Mẹ Nấm - Chuyện về "bí mật thư tín" cá nhân

Điện thoại di động, email và mật khẩu (password - PW), là
những thứ không thể không nhắc đến trong mỗi lần được
mời, bị mời.

Sau một hồi loanh quanh lòng vòng, thế nào thế lực hắc ám
cũng nhắc đến những thứ này.

Cuối mỗi buổi làm việc, và không thu được danh bạ điện
thoại, email & PW là coi như bảng báo công bị thiếu mất phần
ghi điểm quan trọng.

Bởi vậy, bằng đủ mọi giá: dọa dẫm, dụ dỗ, ép buộc
dưới hình thức "tự nguyện" bằng cam kết hẳn hoi (<em>Tôi
tự nguyện giao tài khoản email cá nhân & pw của mình để hợp
tác với cơ quan điều tra</em>) thì nhất định phải có tên
của email & PW trên giấy.

Hài hước thiệt.

Những câu chuyện về những buổi trà đàm còn dài, nhiều vấn
đề chưa nói. Cứ lần lượt, mọi người sẽ biết được
những gì đã xảy ra, còn và sẽ xảy ra trong những cuộc trà
bất đắc dĩ.

Như chúng ta đã biết, vụ bắt giữ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ bắt
đầu chỉ là kiểm tra hành chính và có 2 cái "dụng cụ ngừa
thai, phòng bệnh lây lan qua đường tình dục" mà thôi. Từ đó
nảy sinh ra chuyện kiểm tra các phương tiện cá nhân như máy
điện toán... và cả ví tiền. Thật nực cười cái cớ. Nhưng
không vì nực cười mà họ không làm, họ ở đây chắc chắn
không cần giải thích, ai cũng hiểu "ai là ai". Lẽ dĩ nhiên
chuyện ông Vũ khác, rất khác với những buổi trà đàm...

Người "được" mời trà, thường là những bloggers. Và đã là
"cư dân mạng" đố tìm ra ai không có e-mail. Đã xài blog, (viết
và đọc) có ai không có mật khẩu cho những tiện ích mạng kia
không?

Ngoài những người "được" mời trà, còn có những người bị
bắt giữ (bị nhấc bổng, bị cắp nách, bị đạp vào mặt)
thì sao?

Họ sẽ bị hỏi rất nhiều vấn đề. Trong đó có hỏi đến
việc: "<em>Anh( chị) có "chơi" blog không?</em>". Thật ra, lực
lượng hắc ám hỏi cho có vậy, chứ đàng nào họ cũng sẽ
ép bạn nhận mình là một blogger, chí ít cũng dùng để đọc
bài.

Khoan nói đến chuyện e-mail với blog.

Trước hết là con dế yêu của bạn. Hẳn bạn thấy khó chịu
khi một ai đó tò mò vớ dế của bạn coi coi ngó ngó. Nhân
viên công lực chưa cần biết bạn là ai, điều đầu tiên sẽ
là câu hỏi về số điện thoại. Thực ra, tùy từng hoàn cảnh
mà lời đề nghị lấy số điện thoại cá nhân có được
đáp ứng hay không. Nếu ở ngoài đường, câu hỏi đó cực
kỳ vô duyên. Nhưng vào chốn hùm beo, thì phần lớn những
người bị bắt đang sợ hãi hoặc lo lắng nên cung cấp ngay
số điện thoại cá nhân. Hãy xác định rằng, bạn chưa phạm
luật gì cả, thì việc cung cấp cho nhân viên công lực số
điện thoại của mình là chuyện hoàn toàn thuộc về cá nhân.
Bạn có thể từ chối, không cung cấp cho bất cứ ai nếu không
cần thiết đối với chủ số.

Nếu họ ép vì lý do nghiệp vụ, vì mọi công dân phải sống
làm việc theo hiến pháp, pháp luật thì bạn cứ mạnh dạn xin
thưa với họ rằng: "Số điện thoại cũng là dạng tài sản
cá nhân". Vì thế ban không cần phải cung cấp cho ai với tư
cách cá nhân - đừng nghĩ đến vị trí bạn đang ngồi."

Nực cười là thái độ của những nhân viên công lực. Ra
lệnh cho người bị bắt để điện thoại lên bàn. Xong rồi
vồ lấy và bấm bấm. Thật, không thể có hình ảnh nào xấu
hơn để mà ví. Cứ coi nhân viên công lực của tư bản "giãy
chết" mà thấy xấu hổ cho lực lượng bảo vệ pháp luật
của chế độ tươi đẹp. Nên nhớ rằng, ở những nước
"giãy chết", nếu những hành vi của công lực có vấn đề, khi
đương sự kêu luật sư, những hành vi đó không bị dễ dàng
bỏ qua đâu. Mà thôi, phấn vôi không so được trong trường
hợp này!

Lại nói đến thư điện tử hay mật khẩu blog.

Tình huống một thường hỏi thẳng: "E-mail của anh (chị) là
gì?"

"Mật khẩu blog như thế nào?"

Tình huống hai: Nếu bị từ chối thì nhân viên công lực bắt
đầu dụ dỗ. Chỉ riêng với tên của Email thôi đã. Dụ có
thể không xong, quay sang ép và dọa dẫm. Dĩ nhiên, với những
người yếu bóng vía thì cung cấp ngay từ đầu. Lân la có thể
đến mật khẩu blog rồi nực cười nhất là kết luận vào
biên bản trớt quớt rằng: "Tôi tự nguyện giao tài khoản email
cá nhân & pw của mình để hợp tác với cơ quan điều tra."

Chưa xong, còn trớt cà quớt hơn nữa là câu phán: "Tạm thời
chúng tôi phải quản lý email này, tài khoản này của anh để
phục vụ công tác điều tra".

Đánh giá như nào về hành vi này của các anh?

Non tay và kém cỏi đến không ngờ. Bản lĩnh của một đám
người ở trong tình trạng luôn sợ hãi nó mới vậy.

Hãy thử mà xem một đoạn phim của bọn tư bản giãy chết. Dĩ
nhiên, trên phim khác xa, thua xa so với ngoài đời thực. Nhân
viên điều tra sẵn sàng cho đương sự thấy họ login vào ACC
của đương sự. Chứng tỏ sự cao tay về nghiệp vụ, mạnh
mẽ về bản lĩnh và tối quan trọng nhất là công khai về mặt
luật pháp.

Lại so phấn với vôi mất rồi!

Với kinh nghiệm của người đã từng bị bắt, từng "được"
mời trà nhiều lần. Mình thấy có mấy vấn đề như sau:

1. Chúng ta có quyền không cung cấp tên email và password. Đây là
quyền được quy định rõ trong Hiến pháp.

<div class="special_quote"><strong>Điều 73</strong>

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người
đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho
phép.

Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo
đảm an toàn và bí mật.

Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư
tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền
tiến hành theo quy định của pháp luật.</div>

Dù ai có nói thế nào đi nữa, lý do A-B-C-D gì đi nữa thì
chúng ta vẫn có quyền này.

Nhiều người nghĩ rằng, mình không làm gì sai nên chẳng có gì
phải sợ, mọi chuyện đều công khai, nên cứ thế mà đưa
email và PW. Năm 2009, mình cũng vậy. Sau đó về nhà log in, kiểm
tra lại thấy phần thông tin cá nhân và email recovery đã bị
thay đổi. (Thậm chí, có người không may mắn, còn bị đổi
pass luôn). Đây là kiểu ăn cắp trắng trợn và hèn kém nhất
mà mình gặp.

Vì vậy, nếu có ai đó nói bạn sai vì tham gia biểu tình, vì
có liên lạc trên mạng, vì có tham gia diễn đàn abc-xyz nào
đó, thì hãy để họ chứng minh điều đó bằng phương pháp
nghiệp vụ của họ. Đừng để họ dẫn dụ hay khích tướng
mình rằng, không có gì sai, không có gì phải giấu thì giao
nộp ACC & PW đi. Không ai phải chứng tỏ mình vì những lời
như vậy, bởi nếu lực lượng hắc ám đã xác định là bạn
có tội thì họ sẽ bắt bạn bằng bất cứ giá nào.

Nếu có ai viện lý do gì để ép buộc bạn thì hãy bảo họ
công khai email và pass của họ trước đi, vậy mới công bằng.

2. Một điều rất lạ là mặc dù Hiến pháp quy định "Thư
tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an
toàn và bí mật." thì lực lượng hắc ám luôn tự cho mình cái
quyền tịch thu điện thoại và kiểm soát các cuộc gọi đến
cùng tin nhắn của khổ chủ khi đang làm việc.

Bạn hãy nhớ rằng, một khi họ còn khăng khăng với bạn là
họ đang mời bạn làm việc thì phải yêu cầu họ đối xử
với bạn công bằng theo đúng pháp luật.

Không ai được tự ý quản lý điện thoại của bạn.

Trong thời gian làm việc, mọi cuộc gọi đến và tin nhắn,
nếu bạn không được xem thì người khác cũng vậy.

Nếu bị buộc phải tắt điện thoại, thì hãy yêu cầu họ
để bạn liên lạc với người thân và gia đình thông báo cho
mọi người yên tâm. Sau đó tắt máy và cùng niêm phong điện
thoại lại.

Một khi đang còn được mời làm việc, thì không ai có thể
thay bạn quản lý tài sản của mình.

Nếu có thể, bạn yêu cầu tháo SIM ra khỏi máy sau khi đặt
password cho cả hai, máy và SIM. Nếu cần, chỉ niêm phong SIM là
đủ.

Một điều tôi luôn nói với các bạn rằng, cho dù bị bắt
như những trường hợp kể trên hay "được" mời trà thì bạn
luôn nhớ rằng bạn chưa hề phạm pháp. Bạn không phải là
tội phạm.

Từ chỗ đó, bạn có quyền không đáp ứng bất cứ yêu cầu
nào mà những yêu cầu đó vi phạm luật như ví dụ trên. Bạn
không cần phải thực hiện nghĩa vụ mà song song với nó
quyền lợi cũng như chính bản thân bạn bị xâm hại, có thể
là thân thể hay các quyền lợi về danh dự khác.

Bạn có dám chắc, trong thời gian bạn đang uống trà. Một bài
viết do chính họ viết để làm hại bạn không xuất hiện
trên blog của bạn, hay một bức điện thư từ Email của bạn
được gửi đi hoặc được đến từ một Email lạ hoắc với
nội dung hoàn toàn bất lợi cho bạn hay không? Sau khi họ có
ACC, password, họ làm gì chả được khi bạn đang bị giữ? Bởi
thế, việc cung cấp những gì liên quan, bạn hãy bình tĩnh cân
nhắc và có những cam kết cụ thể.

Dẫu biết dưới gầm trời này, không đâu như xứ mình. Mọi
sự vô lý và chà đạp luật pháp luôn xảy ra như cơm bữa
đối với "lực lượng bảo vệ luật pháp". Nhưng hãy cố
gắng, giữ được bất cứ cái gì an toàn cho bạn thì nên cố
giữ.

Hãy tin vào sự bình tĩnh và sáng suốt của chính bạn.

Quan trọng nhất, bạn nên luôn tin rằng mình là người chiến
thắng ở cuộc đấu cuối - bởi những điều đúng đắn mà
mình đã làm.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9396), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét