Lê Quang - Xã hội dân sự và Vốn xã hội

Michael Woolcock tin rằng cộng đồng nào sở hữu nhiều mạng
lưới và hội nhóm dân sự thì có khả năng cao hơn trong việc
xóa bỏ đói nghèo, chống lại rủi ro thiên tai, và giải quyết
các xung đột xã hội. Các cộng đồng này cũng có khả năng
tạo ra hoặc tận dụng các cơ hội do môi trường mang lại.
Đây là những đặc tính mà một cộng đồng thiếu vắng các
tổ chức xã hội dân sự không có.

<div class="boxcenter500"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5311/von-xa-hoi.jpg" /><div
class="textholder">Ảnh: vốn xã hội sinh ra khi con người tương
tác với nhau (nguồn: RC facebook)</div></div>

Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, các nhà kinh tế cổ
điển như T. W. Schultz và Gary Becker đưa ra khái niệm vốn con
người (human capital), cho rằng một xã hội có những công nhân
được đào tạo, giáo dục và sức khỏe tốt thì sẽ sử
dụng các nguồn lực sản xuất tốt hơn. Vốn con người là
những kỹ năng và tố chất của cá nhân con người, sở hữu
bởi cá thể cụ thể.

Vốn xã hội (social capital) nằm ở trong các mối quan hệ giữa
người với người. Vốn xã hội không những bao gồm các cấu
trúc của mạng lưới và các quan hệ xã hội, mà còn bao gồm
các thuộc tính như sự tin tưởng, trung thực, hay nguyên tắc
"có đi có lại". Sự sinh ra hay mất đi của vốn xã hội
cũng phụ thuộc vào chất lượng của thể chế như "pháp
quyền", "mức độ tuân thủ hợp đồng" hoặc "tự do
dân sự". Theo Robert D. Putnam, thì cộng đồng nào có vốn xã
hội giàu có thì dễ dàng hơn trong việc hợp tác, triển khai
các hoạt động thiện nguyện, và thúc đẩy người dân tham gia
giải quyết các vấn đề của cộng đồng.

Gần đây, Dani Rodrik và William Easterly cung cấp các bằng chứng
mạnh mẽ chứng minh vai trò của vốn xã hội trong tăng trưởng
kinh tế. Hai ông cho rằng tăng trưởng kinh tế nói chung và khả
năng giảm thiểu tác hại của các cú sốc kinh tế nói riêng
là sản phẩm tương tác của sức mạnh các thể chế công và
sự giàu có của vốn xã hội. Các quốc gia bị chia rẽ bởi
sắc tộc, bất bình đẳng kinh tế hoặc đàn áp tiếng nói
chính trị, nếu có một chính phủ yếu, tham nhũng nữa thì
rất dễ bị sụp đổ tăng trưởng kinh tế.

Các thuộc tính của vốn xã hội, ví dụ như lòng tin, được
gọi là cội nguồn của đạo đức, như cách gọi của Albert
Kirschman, một cội nguồn mà khi càng dùng thì càng được sinh
ra và tăng lên, ngược lại bị cạn nếu không được sử
dụng. Đây là một nguyên lý đơn giản vì nếu hai người hợp
tác dựa vào lòng tin thì sự tin tưởng càng tăng lên theo thời
gian. Nguyên lý này cũng đúng cho các đặc điểm khác của vốn
xã hội, như quy tắc ứng xử và sức mạnh mạng lưới, nó
sẽ tăng lên khi sử dụng và mất đi nếu không sử dụng.

Rõ ràng, các yếu tố của vốn xã hội như sự tin tưởng, quy
tắc ứng xử và mạng lưới là hàng hóa công, không giống như
vốn con người hoặc các loại vốn truyền thống khác là của
riêng. Cũng giống như các loại hàng hóa công khác, vốn xã
hội thường bị đánh giá thấp hơn giá trị thực của nó.
Chính vì vậy dẫn đến việc thiếu đầu tư vào việc tạo ra
vốn xã hội. Để tạo ra nhiều vốn xã hội thì cần phải có
nhiều hoạt động xã hội, dân sự, nơi con người giao lưu,
tương tác với nhau để tạo ra sự tin tưởng, chia sẻ, và xây
dựng các nguyên tắc đồng thuận, tích cực và hướng tới
mục đích chung.

Như vậy, vốn xã hội có thể coi là dung môi cho các hợp tác
dân sự. Trong cuộc sống chúng ta cần phải có hợp tác giữa
hành pháp và lập pháp, giữa công nhân và quản lý, giữa các
tổ chức xã hội dân sự và nhà nước, giữa chính phủ và
doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau. Nếu tất cả các
quan hệ hợp tác đều phải sử dụng hợp đồng, giám sát và
thực thi bởi bên thứ ba thì sẽ đòi hỏi chi phí khổng lồ,
và tính khả thi gần như không có. Điều này được giải
quyết bởi sự tin tưởng. Hay nói cách khác, vốn xã hội là
chất bôi trơn giúp cho các mối quan hệ được diễn ra trơn
tru. Mức độ tin tưởng của một cộng đồng càng lớn thì
khả năng hợp tác càng cao, và khi hợp tác nhiều thì tự tạo
ra sự tin tưởng hay làm giàu vốn xã hội. Chính sự tích lũy
dần dần và chắc chắn của vốn xã hội trong mỗi cộng
đồng tạo ra năng lực hợp tác, đối phó với rủi ro và tận
dụng cơ hội mới.

Trong xã hội hiện đại, lòng tin xã hội được xây dựng từ
hai nguồn, một là nguyên tắc "có đi có lại" và nguyên
tắc mạng lưới dân sự. "Có đi có lại", có nghĩa "tôi
giúp bạn bây giờ với mong muốn là bạn sẽ giúp tôi trong
tương lại". "Có đi có lại" tạo ra một loạt các hành
động mà về lâu dài tất cả các thành viên tham gia đều có
lợi hơn. Nguyên tắc mạng lưới dân sự làm tăng chi phí cho
những người phá hợp đồng trong các giao dịch đơn lẻ, vì
thông tin này sẽ được truyền đi qua mạng lưới. Đây chính
là lý do khuyến khích các hành vi có lợi cho mạng lưới, và
trừng phạt các hành vi đi ngược lại lợi ích của mạng
lưới.

Tuy nhiên, vốn xã hội có thể tích cực hoặc tiêu cực cho sự
phát triển chung phụ thuộc vào các mục đích hợp tác khác
nhau. Nếu các mạng lưới tập trung vào buôn lậu, buôn bán
phụ nữ hoặc heroin, hoặc bảo kê những người buôn bán nhỏ
hoặc kinh doanh, thì vốn xã hội này ngăn cản chứ không đóng
góp cho sự phát triển của xã hội. Ngược lại, nếu các
mạng lưới tổ chức xã hội tập trung vào bảo vệ môi
trường, làm công việc thiện nguyện, trao đổi thông tin kinh
doanh, hoặc bảo vệ quyền hợp pháp thì sẽ có ích cho xã
hội.

Việc phát triển vốn xã hội theo hướng tích cực, hoặc tiêu
cực phụ thuộc rất nhiều vào cách nhìn của nhà nước với
xã hội dân sự nơi xảy ra các hoạt động tạo ra vốn xã
hội. Nếu nhà nước muốn kiểm soát xã hội dân sự bằng
luật hà khắc, thì các nhóm xã hội dân sự lành mạnh sẽ
không phát triển được. Ngược lại, các nhóm mafia, buôn lậu
hoặc tội phạm bảo kê thì hoạt động không cần luật pháp.
Chính vì vậy, nếu nhà nước không tạo điều kiện cho các
tổ chức xã hội dân sự lành mạnh phát triển, đồng nghĩa
tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho các tổ chức mafia, tội
phạm, vì khi người dân không có các tổ chức dân sự lành
mạnh bảo vệ mình, thì sức mạnh tương đối của các nhóm
tội phạm, tiêu cực sẽ tăng lên.

Như vậy, để nhìn vào tiềm năng phát triển của quốc gia,
ngoài các chỉ số về giáo dục và tài chính, chúng ta nên nhìn
vào chỉ số liên quan đến vốn xã hội như niềm tin trong xã
hội, nguyên tắc tôn trọng hợp đồng, và tự do của các tổ
chức xã hội dân sự. Đây chính là dung môi nơi các hoạt
động kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị diễn ra, và
diễn ra như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn xã
hội một quốc gia có.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141210/le-quang-xa-hoi-dan-su-va-von-xa-hoi),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét