Nguyễn Thanh Sơn - Báo chí ở Việt Nam

<div class="special_quote"><em>Chính vì chức năng "tuyên truyền cho
các chính sách của Đảng và Nhà nước" cũng như vai trò
"định hướng dư luận" được coi là chính yếu, nên không
có gì đáng ngạc nhiên khi trình độ chuyên môn về thông tin
của báo chí Việt Nam chưa thể so sánh với báo chí khu vực,
chưa nói gì đến báo chí trên thế giới.</em></div>

Năm 1994, về nước, tôi được nhận vào làm thực tập tại
tiểu ban Tin Tham Khảo, thuộc Ban Quốc tế của Thông tấn xã
Việt Nam (một số bạn hẳn còn nhớ, ở thời điểm đó, hàng
ngày Thông tấn xã Việt Nam phát hành hai bản tin tham khảo
sáng-chiều có đóng dấu "mật- tài liệu không phổ biến").
Tiểu ban của chúng tôi có mười mấy người, do anh Hà Minh
Huệ mới từ phân xã New York trở về làm trưởng tiểu ban (anh
Huệ hiện đang giữ chức Phó chủ tịch thường trực Hội nhà
báo Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam). Mặc
dù mang tiếng làm việc ở Ban Quốc tế của Thông tấn xã,
nhưng công việc của chúng tôi chỉ đơn giản là dịch lại tin
tức từ các bản tin của các hãng thông tấn nước ngoài như
AP, UPI, Reuter… được chuyển về bằng máy telex (hồi đó chưa
có Internet và máy fax cũng rất hạn chế). Cứ đầu giờ sáng,
anh Huệ qua phòng telex lấy tin, mang về xé cho chúng tôi mỗi
người một mảnh cặm cụi ngồi dịch, sau đó chừng 10h sáng
thì nộp cho anh Huệ để làm bản tin chiều, đầu giờ chiều
lại nhận tin để dịch, tới 3h30 chiều nộp làm bản tin sáng.
Anh Huệ là người thày đầu tiên trong quãng đời nghề báo
ngắn ngủ của tôi, người cặm cụi sửa cho tôi từng lỗi
dịch sai, từng dấu chấm câu. Tôi còn nhớ, sau nhiều ngày
hùng hục làm việc, một buổi chiều, anh Huệ rất hớn hở
cầm một tập bản tin tới bàn làm việc của tôi khoe: "tin em
dịch được đăng rồi đây này!". Tôi run bắn lên vì hồi
hộp, nhưng khi nhìn thấy bản in thì lại thất vọng tràn trề:
toàn bộ bài báo tôi dịch đã bị cắt còn lại đúng năm
dòng, thông báo về việc một nhóm cựu binh Mỹ tới bờ biển
Đà Nẵng tổ chức lướt sóng!

Suốt thời gian làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam, tôi học
được hai bài học chính về nghề báo ở Việt Nam. Bài học
thứ nhất - đừng làm ngôi sao, hãy viết như mọi người! Tôi
rất ngạc nhiên khi những bài báo tôi dành tâm huyết để
nghiên cứu, tìm cách diễn đạt đặc sắc lại là những bài
báo không bao giờ qua được cửa biên tập, trong khi những bài
báo vô thưởng vô phạt, được viết ra một cách qua quít cẩu
thả lại được khen ngợi. Chúng tôi thường đùa nhau, cơ quan
của chúng tôi giỏi nhất việc vo tròn phong cách viết của
mọi người, là cái lò tạo ra những sản phẩm dập khuân. Bài
học thứ hai tôi học được sau ba tháng làm việc đầu tiên,
khi tôi được anh Huệ biểu dương ở cuộc họp chung ở tiểu
ban về thái độ và hiệu suất làm việc. Lý do là thông
thường, chúng tôi chỉ phải dịch tin đến 10h sáng, sau đó có
thể nghỉ ngơi, đọc báo, uống trà hay tán láo cho đến lúc
ăn trưa. Nhưng tôi thường chỉ mất hơn một tiếng để dịch
một tin, nên đến 9.30 đã xong phần việc của mình và tiện
tay dịch thêm vài tin nữa, kết quả là nhiều khi tới giờ ăn
tôi vẫn cặm cụi ngồi làm. Sau buổi họp, mấy chị lớn
tuổi hơn nửa đùa nửa thật nói với tôi "này, buổi trưa
chị còn phải đi đón con, giặt quần áo, đi chợ, nên cậu
đừng có phấn đấu làm chiến sĩ thi đua như thế sếp cứ
lấy cậu là làm gương là chết bọn chị". Hóa ra nếu bạn
không muốn vừa phải làm thêm nhiều việc, vừa bị mọi
người ghét, thì chỉ viết giống như mọi người chưa đủ,
bạn còn phải làm việc giống mọi người nữa. Khi tôi biết
cách mỗi buổi chỉ dịch một tin, thời gian còn lại đọc
báo, uống trà và tán láo giống như mọi người, không khí
trong tiểu ban đối với tôi thay đổi hẳn, thân thiện hơn
trước rất nhiều, chỉ có anh Huệ là cười cười nói "mày
học nhanh quá".

Mười bảy năm sau ngày tôi rời khỏi Thông tấn xã Việt Nam,
báo chí Việt Nam đã có những thay đổi lớn. Với gần 800 tờ
báo và tạp chí, hàng chục đài truyền hình trung ương và
địa phương, hơn một trăm kênh truyền hình đang được phát
sóng, báo chí Việt Nam, cũng giống như xã hội Việt Nam, đang
loay hoay trong một giai đoạn bản lề.

<div class="boxleft300"><img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/bao-chi.jpg" width="450" height="338"
alt="bao-chi.jpg" /><div class="textholder">Chèn tiêu đề của ảnh
vào đây</div></div>
Nói đến báo chí Việt Nam, trước tiên phải nói đến sự
khác biệt của nó đối với báo chí ở bên ngoài. Một trong
những đặc điểm đầu tiên tôi đã có dịp đề cập ở
trên, đó là vấn đề uy tín. Ở những quốc gia mà tôi có
dịp tới học tập hay làm việc, báo chí - trừ những tờ báo
in hay kênh truyền hình cực kỳ lớn - phần lớn bị coi là
"rác rưởi". Cạnh tranh gay gắt về thông tin, sự hùng hậu
của báo lá cải khiến cho sự cạnh tranh trong giới truyền
thông trở nên hết sức khốc liệt, và người ta không từ
một thủ đoạn nào để có được thông tin. Uy tín và sự tin
cậy dành cho phóng viên ở mức đặc biệt thấp, và mỗi một
cuộc phỏng vấn đối với lãnh đạo của các thương hiệu hay
công ty là một cuộc đấu trí thực sự. Trong khi đó, báo chí
Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn trước, được công chúng
coi trọng- dù dưới tư cách là kênh phát ngôn chính thức của
các cơ quan thuộc Đảng và nhà nước, hay dưới tư cách phản
biện của tiếng nói quần chúng lao động.

Trên phương diện phát ngôn chính thức ("là tiếng nói
của…", "là cơ quan ngôn luận của…" - được in rõ ràng
trên manchette báo), báo chí Việt Nam thường được chia thành ba
nhóm: báo chí nhóm một, báo chí nhóm hai và báo chí nhóm ba.
Nhóm một là những cơ quan báo chí quan trọng nhất như báo
Nhân Dân, đài truyền hình Việt Nam, đài phát thanh tiếng nói
Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Báo chí nhóm hai là báo chí
thuộc chính quyền và đảng bộ địa phương hay các tổ chức
chính trị xã hội cấp Trung ương như Hà nội mới, Đài
truyền hình Hà nội, Sài gòn Giải phóng, Thanh Niên hay Lao
Động…báo chí nhóm ba là các báo, tạp chí hay bản tin còn
lại. Tuy có vai trò quan trọng trong việc "định hướng dư
luận", nhưng trừ truyền hình, còn các báo in thuộc nhóm một
và hai lại có lượng người đọc ít hơn so với báo chí nhóm
ba (tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ
như báo T.T, tờ nhật báo lớn nhất và có uy tín nhất cả
nước, lại chỉ được coi là báo chí nhóm ba).

Chính vì chức năng "tuyên truyền cho các chính sách của
Đảng và Nhà nước" cũng như vai trò "định hướng dư
luận" được coi là chính yếu, nên không có gì đáng ngạc
nhiên khi trình độ chuyên môn về thông tin của báo chí Việt
Nam chưa thể so sánh với báo chí khu vực, chưa nói gì đến
báo chí trên thế giới. Trong một giờ lên lớp, khi tôi đề
nghị các sinh viên của tôi (đang theo học năm thứ ba của khoa
báo chí trường Đại học Xã hội và Nhân văn) thử viết một
tin ngắn chừng hai trăm chữ về thông tin một công nhân bị tai
nạn ngã chết trên công trường xây dựng, khai thác thông tin
này trên mười hướng khác nhau, tôi rất ngạc nhiên khi tuyệt
đại đa số họ không hiểu được thế nào là "khai thác
trên mười hướng", thậm chí chỉ trên khía cạnh một tin
vắn thông thường, họ cũng chưa viết được. Thực ra, nếu
bạn nhìn vào giáo trình giảng dạy cho sinh viên báo chí, bạn
sẽ không thể trách họ được, nhất là khi bạn biết, phần
lớn giáo viên giảng dạy tại khoa báo chí lại chưa từng
được làm báo theo đúng nghĩa của nó, mà chủ yếu hoặc
nghiên cứu về lịch sử báo chí tại các trường đại học
thuộc Liên xô cũ, Cu-ba hay Đông Đức, hoặc được chuyển từ
khoa Ngữ văn sang. Các tờ báo buộc phải đào tạo lại các
phóng viên theo kiểu truyền nghề, từ kinh nghiệm thực tế
(như anh C.K của báo S.G.T.T phải tự soạn ra một cuốn sách
lấy tên là "Những gì họ không dạy bạn ở trường báo
chí" để huấn luyện lại cho phóng viên) nên thỉnh thoảng
lại có một đợt sóng trồi sụt về chất lượng của báo
chí khi những phóng viên lâu năm nghỉ việc hoặc chuyển sang
làm việc ở tờ báo khác

Báo chí Việt Nam hình thành một số nét đặc biệt khác, mà
tôi tạm gọi là "văn hóa" để so sánh nó với báo chí
quốc tế. Đầu tiên là văn hóa "báo không thể sai". Ở các
nước khác, trước khi đến được với người đọc, thông tin
thường phải trải qua một quá trình kiểm tra chéo nghiêm ngặt
để đảm bảo tính trung thực và khách quan của nó, và nguồn
tin thường được phân cấp về mức độ tin cậy (nguồn tin
cấp một- nhận trực tiếp từ nguồn, được tiếp cận văn
bản; nguồn tin cấp hai –nhận trực tiếp từ nguồn, không
được tiếp cận văn bản; nguồn tin cấp ba- thông tin nhận qua
trung gian, không được tiếp cận văn bản…vv). Trong khi đó,
ở Việt Nam, các tờ báo rất ít khi đưa việc kiểm tra chéo
thông tin như một qui trình bắt buộc của tác nghiệp báo chí,
nên lấy lý do báo sắp ra nhà in, thông tin cần đưa ngay,
người ta khá thoải mái trong việc cung cấp các nguồn tin
thiếu kiểm chứng. Ngay cả khi đưa tin không đúng sự thật,
báo chí Việt Nam cũng rất hiếm khi xin lỗi hay đăng thông tin
cải chính- mặc dù luật báo chí có qui định về việc này

Thiếu sự đòi hỏi nghiêm ngặt về tính chính xác của thông
tin sẽ dẫn đến thiếu cạnh tranh gay gắt về thông tin, nên
báo chí Việt Nam hình thành một văn hóa "chia sẻ", trái
ngược hoàn toàn với văn hóa "độc quyền" của báo chí
nước ngoài. Ở Việt Nam, thông tin có thể được các phóng
viên làm việc ở các tờ báo khác nhau chia sẻ với nhau, và
các phóng viên ở các tờ báo khác nhau hoàn toàn thoải mái khi
cùng ngồi trao đổi hoặc phỏng vấn đại diện của một công
ty. Các phóng viên viết cùng một lĩnh vực như kinh tế, văn
hóa, giáo dục hay y tế hình thành các nhóm chơi với nhau khá
thân thiết, và có rất ít cạnh tranh về thông tin giữa họ
với nhau. Điều này là trái ngược hoàn toàn với báo chí
phương Tây, nơi phóng viên của các tờ báo luôn luôn dè
chừng, cảnh giác với phóng viên của các tờ báo khác mà họ
coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, và hầu như không có
chuyện họ lại chơi với nhau theo nhóm. Văn hóa chia sẻ này
khiến cho những khái niệm như " dành riêng cho…"
(exclusive…) hầu như ít tồn tại ở Việt Nam, và "đặc
quyền tiếp cận" không còn là một công cụ hữu hiệu của
quan hệ công chúng ("đặc quyền tiếp cận" là một công
cụ của quan hệ công chúng, khi bạn cung cấp quyền tiếp cận
thông tin hoặc nguồn tin chỉ dành riêng cho một phóng viên hay
một tờ báo, do đó tạo giá trị cho riêng tờ báo hay phóng
viên đó). "Văn hóa chia sẻ", cộng thêm với văn hóa
"đừng làm ngôi sao" khiến cho các bài viết thường na ná
như nhau, ít có bản sắc riêng của người viết, và đặc
biệt khi đã có thông cáo báo chí được soạn sẵn, thì việc
các bài báo với nội dung giống nhau xuất hiện trên vài ba
chục tờ báo là điều thường xuyên xảy ra. "Văn hóa chia
sẻ" cũng khiến cho các tin xấu lan đi rất nhanh, và hầu như
rất khó làm cái điều mà nhiều khách hàng của chúng tôi đòi
hỏi-"bịt" tin xấu lại không cho phát tán ra ngoài. Khi các
phóng viên quyết định "đánh" một vấn đề gì đó, họ
cũng thường phát động "chiến tranh tổng lực" hay "chiến
tranh trường kỳ" dựa trên sự chia sẻ thông tin trong nhóm.

"Văn hóa chia sẻ" của báo chí Việt Nam lại dẫn đến văn
hóa "báo không ăn thịt báo"- báo chí Việt Nam rất e ngại
trong việc đưa ra những thông tin ngược lại với thông tin đã
được đăng tải trên "các báo bạn", cho dù biết rằng
những thông tin đó có thể không chính xác. Phần lớn trường
hợp, họ chỉ dùng thái độ im lặng của mình để phản ứng
thông tin sai lệch, mà hầu như không bao giờ trực tiếp đứng
ra chỉ trích tính tin cậy hay công khai thách thức tính xác
thực các bài báo của đồng nghiệp. Có một sự "ngầm
định" khi có ai đó có ý định thách thức văn hóa "báo
không thể sai" của báo chí Việt Nam

Một nét văn hóa nữa chúng ta có thể nhận rõ trong thời gian
vừa qua, đó là văn hóa "lề trái" và "lề phải" của
báo chí Việt Nam- rất nhạy cảm về mặt chính trị, có các
qui tắc và "cấm kỵ" bất thành văn và chịu sự kiểm soát
chặt chẽ về mặt nội dung của các cơ quan chính quyền và
tổ chức Đảng. Chuyên gia quan hệ công chúng phải nắm được
"văn hóa lề phải": các định hướng tuyên truyền và các
chính sách chính trị, xã hội kinh tế trọng tâm, từ đó khéo
léo lồng ghép vấn đề của mình cho phù hợp với chính sách
đó, đồng thời phải hiểu được "văn hóa lề trái"
những mối quan tâm và bức xúc của quần chúng, phản ánh
thông qua báo chí, hiểu được ranh giới mong manh giữa hai lề
và sự tế nhị của các tổng biên tập khi phải giữ một
khoảng cách vừa phải với cả hai lề

Một đặc điểm nữa của báo chí Việt Nam là văn hóa đồng
dạng. Phần lớn các báo hay chương trình truyền hình của
Việt Nam có nội dung tương tự như nhau, và không có sự khác
biệt quá nhiều về "thương hiệu" báo chí như các tờ T.T,
T.N, L.D, N.L.D…Báo chí chuyên ngành ở Việt Nam còn chưa phát
triển, nội dung nghèo nàn, chất lượng bài viết không cao và
lượng người đọc thấp. Đây là thiệt thòi lớn đối với
ngành quan hệ công chúng, vì quan hệ công chúng chủ yếu tác
động đến những nhóm đối tượng nhỏ và chuyên biệt (ví
dụ như các nhà khoa học, các chuyên gia một ngành khoa học cụ
thể, các chính trị gia..vv) mà báo chí chuyên ngành, ở các
nước khác, lại là công cụ đắc lực để tác động đến
nhóm đối tượng này. Lý do chủ yếu, có lẽ là, thói quen
nghiên cứu vấn đề của mình một cách nghiêm túc và khoa học
chưa được hình thành ở Việt Nam. Khi các chuyên gia không có
thói quen tổng kết những vấn đề mà mình nghiên cứu hay theo
dõi, trình bày cho công chúng hay đồng nghiệp của mình dưới
dạng các bài viết hay công trình có giá trị thực tiễn, thì
sẽ khó có đất cho sự phát triển của báo chí chuyên ngành.

Trong rất nhiều cuộc hội thảo về nghề báo và mối quan hệ
giữa quan hệ công chúng và báo chí Việt Nam, có một câu hỏi
thường xuyên được nhắc tới, đó là "văn hóa phong bì".
Tôi cố giải thích cho các khách hàng của chúng tôi, những
khách hàng bị ràng buộc bới Điều luật về chống hối lộ
các cơ quan và tổ chức nhà nước (báo chí Việt Nam, do nhà
nước sở hữu và quản lý, nằm trong phạm vi của điều luật
này), nguồn gốc của văn hóa này. Năm 1988, khi tôi rời khỏi
Việt Nam, tôi đang nhận tiêu chuẩn tem phiếu hạng N (Nhân
dân). Tiêu chuẩn này cung cấp cho tôi hàng tháng một khẩu
phần là 13 kg gạo (được tăng lên 18 kg khi tôi vào học đại
học), 100 gram thịt (có giá trị chuyển đổi sang 200 gram sườn
hay 150 gram mỡ), 500 gram đường và 0.5 lít nước chấm. Với
các tiêu chuẩn tem phiếu khác (A-B cho cấp Bộ/Thứ trưởng, C
cho cấp Vụ trưởng, D-E cho cấp trưởng phòng, chuyên viên, cán
sự), khẩu phần có khá hơn, nhưng tựu trung cũng vẫn là một
khẩu phần chết đói. Để giúp cán bộ của mình có thể tồn
tại mà không suy nhược đến chết, các cơ quan nhà nước
phải có "kế hoạch 3", bằng mọi cách tăng khẩu phần ăn
cho cán bộ của mình. Tuy vậy, danh chính ngôn thuận các "quĩ
đen" như vậy không được công nhận, và phân chia các quĩ
như vậy cũng rất phức tạp. Cách chia đơn giản nhất là ở
các cuộc họp, mỗi người dự họp được phát một cái phong
bì, trong đó có một số tiền nhỏ. Cứ như vậy, hình thành
một thói quen, thậm chí là một văn hóa, đó là khi tới dự
các cuộc họp, các đại biểu đều được phát một phần quà
nhỏ hoặc một phong bì có tiền. Khi tôi làm việc ở Thông
tấn xã, chúng tôi có một quĩ nhỏ, do đóng góp của cán bộ
trong ban đang làm việc ở các phân xã nước ngoài, quà của
địa phương khi chúng tôi đi công tác..vv tất cả được cho
vào một "quĩ đen" được dùng vào các việc hiếu, hỉ,
thăm nom người ốm và, chia đều cho các cán bộ của tiểu ban
dưới dạng phong bì trong các cuộc họp. "Miếng bít-tết mà
quí vị đang ăn trong bữa trưa nay"- tôi thường nửa đùa
nửa thật nói với họ-"gấp đôi số thịt mà tôi được ăn
trong cả tháng, cho nên đừng giận dữ khi chúng tôi bắt buộc
phải tìm cách để tồn tại". Phần lớn các bạn có lẽ còn
nhớ câu nói quen thuộc của thời đó "nhà văn-nhà báo-nhà
giáo= nhà nghèo"

Chính vì hiểu được lý do bắt nguồn của văn hóa đó, nên
trong một thời gian dài, tôi không cảm thấy có vấn đề gì
khi trong các cuộc họp báo, các phóng viên nhận một phong bì
với một số tiền nhỏ. Chúng tôi coi số tiền nhỏ đó là
số tiền bù cho chi phí xăng xe đi lại của phóng viên, những
thứ chúng tôi biết tòa soạn sẽ không bao giờ hoàn trả
ngược lại cho họ. Dù có nhận phong bì đó, phóng viên cũng
không có bất cứ một trách nhiệm nào về nội dung bài viết,
về thái độ trong cuộc họp báo…vv.

Điều đáng tiếc là, cùng với thời gian, văn hóa phong bì đã
bị biến tướng bới một số công ty quan hệ công chúng hay
một số khách hàng coi việc "mua bài" của phóng viên là
công việc chính của chuyên gia quan hệ công chúng. Các phóng
viên đã tức giận kể cho tôi nghe, trong buổi họp báo của
một công ty kinh doanh bất động sản, người phát ngôn của
công ty đã viết lên bảng số fax của công ty mình và bảng
giá của các bài viết- hỡi các phóng viên, hãy fax bài viết
của bạn tới cho chúng tôi và chúng tôi sẽ trả tiền cho các
bạn dựa vào nội dung ca ngợi của bài viết! Chúng tôi sẽ
đếm chữ để trả tiền, các bạn hãy cố gắng lên! Cho dù
làm các nhà báo chân chính tức giận, không thể thừa nhận
rằng có một số nhà báo đã bị ảnh hưởng, và "phong bì"
trở thành nguồn thu nhập chính của họ, đặc biệt là khi tờ
báo không đủ sức nuôi sống họ. Cho nên, chúng tôi đã gặp
cả hai trường hợp, khi thì có phóng viên kiên quyết không
nhận phong bì có số tiền nhỏ kia, lúc lại có phóng viên
thẳng thừng hỏi sao không trả tiền cho họ "kiếm chút
cháo" khi mà chúng tôi đã lấy tiền từ khách hàng để "có
cơm ăn".

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9724), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét