Va Li - Gửi bác bộ trưởng bộ giáo dục

<center><img src="http://www.danluan.org/files/u5311/sgk.jpg" width="400"
height="500" alt="sgk.jpg" /></center>
<em><center>Sách giáo khoa anh văn lớp 3 của Nepal</center></em>

Cháu tên Linh. Dĩ nhiên bác không cần nhớ tên cháu làm gì.
Cũng như đã lâu rồi cháu chẳng còn quan tâm ai là Bộ trưởng
Bộ GD vậy. Nhưng nói chung, làm người đâu nhất thiết phải
nhớ tên nhau. Chỉ cần chúng ta có một câu chuyện chung để
nói. Thế là đủ rồi bác nhỉ.

Chuyện kể là, hôm qua, cháu ngồi ở thư viện trường Shree
Sarbodaya quận Syanja - Nepal. Cháu dành cả một ngày đọc sách
giáo khoa English để hiểu cách dạy English của người Nepal. Dĩ
nhiên, người Nepal dạy English không tốt đâu. Vì họ không có
tiền để mua tivi, băng đĩa, không có phương tiện cho học sinh
nghe người bản xứ nói chuyện, thậm chí đến cả cuốn từ
điển giấy họ còn túng thiếu bác ạ( túng thiếu đến cỡ
nào cháu sẽ có 1 bài viết để kể sau). Nhưng so với Việt Nam
thì English của họ giỏi hơn nhiều. Dĩ nhiên, Nepal đúng là
một nước nghèo, nghèo xếp hạng top nghèo nhất thế giới
ấy. Nhưng cần so sánh với trình độ GD của 1 nước nghèo
để thấy rằng trình độ của nước mình ở đâu. Và giờ,
có mấy điều cháu muốn trao đổi với bác như sau:

1. Cháu đọc SGK English của học sinh Nepal từ lớp 1 đến lớp
5.
Bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 Nepal là chuyện chào
hỏi. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 2 nói chuyện đi
đến trường. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 3 kể lại
nhật ký một ngày của cô bé Lilu. Bài học đầu tiên của
học sinh lớp 4 dạy bạn phải biết Be careful với câu chuyện
cậu bé Raj vừa đi vừa chơi game mà không để ý thấy cây
cầu bị gãy.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 5 hỏi, "What do you want?"
và kể chuyện người cha già có đứa con bị ở tù. Ổng ra
vườn trồng khoai tây và ước giá mà có đứa con trai ở đây
để đào lỗ cho ổng trồng. Thế là ổng viết thư cho con trai.
Mỗi bài học thể hiện độ khó khác nhau bác ạ. Thậm chí
ngoài English, họ còn có 2 môn học khác là Văn hoá xã hội và
Khoa học - Sức khoẻ cũng hoàn toàn được viết bằng English
và nằm trong môn học chính của học sinh.

Cháu lập tức nhắn về Việt Nam, nhờ đứa bạn thân chạy ra
hiệu sách, chụp cho cháu xem SGK English từ 1-5 dạy cái gì. Bác
biết gì không?

Bài học đầu tiên của SGK 1 dạy Hello. Bài học của sách SGK 2
là dạy câu "where are you from". Bài học của SGK 3 dạy lại
Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu "How're you". Bài
học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu "where're you from".

Cháu hoảng hồn bác ạ. Cháu không biết vì bác nghi ngờ trình
độ của học sinh VN quá kém nên có mỗi 3 câu "hello, how're you,
where're you from" mà bác bắt chúng phải học đi học lại suốt
5 năm học như thế hay không?

Hay là tại những người soạn sách không biết gì hơn để mà
soạn?

Hay tại chúng ta quan niệm, 5 năm, học được 3 câu đó là đã
quá nhiều rồi?
Bác biết không, học sinh ở độ tuổi càng nhỏ thì khả năng
tiếp cận ngôn ngữ càng tốt. Vì lúc đó bộ nhớ của chúng
chưa sử dụng để ghi nhớ những điều phức tạp, những
chuyện kiếm tiền, yêu đương. Nên cháu buồn khi thấy chúng ta
bắt các em học quá nhiều thứ về toán lý hoá nhưng lại lo
sợ trí nhớ của các em không đủ để học English. Buồn
cười nhỉ.

2. Để dạy học sinh Nepal hiểu English, nhớ English, người Nepal
bắt đầu bài học bằng những câu chuyện. Chuyện kể cô bé
Deepa làm việc này việc kia. Chuyện kể gia đình cu cậu Ramesh
thế này thế nọ. Cô giáo sau khi dạy học sinh về câu chuyện
sẽ hỏi lại học sinh câu chuyện đó kể gì, cô bé Deepa làm
gì, cậu Ramesh bị gì. Học sinh trả lời và ghi nhớ.

Để dạy học sinh Việt Nam hiểu English, các nhà soạn sách VN
soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt
học sinh học lại đoạn hội thoại đó để ứng dụng như
một con vẹt. Theo bác, việc ghi nhớ nội dung câu chuyện dễ
hơn hay khó hơn ghi nhớ một đoạn hội thoại dễ hơn?

3. Người Nepal soạn sách giáo khoa để dạy người Nepal. Thế
nên những câu chuyện họ viết, những đề tài họ dạy liên
quan đến đời sống, văn hoá hàng ngày của họ.

Họ nói về đỉnh Everest, nói về thủ đô Kathmandu, nói về
những cậu bé, cô bé với những cái tên rất Nepal như Gauri,
Sunda... Đó là cách họ khiến học sinh hứng thú với môn
English vì nó gần gũi, dễ hiểu. Đó cũng là cách họ từ hào
về đất nước họ.

Chúng ta - trong đó có bác - luôn nói tự hào về Việt Nam.
Nhưng có bao giờ bác nhìn SGK English của người Việt để xem
sách viết gì không?

Sách viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry...những cái
tên không phải của người Việt. Sách kể chuyện My hometown
nhưng cái Hometown ấy là London.

Sách kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giày
bánh mì thịt nướng mà là bánh Pizza.

Thế nên cháu muốn hỏi là, có phải vì chúng ta không đủ kinh
phí để soạn một cuốn sách dạy English nhưng nội dung xoay
quanh đời sống Việt không? Hay là những nhà soạn sách họ
không nghĩ ra cái gì hay ho hơn nên phải dùng những câu chuyện
của nước khác. Để đến khi người nước ngoài họ hỏi cái
món bánh nổi tiếng nhất ở nước mày là món gì thì học sinh
bảo là pizza vì chúng không biết từ bánh mì thịt nướng trong
English nói thế nào.

Nếu mà vì chúng ta nghèo quá, không có kinh phí, chỉ cần bác
nói thôi, cháu sẽ huy động được một đội ngũ soạn được
cuốn sách dạy English cho người Việt mà không cần lấy một
đồng nào.

Còn nếu vì những người soạn sách họ không nghĩ ra cái gì
hay ho hơn để viết, thì cũng chỉ cần bác nói thôi, cháu sẽ
chỉ họ cách viết. Thí dụ như thay vì viết bài giảng "quê
mày ở đâu hả Tom? Quê tao ở Mỹ, Peter ạ" thì cháu sẽ chỉ
họ chuyển thành thế này "Quê mày ở đâu hả Tí? Quê tao ở
Mỹ Tho Tèo ạ, là cái xứ ngày xưa bọn Mỹ đánh hoài mà
không chiếm được ấy."

Cháu tin bọn học sinh sẽ hứng thú với câu chuyện của thằng
Tí, thằng Tèo hơn câu chuyện của Tom và Peter ạ. Vì chúng
cháu đã từng là những thằng Tí, thằng Tèo như thế.

5. Đã rất lâu rồi, chúng ta, hoặc vì lười biếng, hoặc vì
bảo thủ, hoặc vì không muốn tiếp cận cái mới nên luôn tự
ru ngủ nhau rằng, "là người Việt, chúng ta phải tự hào về
văn hoá Việt, nên chúng ta cần học tiếng Việt chứ không
phải English". Đó chắc là lý do mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm
vừa rồi English trở thành môn tự chọn và không có trong môn
thi.

Nhưng cháu thì muốn đổi lại một chút thế này, "là người
Việt, chúng ta cần tự hào về văn hoá Việt, nên chúng ta cần
học English để nói cho thế giới biết về văn hoá của chúng
ta đẹp như thế nào". Người Nepal đưa English thành ngôn ngữ
chính, vì họ muốn kể câu chuyện văn hoá của đất nước
họ cho thế giới biết. Nên cũng đã đến lúc chúng ta cần
học theo như họ rồi bác ạ.

Nó giống như câu chuyện anh nông dân xây được cái nhà đẹp
ấy. Nếu anh tự hào về ngôi nhà anh đẹp, thì anh phải tìm
cách đi qua làng bên, nói cho người làng bên biết cái nhà anh
đẹp thế nào để họ còn biết mà đến thăm. Nhưng chúng ta
đã làm gì? Chúng ta đã bảo anh nông dân ấy nằm ở nhà,
chổng mặt lên ngắm trần nhà và tự khen nhà mình đẹp thôi
là đủ. Trong khi thế giới ngoài kia, có biết bao ngôi nhà
đẹp hơn đang được xây nên mỗi ngày, bác ạ...

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141120/va-li-gui-bac-bo-truong-bo-giao-duc),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét