"Cảnh sát điều tra chia thành ba nhóm, thẩm vấn Zhao liên
tục trong hơn một tháng trời. Zhao bị trói và phải trả lời
thẩm vấn trong tình trạng súng nhằm thẳng mặt, bị đánh
đập bằng gậy và báng súng. Anh không được nghỉ ngơi, không
được ăn uống đầy đủ. Zhao đã nhận tội tất cả 9 lần,
nhưng khi các đợt thẩm vấn kết thúc, anh đều khai đã bị
tra tấn buộc phải nhận tội…". Nền luật pháp của Trung
Quốc có rất nhiều nét tương đồng với Việt Nam, mà các án
oan là một trong đó. Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu phần
đầu của một báo cáo dài về cải cách tư pháp ở Trung
Quốc, liên quan đến vấn đề án tử hình.
<strong>Những vụ án oan</strong>
Mùa xuân năm 2005 có lẽ là một mùa xuân vui buồn lẫn lộn
đối với She Xianglin. Sau 11 năm tù đày, mang bản án tử hình
vì tội giết vợ, rồi sau đó phúc thẩm còn 15 năm, She chính
thức được trả tự do khi người vợ (mà 11 năm trước đó
She bị cáo buộc giết hại) bỗng dưng… quay về.
Năm 1994, She bị bắt giữ sau khi cảnh sát tỉnh Hubei (Hồ Bắc)
phát hiện xác một phụ nữ đang phân hủy. Một số thủ tục
khám nghiệm được tiến hành. Ngay sau đó, anh bảo vệ 28 tuổi
She Xianglin bị bắt giam, vì xác chết kia có chiều cao tương
tự và thời điểm chết trùng với thời điểm vợ She biến
mất. She bị thẩm vấn liên tục suốt 10 ngày, bị đánh đập
và chỉ được cho nghỉ khi khai nhận tội giết vợ. Mẹ và anh
trai She, trong quá trình đi tìm công lý cho con, em mình, cũng bị
tống giam nhiều ngày. Riêng mẹ She đã bị giam giữ hơn 9 tháng
trời vì tội "che giấu hành vi phạm pháp".
<div class="boxcenter450"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5311/an_oan_0.jpg" /><div
class="textholder">She Xianglin được trả tự do vào ngày 13/4/2005.
Nguồn ảnh: China.org.cn</div></div>
Kịch tính không kém trường hợp của She Xianglin, năm 1999, Zhao
Zuohai cũng phải nhận án tử hình cho tội danh giết người khi
cảnh sát tìm thấy thi thể đang phân hủy của một người
đàn ông được cho là mất tích và Zhao đã có xích mích với
ông ta từ trước đó. Điều tra viên chia thành ba nhóm, thẩm
vấn Zhao liên tục trong hơn một tháng trời. Zhao bị trói gô
và phải trả lời thẩm vấn trong tình trạng súng nhằm thẳng
mặt, bị đánh đập bằng gậy và báng súng. Anh không được
nghỉ ngơi, không được ăn uống đầy đủ. Zhao đã nhận tội
tất cả 9 lần, nhưng khi các đợt thẩm vấn kết thúc, anh
đều khai đã bị tra tấn để buộc phải nhận tội. Vợ Zhao
cũng bị bắt giữ và tạm giam hơn một tháng. Chị cũng bị
đánh đập cho đến khi chịu khai nhận những túi nilon tìm
thấy quanh thi thể không đầu kia là túi nilon nhà mình.
11 năm sau, "nạn nhân" của vụ án trở về làng vì ốm
nặng và cần làm các thủ tục giấy tờ để được hưởng
phúc lợi xã hội. Ngày 8/5/2010, Tòa án Tối cao tuyên Zhao vô
tội và ra lệnh trả tự do cho anh ngay lập tức. Sau 11 năm tù,
người đàn ông 57 tuổi gần như không còn lại gì. Người vợ
đã đưa đơn ly dị, rồi tái hôn, có cuộc sống mới. Hai trong
số những người con của Zhao được cho đi làm con nuôi.
Hai vụ án oan trên đã thu hút được sự chú ý không chỉ của
dư luận Trung Quốc mà còn của thế giới, và làm dấy lên
những làn sóng cải cách luật tử hình ở nước này. Trong
đó, đáng kể nhất là những làn sóng bắt đầu từ sau năm
2005, với việc Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc khôi phục
lại quyền tái thẩm án tử hình năm 2006, và phạm vi áp dụng
án tử hình được thu hẹp trong lần sửa đổi Bộ luật Hình
sự năm 2011. Ngoài ra, trước và giữa các làn sóng cải cách
này, Trung Quốc cũng có nhiều nỗ lực cải cách khác nhằm
bảo vệ quyền của các nghi can và ngăn chặn nguy cơ xảy ra
các bản án oan sai trong tương lai.
<strong>Nỗ lực xây dựng hệ thống tố tụng minh bạch, công
bằng</strong>
Để khắc phục những sai lầm trong quá trình xét xử, năm 1996,
Trung Quốc đã ban hành Bộ luật Tố tụng Hình sự mới. Bộ
luật đưa ra thêm các quy định về chứng cứ nhằm bảo vệ
nhân chứng trước lực lượng điều tra, tăng cường vai trò
của luật sư biện hộ cũng như thể hiện sự tôn trọng
quyền kháng nghị của bị cáo. Hầu hết các sửa đổi quan
trọng trong 61 điều khoản bổ sung của bộ luật này đều
thể hiện một mong muốn: xây dựng mô hình tố tụng tranh
tụng thay cho mô hình tố tụng thẩm vấn để hạn chế tình
trạng xảy ra oan sai. Các cải thiện cũng đều hướng tới
việc thúc đẩy quyền được đối xử bình đẳng trước pháp
luật của bị can, và có tác dụng điều chỉnh lại sự bất
cân đối về mặt cấu trúc giữa ba bên – công tố, biện hộ
và tòa án.
Các cải cách trong thủ tục tố tụng được tiếp nối với
quyết định khôi phục quyền tái thẩm của Tòa án Nhân dân
Tối cao Trung Quốc năm 2006. Tòa án này quyết định thành lập
các tòa án riêng với mục đích tái thẩm tất cả các bản án
tử hình đã được đưa ra. Đồng thời, Tòa án Nhân dân Tối
cao Trung Quốc cũng yêu cầu các tòa án phúc thẩm phải đảm
bảo các vụ án có thể liên quan đến tử hình đều phải
được xét xử công khai để tăng tính minh bạch, tăng cường
trách nhiệm giải trình và hạn chế nguy cơ xử sai. Cả hai
cải cách trên đều được quy định trong bản sửa đổi Luật
Cơ bản về Tòa án Nhân dân được Ủy ban Thường trực Quốc
hội Trung Quốc thông qua.
Điểm đáng chú ý khác là trong bản đề cương cho Kế hoạch
Cải cách 5 năm lần III năm 2009, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung
Quốc đã đẩy các cải cách trong việc áp dụng khung hình
phạt tử hình lên thành một phần chính yếu của kế hoạch
cải cách. Mặc dù vẫn còn nhiều bất cập trong hoạt động
tố tụng liên quan đến các bản án tử hình, song công bằng
mà nói, các hoạt động tố tụng ở Trung Quốc đang tiến tới
hướng dân chủ, công bằng và minh bạch hơn.
Đặc biệt, tháng 6/2010, 5 bộ và cơ quan tư pháp của Trung
Quốc đã đưa ra một bộ quy định pháp lý chung điều chỉnh
lại hệ thống chứng cứ hình sự trước đó. Cụ thể, điều
khoản liên quan đến các vấn đề kiểm tra chứng cứ trong các
vụ án tử hình quy định rõ, dữ kiện, thực tế khách quan
trong các vụ án tử hình phải được xác lập dựa trên chứng
cứ. Đây là một bước tiến đáng kể so với nguyên tắc
"dựa trên thực tế khách quan và phán quyết theo luật"
được quy định trong Điều 6 của Bộ luật Tố tụng Hình sự
nước này. "Chứng cứ" là những bằng chứng thỏa mãn tất
cả các yêu cầu được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình
sự, trong khi "thực tế khách quan" có thể đưa đến việc
ngụy tạo các chứng cứ giả, chẳng hạn những lời cung khai
do bị tra tấn như trong trường hợp của She Xianglin và Zhao
Zouhai.
Những cải cách kể trên đã tạo ra một môi trường nghiêng
theo hướng hạn chế sử dụng án tử hình cũng như giảm các
trường hợp thi hành án tử hình trên thực tế. Theo báo cáo
hàng năm của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc năm 2008, lần
đầu tiên kể từ sau năm 1979, số vụ tử hình treo 2 năm đã
vượt số vụ tử hình thi hành ngay. Đồng thời, thống kê
cũng cho thấy phần lớn án tử hình được áp dụng cho các
vụ án có hành vi bạo lực nghiêm trọng nhất như giết
người, trộm cắp, bắt cóc, và tấn công có chủ đích gây
chết người. Những thay đổi này đều đặt nền móng vững
chắc cho một cải cách quan trọng được coi là bước tiến
của Trung Quốc trong tiến trình xóa bỏ hẳn án tử hình: Bộ
luật Hình sự sửa đổi lần VIII.
<div class="boxcenter450"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5311/an_oan_1.jpg" /><div
class="textholder">Mẹ của Nie Shubin gục khóc trên mộ con. Nie
Shubin bị tử hình năm 21 tuổi vì tội "hiếp dâm, giết
người". 10 năm sau (2005), thủ phạm thật của vụ án bị
bắt và đã thú tội. Nguồn ảnh: China.org.cn</div></div>
<strong>Cú đột phá "sửa đổi lần VIII"</strong>
Sau khi nhiều bản án tử hình oan được phát hiện, đặc biệt
là trường hợp oan sai của Zhao Zouhai, có thêm nhiều đề xuất
cải cách tập trung vào việc hạn chế phạm vi áp dụng án tử
hình. Trong đó, Bộ Luật Hình sự sửa đổi lần VIII năm 2011
được đánh giá là cú đột phá quan trọng, đưa Trung Quốc
tiến dần tới việc xóa bỏ án tử hình.
Theo luật sửa đổi, 13 tội danh phi bạo lực được xóa khỏi
khung hình phạt tử hình. Từ 68 tội danh theo Bộ luật Hình sự
năm 1997, số tội danh có thể phải chịu án tử giảm xuống
còn 55. Có nhiều ý kiến cho rằng sửa đổi này có cũng như
không vì đây là các tội danh phi bạo lực, và những người
phạm các tội danh này hiếm khi bị tử hình trên thực tế. Tuy
nhiên, với con số 19% tội danh được xóa án tử, khách quan mà
nói bản sửa đổi này là một cột mốc quan trọng của Trung
Quốc trong nỗ lực cải cách luật về tử hình.
Ngoài ra, bản sửa đổi lần VIII còn cho thấy một thay đổi
trong quyết định lựa chọn giá trị của cơ quan lập pháp
Trung Quốc. Nếu như trước đây, luật hình sự nói chung và
bản án tử hình nói riêng được sử dụng như một công cụ
để duy trì trật tự xã hội, thì những sửa đổi năm 2011
dường như cho thấy cơ quan lập pháp Trung Quốc bắt đầu xem
xét lại lựa chọn giá trị của mình khi ban hành luật, và
chuyển đổi trọng tâm từ chỗ duy trì trật tự xã hội, sang
đạt đến sự cân bằng giữa trật tự xã hội và quyền con
người.
Một điểm mới khác, đáng chú ý trong bản sửa đổi VIII là
sự khoan dung của pháp luật Trung Quốc đối với những người
phạm tội trên 75 tuổi; theo đó, hình phạt tử hình sẽ không
áp dụng với những can phạm trên 75 tuổi, trừ trường hợp
người phạm tội gây chết người bằng những phương thức
đặc biệt dã man. Cũng theo luật sửa đổi, người phạm tội
trên 75 tuổi có thể được hưởng mức án nhẹ hơn cho những
tội danh cố ý. Ngoài ra điều 19 của luật sửa đổi cũng quy
định, người phạm tội dưới 18 tuổi tại thời điểm gây
án và nhận án dưới 5 năm tù không có trách nhiệm khai báo
với đơn vị liên quan về tiền án của mình khi đăng ký tòng
quân hay đi xin việc.
Đánh giá khách quan các sửa đổi trên, có thể nói lời hứa
"Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người" được
ghi trong Hiến pháp Trung Quốc đang dần được hiện thực hóa
trong lĩnh vực luật hình sự. Bộ luật Hình sự sửa đổi
lần VIII là cú đột phá có tính lịch sử, là hành động cụ
thể hóa lập trường của Chính phủ Trung Quốc về án tử
hình, hướng đến "mục đích cuối cùng là xóa bỏ án tử
hình" như cam kết của ông La Yifan, đại diện của Trung Quốc
trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tháng 3 năm 2009.
<div class="boxcenter450"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5311/an_oan_2.jpg" /><div
class="textholder">Cha mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan
cho con, Hà Nội, tháng 12/2014. Nguồn ảnh: FB Mai Dũng.</div></div>
*****
Tổng hợp từ các bài viết:
Death Penalty Reforms in China: Lessons from Wrongful Convictions? của tác
giả JIANG Na đăng trên tạp chí Tsinghua China Law Review
The Death Penalty in China: Reforms and its Future của tác giả Zhou
Zhenzie đăng trên WIAS Research Bulletin
Zhao Zuohai: Beaten, framed and jailed for a murder that never happened của
tác giả Clifford Coonan (independence.co.uk).
Kỳ sau: Những chướng ngại đẩy lùi cải cách
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141225/nguyen-huyen-trang-an-tu-hinh-oan-va-lan-song-cai-cach-luat-phap-o-trung-quoc-phan),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét