểm soát tài
chính, và cải cách hình ảnh của mình. Số lượng Phó thủ
tướng được cắt từ 5 xuống 4, và số lượng Bộ trưởng
từ 26 xuống còn 22. Mục đính phía sau những thay đổi này là
tinh giảm bộ máy hành chính và loại bỏ sự dư thừa giữa
các bộ ngành. Những thay đổi này phản ảnh mục tiêu của
chính phủ là tạo ra một ngành hành pháp hiệu quả và đáp
ứng tốt hơn.

Tính liên tục cho thấy một cam kết mạnh mẽ là sẽ tiếp
tục các chính sách hiện tại, bao gồm cải cách kinh tế, kiểm
soát xã hội, và trong đối ngoại, tăng cường các tổ chức
trong khu vực Đông Nam Á trong khi quan hệ sâu sắc hơn với các
đối tác chiến lược, ví dụ như Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Châu
Âu.

Trong số 4 Phó thủ tướng, có hai đương nhiệm và hai được
đưa lên từ vị trí Bộ trưởng của nội các cũ. Bảy Bộ
trưởng đương nhiệm và tám được đưa lên thừ các vị trí
Thứ trưởng trước đây. Bảy Bộ trưởng còn lại là những
khuôn mặt mới tinh. Năm được đưa từ các vị trí của
Đảng sang bên chính phủ, một chuyển từ bộ này sang bộ
khác, và Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, ông Đinh La Thăng,
51 tuổi, là người vừa giữ chức vụ Chủ tịch tập đoàn
dầu khí Việt Nam thuộc sở hữu nhà nước.

Đây cũng là nội các trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam gần
đây với độ tuổi trung bình là 56. Trong nhiệm kỳ trước,
Dũng trẻ hơn một nửa nội các của ông. Giờ đây, dù vẫn
còn tương đối trẻ, nếu so với đội hình mới, Dũng là một
người cao tuổi.

Nhìn vào ba Bộ trưởng quan trọng nhất - Thanh ở Bộ Quốc
Phòng, Huế ở Tài Chính và Minh ở Bộ Ngoại Giao, có thể
thấy những chính sách trụ cột của Việt Nam sẽ tiếp tục
tiến về phía trước.

Bộ trưởng đương nhiệm của Bộ Quốc Phòng Phùng Quang Thanh,
63 tuổi, đã nhận được tổng số phiếu bầu cao nhất trong
Quốc hội với con số vang dội 97,4%. Sự ủng hộ này cho thấy
sự tôn trọng mang tính thể chế cho lực lượng quân đội, và
một quyết tâm quốc gia là phản kháng mạnh mẽ trong các vấn
đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại biển Đông.
Tăng cường quốc phòng và các mối quan hệ an ninh với Hiệp
hội Đông Nam Á (ASEAN) và tăng cường những liên kết với Hoa
Kỳ sẽ là sự ưu tiên. Tuần trước Việt Nam thông báo sự
kiện động thổ xây dựng một cơ sở nghiên cứu hải quân Hoa
Kỳ, đây là cơ sở quân sự Hoa Kỳ mới đầu tiên tại Việt
Nam sau chiến tranh.

Một chủ đề khác là mối quan tâm ngày càng tăng của Quốc
Hội tới lạm phát tăng cao của Việt Nam và sự trì trệ của
nền kinh tế. Sự lo lắng của Quốc Hội được thể hiện qua
việc Bộ trưởng Bộ Tài Chính cũ, ông Vũ Văn Ninh, 56 tuổi,
được đưa lên làm Phó thủ tướng với số phiếu tương
đối thấp, chỉ có 81,8%. Đây là gần 10% thấp hơn so với
ứng cử viên Phó thủ tướng có số phiếu thấp kế tiếp.
Người thay thế Ninh, ông Vương Đình Huệ, 54 tuổi, nhận
được số phiếu cao 90,2%. Tại vị trí Tổng Kiểm toán Nhà
nước trước đây, Huệ chứng tỏ không phải là nhà lãnh
đạo vớ vẩn, được trang bị bởi những con số và sự
kiện, với nhiệm vụ chấn chỉnh sự thiếu hiệu quả của
các doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn, ngăn chặn những thất
bại khác như sự gần như sụp đổ của tập đoàn nhà nước
Vinashin, và giám sát các điều chỉnh của nền kinh tế để
hạn chế lạm phát và ổn định tiền Đồng. Ông ta sẽ
được hỗ trợ bởi Nguyễn Văn Bình, 50 tuổi, người vừa
được thăng chức từ Phó thống đốc lên Thống Đốc ngân
hàng Nhà nước Việt Nam. Bình đã nói rõ ràng rằng ông ta sẽ
tiếp tục các chính sách tiền tệ thắt chặt, và kiểm soát
lạm phát là mục tiêu chính của ông.

Đội bóng kinh tế mới này có thể áp dụng một số biện
pháp nghiêm trọng ngắn hạn như kiểm soát giá cả. Những
bước đi không mang tính kinh tế thị trường như thế cần
phải được quan sát cẩn thận bởi chúng có thể làm giảm
tính hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến cho các nhà
đầu tư mới.

Một trong những bổ nhiệm quan trọng nhất với lợi ích của
Hoa Kỳ là ông Phạm Bình Minh, 52 tuổi, vào vị trí Bộ trưởng
Bộ Ngoại Giao. Minh nhận được 94% số phiếu từ Quốc Hội.
Minh là con trai của Nguyễn Cơ Thạch, người nắm vị trí Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao từ năm 1980 đến 1991, và được cho là
lãnh đạo đầu tiên ủng hộ thiết lập lại mối quan hệ
ngoại giao với Hoa Kỳ và cải cách kinh tế. Minh kế thừa chủ
nghĩa thực dụng và sự cởi mở đối với phương Tây của cha
mình.

Vị trí đầu tiên của Minh trong Bộ Ngoại Giao là ở Đại
sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh. Năm 1999, ông được bổ
nhiệm làm Phó đại diện thường trực tại Liên Hợp Quốc,
và 2001-2003, ông giữ chức Phó đại sứ tại Đại sứ quán
Việt Nam tại Washington. Tất cả các chỉ dẫn đều cho thấy
ông sẽ được một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và ủng hộ xu
hướng tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ với Hoa Kỳ.

Khi mà Dũng và đội ngũ mới của ông bắt đầu công bố kế
hoạch của mình, họ sẽ phải đối mặt với một môi trường
đầy thách thức. Mới hòa nhập vào cấu trúc thượng tầng
tài chính và thương mại toàn cầu khổng lồ, nền kinh tế
tương đối nhỏ (GDP mới gần 100 tỷ USD) và thể chế còn
đang phát triển của Việt Nam sẽ gặp thách thức nghiêm trọng
bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Người dân Việt Nam đang
hưởng lợi lớn từ cải cách kinh tế, và rõ ràng không thể
quay lại. Việt Nam cũng cam kết đóng vai trò dẫn dắt trong
ASEAN và giúp đỡ xây dựng cấu trúc an ninh và thương mại
mới trong khu vực. Trận chiến dành ảnh hưởng và liên kết
địa chiến lược sẽ gây ảnh hưởng tới tiến trình trên,
và làm sao để không bị lạc hướng là một thử thách lớn.
Con đường phía trước đầy thách thức, và màu sắc thực sự
của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ được nhìn thấy rõ ràng vào
cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình.

<em>Ernest Bower là cố vấn cấp cao và là giám đốc Chương
trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và
Quốc tế ở Washington, D.C. Greg Poling là nhà nghiên cứu về
Việt Nam trong chương trình này.</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9555), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét