Tào Lao - Kỷ niệm 7 năm về trước: Ngày thành lập CLB Nhà báo Tự Do

Ngày này của 7 năm về trước là lúc chúng tôi, gồm: Điếu
Cày, Uyên Vũ xuống Biên Hòa gặp anh Xuân Lập, Huy Cường để
bàn nhau thành lập CLB Nhà Báo Tự Do.

Cũng từ cái ngày ấy, định mệnh đã dắt chúng tôi đi đến
những nơi mà trước đây không nghĩ đến. 3 người trong số
ít ỏi thành viên bị đi tù. Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải 12 năm,
cộng thêm 30 tháng tù giam vì tội trốn thuế trước đó; Tạ
Phong Tần 10 năm; Phan Thanh Hải 3 năm. Còn những thành viên khác
người thì phải tỵ nạn chính trị, kẻ thì mất việc làm,
cấm xuất cảnh vô thời hạn và chịu sự kiểm soát của
chính quyền. Nhưng vẫn may hơn những người kia họ không phải
ngồi chăn kiến.

Tôi từng vài lần đến 4 Phan Đăng Lưu nên cũng kinh qua được
phần nào cái dã man của việc trả thù. Đó không phải là nơi
mà con người có thể làm thơ, cho dù dưới sân vườn vẫn có
cây hoàng lan và đêm đêm tỏa hương. Tôi nhớ mãi kỷ niệm,
sau cả ngày bị hỏi cung, trước khi chuẩn bị cho đợt hỏi
cung mới vào buổi tối, cán bộ điều tra cho tôi được ra
ngoài để hít thở. Tôi ngồi trên chiếc ghế ngay dưới cây
hoàng lan và nghĩ miên man về những bài hát có hoàng lan trong
đó. Những trải nghiệm của tôi với nơi này sẽ không thể so
sánh với những người như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh
Hải, Nguyễn Tiến Trung... Tôi vào, rồi vài ngày lại ra. Trong
khi họ ở dài đằng đẳng mấy tháng trời.

Bây giờ mà nói về tội ác, sự tàn bạo của Cộng sản e là
quá thừa thải. Vì chỉ có những kẻ dốt, thiếu hiểu biết
mới nghi ngờ về chuyện đó. Tôi thời đó chỉ là một thằng
nhóc sinh viên nhưng không thoát được sự trả thù của họ.
Họ liên tục áp lực cho chủ nhà để đuổi tôi ra khỏi nhà
trọ, nhiều lần lên trường, đến ngay lớp để lôi tôi đi
làm việc và có lần làm việc đến gần 12h đêm. Cứ gần
đến những ngày lễ lớn hoặc sự kiện gì đó thì công an
lại cho mật vụ đi theo rình rập. Có lần vì ko biết nơi tôi
ở, do tôi quá cẩn thận, thường ko đi về thẳng mà cứ vòng
vèo, Long tiết canh đã chộp đầu tôi ngay vừa khi tôi vừa từ
trường bước ra.

Khi kể lại những chuyện này là lúc những thứ đó đã trôi
qua, tôi nhìn vấn đề nhẹ nhàng. Vì với tôi bây giờ nó như
là một kỷ niệm "hào hùng", nó minh chứng cho một thời tuổi
trẻ đầy nhiệt huyết. Nhiều người cứ nghĩ tôi là ghê gớm
lắm khi tham gia hội này, đoàn nọ. Thực tình tôi không nghĩ
nhiều đến những thứ như: Tự do ngôn luận, tự do lập
hội... chỉ muốn làm sao cho cái chế độ này nhanh chóng sụp
đổ.

Thuở ban đầu chỉ là trên Yahoo!360 thường tranh biện với
Hồng vệ binh về Cộng sản, thời đó chưa có Dư luận viên
như bây giờ. Nhưng phải nói, thời nào thì cũng có rất nhiều
những kẻ bị nhồi sọ làm cho không còn khả năng tiếp thu
thêm. Nhưng cái đáng mừng là bây giờ phong trào đã trở nên
quá mạnh. Mạnh đến nỗi mà ở Hanoi, Saigon họ đủ lực để
đi đòi người, bắt chính quyền phải thả người vì dám bắt
vô cớ. Thời của tôi tuyệt nhiên không có. Nghe tin anh Hải,
chị Tần bị bắt thì chỉ dám ngồi công viên, ngồi cafe đâu
đó để chờ họ ra.

Ngày trước chưa được sự trợ giúp mạnh mẽ, nhiệt tình
của các tổ chức, Đại sứ quán nước ngoài như bây giờ. Có
chăng cũng là chỉ từ Lãnh Sự quán Mỹ. Những người sau này
có nhiều phương pháp đấu tranh quá, đa dạng quá. Mỗi sự
kiện là một phương pháp mới. Họ mạnh mẽ hơn, can đảm
hơn, đoàn kết hơn và đông hơn. Điều này cũng là nhờ sự
mạnh lên của Hanoi. Các tổ chức ở nước ngoài đều đặt
ở Hanoi, phong trào mạnh lên ở Hanoi làm cho các tổ chức, ĐSQ
nước ngoài quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn.

Cho tới thời điểm này khi ngồi gõ những dòng hồi ức,
điều làm tôi khắc khoải là Điếu Cày, Tạ Phong Tần hiện
vẫn đang phải ngồi tù. Sự trả thù của Cộng sản dã man
lắm. Tôi biết những điều này từ khi tôi còn là một đứa
trẻ. Làng tôi ở đa phần là người Công giáo, nhiều trong số
họ đi Trại Suối Thơm về không còn cái răng để ăn cơm. Và
nhiều trong số họ khi trở về thì bị khùng điên. Những lời
đồn thổi về Trại Suối Thơm khiến người nghe rùng mình.
Trại ấy sau này phải dẹp bỏ vì nghe nói nhiều người chết
quá.

Hôm rồi nghe tin anh Điếu Cày khước từ viết đơn xin tha tội
mà nghĩ vẫn vơ, phải chi anh ấy đừng quá can trường, anh ấy
thương anh ấy hơn nữa thì có lẽ đã được tự do. Nhưng anh
Điếu Cày, chị Tạ Phong Tần là vậy. Sự can trường, quả
cảm của họ tạo ra những động lực thúc đẩy những người
khác dấn thân.

7 năm trôi qua, tôi bây giờ đã là "cha của người ta" thành ra
không còn mặn mà để cùng những người khác đấu tranh. Làm
sao có tiền để mỗi ngày cho con hộp sữa cũng đủ đau đầu.
Cái vui là mỗi ngày đọc tin tức, tối lại nhìn nhận thấy
phong trào đã mạnh mẽ, cái ngày mà Điếu cày nói với tôi
chắc cũng không còn xa nữa.

Có rất nhiều sự đổi khác mà khi nhìn lại thấy tự hào.
Nếu ngày trước chúng tôi chỉ đội nón bảo hiểm với dòng
chữ "HS-TS-VN" thôi cũng đủ gặp rắc rối với công an, thì nay
những dòng chữ ấy thấy nhan nhản trên khắp con đường. Và
ngay cả những lãnh đạo của chính quyền cũng có những cái
nhìn tiến bộ hơn. Thế giới ngày càng xích lại gần nhau thì
những giá trị của con người được tôn trọng. Chính quyền
cũng khó mà có thể đưa ra những bản án vô lý như trước.
Họ đắn đo nhiều hơn nữa những hậu quả có thể mang lại.

Tôi có những người bạn tuy chưa gặp mặt nhưng luôn dành cho
nhau những sự trân quý, Blacky là một trong số đó. Tôi cũng
có những người bạn mà ngày trước là du học sinh rất nhiệt
huyết, bây giờ cũng như tôi đang phải đấu tranh với cơm áo.
Tôi yêu mến hết, thỉnh thoảng còn trêu ghẹo nhau vài câu và
đôi khi có dịp lại ôn lại kỷ niệm.

Tôi nhớ nỗi buồn của anh Phan Thanh Hải, vì nhiều người
thấy anh không được như Điếu Cày, Tạ Phong Tần. Dư luận
là vậy, nhiều khi những tác động của dư luận còn ác hơn
bản án mà chính quyền dành cho anh. Mỗi người sinh ra đều
mang trên mình một sứ mệnh, đừng bắt ai cũng đều giống
nhau. Khi tôi có em bé, tôi hiểu được phần nào tầm quan
trọng của việc phải có người cha ở bên cạnh và niềm
hạnh phúc được ở bên cạnh đứa con thơ của mình.

Tôi nhớ hoài những lần đi mua lòng heo về nhà anh Điếu Cày
uống rượu. Biết bao giờ mới lại được những kỷ niệm
của 7 năm về trước?

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141228/tao-lao-ky-niem-7-nam-ve-truoc-ngay-thanh-lap-clb-nha-bao-tu-do),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét