Đào Tuấn - “Không thể đọc và viết” nên “Chỉ nói không làm”

Tổng thống Nga Medvedev từng cương quyết khi đòi hỏi nâng cao
chất lượng đội ngũ cán bộ: "Họ hoặc là học cách sử
dụng máy vi tính hoặc sẽ phải tạm biệt công việc. Chúng ta
không sử dụng những người không thể đọc và viết. Sự
hiểu biết về máy vi tính ngày nay cũng như vậy".

Ở Việt Nam, còn nhớ tại phiên thảo luận Dự án Luật Công
nghệ thông tin năm 2005, đại biểu QH Nguyễn Lân Dũng cũng cho
rằng: Phải đưa vào luật quy định những cán bộ Nhà nước
không chịu học công nghệ thông tin, không dùng được website,
không dùng được mạng của Chính phủ thì nên từ chức. Đã
đến lúc những cán bộ Nhà nước không thể không hiểu biết
về công nghệ thông tin".

Tình trạng "không thể đọc và viết" này, đến cuối năm 2009
được thể hiện bằng một con số trong báo cáo của Ban chỉ
đạo Quốc gia về CNTT: 30% cán bộ của Hà Nội không biết sử
dụng Internet. Ở "tầm cỡ quốc gia", kết quả điều tra năm
2008 của Bộ Nội vụ cho thấy trong 195.422 cán bộ thuộc các
cơ quan hành chính ở TƯ, có tới 25,4% chưa học tin học. Tại
cấp xã, trong số 192.438 cán bộ, có tới 87,30% chưa học tin
học và 94,22% chưa học ngoại ngữ.

Hà Nội mà có tới 30% cán bộ không biết gì về Internet thì
quả khó tin và câu hỏi được đặt ra sau đó là nếu giới
cổ cồn trắng Thủ đô "không thể đọc và viết" còn nhiều
đến như vậy thì ở Sơn La, Lai Châu, ở Tây Nguyên con số
đó sẽ là bao nhiêu?! Và vấn đề "không thể đọc và viết",
chưa được đào tạo đầy đủ chỉ là "một bộ phận",
"một số ít" hay là đa số?!

Năm 1993, kết quả khảo sát của Ban Tổ chức cán bộ Chính
phủ đưa ra những con số đáng báo động: "Số công chức
đạt tiêu chuẩn là 40%, số còn thiếu một số tiêu chuẩn
nhưng vẫn đảm nhiệm tốt công tác là 20%, còn 20% là thiếu
tiêu chuẩn cơ bản và 20% là không phù hợp với tiêu chuẩn".
Việc đồng ý để hàng chục phần trăm cán bộ yếu kém "nợ
tiêu chuẩn" và chấp nhận những cán bộ "có nhiều bằng cấp
nhưng chỉ cho đẹp hồ sơ" đã sinh ra hậu quả là đến nay,
tức 17 năm sau, vẫn còn hàng chục phần trăm cán bộ "chưa
đáp ứng được yêu cầu công việc". Thậm chí sự yếu kém
của họ còn là những yếu tố làm nảy sinh hàng loạt những
bất cập. Theo nghiên cứu mới công bố của hai chuyên gia Phan
Vinh Quang và John Bently của dự án Star: Nhiều cơ quan nhà nước
đã ban hành một rừng văn bản pháp lý phức tạp và quy định
hành chính mâu thuẫn, mà chỉ các cán bộ và doanh nghiệp có
mối quan hệ mật thiết mới biết. Hơn 61% doanh nghiệp được
hỏi cho rằng, phải có "mối quan hệ" mới biết được
những văn bản hay thủ tục của các cơ quan công quyền.

Trong giới công chức, viên chức có một thuật ngữ "nhóm NATO"
(No Action Talk Only) để chỉ những người "chỉ nói không làm".
Sự thật này được khẳng định bởi một quan chức của Bộ
Nội vụ, đó là Vụ trưởng vụ CCHC, ông Đinh Duy Hoà:"Nhiều
bộ trưởng thừa nhận trong cơ quan mình có hơn 30% viên chức
làm việc thực sự và họ phải dựa vào các viên chức đó,
hơn 30% gọi là có làm việc, và khoảng 30% không làm gì".

Hôm 13-4, khi thảo luận về dự án Luật Viên chức, Bộ
trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đề xuất "điều khoản
chuyển tiếp". Theo đó viên chức được tuyển dụng trước
ngày 1-7-2003 sẽ không phải ký hợp đồng làm việc và có các
quyền, nghĩa vụ theo quy định mới khi luật có hiệu lực.
Điều đó có nghĩa cả đội ngũ viên chức "không thể đọc
và viết", đội ngũ "Chỉ nói không làm" sẽ nghiễm nhiên
được đảm bảo công việc "đến già".

Đề nghị này đã vấp phải sự phản ứng. Chủ nhiệm Ủy ban
Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết thường
trực Ủy ban TVQH không tán thành. Bởi nếu như vậy thì những
người được tuyển dụng trước 1-7-2003 sẽ cứ yên tâm ngồi
yên trong bộ máy dù không đáp ứng được trình độ chuyên
môn, thậm chí yếu kém về phẩm chất đạo đức, vi phạm kỷ
luật lao động. "Chuyển tiếp công chức không thể
"automatic" mà phải rà soát, đánh giá lại. Không thể chấp
những người đã vào cơ sở công lập nhưng không chịu phấn
đấu, ăn không ngồi rồi, ngôi lê mách lẻo nói xấu nhau, phá
bĩnh công việc của người khác…trong khi cũng được hưởng
quyền lợi như người năng động, cần mẫn khác. Chúng ta
phải có cơ chế kiểm soát để những người mà năng lực
chuyên môn không đảm bảo, phẩm chất đạo đức không ổn
sẽ có thêm một hai năm để phấn đấu, khắc phục nhưng
không thể cứ duy trì mãi nếu bản thân viên chức đó không
cố gắng" - ông Thuận nói rất cương quyết và thẳng thắn.

Chính Vụ trưởng Vụ CCHC- Bộ Nội vụ Đinh Duy Hòa đã phát
biểu: "Cải cách tiền lương và nâng cao chất lượng, phẩm
chất của đội ngũ cán bộ là hai mục tiêu mà chương trình
tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2010 không đạt
được". Chất lượng phẩm chất của đội ngũ cán bộ chưa
được nâng lên đã làm nảy sinh những thói hư tật xấu trong
cả quan niệm lẫn việc làm: Đó là sự ỉ lại, không dám tự
giải quyết công việc và tự chịu trách nhiệm. Đó là tình
trạng bằng cấp và đặc biệt là các "chứng chỉ chính trị"
như một sự đảm bảo, thay thế cho công việc hàng ngày. Hoặc
chỉ cần hay nói, hay khen và quan hệ tốt với xếp thay cho
hiệu quả và chất lượng công việc. Trưởng Phòng CCHC Sở
Nội vụ tỉnh Thanh Hóa Phạm Văn Tuyền có lần đã phát biểu:
"Bộ máy hành chính dù gọn nhẹ, hiện đại đến mấy; thể
chế có chuẩn chỉ, chặt chẽ đến mấy, nhưng đội ngũ cán
bộ, công chức không được quan tâm đầu tư đúng mức, thì
"cải cách" gì đi chăng nữa cũng chỉ thế mà thôi!".

Trong thực trạng đó, Luật Viên chức phải được coi là công
cụ, là cơ hội để loại bỏ đội ngũ "không thể đọc và
viết", loại bỏ những người "không làm gì cả" ra khỏi bộ
máy nhà nước dù họ được hưởng lương từ nguồn nào, chứ
không nên "đương nhiên chấp nhận", bất chấp họ làm việc
như ra sao.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4748), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét