Tự do kiểu China

<img src="http://www.danluan.org/files/u23/tudochina.jpg" width="600"
height="400" alt="tudochina.jpg" />

Mấy năm trước, một tay kỳ cựu trong giới công nghệ nói
với tôi: Có lẽ thế hệ sau 90, 95 sẽ không còn biết Google là
cái gì. Khi ấy tôi nghĩ đây là chuyện hài hước nhất trên
đời. Google, công cụ tìm kiếm hữu ích và mạnh mẽ nhất
trên Internet, thế hệ người Trung Quốc mới, những người
sống không thể thiếu Internet, làm sao có thể không biết đến
Google?

Nhưng đến hôm nay, tôi buộc phải nín cười. Bởi vì cái
điều tôi tin rằng không bao giờ có thể xảy ra ấy, dần trở
thành sự thật.

Không còn ai quan tâm đến cái gọi là công cụ tìm kiếm Google
nữa, người ta bằng lòng với cái gọi là Baidu.com, dù sao thì
họ cũng chưa được dùng Google bao giờ. Không có nó cũng
chẳng chết ai. Mọi người vẫn vui vẻ lướt Weibo, Wechat, nghe
nhạc, xem chương trình giải trí. Đối với những người chưa
bao giờ sử dụng Google, thiếu công cụ tìm kiếm này cũng
chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ.

Nhiều năm trước, chúng ta vẫn có thể đăng nhập Facebook.
Thực ra Facebook cũng nhàm chán như mạng xã hội xiaonei.com của
chúng ta vậy. Nhưng ở đó, chúng ta biết được cuộc sống
của người nước ngoài ra sao, có thể dễ dàng thăm hỏi bạn
bè ở cách xa hàng vạn km. Có thể đọc rất nhiều trang mạng
thú vị mà nếu lên xiaonei bạn hầu như không bao giờ đọc
được. Bạn viết bình luận bằng tiếng Trung, những người
comment ngay dưới dòng comment của bạn có thể là một anh chàng
người Đài, hoặc người Hongkong lạ hoắc nào đó. Bạn viết
bình luận bằng tiếng Anh, chưa biết chừng một anh chàng
người Bắc Âu, tiếng Anh dở tệ nào đó sẽ nhảy vào bắt
chuyện với bạn. Bạn có cảm giác thế giới rộng lớn bỗng
nhiên thu nhỏ lại, thành cái làng mà bạn đang sống, bạn chưa
kịp thò chân ra khỏi cửa, thì hàng xóm đã đẩy cửa bước
vào nhà bạn.

Rồi, không còn Facebook nữa. Lúc đầu, sự mất tích của mạng
xã hội này khiến vô số người bất bình. Nhưng sau đó,
tiếng nói bất bình phẫn nộ dần tan biến.

Nhiều năm trước, chúng ta cũng có thể đăng nhập Twitter.
Thực ra Twitter cũng na ná Weibo của chúng ta, nơi mà những dòng
tin tức chảy trôi không ngừng, ngồi cả ngày chưa chắc đọc
được tin tức gì hay ho hữu dụng. Nhưng chí ít ngay lập tức
bạn có thể có được tin tức nóng hổi mà bạn muốn biết.
Bạn nhanh chóng biết được điều gì đang "hot" trên thế
giới, mà không cần thao tác mấy thứ phức tạp như: copy nội
dung, dịch nghĩa, forward, chia đoạn, lấy ý chính, loạn hết
cả. Bạn sẽ được biết sự thật, sự thật 100%, chưa qua
"gia công" tô hồng bôi đen một cách hoặc vô tình hoặc cố
ý như trên Weibo.

Sau đó, Twitter không còn nữa. Đầu tiên là phiên bản chính,
rồi đến các phiên bản mô phỏng, rồi mô phỏng của mô
phỏng. Bây giờ chỉ còn lại cái bắt chước của cái bắt
chước của cái bắt chước, chính là cái mà giờ đây, mỗi
ngày bạn chỉ toàn nhìn thấy vô số quảng cáo trên đó.

Nhiều năm trước, chúng ta cũng có thể lên Youtube. Có người
cho rằng Youtube là Youku quy mô lớn. Năm ấy, có người mạnh
miệng tuyên bố: Không có Youtube cũng không sao, Trung Quốc sẽ
nhanh chóng phát triển youku vượt xa youtube. Thế mà bao năm trôi
qua, mạng youku vẫn lag dữ dội như vậy, nội dung vẫn rác
rưởi như vậy, bản quyền bị ăn cắp, nhạc bị đạo, video
clip vẫn nghèo nàn tẻ nhạt đáng thương như vậy. Trên youtube
bạn sẽ được xem những nghệ sỹ tài hoa nhất thế giới
trình diễn, những clip hài hước nhất, những sáng tạo đỉnh
cao, những bản nhạc lay động, những khoảnh khắc tuyệt vời.
Còn trên youku, bạn muốn xem 1 phút clip thì trước tiên phải
xem nửa phút quảng cáo.

Và, đúng rồi, còn Instagram. Nhiều người cho rằng Instagram na
ná QQ. Nhưng ở đó, tôi follow hơn 600 nghệ sỹ nhiếp ảnh, họ
đều là những nhà nhiếp ảnh, ký giả xuất sắc nhất thế
giới. Mỗi ngày chiêm ngưỡng tác phẩm của họ, mỗi ngày tôi
cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Cảm giác hạnh phúc lâng lâng
của người được đi du lịch tại chỗ . Ở đó tôi kết bạn
với một anh chàng người Nhật điển trai rất thích selfie,
một bác người Hàn hay uống rượu, một ông cụ người Mỹ 10
năm trước từng đến Trung Quốc và nhiệt tình bấm like, viết
comment trên mỗi bức ảnh chụp Tử Cấm Thành mà tôi post trên
Instagram, một cô bạn người Nga xinh đẹp tuyệt trần. Tôi
hầu như không trao đổi nhiều được với họ, vì những trở
ngại về ngôn ngữ. Nhưng chỉ cần một vài câu chữ đơn
giản, chúng tôi hiểu được thiện ý của nhau, thiện cảm
dành cho nhau. Cảm giác ấy, đôi khi còn hưng phấn hơn cả
niềm vui gặp mặt những người bạn lâu năm. Bởi vì đó là
quá trình giao lưu hoàn toàn tự do của con người thuộc các
dân tộc khác nhau trên toàn thế giới. Quá trình ấy thật sự
thần kỳ, vô cùng kỳ diệu.

Nhưng giờ đây, nó không còn nữa. Nó không còn nữa bởi vì,
bạn gõ một từ đặc biệt nào đó trong một thời điểm
đặc biệt nào đó, bạn sẽ chỉ tìm thấy những bức ảnh
mặc định. Mặc dù những người tìm kiếm kiểu này không
nhiều, mặc dù dẫu có nhận ra điều gì khác lạ nhưng nhiều
người chẳng bận tâm, họ không như tôi, cảm thấy trời
đất tối sầm, rồi chợt lóe sáng, rồi trời sập. Chúng đã
thật sự biến mất, Instagram đã biến mất như thế, Google đã
biến mất như thế, Twitter cũng biến mất như thế, Facebook
cũng vậy. Không biết người nào, ở đâu, đã nói gì, và ra
nghị quyết thế nào, khiến cho hàng tỷ người giống tôi đây
lâm vào tình cảnh hệt như Gotham trên đảo hoang, chứng kiến
từng cây cầu bị bom phá, bị bom phá, lại bị bom phá. Sau
rốt, không còn gì nữa cả.

Tôi thường cảm thấy rất bi ai, vô cùng bi ai. Một người tôi
không quen, không biết, có thể là một nhóm nào đó đang không
ngừng tước đoạt mọi thứ xung quanh tôi, mà tôi thì hoàn
toàn bất lực. Tôi oán trách, nhưng họ không nghe thấy, không
ai nghe thấy. Tôi tức tối gào lên, phần lớn những người
xung quanh tôi đều nhìn tôi như nhìn một kẻ điên. Tôi đau
đớn thét lên, tiếng thét của tôi bị chắn bởi bức tường
dày cộm, đen đúa. Tiếng kêu thét của tôi trở nên yếu ớt,
chẳng truyền đi được bao xa, rồi nó biến mất hệt như
những thứ mà tôi bị tước đoạt, bị đánh cắp. Tôi không
thấy nó nữa, như thể nó chưa từng tồn tại.

Ai thèm quan tâm đến những thứ vốn chưa từng tồn tại?
Những kẻ hậu sinh làm sao thấu hiểu nỗi bi ai của những
người từng có được, rồi bị tước đoạt trắng trợn. Tôi
từng có tất cả, tôi từng có cả thế giới. Tôi từng
được hít hà bầu không khí tự do và uống dòng nước tự do
mát lành trên mảnh đất này. Nhưng rồi trong dòng đời dằng
dặc bất tận, sinh mệnh tự do của tôi bị giết chết từng
chút một, bị khai tử một cách bất thình lình. Nhưng tôi vẫn
có cảm giác chúng đang thoi thóp, như thể chúng đang chết dần
chết mòn.

Rồi thì cuối cùng chúng cũng chết thật. Và, cùng với cái
chết của chúng, ngày càng nhiều chuyện xảy ra, chậm rãi
thôi, lặng lẽ thôi, hầu như không ai phát giác ra. Nhưng đúng
là chúng đang diễn ra.

Không có Google thì dùng Baidu, có sao đâu? Nhưng một vài kết
quả tìm kiếm càng ngày càng bị đẩy lùi về những trang sau,
càng ngày càng lùi về sau, và rồi biến mất. Như thể kết
quả đó vốn dĩ không hề được tìm thấy vậy.

Không có Facebook thì dùng Xiaonei, có sao đâu? Nhưng những bài
viết mà bạn chỉ có thể post trên Facebook sẽ nhanh chóng biến
mất trên Xiaonei. Tiếp theo đó, trang xiaonei.com biến thành trang
renren.com, chủ đề trên trang này trở thành những chủ đề
đại chúng. Mọi người tranh nhau xem bói, tìm hiểu đời tư
của người nổi tiếng, chuyện phiếm, nghe nhạc. Không ai bận
tâm thứ gì đó đã biến mất, bởi dù sao thì sự tồn tại
của thứ đó vốn dĩ rất mờ nhạt.

Không có youtube thì dùng youku, có sao đâu? Nhưng lên youku, bạn
thường "được" xem những clip đạo rẻ tiền, và người
ăn cắp thì dương dương tự đắc, tự cho mình là tài ba, như
thể cái ý tưởng ấy vốn dĩ là của anh ta vậy. Bạn xem và
bạn không khỏi giật mình kinh ngạc, sao anh ta có thể làm
được như thế nhỉ! Ăn cắp sáng tạo quá! Nhưng bạn đâu
biết rằng, bạn có suy nghĩ như thế là vì bạn không hề
biết trên đời còn có một trang mạng tên youtube.

Không có twitter thì dùng weibo, có sao đâu? Nhưng khi bạn muốn
biết chuyện gì đang xảy ra gần đây, bạn miệt mài tìm
kiếm, nhưng càng tìm thì kết quả sau đây hiện ra càng rõ
nét: "Theo quy định của pháp luật, kết quả tìm kiếm không
được phép hiển thị". Lâu dần, bạn nghĩ, dù sao biết
được tin tức ấy cũng chẳng để làm gì, thôi thì chẳng tìm
nữa, chẳng cần nữa.

Và thế là, từng cánh cửa cứ lần lượt bị đóng sập lại.
Hôm nay bạn mở trang www.worldjournal.com, bạn không thấy nó
đâu. Ngày mai, trang web mà kiến trúc sư số một thế giới chia
sẻ với bạn đọc cũng biến mất. Đầu tiên là tốc độ load
rất chậm, rất rùa, sau đó thì hoàn toàn mất hút. Vài hôm
nữa, trang tin tức mà trước đó bạn vẫn vào đọc một số
bài viết đều đặn mỗi ngày bỗng mất tăm. Những trang viết
độc đáo, xuất sắc đó chỉ hiển thị mấy dòng chữ: không
thể hiển thị. Vài tháng nữa, mạng đại học bị đóng cửa,
website nhiếp ảnh bị đóng cửa, thậm chí trang tìm kiếm bằng
tiếng Nhật của Baidu cũng không còn.

Tiếp đó, trang truyện tranh biến mất, tiếp đó, trang phim
hoạt hình không còn. Tiếp đó, trang phim Mỹ đóng cửa, ngay
cả trang download phim Mỹ cũng cũng cũng cũng….. hoàn toàn biến
mất. Tôn trọng bản gốc, bảo vệ bản quyền ư. Thôi được,
vậy thì vì sao, ngay cả trang web chia sẻ sub cũng không còn????

Từng ngọn đèn bị dập tắt. Nguồn sáng chiếu rọi từ bốn
phương biến mất. Thế giới đa sắc màu, tươi đẹp rực rỡ
của chúng ta bỗng chốc biến thành một màu đen thê thảm.

Trời tối rồi à, thế thì đi ngủ thôi. Cầu cho cơn say này
kéo dài mãi mãi, khỏi phải tỉnh lại.

<em><center>Vương triều từ đây vững chắc
Giang sơn từ đây thái bình.</center></em>

P/S: Dịch từ một bài viết của một tác giả Tiểu Hải,
người Trung Quốc. Bạn không tìm thấy bài viết này ở bất
cứ trang mạng nào ở Trung Quốc nữa vì nó đã bị gỡ bỏ
triệt để, chỉ tồn tại thấp thoáng trong một vài diễn
đàn. Nhưng nó đã được share với tốc độ chóng mặt ở
Trung Quốc."

Nguồn: Internet

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141203/tu-do-kieu-china), một số
đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét