1975 - đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh (kỳ 2)

<h2>"Thời cơ chiến lược"</h2>

Kế hoạch tháng 10 thận trọng song cũng rất đề cao yếu tố
thời cơ. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là bằng bất cứ
cách nào khả dĩ, tạo ra cái mà QĐNDVN gọi là "thời cơ
chiến lược". Thời cơ chiến lược này có thể là một
cuộc binh biến ở Sài Gòn, một cuộc đảo chính dẫn tới sự
sụp đổ của chính quyền Miền Nam Việt Nam, hoặc một chiến
thắng quân sự quyết định của các đơn vị quân chủ lực
QĐNDVN. Kế hoạch lệnh cho tất cả các lực lượng cộng sản
hành động ngay lập tức và quyết liệt, bất cứ khi nào thời
cơ chiến lược xuất hiện, để khai thác thời cơ ấy bằng
cách tổ chức tấn công toàn diện, nhằm giành thắng lợi hoàn
toàn trong thời gian ngắn nhất có thể trước khi các nước
"có xu hướng can thiệp", chủ yếu ám chỉ Mỹ và Trung
Quốc, kịp phản ứng.

<div class="boxright300"><img src="/files/u1/sub01/1826787_n.jpg" width="417"
height="290" alt="1826787_n.jpg" /><div class="textholder">Sài Gòn năm
1965 (ảnh tư liệu)</div></div>
Kế hoạch tấn công năm 1975 được chia thành ba giai đoạn và
sẽ được tiếp nối vào năm 1976 bởi một cuộc "tổng tiến
công và nổi dậy" để "giải phóng" hoàn toàn miền Nam.
Giai đoạn đầu của kế hoạch 1975 là một cuộc tấn công có
giới hạn trong địa bàn tác chiến của Văn phòng Trung ương
Cục Miền Nam, kéo dài từ tháng 12 năm 1974 tới tháng 2 năm
1975. Giai đoạn hai, trung tâm của Tổng Tiến công 1975, sẽ bắt
đầu từ tháng 3 năm 1975 với cuộc tấn công tầm cỡ quân
đoàn vào tiền đồn gần biên giới Đức Lập trên Đường 14
tại phần cực phía nam của Tây Nguyên. Trận Đức Lập sẽ
được hỗ trợ bởi các hoạt động phụ có tính chất nghi
binh ở miền Đông Nam Bộ (toàn khu vực từ Sài Gòn tới rìa
Tây Nguyên), vùng hạ du ở miền Trung Việt Nam, và khu vực Trị
Thiên (phía bắc vùng hoạt động của Quân đoàn I VNCH). Giai
đoạn ba, từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1975, kết hợp các cuộc
tấn công truy đuổi ở phần phía bắc của miền Trung, củng
cố lực lượng QĐNDVN trên phần còn lại của miền Nam, và
chuẩn bị "kế hoạch bất ngờ" khi cần. Các mục tiêu kế
hoạch cho năm 1975 là tiêu hao một phần đáng kể tổng lực
của VNCH; làm thất bại chương trình "bình định"; mở
rộng mạng lưới hậu cần tiếp tế của QĐNDVN xuống Đường
14 tới tận Đồng bằng Sông Cửu Long; chặt đứt đường liên
lạc của đối phương; phá hoại nền kinh tế miền Nam Việt
Nam; và kích động chống đối chính trị nhằm vào chính quyền
miền Nam. Tất cả các mục tiêu khác nhau này đều hướng tới
mục đích tối hậu: làm hao mòn sức kháng cự của miền Nam
Việt Nam và tạo điều kiện cho sự xuất hiện "thời cơ
chiến lược".

Mặc dù Bộ Chính trị phê chuẩn kế hoạch của Bộ Tổng Tham
mưu trong phiên họp tháng 10, nhưng họ không hoàn toàn thỏa mãn
và quyết định gặp lần nữa vào tháng 12 để xem lại các
bước tiến triển và duyệt lại kế hoạch nếu thấy cần
thiết. Mọi sự cố xảy ra lúc này đều có thể làm thay đổi
đáng kể kế hoạch của QĐNDVN. Tại phiên họp toàn thể hồi
tháng 10, Bộ Chính trị đã nhận định rằng căn cứ tình hình
nội bộ nước Mỹ (hậu quả chính trị của vụ Nixon từ
chức), Mỹ sẽ không can thiệp trở lại vào cuộc chiến tranh
một cách đáng kể. Điều này dẹp bỏ mối lo ngại chính yếu
của các nhà hoạch định chiến lược miền Bắc, cho phép họ
tự do cân nhắc khả năng tấn công mạnh hơn. Thêm vào đó,
trong một cuộc giao tranh kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 năm
1974, Sư đoàn 304 của QĐNDVN đã phá được căn cứ Thượng
Đức ở khu vực miền núi phía tây Đà Nẵng, và đánh bại
một loạt cuộc phản công quyết liệt của hai sư đoàn VNCH -
Sư đoàn số 3 và Sư đoàn Kỵ binh bay. Chiến thắng Thượng
Đức thuyết phục các nhà lãnh đạo QĐNDVN rằng quân đội
của họ giờ đây đã có thể đánh bại ngay cả những đạo
quân tinh nhuệ nhất mà VNCH có thể xây dựng được.

Tuy nhiên, hai yếu tố tối hậu trong sự hình thành và phát
triển chiến dịch cuối cùng của QĐNDVN, là hai điều mà các
nhà hoạch định chiến lược ở bất kỳ nơi đâu đều cần
đến: thời (thời cơ) và nhân (con người). Yếu tố con người
trong trường hợp này là một vị tướng đầy tham vọng, Trần
Văn Trà. Ông là tư lệnh quân đội của Trung ương Cục Miền
Nam, một vị trí mà ông đã nắm giữ rồi thôi, rồi lại
tiếp tục, suốt từ năm 1964 đến lúc đó. Tướng Trà bị
nhiều ý kiến chê trách là người đã chịu trách nhiệm hoạch
định cuộc tấn công thảm họa Tết Mậu Thân 1968 vào Sài
Gòn, và hậu quả là sự nghiệp của ông bị chững lại từ
hồi đó. Giờ đây, ông đã nhìn thấy một cơ hội để chuộc
lỗi.

Như chúng ta đã biết, điểm chính trong kế hoạch tổng thể
của Bộ Tổng Tham mưu là yêu cầu toàn quân phải chuẩn bị
để khai thác ngay lập tức bất kỳ thời cơ chiến lược nào
nảy sinh. Khi Tướng Trà nhận lệnh từ Bộ Tổng Tham mưu yêu
cầu Trung ương Cục Miền Nam phải dự kiến các tình huống cho
một cuộc tấn công thần tốc vào Sài Gòn trong trường hợp
xảy ra một "sự biến chính trị - quân sự" (đảo chính),
ông biến cái "dự kiến" này thành nền tảng kế hoạch
của toàn Trung ương Cục Miền Nam cho năm 1975. Tướng Trà đặt
việc chiếm Sài Gòn trong năm 1975, không kéo dài sang năm 1976,
là mục tiêu cao nhất trong kế hoạch của Trung ương Cục Miền
Nam. Ông yêu cầu Hà Nội ngay lập tức gửi cho mình 3-4 sư
đoàn để triển khai kế hoạch này, và ông thay đổi giai
đoạn một – giai đoạn tấn công của Trung ương Cục Miền
Nam theo lời kêu gọi của Bộ Tổng Tham mưu - thành một chiến
dịch lớn nhằm vào việc tạo cơ sở cho cuộc tấn công vào
Sài Gòn, bằng cách chiếm quyền kiểm soát toàn tỉnh Phước
Long. Bộ Tổng Tham mưu không đáp lại yêu cầu này, Tướng Trà
bèn quay về Hà Nội để thuyết phục từng cá nhân.

Trở về Hà Nội vào cuối tháng 11 năm 1974, Trần Văn Trà
được biết rằng Bộ Tổng Tham mưu đã bác phần lớn kế
hoạch tấn công Phước Long của ông và cấm việc Trung ương
Cục Miền Nam sử dụng trước bất kỳ xe tăng và trọng pháo
nào trong các cuộc tấn công có quy mô nhỏ. Giận dữ, Trần
Văn Trà bắt đầu vận động các đồng chí cũ trong ban lãnh
đạo Đảng, đặc biệt là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, ngõ
hầu lật ngược quyết định của Bộ Tổng Tham mưu. Sau nhiều
nỗ lực, may mắn cuối cùng đã mỉm cười với Tướng Trà.
Suốt những cuộc tấn công đầu tiên, quân của Tướng Trà
cả phá các đồn nhỏ của VNCH ở Bù Đăng và Bù Na trên
Đường 14. Tổng Tư lệnh Quân đội Trung ương Cục Miền Nam
báo cáo về Hà Nội vào ngày 20 tháng 12 rằng trong đợt phá hai
đồn này, các lực lượng QĐNDVN đã thu được nguyên vẹn 4
khẩu lựu pháo 105 mm và 7.000 viên đạn pháo. Kho báu ngoài dự
tính này làm các nhà lãnh đạo ở Hà Nội choáng váng. 7.000
viên đạn pháo là hơn nửa số đạn Bộ Tổng Tham mưu có kế
hoạch sử dụng trên toàn quốc trong suốt chiến dịch 1975. Trà
bây giờ đã có thể lập luận rằng ông có thể sử dụng kho
báu này cho cuộc tấn công vào thủ phủ của tỉnh Phước Long
theo kế hoạch ông đã lên mà thậm chí không cần động tới
số dự trữ đạn dược hiện tại. Trên thực tế, QĐNDVN có
thể kỳ vọng sẽ chiếm được thậm chí còn nhiều đạn
được hơn ở các căn cứ lớn hơn. Đó là một lập luận mà
các nhà lãnh đạo không thể bác được. Trà được phép
triển khai kế hoạch ban đầu của ông.

Vào ngày 6 tháng 1, Sư đoàn số 3 và số 7 của QĐNDVN hoàn tất
việc chiếm tỉnh Phước Long bằng cách chiếm thủ phủ của
tỉnh và thu được thêm 10.000 viên đạn pháo. Miền Nam thậm
chí không có nổi một nỗ lực động tác giả để lấy lại
Phước Long, và tuy Mỹ đe dọa hành động bằng cách cho tàu
sân bay Enterprise cất cánh về phía Miền Nam Việt Nam, nhưng
Enterprise đã sớm quay lưng và mối đe dọa từ Mỹ tan thành
mây khói.

Chiến thắng bất ngờ ở Phước Long cuối cùng đã thuyết
phục các nhà lãnh đạo cộng sản rằng kế hoạch ban đầu
của họ là quá thận trọng.

Đánh giá của Bộ Chính trị rằng Mỹ sẽ không tái can thiệp
vào chiến cuộc đã tỏ ra là đúng đắn, những điểm yếu
trong hàng phòng thủ của VNCH đã bị bộc lộ, và, cũng quan
trọng chẳng kém, là cuối cùng đã có giải pháp cho vấn nạn
thiếu đạn dược nghiêm trọng: đánh và chiếm các kho đạn
dược của VNCH. Thêm vào đó, trận chiến ở Phước Long chứng
tỏ cho Bộ Chính trị thấy rằng kế hoạch cho cuộc tấn công
chính của QĐNDVN vào năm 1975, cuộc tấn công tháng ba vào Đức
Lập bởi ba sư đoàn QĐNDVN, bây giờ đã lỗi thời và cần
phải thay đổi. Kế hoạch được phê duyệt vào tháng 10 đặt
ra hai mục tiêu chính cho trận Đức Lập: thứ nhất, đánh
thông Đường 14 để sử dụng làm đường vận tải chiến
lược cho cuộc tấn công cuối cùng vào Sài Gòn; thứ hai, kéo
quân vào tiêu diệt một phần đáng kể binh lính VNCH khi họ
cố gắng lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất. Căn cứ vào
các kinh nghiệm thu được từ Phước Long, bây giờ đã rõ ràng
rằng nếu Đức Lập bị tấn công thì mục tiêu thứ hai sẽ
không đạt được. Chiến thắng Phước Long chứng tỏ rằng
VHCN vốn đã có ý định bỏ các khu vực ở xa và không quan
trọng về mặt chiến lược như Đức Lập. Nếu VNCH không cố
gắng chiếm lại Đức Lập, thì toàn bộ ba sư đoàn của
QĐNDVN sẽ bị bỏ lại ở nơi không có ai để đánh, và như
thế, yếu tố bất ngờ đã bị mất. Trần Văn Trà cho rằng
chính ông là người đầu tiên đề nghị thay đổi mục tiêu
tấn công sang Buôn Mê Thuột. Dù Tướng Trà có phải là người
đầu tiên đưa ra ý tưởng đó hay không, thì các nhà lãnh
đạo cộng sản cũng đã giang rộng vòng tay ôm lấy cơ hội
chiếm Buôn Mê Thuột.

Buôn Mê Thuột là một thành phố có hơn 100.000 dân, "thủ
phủ" của người dân tộc ở Tây Nguyên. Nơi đây có cơ quan
đầu não và hậu cứ của Sư đoàn 23 VNCH, trong đó có khu căn
cứ hậu cần Mai Hắc Đế đầy cám dỗ với những kho đạn
pháo lớn. Thành phố nằm trên một giao điểm quan trọng sống
còn, là nơi Đường 14 - chạy từ Kontum xuống phía nam tới
cửa ngõ phía bắc của Sài Gòn - gặp Đường 21 - chạy theo
hướng đông tới thành phố duyên hải Nha Trang. Nếu chiếm
được Buôn Mê Thuột, các lực lượng QĐNDVN có thể di chuyển
nhanh chóng bằng đường bộ lên phía bắc để chiếm Pleiku ở
hậu phương, sang phía đông để cắt Việt Nam làm đôi, hoặc
xuống phía nam để tấn công Sài Gòn. VNCH không thể để mất
một vị trí chiến lược như vậy và sẽ bị buộc phải tổ
chức phản công. Điều này càng đúng hơn bởi vì các gia đình
của những quân nhân trong Sư đoàn 23 lại đều sinh sống ở
Buôn Mê Thuột – quân đội VNCH chỉ đơn giản là không thể
bỏ mặc vợ con mà tháo chạy, không chiến đấu. Trước đó 10
năm, thôn Bình Giã nhỏ xíu ở phía đông Sài Gòn đã được
chọn làm mục tiêu của chiến dịch hợp đồng tác chiến liên
trung đoàn đầu tiên của quân đội miền Bắc trong chiến tranh
(tháng 12 năm 1964) chủ yếu vì lẽ, gia đình của nhiều lính
thủy đánh bộ VNCH sinh sống ở Bình Giã. Các chỉ huy của
QĐNDVN đã biết từ trước rằng VNCH sẽ buộc phải tấn công
để chiếm lại thôn này, cứu người thân, nên họ đã giăng
bẫy và tiêu diệt lực lượng viện binh của VNCH. Giờ đây,
QĐNDVN lặp lại mẹo đó trên một quy mô rộng lớn hơn. Bởi
vì Buôn Mê Thuột được bảo vệ rất mỏng (chỉ bởi Trung
đoàn Bộ binh số 53 thiếu quân số, một tiểu đoàn xe tăng và
pháo, và vài tiểu đoàn lính địa phương), một cuộc tấn
công mạnh và bất ngờ vào thành phố sẽ nhanh chóng chế ngự
những người bảo vệ nó. Một khi thành phố đã mất, các
lực lượng QĐNDVN có thể triển khai phong tỏa và bẻ gãy các
cuộc phản công của VNCH, trong khi đó viện binh của VNCH bị
kẹt ở nơi đồng không mông quạnh, không kịp đào công sự
bảo vệ.

(còn nữa)

______________________

<strong><em>Đoan Trang</em></strong> dịch từ nguyên tác North
Vietnam's Final Offensive: Strategic Endgame Nonpareil - "Tổng Tiến
công Mùa Xuân 1975: đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh
có một không hai". Tác giả Merle L. Pribbenow tốt nghiệp Đại
học Washington năm 1968, chuyên ngành khoa học chính trị. Ông là
nhân viên Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) ở Đông Dương,
có 27 năm kinh nghiệm nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có 5
năm làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tính đến
ngày 29/4/1975. Kể từ khi về hưu (năm 1995), ông đã viết ba
bài nghiên cứu lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, và dịch một
cuốn sách của Bộ Quốc phòng Việt Nam sang tiếng Anh, xuất
bản tháng 5/2002 tại Mỹ.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4740), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét