Nguyễn Văn Tuấn - Đèn cù Tập II: những bí ẩn được tiết lộ

Trong Đèn Cù Tập II, Trần Đĩnh có thuật lại một số sự
kiện đáng chú ý, dù có khi chỉ là một câu phát ngôn hay một
thái độ. Tuy nhiên, những hành vi có vẻ thoáng qua đó nó cho
chúng ta một vài tín hiệu về tâm tính, trình độ, và có khi
cả nhân cách của những người cộng sản thời xưa.

<h2>Trại gái</h2>

Một nhân vật được tác giả nhắc đến trong sách là Chu
Đình Xương. Thoạt đầu đọc qua, tôi thấy quen quen, nhưng sau
khi tra tìm thì biết ông từng giữ chức giám đốc Sở Liêm
phóng Bắc Bộ (chắc như Sở Công An ngày nay?) Chu Đình Xương
kể rằng thời kháng chiến ở vùng Việt Bắc, ông Đinh Đức
Thiện (em của Lê Đức Thọ) từng lập một trại gồm toàn
gái để "cán bộ đến cấp bậc nào đó đến giải quyết sinh
lí, kiểu nhà thổ của lính Nhật" (trang 173). Nghe nói sau này
ông Trường Chinh biết được và yêu cầu phải giải tán.

<h2>Hồ Chí Minh gặp Ngô Đình Diệm</h2>

Chu Đình Xương kể chuyện đánh đập tù nhân trong xà lim, và
đáng chú ý là cả chuyện "thủ tiêu phản động" (trang 173).
Như vậy thời đó quả thật có chuyện Việt Minh sát hại
những người kháng chiến chống Pháp nhưng không đứng về
phía Việt Minh.

Chúng ta biết rằng ông Ngô Đình Diệm bị Việt Minh bắt vào
tháng 9/1945 ở Huế. Sau đó, họ đưa ông Diệm lên tận vùng
gần biên giới Việt – Trung. Trong lúc đó thì Việt Minh giết
anh ông Diệm là Ngô Đình Khôi và học giả Phạm Quỳnh ở
Huế. Chính trong thời gian này ông Hồ Chí Minh đã gặp ông
Diệm trong tù. Chu Đình Xương còn cho biết chính ông là người
dẫn Hồ Chí Minh đến gặp ông Diệm và Phan Kế Toại. Sau này,
chúng ta biết rằng chính Hồ Chí Minh phóng thích ông Diệm và
ông Toại. Tôi nghĩ có lẽ chính vì nghĩa cử đó mà sau này
ông Diệm giữ mộ ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp rất
tốt.

<h2>Hình nhân Hồ Chí Minh</h2>

Một chuyện khác do Chu Đình Xương kể cũng đáng chú ý là ông
Hồ Chí Minh từng có người giả (gọi là "hình nhân"). Chuyện
kể rằng năm 1946, ông Hồ từ Pháp về Hà Nội qua đường
Hải Phòng. Ông đi từ Hải Phòng về Hà Nội bằng xe lửa,
nhưng vì sợ bị ám sát nên an ninh dắt ông cụ (lúc đó phải
bịt râu) đi thẳng về một địa điểm bí mật. Còn người
đứng trên xa vẫy vẫy chào công chúng đứng đón ông cụ là
một hình nhân, người có dáng dấp rất giống ông cụ Hồ!
Hình nhân này phải đeo râu giả làm cụ Hồ.

Điều trớ trêu là đến kì Cải cách ruộng đất, người ta
đem hình nhân này ra đấu tố là "địa chủ phản động ác
ôn". Hình nhân khóc nói "Tôi từng đóng thay bác Hồ để phản
động có bắn thì tôi chết thay bác thế nhưng phản động
không bắn, mà nay đảng lại bắn tôi, ôi bác Hồ ơi…" Thế
là sau đó người ta hạ hình nhân xuống phú nông và thoát án
tử hình.

<h2>Xin tài trợ từ Mĩ</h2>

Chuyện Việt Nam hùng hồn đòi nợ Mĩ sau chiến tranh thì chẳng
có gì là bí mật, nhưng có câu chuyện vui vui liên quan đến
vụ này trong Đèn Cù Tập II. Chuyện kể rằng Nguyễn Cơ Thạch
lúc bấy giờ là Thứ trưởng Ngoại giao gặp Richard Holbrooke
(cũng Thứ trưởng Ngoại giao Mĩ) ở Hà Nội. Ông Thạch đòi
Mĩ bồi thường mấy tỉ USD, nhưng Holbrooke cười cười nói Mĩ
chẳng có nợ nần gì VN và chẳng có văn bản nào cả để…
đòi nợ.

Thấy "đòi nợ" hơi khó, ông Thạch mời Holbrooke đi ăn tối.
Trong bữa ăn tối với chả chiên, Thạch hạ giọng năn nỉ Mĩ
viện trợ nhân đạo. Nhưng Holbrooke lại mỉm cười nói viện
trợ nhân đạo thì có thể ok, nhưng ở Mĩ việc đó phải qua
Quốc hội phê chuẩn. Nói chung, câu chuyện cho thấy "Anh hùng
như thể khúc lươn / Khi co thì ngắn, khi vươn thì dài".

<h2>Vì vật chất</h2>

Chúng ta biết rằng người cộng sản xem vật chất nhẹ hơn
tinh thần và ý chí. Ít ra là họ nói như thế. Chẳng hạn như
Phạm Văn Đồng từng hùng hồn tuyên bố "Phương Tây là vật
chất, vật chất, vật chất khốn nạn. Phương Đông là tinh
thần, tinh thần, tinh thần cao quí." Nhưng trong thực tế thì
chúng ta biết rằng không phải như thế; họ cũng rất mê vật
chất, cũng ham ăn ngon mặc đẹp, và cũng đam mê học đòi
những thói quen của người tư sản.

Người sắp chết thường nói lời nói thật. Đó là trường
hợp Lê Duẩn. Trước khi chết, ông Duẩn cho gọi các lí
thuyết gia (đúng hơn là "tuyên truyền gia") và nói: sau 60 năm
hoạt động cách mạng đến nay, ông mới hiểu ra câu của Mác
nói lợi ích vật chất là động lực mạnh mẽ thúc đẩy
người lao động. Mao bất lực không làm cho dân sướng về
vật chất, nên phịa ra cái gọi là "chân lí chính trị" hàng
đầu, tư tưởng hàng đầu. Còn ông Lê Duẩn vì "nghe thấy
sướng quá nên bê luôn về cho dân xài, ai nói về vật chất
bác phang cho tội xét lại."

Đèn Cù Tập II cho biết rằng thời đó ở ngoài Bắc có cái
nông trại tên là Tam Thiên Mẫu giữa Cẩm Giàng và Thuận Thành
nuôi đủ bò, dê, heo, gà, ngỗng, vịt, cá, lươn, ếch, v.v. cung
cấp cho Bộ Chính trị. Còn ở Thái Bình thì có đồng trồng
lúa riêng cho các vị trong Bộ Chính trị. Trong khi đó thì dân
chúng không đủ gạo ăn và thiếu thực phẩm.

<h2>"Đĩ đực"</h2>

Trong Đèn Cù Tập II, tác giả Trần Đĩnh cung cấp một thông
tin thú vị về những mâu thuẫn trong giới lãnh đạo chóp bu.
Chẳng hạn như ông Nguyễn Văn Linh không ưa gì ông Lê Duẩn,
và vì muốn làm hoà với Tàu, nên ông Linh nói với Giang Trạch
Dân rằng ông Duẩn đã sai lầm khi "bắt tay" với Liên Xô. Nói
cách khác, họ không ngần ngại "vạch áo cho người xem lưng".
Ông Linh từng nhận xét về cách làm kinh tế của Lê Duẩn là
"lãnh đạo gì mà làm ăn như cái 'con c..'." (Trang 181).

Một chi tiết thú vị là Nguyễn Văn Linh cũng không ưa ông
Trần Văn Trà và Lê Giản. Ông Linh rất ghét đa nguyên. Chính
Lê Giản kết nạp Nguyễn Văn Linh vào đảng ở Hải Phòng.
Thế mà trước khi lên chức tổng bí thư, Nguyễn Văn Linh gọi
Lê Giản và Trần Văn Trà là "những thằng đĩ đực" (Trang
250).

<h2>Những bí ẩn được tiết lộ?</h2>

Đèn Cù Tập II có nhắc đến ông Dương Bạch Mai, là bậc trí
thức Tây học gốc Nam Bộ. Ông sinh ra ở Bà Rịa 1904, qua đời
1964 ở Hà Nội. Ông là người chống lại đường lối thân
Tàu, ông đòi đảng phải cải thiện đời sống cho dân, đòi
dân chủ, v.v. Trang wikipedia chỉ nói cái chết của ông là
"đột tử". Nhưng trong Đèn Cù, tác giả trích dẫn lời của
Hoàng Minh Chính cho rằng "Họ cho anh Mai uống bia có thuốc
độc, chết chưa kịp buông cốc, ngay tại Quốc hội."

Một chi tiết khác cũng khá thú vị là bà Nguyễn Thuỵ Nga,
người vợ bé (miền Nam) của ông Lê Duẩn từng là người
tình của ông Nguyễn Văn Trấn (Trang 256). Ông Trấn cũng là
một trí thức gốc Nam Bộ, cùng thời với Ung Văn Khiêm, nhưng
cũng bị thất sủng và bị phe thân Tàu cho về vườn. Ông
Trấn còn là người nổi tiếng với tác phẩm bị cấm "Viết
cho mẹ và Quốc hội". Bà Nga học làm báo từ ông Trấn, và có
lẽ vì thế mà bà có duyên với báo chí sau này.

Một chuyện cá nhân khác liên quan đến ông Lê Đức Anh.
Chuyện kể rằng thời Đại tá Lê Trọng Nghĩa làm chánh văn
phòng Bộ Quốc phòng, ông Lê Đức Anh là trung tá. Vợ ông từ
Nam ra tận văn phòng làm ầm lên vì ông lấy vợ bé! (Trang 279).

Trong cuốn "Bên thắng cuộc" chúng ta đã đọc biết ông Đỗ
Mười từng bị bệnh tâm thần. Chi tiết này cũng được Trần
Đĩnh nhắc đến trong Đèn cù Tập II. Tác giả viết: "Các lão
thành hỏi nhau có nhớ hồi nào Đỗ Mười điên nằm Việt –
Xô. Lên cơn, ông leo lên cái cây cạnh cổng đứng xoạc chân
cành thấp giơ tay hét xung phong. Các cô y tá ra dỗ bác xuống
đều ù té chạy. Bác mặc quần đùi, trận địa pháo đài bày
ra hết." (Trang 278). Con trai và cháu ông Đỗ Mười cũng bị
điên.

___________________

Chú thích: Những câu chữ trong ngoặc kép là trích từ sách
Đèn Cù Tập II.

(1) Trích "Vietnam, a history, tr.216-217" một đoạn đối thoại
giữa ông Hồ Chí Minh và ông Diệm:

Ông Diệm nhớ lại rằng cuộc trò chuyện giữa ông và ông Hồ
rất thẳng thắn:

Ông Diệm: Anh muốn gì ở tôi?

Ông Hồ Chí Minh: Tôi muốn ở anh điều anh luôn luôn muốn ở
tôi – sự hợp tác của anh để giành độc lập. Chúng ta theo
đuổi một điều giống nhau. Chúng ta phải chung sức với nhau.

Ông Diệm: Anh là một kẻ tội phạm đã đốt cháy và hủy
hoại đất nước, và anh lại còn bắt giam tôi.

Ông Hồ Chí Minh: Tôi xin lỗi anh vì sự cố không may ấy. Khi
quần chúng bị áp bức nổi dậy, những sai lầm là điều
không thể tránh khỏi và những thảm kịch đã xảy ra. Nhưng
tôi luôn tin rằng hạnh phúc của nhân dân sẽ bù đắp được
hết những sai lầm ấy. Anh thù hận chúng tôi nhưng chúng ta
hãy quên chuyện ấy đi.

Ông Diệm: Anh muốn tôi phải quên rằng những thuộc cấp của
anh đã giết chết anh trai tôi?

Ông Hồ Chí Minh: Tôi chẳng biết gì hết về chuyện ấy. Tôi
chẳng liên can gì đến cái chết của anh trai anh. Tôi cũng lấy
làm tiếc về những điều thái quá ấy cũng giống như anh. Làm
sao tôi có thể ra lệnh cho người ta làm việc ấy rồi giờ
đây lại đưa anh tới đây? Không phải chỉ có vậy, tôi cho
đưa anh tới đây để mời anh giữ một chức vụ quan trọng
trong chính phủ của chúng tôi.

Ông Diệm: Anh trai tôi và con trai của anh ấy chỉ là hai trong
hàng trăm người đã bị giết và hàng trăm người nữa bị
phản bội. Làm sao anh dám mời tôi hợp tác với anh?

Ông Hồ Chí Minh: Tâm trí của anh hướng về quá khứ. Anh hãy
nghĩ đến tương lai – giáo dục, cải thiện mức sống của
người dân.

Ông Diệm: Anh nói mà không biết suy nghĩ. Tôi đấu tranh cho
lợi ích của đất nước, nhưng tôi không thể bị chi phối
bởi áp lực. Tôi là một người tự do.Tôi sẽ mãi mãi là
một người tự do. Anh hãy nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi có
phải là một người sợ áp bức hay sợ chết không?

Ông Hồ Chí Minh: Anh là một người tự do."

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141216/nguyen-van-tuan-den-cu-tap-ii-nhung-bi-an-duoc-tiet-lo),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét