Trần Huỳnh Duy Thức - Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Thư 30 (phần 7)

<div class="special_quote"><strong>Tin liên quan:</strong>

<ul><a
href="https://www.danluan.org/tin-tuc/20141205/tran-huynh-duy-thuc-thu-viet-tu-trai-giam-xuyen-moc-thu-30-phan-1">
<li>Trần Huỳnh Duy Thức - Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc:
Thư 30 (phần 1)</a></li>

<li><a
href="https://www.danluan.org/tin-tuc/20141205/tran-huynh-duy-thuc-thu-viet-tu-trai-giam-xuyen-moc-thu-30-phan-2">Trần
Huỳnh Duy Thức - Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Thư 30
(phần 2)</a></li>

<li><a
href="https://www.danluan.org/tin-tuc/20141206/tran-huynh-duy-thuc-thu-viet-tu-trai-giam-xuyen-moc-thu-30-phan-2">Trần
Huỳnh Duy Thức - Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Thư 30
(phần 3)</a></li>

<li><a
href="http://www.danluan.org/tin-tuc/20141206/tran-huynh-duy-thuc-thu-viet-tu-trai-giam-xuyen-moc-thu-30-phan-4">Trần
Huỳnh Duy Thức - Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Thư 30
(phần 4)</a></li>

<li><a
href="https://www.danluan.org/tin-tuc/20141206/tran-huynh-duy-thuc-thu-viet-tu-trai-giam-xuyen-moc-thu-30-phan-5">Trần
Huỳnh Duy Thức - Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Thư 30
(phần 5)</a></li>

<li><a
href="https://www.danluan.org/tin-tuc/20141211/tran-huynh-duy-thuc-thu-viet-tu-trai-giam-xuyen-moc-thu-30-phan-6">Trần
Huỳnh Duy Thức - Thư viết từ trại giam Xuyên Mộc: Thư 30
(phần 6)</a></li>
</ul></div>

<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-g-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xaf1/t31.0-8/10619979_840312502697730_2186343592336657425_o.jpg"
width="560" /></center>

<strong> Một xã hội phát triển lành mạnh là nơi mà con người
có thể đáp ứng lợi ích cho mình mà không xâm phạm đến
lợi ích của người khác. Tốt hơn nữa là: muốn có lợi ích
cho mình thì cần đáp ứng lợi ích cho nhiều người khác.
Mệnh đề này chính là nguyên lý căn bản của Quy luật Kinh
tế Thị trường đã được thực chứng hơn 200 năm rồi: "Khi
ai cũng được tự do mưu cầu lợi ích cho mình thì người ta
sẽ tìm cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người khác để
làm lợi nhiều nhất cho mình. Và nhờ vậy mà các nhu cầu khác
nhau rất phức tạp của mọi người trong xã hội sẽ được
tự động đáp ứng, tự động cân bằng với sản xuất và
sẽ phát triển ngày một nhiều hơn."</strong>

<div class="rightalign"><em>3/11/2014</em></div>

Sự bất đồng trong quan điểm về hạn chế nhiều hơn rất
nhiều lần so với sự đồng thuận. Nhưng đó mới chính là
bản chất thực tế của loài người hay của xã hội. Người
ta càng tự do thì sự bất đồng càng lớn, khác biệt càng
nhiều. Nhưng đó mới đúng là xã hội của con người. Loài
người khác loài vật ở chỗ có ý thức phát triển rất đa
dạng, chính sự đa dạng đó làm loài người tiến bộ. Còn
loài vật thì có ý thức cực kỳ thấp, gần như không phát
triển vì vậy chúng rất dễ dàng đạt được sự đồng
thuận tuyệt đối khi sống thành bày đàn – tức là xã hội
của chúng. Làm sao để xã hội tự do mà không rối loạn và
vẫn phát triển tốt đẹp là một thách thức lớn của loài
người. Đã có rất nhiều xã hội giải quyết vấn đề này
thành công, nhưng sự thất bại vẫn chiếm đại đa số trong
lịch sử của thế giới. Đến ngày nay, số lượng quốc gia
thất bại vẫn vượt trội so với số lượng thành công.
Những nước thành công chính là các quốc gia phát triển, xã
hội ở đó vô cùng đa dạng chứ không hề bị đồng nhất
bởi sự đồng thuận dù vẫn có những xu hướng chính trị/xã
hội nào đó có thể thắng thế và trở nên phổ biến trong
một thời gian dài. Chúng ta hãy phân tích một vài trường hợp
trong lịch sử.

Cách đây độ 2500 năm, TQ là một xã hội rộng lớn của hàng
chục nước chư hầu, có một ông vua của nhà Chu xưng là thiên
tử để duy trì sự thống nhất trên danh nghĩa. Trên thực tế
mỗi chư hầu là một lãnh địa cha truyền con nối hầu như
muốn làm gì thì làm, không phụ thuộc vào nhà Chu. Các lãnh
địa đó không có luật pháp, các ông vua chư hầu cai quản nó
bằng ý muốn và cách thức riêng của mình, tức là hình thức
nhân trị. Quan điểm phổ biến của các ông vua chư hầu thời
đó là muốn áp đặt sự tập quyền lên lãnh địa của mình,
nhưng đó là những vùng đất rất rộng lớn mà giao thông chưa
phát triển nên thực tế chúng bị chia thành những xã hội tự
do vô chính phủ quy mô nhỏ. Nó tương tự như tình trạng tự
do không giới hạn mà ta đã bàn ở trên vậy. Không ai chính
thức bảo vệ QCN nhưng cũng chẳng có sự cấm đoán nào.
Người ta mặc sức sử dụng các quyền tự nhiên mà họ cảm
thấy mình có và cũng mặc sức xâm phạm quyền của người
khác nếu có thể. Bối cảnh như vậy vừa làm cho TQ xuất
hiện nhiều kết quả khoa học và tư tưởng rất sớm trên
thế giới, vừa làm cho xã hội rối ren nảy sinh rất nhiếu
vấn nạn đạo đức. Đứng trước tình cảnh như vậy, xuất
hiện 3 quan điểm giải quyết vấn đề. Thứ nhất của Lão
Tử, ông chủ trương để con người thuận theo cái tự nhiên
mà ông gọi là ĐẠO (sau này thế giới gọi là quy luật).
Không cần cưỡng ép bằng lễ nghĩa. Thứ hai của Thương
Ưởng, chủ trương dùng pháp luật để cai trị, được gọi
là phái pháp gia như cậu đã viết ở trên. Họ cho rằng phải
dùng hình phạt hà khắc để ngăn chặn vấn nạn đồng thời
với ban thưởng xứng đáng cho những người làm tốt. Thứ ba
là của Khổng Tử, phái Nho giáo như cậu đã viết trong thư
27B. Ông cho rằng cần áp đặt những quy tắc đạo đức (mà
tụi con thường nghe là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) thì sẽ làm
cho người ta sống tốt hơn, không xâm phạm đến người khác
nên không gây ra vấn nạn đạo đức. Ông đi khắp nơi thuyết
phục các ông vua chư hầu dùng quyền lực áp đặt các quy tắc
này cho dân chúng nhưng không ai nghe. Cuối cùng ông về quê mở
trường dạy học để phổ biến tư tưởng của mình. Vì chủ
trương nhân văn (không xem trọng hình phạt mà đặt nặng giáo
dục) nên sau này ông được gọi là Thánh nhân. Tuy nhiên tư
tưởng của ông sau này bị lợi dụng để thuần nhất xã hội
phục vụ cho mục đích cai trị tập quyền nên nó phát triển
không lành mạnh, các vấn nạn đạo đức thực chất không hề
giảm đi mà chúng chỉ được che giấu tinh vi dưới cái vỏ
bọc đạo đức giả mang danh nghĩa Nho giáo. Nhưng đó không
phải là lỗi hay ý muốn của Khổng Tử vì tư tưởng của ông
chỉ được áp dụng phổ biến mấy trăm năm sau khi ông qua
đời. Chỉ có điều là ông không nhìn thấy được quy luật
phát triển xã hội nên không biết trước được rằng ngay cả
những mong muốn rất tốt đẹp nhưng thực hiện bằng cách
cưỡng ép toàn diện bằng quyền lực thì kết quả không thể
tốt đẹp. Như cậu đã viết nhiều lần, những xã hội Nho
giáo không những không giải quyết được các vấn nạn đạo
đức mà còn kìm nén làm xã hội chậm tiến rất nhiều vì
hoàn toàn thiếu tự do. Còn phái Pháp gia thì đã dẫn tới
thành công vì đó là tư tưởng Pháp trị tiến bộ của đương
thời. Nước Tần áp dụng nó, xây dựng các luật để từng
trị những hành vi xấu xâm phạm con người nhưng vẫn duy trì
một không gian tương đối tự do cho người dân vận động.
Luật pháp lúc đầu là bình đẳng cho vương thất lẫn dân
thường nhưng đến khi Tần Thủy Hoàng thiết lập chế độ
tập quyền thì ông ta đặt mình và triều đại của mình
đứng trên mọi luật pháp. Nền tảng của pháp trị vì vậy
mà bị phá vỡ nên dần suy thoái và bị thay dần bởi tư
tưởng đức trị của Nho giáo. Còn tư tưởng của Lão Tử dù
có mang những tính chất của Pháp quyền nhưng nó còn quá sơ
khai, không có được những nguyên lý vững chắc nên gần như
không được quan tâm. Tóm lại, TQ đã không vượt qua được
thách thức để phát triển. Nho giáo ngự trị hàng ngàn năm
để kìm nén sự phát triển nhu cầu đa dạng của con người,
làm xã hội thuần nhất và tiến triển chậm chạp và bị
phương Tây qua mặt. Tụi con tìm đọc lại một thư cậu viết
tháng 11 năm ngoái về "Lợi và nghĩa" để biết Nho giáo
dùng khái niệm đạo đức là "nghĩa" để áp chế người
dân đòi hỏi lợi ích cho mình như thế nào. Các chính quyền
phong kiến tập quyền TQ không thực hiện chính sách hạn chế
sự tự do không giới hạn, mà là áp chế hầu hết sự tự do
– tức là tước đoạt hầu hết QCN.

Phương Tây là nơi có nhiều nước đã vượt qua được thách
thức để trở thành quốc gia phát triển như ngày nay. Vào lúc
mà TQ phát triển các chế độ phong kiến tập quyền vững
chắc (sau Tần Thủy Hoàng) thì La Mã đã thực hiện các nguyên
tắc dân chủ đầu tiên trên thế giới. Ở các thành bang La
Mã, công dân tự do sẽ bầu lên Phán quan đại diện quản lý
cho mình. Vua – Hoàng đế La Mã thì phải được Viện Nguyên
lão (giống như Quốc hội) bầu lên chứ không phải do ông vua
trước lựa chọn. Viện Nguyên lão là tập hợp đại diện cho
giới quý tộc La Mã. Cùng thời đại sống của Khổng Tử và
Lão Tử, vào năm 505 TCN đã nổ ra cuộc cách mạng của giới
quý tộc La Mã thay đổi nền quân chủ bằng nền cộng hòa và
thực hiện các thiết chế dân chủ như nói trên. Giới bình
dân La Mã cũng không chịu kém, năm 494 TCN họ tập hợp biểu
tình ở Đồi Thiêng để đòi quyền lợi cho mình. Cuộc đấu
tranh quyết liệt của họ cuối cùng đã thắng lợi. Chính
quyền quý tộc La Mã phải đồng ý để họ tự bầu chọn ra
các Tribune (cậu quên tiếng Việt dịch là gì rồi :)). Các
Tribune này có quyền phủ quyết mọi đạo luật Viện Nguyên
lão đã thông qua và sẽ đại diện cho những người thuộc
giới bình dân trong bất kỳ vụ kiện nào. Và đương nhiên
những Tribune này có quyền bất khả xâm phạm. Tụi con có
thấy rằng những nguyên tắc dân chủ sơ khai này đến bây
giờ vẫn còn khá xa lạ ở rất nhiều nước không? Chính tính
dân chủ này là nguyên nhân chính làm cho La Mã phát triển mạnh
mẽ trong hơn một ngàn năm. Những nguyên tắc dân chủ khởi
thủy này sau đó được nước Anh phát triển tiếp tục từ
cuối thế kỷ 12, gắn với QCN. Trong bức thư tháng 11 năm
ngoái, cậu đã kể cho tụi con nghe quá trình đấu tranh của
người dân Anh để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong
khoảng thời gian này. Thành tựu vĩ đại của họ là bản
Đại hiến chương Magna Carta (1215) được gọi là Tuyên ngôn
Nhân quyền đầu tiên của thế giới. Lần đầu tiên một Nhà
nước ký cam kết bảo vệ các quyền chính trị, dân sự, kinh
tế, xã hội, văn hóa cho người dân. Đây là nền tảng làm cho
xã hội Anh ngày càng tự do hơn các nước Châu Âu khác, thành
phần xã hội cũng phát triển rất đa dạng và công khai đấu
tranh cho quyền lợi của mình. Các quan điểm lợi ích trong xã
hội vì vậy mà cũng rất khác nhau. Mâu thuẫn lợi ích đã
nhiều lần dẫn đến xung đột giữa các phe phái, các thành
phần xã hội, cả giữa vua và dân. Tuy nhiên trong đa số các
trường hợp, người Anh uôn tìm được những sự thỏa hiệp
cân bằng giữa các lợi ích cho các bên khác nhau và được ghi
thành luật. Sau những lần xung đột thì họ dường như dễ
thỏa hiệp hơn. Đó là cách người Anh giải quyết thách thức
"vừa đảm bảo cho xã hội tự do, vừa không bị rối loạn
để phát triển". Từ khi Đại hiến chương Magna Carta ra đời
đến nay, xã hội Anh chỉ bị rơi vào 1 cuộc xung đột vũ lực
duy nhất vào 1640. Các khác biệt, thậm chí là xung đột lợi
ích được giải quyết ngày càng văn minh và hiệu quả hơn
tại nghị trường và các cuộc bỏ phiếu của người dân.
Mọi người đều có tự do vận động cho lợi ích, giá trị
và niềm tin của mình trừ bạo lực. Trong khi đó các nước
châu Âu khác thì xung đột xã hội xảy ra rất gay gắt và
thường phải giải quyết bằng bạo lực. Những cuộc thập
tự chinh đẫm máu vì niềm tin tôn giáo khác nhau, những cuộc
lật đổ bằng vũ trang để thay đổi triều đại, các cuộc
khởi nghĩa của nông dân; công nhân, v.v… là những cách thức
giải quyết mâu thuẫn xã hội vì quyền lợi phổ biến ở
châu Âu trong thiên niên kỷ thứ 2. Nước Anh vì vậy mà đã
vượt lên mạnh mẽ trong thiên niên kỷ này. Cách thức giải
quyết mâu thuẫn xã hội, xung đột lợi ích bằng nền tảng
dân chủ của họ đã lan tỏa ra toàn phương Tây, đầu tiên là
Mỹ và sau đó là Tây Âu, Bắc Âu, Nam Âu làm cho khu vực này
phát triển bỏ xa phần còn lại của thế giới cho đến tận
bây giờ. Cũng trong thiên niên kỷ này, chỉ có một nước ở
châu Á là Nhật đã theo cách thức này và đạt trình độ hàng
đầu của phương Tây. Cách thức này hiện nay đã trở thành xu
thế phát triển tiến bộ, văn minh của nhân loại. Từ đầu
năm 2014 đến nay, chúng ta chứng kiến 2 sự kiện lớn về
giải quyết mâu thuẫn ở châu Âu. Một là cuộc xung đột ly
khai của miền Đông Ucraina, nó đã không tôn trọng các nguyên
tắc dân chủ nên đã dẫn đến chiến tranh tàn phá, tương lai
của nó đến giờ vẫn mờ mịt. Hai là cuộc trưng cầu dân ý
nhằm tách ra khỏi Vương quốc Anh của vùng Scotland để thành
lập một nước Cộng hòa. Nó đã không thành công nhưng đã
mang về nhiều quyền lực hơn cho vùng đất này, và chẳng có
ai phải đổ máu vì xung đột. Nhưng điều quan trọng hơn là:
nó đã xác lập một trạng thái cân bằng mới của xã hội Anh
mà ở đó mọi người tạm vừa lòng vì ai cũng có quyền tự
do vận động cho điều mong muốn bằng tất cả những gì mình
có trừ bạo lực. Người muốn tách ra, người muốn ở lại
nhưng không ai bị ngăn cản, cưỡng ép, bắt tội hay chỉ là
đe dọa để phải thể hiện khác ý muốn của mình. Trạng
thái cân bằng mới này sẽ đẩy nước Anh tiến nhanh hơn sắp
tới. Nếu cuộc trưng cầu này thành công thì cũng tốt thôi,
sẽ có một quốc gia mới ra đời trong hòa bình. Nước Anh sẽ
có một đồng minh chiến lược là Cộng Hòa Scotland. Cục diện
châu Âu sẽ có một chút thay đổi. Còn đối với người dân
Anh và Scotland thì cậu cho rằng sẽ không có gì thay đổi
nhiều trong cuộc sống của họ vì mọi QCN của họ sẽ luôn
được bảo vệ trên hết dù là ở Anh hay Scotland. Bày tỏ quan
điểm của mình đối với mọi vấn đề là thực hiện QCN.
Khẳng định lựa chọn của mình trong một cuộc trưng cầu dân
ý cũng là QCN.

Tụi con đã thấy được rằng QCN chính là sự khác biệt, là
giá trị vượt bậc giữa Anh và phần còn lại của Châu Âu
trong cuối thời kỳ Trung đại (tk 5 – tk 15) chưa? QCN cũng là
giá trị bị thiếu vắng ở phương Đông (trừ Nhật) so với
phương Tây. Từ khi Tần Thủy Hoàng thiết lập chế độ phong
kiến tập quyền, ở TQ đã không còn những cuộc đấu tranh
của các thành phần xã hội vì quyền lợi của mình hoặc có
mà không đáng kể. Đến trước cuộc cách mạng Tân Hợi (1911)
ở nước này, đã có vô số cuộc khởi nghĩa vũ trang của giai
cấp nông dân chống lại chính quyền phong kiến tập nhưng hầu
hết đều thất bại và dìm trong biển máu. Những trường hợp
thành công hiếm hoi thì cuối cùng lại dẫn đến sự thành
lập mộ chính quyền phong kiến tập quyền mới, quyền ợi
của nông dân và các thành phần xã hội khác không thuộc giới
cầm quyền hoàn toàn không thay đổi. Trong một thời gian dài
hơn 2000 năm, Nho giáo đã được sử dụng để đồng nhất ý
thức của dân chúng theo một trật tự mà giới cầm quyền mong
muốn. Vì không biết làm cách nào để đáp ứng những đòi
hỏi quyền lợi rất khác nhau của các thanh phần xã hội nên
chính quyền phong kiến nhận thấy quan điểm áp đặt lễ giáo
của Nho giáo là rất hiệu quả để làm cho người dân không
đòi hỏi quyền lợi. Họ giáo dục từ nhỏ để làm cho
người dân hình thành một ý thức thuần nhất là: "nghĩ
đến lợi là bất nghĩa". Lễ nghĩa cũng là nguyên tắc đạo
đức cơ bản để vua quan cai trị dân chúng. Cái lợi hợp pháp
và chính nghĩa phải là cái được ban phát, chứ không phải là
cái được đòi hỏi. Cứ như vậy qua bao thế hệ, người dân
trong các xã hội Nho giáo ngự trị bị ngự trị toàn diện về
tinh thần. Họ không những không ý thức đòi hỏi quyền lợi
chính đáng của mình mà còn nghĩ rằng cầu xin là một cách
thức chính nghĩa. Xã hội vì vậy mà không có sự vận động
của họ, tức của tuyệt đại đa số. Nó chỉ còn sự đấu
đá tranh giành của các phe phái trong chính quyền, tức của
giới quan lại chiếm thiểu số cực nhỏ. Người dân đến khi
quá cơ cực thì được vua quan ban phát cho một chút vật chất
thì đã thấy hạnh phúc và có thể tiếp tục chịu đựng một
thời gian nữa. Chỉ đến khi vua quan quá thối nát nên không
còn đủ tiền để ăn chơi, không thể ban phát được nữa mà
lại còn tăng thuế thì mới dẫn đến những cuộc nổi dậy.
Nhưng người ta nổi dậy vì thù hận là chủ yếu chứ không
phải để thay đổi căn bản sự bảo đảm cho quyền lợi của
mình một cách lâu dài. Một phần là vì những người kêu gọi
khởi nghĩa kích vào lòng thù hằn để tập hợp lực lượng
khởi nghĩa, phần còn lại vì chính cái ý thức "nghĩ đến
lợi là bất nghĩa" đã ăn sâu bao đời. Do vậy mà tên gọi
khởi nghĩa nông dân là để chỉ những cuộc nổi dậy thất
bại, còn những cái thành công thì giới cầm quyền mới lập
tức che giấu thuộc tính nông dân và gắn cho nó những mỹ từ
để làm cho mình trở nên tôn quý. Họ ban phát cho những
người nông dân đã bỏ sức, đổ máu vì họ một số vật
chất. Những người nông dân tội nghiệp này hài lòng và trở
về với số kiếp cũ của mình. Đời con đời cháu của họ
lặp lại những số phận như thế, không có ý thức bảo vệ
quyền lợi của mình mà chỉ quen cầu xin.

Nhưng hướng đến lợi ích là bản chất tự nhiên của con
người. Đó cũng chính là động lực để loài người phát
triển. Tụi con thử tưởng tượng xem thế giới này sẽ thế
nào nếu một ngày nào đó con người bỗng nhiên không còn bản
chất này nữa? Cậu tin là nó sẽ nhanh chóng suy thoái và bị
hủy diệt. Một xã hội phát triển lành mạnh là nơi mà con
người có thể đáp ứng lợi ích cho mình mà không xâm phạm
đến lợi ích của người khác. Tốt hơn nữa là: muốn có
lợi ích cho mình thì cần đáp ứng lợi ích cho nhiều người
khác. Mệnh đề này chính là nguyên lý căn bản của Quy luật
Kinh tế Thị trường đã được thực chứng hơn 200 năm rồi:
"Khi ai cũng được tự do mưu cầu lợi ích cho mình thì
người ta sẽ tìm cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người
khác để làm lợi nhiều nhất cho mình. Và nhờ vậy mà các nhu
cầu khác nhau rất phức tạp của mọi người trong xã hội sẽ
được tự động đáp ứng, tự động cân bằng với sản
xuất và sẽ phát triển ngày một nhiều hơn." (Tụi con thấy
Tạo hóa kỳ diệu không? Sáng tạo ra một loài gắn với một
bản chất nào đó thì sẽ có một quy luật cũng được sáng
tạo ra tương ứng với bản chất ấy để loài ấy có thể
phát triển tốt đẹp. Đây là một đề tài thú vị, có dịp
cậu sẽ chia sẻ với tụi con.) Tự do mưu cầu lợi ích là
một trong những quyền của con người. Vì vậy chỉ cần quyền
được bảo vệ thì người ta sẽ tự làm ra lợi cho mình và
cho xã hội. Khi quyền bị tước đoạt thì vì bản chất
hưởng lợi nên người ta thường sẵn sàng từ bỏ quyền của
mình để vì lợi. Đây là nguồn gốc của sự lệ thuộc của
con người. Có những người rất giàu mà vẫn lệ thuộc là vì
thế. Đó cũng là nguồn gốc của mọi vấn nạn xã hội, đạo
đức như tham nhũng, giả dối, đạo đức giả … Trong xã hội
VN và TQ thời phong kiến, dù bị kìm nén nhưng hành động vì
lợi vẫn là mục đích thực sự của người dân và quan lại
nhưng phải được che giấu dưới cái danh nghĩa vì người chứ
không phải vì mình. Những xã hội này vì vậy mà phát triển
chậm chạp và đầy vấn nạn. Ở Châu Âu thì không bị kìm
nén như vậy, người ta có thể công khai đấu tranh vì lợi ích
của mình. Nhưng QCN lại chưa được quan tâm tại đây (ngoại
trừ nước Anh) nên sự đấu tranh vì lợi ích thường trở
thành sự tranh giành quyền lực để bảo vệ quyền lợi của
các phe nhóm khác nhau. Vì thế mà xung đột vũ trang xảy ra
nhiều hơn hẳn so với ở Anh. Niềm tin tôn giáo phổ biến ở
Châu Âu cũng dễ dàng được sử dụng để biến thành quyền
lực nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi tôn giáo. Đó là lý
do dẫn đến sự hình thành các nhà nước phong kiến thần
quyền mà cậu đã đề cập. Trong khi đó loại nhà nước này
không thể hình thành tại Anh. So với TQ thì châu Âu vẫn tiến
nhanh hơn vì các thành phần xã hội vẫn có thể công khai đấu
tranh cho lợi ích của mình nên xã hội có động lực để phát
triển hơn. Chính sách phát triển này của Châu Âu đã dẫn
đến các nhà nước giai cấp để bảo vệ quyền lợi của giai
cấp cầm quyền sau khi các nhà nước thần quyền sụp đổ.
Còn sự phát triển của Anh thì dẫn đến sự hình thành các
nhà nước pháp quyền – một giá trị lớn một sự tiến bộ
vượt bậc của nhân loại đã được thế giới thừa nhận và
ủng hộ.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141212/tran-huynh-duy-thuc-thu-viet-tu-trai-giam-xuyen-moc-thu-30-phan-7),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét