Nguyễn Ngọc - Những người bạn khiến tôi có thêm niềm tin[*]

Tôi đã ngồi lặng yên nhìn những tấm hình của <a
href="http://danluan.org/node/4703">bạn Thanh chụp</a> và gởi về
Dân Luận.

Sống mũi chợt cay cay. Xúc động. Thật xúc động vì hành
động nhỏ của bạn - tiếp nối xúc động vì <a
href="http://danluan.org/node/4606">hành động của bạn Nguyễn
Minh</a>.

Trước đây, tôi đã có được vài người bạn cùng quan điểm
và mục đích sống (đương nhiên không phải hoàn toàn lúc nào
chúng tôi cũng đồng ý với nhau mọi vấn đề, nhưng mục tiêu
chung và chính yếu nhất thì chúng tôi luôn chia sẻ, đồng
cảm), đối với tôi đó đã là một thành công lớn trong đời
sống cá nhân. Chúng tôi đến với nhau thật trong sáng và giản
dị vì cùng một nỗi niềm, không phải vì cái mà người ta
thường gọi là "lôi kéo, rù quến, rủ rê, kích động, bị
xúi giục v.v..." hay những cái gọi là "danh vọng, thích chứng
tỏ, thích lên mặt, thích làm người yêu nước, thích được
gọi là nhà dân chủ v.v...", càng không phải cái gọi là "vì
tiền", bởi lẽ trong chúng tôi ai cũng có công việc ổn định
với thu nhập khá và lo toan được cho gia đình.

Từ ngày biết Dân Luận - ban đầu tôi chỉ nghĩ - đó là nơi
mà tôi có thể chia sẻ, bộc lộ thêm suy nghĩ thật của mình
(Chắc mọi người đều đồng ý rằng: khi ta bức bối về
việc gì đó, có một chỗ, có một người lắng nghe - chỉ
cần lắng nghe thôi - cũng đủ giúp ta nhẹ nhõm phần nào tâm
trạng u uất). Nhưng không, từ khi biết và trở thành độc
giả quen thuộc của Dân Luận, tôi lại có thêm (ngoài những
điều nói trên) những người bạn mới - bạn chưa bao giờ
biết mặt, chưa bao giờ nghe giọng nói như: Công Huân, Tùng
Vị, Kami, Xích Lô Hải Phòng, Phụ Nữ Sài Gòn, HoaiNamLe, Thanh
Nguyễn, NQ, Nguyễn Đại, Câm Điếc, Hồng Sương, Người Hay
Cãi, Joyce Anne Nguyen và những người bạn khác mà đến cái tên
ảo hay giả cũng không biết, chỉ cảm nhận qua lời bình luận
một bài viết nào đó của các bạn ấy. Thế thôi! Tôi cũng
đã hài lòng và cảm thấy sung sướng lắm dù những người
bạn trên mạng này, có người đã cùng tôi cãi nhau chí tử và
căng thẳng về một quan điểm nào đó. Rồi một ngày, một
người bạn nữa - Bằng Phong Đặng Văn Âu chỉ với lời chia
sẻ ngắn cũng làm tôi cảm động khi Bằng Phong chỉ cần "Khà!
uống với tôi một chung rượu!".

Cứ thế, tôi cứ đi làm, rảnh rỗi và bức xúc thì viết,
giải khuây thì làm vài ly rượu, bia với bạn bè.

Một hôm khi đọc lời bình của một bạn - Người con Sài Gòn
- tôi lại bỗng nhận ra: Ồ! ta lại có thêm người bạn nữa.
Chia sẻ thật lòng và tiếp nối, một người nữa - Nguyễn
Minh, tiếp nữa - Thanh. Có phải tôi đang là một người khá
hạnh phúc không các bạn? Tôi tin chắc là như vậy.

Tôi cho rằng tôi đã quá may mắn trong cuộc đời này khi có
những người bạn như kể trên. Còn gì tuyệt vời hơn là có
người bạn luôn chia sẻ, hoặc sẵn sàng cãi nhau chí tử vì
những điều chẳng xa xôi gì. Sau những lần đó, ta lại có
thêm bạn, hiểu bạn, có thêm kiến thức, có thêm vốn sống,
có thêm tình nhân ái, thêm yêu mến cuộc đời này. Đó có
thể là một sự tự an ủi? Đó có thể là một sự tự động
viên? Có thể và hơn thế nữa - chắc chắn đó là một hành
trang quan trọng cho tất cả chúng ta trong cuộc sống tiếp diễn
hàng ngày mà những phi lý, dối trá cũng như đê tiện vẫn
lấn áp chúng ta, phải không các bạn?

Tôi bỗng nhớ "Ngồi yên như núi" của Thiền sư Thích Nhất
Hạnh khi ông gởi cho các đệ tử của mình để chia sẻ và
sử dụng phương thức tình thương để tránh nguy hiểm và đổ
máu cho tất cả. Một điều đáng để tất cả chúng ta suy
ngẫm. Dĩ nhiên, chúng ta không phải hoặc chưa phải là đệ
tử nhà Phật, nên chúng ta chưa thể lĩnh hội thấu đáo tư duy
"Ngồi yên như núi" nhưng điều đó không cản trở chúng ta làm
những việc mà chúng ta thấy vui và ích lợi cho ta, cho bạn bè,
cho mọi người.

Nhân đây, tôi cũng muốn nhắn gởi đến các bạn "ở phía bên
kia" và thông qua các bạn, tôi muốn nhắn gởi đến tất cả
những người có trách nhiệm cao nhất cho đến thấp nhất
đối với đất nước Việt Nam vài điều :

- Chúng tôi - những người dân Việt - cũng giống như các bạn,
cũng biết thương yêu mình, gia đình mình, bạn bè, đồng
loại, cũng biết căm phẫn những gì ngoại bang đang gây ra cho
dân mình. Khi bức bối (dù cho việc nhỏ nhặt nhất) thì
người ta chỉ có hai cách để thể hiện : Một - buông xuôi, im
lặng và cam chịu. Hai - phản ứng lại. Sự phản ứng lại là
hành động tự nhiên (nói không quá như là bản năng sinh tồn),
mong các bạn hãy suy nghĩ khách quan, đừng theo suy nghĩ một
chiều khi người khác phản ứng lại nghĩa là : sai - phản
động - phá hoại - bị xúi giục. Sự im lặng, cam chịu không
chắc là điều hay, đôi khi nó như một đợt sóng thần mà
thời điểm bắt đầu không được biết trước. Sao các bạn
không nghĩ rằng: giữa sự im lặng mà không biết trong đầu
người ta đang nghĩ gì, tính gì và việc biết rõ người khác
đang nói gì, đang cần và đòi hỏi gì, điều nào tốt hơn?
Chính những gì chúng tôi nói ra, các bạn biết hết nên chẳng
có gì e dè, điều quan trọng là các bạn có thật sự tin
những gì chúng tôi nói là sự thật? Đó là vấn đề rất khó
khăn trong cái cách mấy chục năm nay, sự dối trá luôn tồn
tại như là phương cách bảo vệ mình từ trong gia đình đến
ngoài xã hội, từ tập thể nhỏ cho đến cộng đồng lớn.
Các bạn giải quyết được vấn đề LÒNG TIN thì sẽ giải
quyết được mọi vấn đề. LÒNG TIN lại phụ thuộc vào sự
chân thành đôi bên. Sự chân thành đôi bên thì phải có kiểm
chứng và đối chiếu. Phương pháp tam đoạn luận không là quá
khó. Chúng tôi đòi hỏi các bạn phải chứng tỏ lòng tin của
các bạn đối với chúng tôi - bởi lẽ đơn giản chúng tôi
đã thể hiện lòng tin của chúng tôi rồi (bằng những bài
viết, những lời bình, những hành động). Khi lòng tin của
phía chúng tôi đã được trình bày khá nhiều và khá lâu nhưng
chúng tôi không được lắng nghe và đáp ứng bằng lòng tin
của các bạn thì những lời nặng tai, khó nghe là điều dễ
hiểu. Đôi khi chúng tôi tự hỏi phải bằng cái gì nữa, phải
mất bao lâu nữa thì các bạn mới tin chúng tôi một điều duy
nhất - chúng tôi chỉ muốn tự do, dân chủ.

- Tôi tin các bạn cũng vì cuộc sống "cơm áo gạo tiền" và
sự bình yên cho mình và gia đình mình, nên phải làm những
điều mà chắc chắn trong thâm tâm các bạn không muốn, vậy
thì khi các bạn buộc phải đối xử với những người như cô
Tạ Phong Tần, LS Lê Trần Luật, cô Dương Thị Tân, Luật gia
Phan Thanh Hải v.v... thì hãy bằng cách này, cách khác sao cho
không phiền lòng cấp trên của các bạn mà cũng đỡ đau đớn
về thân xác và tủi nhục về thân phận của những người
này. Gia đình tôi cũng đã từng vào tù ra khám cả hai chế
độ trước và sau 1975, tôi là người cũng bị khủng bố và
chứng kiến cho hoàn cảnh người thân gia đình mình, nên nhận
xét khách quan. Ngày xưa cha tôi, anh tôi cũng bị chế độ
trước bắt bớ, tù đày ra tận Côn Đảo nhưng cảnh sát chìm,
cảnh sát nổi cũng không hành động như các bạn đang hành
động như bây giờ. Gia đình tôi vẫn kinh doanh bình thường
mặc dù luôn có cảnh sát chìm theo dõi, họ không đến làm khó
dễ, không triệt đường sống của gia đình tôi, không động
chạm đến những đứa nhỏ chưa đến tuổi thành niên, không
buộc chúng tôi vào bước đường cùng. Đó là sự thật mà
tôi là chứng nhân ít nhất của gia đình tôi.

Viết đến đây , tôi nhớ - bạn tôi - Người Hay Cãi có nói :
<em>Nếu giữ đôi mắt ấy, càng đi nhiều sẽ càng chán nản
mà thôi nếu như chỉ nhìn vấn đề một chiều và với thái
độ hằn học.</em> và tôi xin gởi các bạn lời khuyên này
của người bạn tôi.

Thật lòng, tôi mong một ngày không xa tôi không còn gọi các
bạn là "các bạn ở phía bên kia", vì chúng ta là người Việt
Nam, phải không các bạn. Mong lắm!

Nguyễn Ngọc

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4707), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét