Phạm Thị Hoài - Nhà báo và nhà kiểm duyệt (2)

<strong >Sự khó chịu trong sự thật</strong>

Câu hỏi đầu tiên nên trả lời trong vụ "Rừng Sát" là:
bài phóng sự của Thomas A. Bass về kiểm duyệt tại Việt Nam
có trình bày đúng thực trạng đó không? Theo tôi, đúng. Và
hay. Chân dung truyền thần sinh động của ông về bộ mặt
kiểm duyệt ở Việt Nam thật đến mức khó chịu. Nó bao quát
hiện tượng kiểm duyệt, khắc họa bản chất của kiểm
duyệt, phác họa cấu trúc và các hình thái của kiểm duyệt,
tìm hiểu bối cảnh của kiểm duyệt và miêu tả chi tiết
kiểm duyệt diễn ra như thế nào. Nó là một áng văn hấp
dẫn, một tư liệu giá trị. Nếu tôi không quá nhầm thì công
luận phải mong muốn nó được phổ biến. Song điều phiền
toái nằm ngay trong giá trị của bài phóng sự.

Tác giả, như thông lệ của phóng viên điều tra phương Tây,
đã không dùng nút bấm điều khiển từ xa, không tổng hợp và
lọc tin từ bàn phím, không nghe qua tai, nhìn qua mắt và phát
ngôn qua miệng người khác, mà tuân thủ đạo đức hay điều
răn hàng đầu của nghề báo: ông không bịa ra một bài phóng
sự mà tiếp cận người thật, việc thật, và lấy trường
hợp thật của chính mình làm chất liệu.

Chuẩn mực đầu tiên này của sự thật có vẻ lạ lùng với
báo chí Việt Nam. Để lấy một ví dụ: khi "em bé đuốc
sống" Lê Văn Tám đã được người trong cuộc, một nhân
chứng, một giáo sư sử học đầy uy tín chính thống, <a
href="http://daotao.vtv.vn/gs-phan-huy-le-tra-lai-su-that-hinh-tuong-le-van-tam/">tiết
lộ là nhân vật hư cấu</a> để tuyên truyền thì nhà báo
Trần Trọng Tân, người từng đứng đầu ngành văn hóa tư
tưởng của đất nước, <a
href="http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2008/10/168642/">vẫn khẳng
định</a> em bé này là có thật, vì một số sách báo sau này
đã thuật lại sự kiện này. Tôi không biết có ai sẵn sàng
trả tiền mua tin của Thông tấn xã Việt Nam hay không, song sở
dĩ các hãng tin nước ngoài như Reuters, AP, AFP, UPI, DPA…, hầu
hết của phương Tây, bán được loại hàng đặc biệt này vì
bên cạnh những ưu thế khác, trước hết là giá trị xác
thực của món hàng được đảm bảo: người thật, việc
thật, phóng viên thật. Bán một chiếc túi nhái Louis Vuitton
rất dễ; cả giá trị sử dụng lẫn giá trị thẩm mĩ của nó
có khi còn cao hơn của hàng xịn, vấn đề chỉ còn là nguồn
gốc toát ra từ chính người dùng; nhưng bán tin <em>fake
</em>Reuters thì không thể, giá trị sử dụng của nó là
<em>zero</em>. Trong hai tác phẩm đáng chú ý nhất hai năm vừa
qua, <em>Bên thắng cuộc</em> của Huy Đức và <em>Đèn cù</em>
của Trần Đĩnh, chúng ta có thể tìm được vô số ví dụ về
việc toàn bộ guồng máy tuyên truyền của Việt Nam đã hư
cấu, bịa đặt, giả mạo, bóp méo, lũng đoạn, dụng ý gây
nhiễu, định hướng, kiểm soát và kiểm duyệt thông tin một
cách toàn diện và hệ thống như thế nào. Bài báo, "phát
pháo mở đầu cuộc Cải cách Ruộng đất" về vụ đấu bà
Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long, do chính ông Trần Đĩnh viết,
"ký một cái tên ú ớ không còn nhớ và sau đó cũng không mó
đến nó bao giờ", như ông cho biết. Song bản thân ông không
dự đấu tố. Để xào ra một "tường thuật", ông "khai
thác" người cấp dưỡng của ông Trường Chinh, theo sự "pha
phách thêm nếm" của đồng chí phóng viên đầu bếp này,
để rồi "phối hợp" với nó, chúng ta có bài "Địa chủ
ác ghê" của một CB nổi tiếng. Ít nhất thì ông Hồ đã
"bịt râu đến dự một buổi", nhưng chắc chắn không phải
vì tuân thủ đạo đức báo chí.

Và để so sánh: báo chí Đức ồn lên một dạo vì một vụ
tai tiếng. Bỉnh bút của tờ <em>Süddeutsche Zeitung</em>, ông
Heribert Prantl, một trọng lượng lớn trong làng báo Đức, bị
chỉ trích vì trong một bài chân dung về người đứng đầu
Tòa Bảo hiến Liên bang, ông miêu tả cảnh thực khách của vị
chánh án được phân công làm bếp, như thể ông đã trực
tiếp chứng kiến, trong khi ông chỉ nghe kể lại chứ chưa bao
giờ ngồi trong căn bếp ấy. Tờ báo phải đăng đính chính.
Một nhà báo khác, ông René Pfister của tờ <em>Spiegel</em>,
được trao một giải thưởng báo chí danh giá cho một bài
viết về Thống đốc bang Bayern, trong đó có đoạn miêu tả
sưu tập mô hình tàu hỏa trong tầng hầm nhà vị chính khách
này. Ngay sau đó ông bị tước giải thưởng vì chỉ biết
đến sưu tập đó qua nguồn khác, song lại quên nêu rõ, khiến
độc giả tưởng ông đã đích thân đặt chân xuống tầng
hầm này.

Nếu cũng áp dụng những chuẩn mực như vậy, báo chí Việt
Nam còn lại gì? Cần nói ngay rằng báo chí độc lập, thiếu
hẳn điều kiện – tài chính, nhân sự, bộ máy tổ chức –
và quyền tự do tiếp cận các sự kiện, đành giới hạn mình
trong chức năng bình luận; dễ hiểu rằng nhiều nhận định
nghiêm túc xuất hiện ở "lề trái" lại vô giá trị, vì
dựa trên các thông tin hư cấu hoặc đã xào nấu nát bét
nguồn gốc trong những chiếc vạc đại táo của các đầu bếp
quốc doanh. Đó là chưa kể vô vàn <a
href="http://www.procontra.asia/?p=798">những diễn đàn nặc danh</a>
mà tọa độ chính trị còn đáng ngờ hơn cả các thông tin
được những người ngồi trong bóng tối lôi ra từ tay áo.

Trở lại với ông nhà báo Mỹ. Ông có thể kể câu chuyện
hoàn toàn thật của mình, do chính mình trải qua, đích thân tai
nghe mắt thấy, bằng cách giấu tên các nhân vật thật trong
đó không? Tôi cho là không. Vì sao? Vì chỉ giấu họ trong
những cái tên hư cấu là vô nghĩa, không cần là người trong
ngành xuất bản ở Việt Nam cũng dễ dàng xác định <em>who is
who</em> trong trường hợp này. Thao tác giấu tên bắt buộc
phải kéo theo một loạt các hư cấu khác: ông phải tưởng
tượng ra một nhà xuất bản khác, cuốn sách bị kiểm duyệt
của ông phải mang một cái tên khác và tất nhiên một nội
dung khác, bản thân ông cũng cần xuất hiện với một bút danh
khác, và toàn bộ câu chuyện nên xảy ra ở một xứ tưởng
tượng, phi thời đại, tốt nhất là ở Macondo. Nó sẽ không
còn là một phóng sự điều tra mà trở thành một <em>roman à
clef</em>. Tác phẩm được coi là <em>roman à clef</em> nổi tiếng,
tiểu thuyết <em>Mephisto</em> của Klaus Mann – con trai Thomas Mann
– là một ví dụ tốt. Dù nhân vật chính mang một cái tên
hoàn toàn khác và được đặt trong những tình tiết hư cấu,
nhưng bối cảnh là nước Đức thời Quốc xã không thay đổi,
nên người đọc vẫn dễ dàng nhận ra đó là diễn viên Gustaf
Gründgens, anh rể cũ của tác giả, một nghệ sĩ có tài, nhiều
tham vọng, leo đến đỉnh cao sự nghiệp sân khấu của mình
nhờ thỏa hiệp với chính quyền Hitler. Song Thomas A. Bass không
có ý định viết tiểu thuyết. Tác phẩm của ông là một
phóng sự người thật việc thật, thể loại đặc biệt,
được coi là đỉnh cao và niềm tự hào của báo chí phương
Tây.

Để lấy tiếp một ví dụ – hiển nhiên không phải để so
sánh sự kiện, một sự kiện nằm ngoài khả năng hình dung
của chúng ta – mà để hiểu, khi được gắn với những nhân
vật cụ thể, có thực và có thể kiểm chứng, thì sự thật
bỗng hiện ra trong toàn bộ sự khó chịu của nó như thế nào:
Trước khi Seymour Hersh bám lấy viên trung úy William Calley Jr.
để anh ta, chuếnh choáng sau một lượng bia kha khá, kể chuyện
mình đã thực hiện lệnh <em>search and destroy</em>, tìm và diệt,
tại làng Mỹ Lai ngày 16/3/1968, đúng tinh thần <em>Big Count</em>,
càng nhiều xác địch càng vẻ vang, của Chiến dịch Phượng
Hoàng ở cao điểm của Chiến tranh Việt Nam; trước khi nhà báo
này cày tung nước Mỹ để tìm ra từng nhân chứng, với
người thật, tên thật, những người lính trong quân đội Hoa
Kỳ đã tham gia hoặc tận mắt chứng kiến vụ thảm sát ấy,
với 504 xác người già, phụ nữ và trẻ em, thì công luận Hoa
Kỳ không phải là không biết đến vai trò đáng ngờ của quân
đội Hoa Kỳ trong những cái được gọi là "tổn thất ngoài
dự kiến" trong Chiến tranh Việt Nam. Song khi cả nạn nhân và
thủ phạm đều đứng khuất trong chốn <em>no name</em> thì sự
thật còn chịu được theo một nghĩa nào đó. Phải đến khi <a
href="http://www.pierretristam.com/Bobst/library/wf-200.htm">phóng sự
của Hersh</a> xuất hiện, sau gần một năm ngược xuôi không
nơi nào muốn công bố, cái sự thật ấy bỗng có những gương
mặt thật, những chân dung thật, những cái tên thật, và mới
thật sự trở thành khó chịu, sự khó chịu dẫn đến phong
trào phản chiến, rồi góp phần đáng kể vào việc chấm dứt
sự tham dự của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

Câu hỏi bên trên cũng có thể diễn đạt theo cách khác: Thomas
A. Bass có cần, thậm chí có tránh nhiệm giấu tên các nhân
vật thật trong câu chuyện thật của mình không? Một lần
nữa, theo tôi là không. Song để thuyết phục nhiều người đã
quen với "hoàn cảnh Việt Nam", nơi vị nguyên thủ khai quốc
dùng bút danh CB hay X.Y.Z để viết những bài báo <em>agitprop
</em>kích động hoặc những mẩu chuyện đả kích bỗ bã, và
đương kim Chủ tịch nước gọi đương kim Thủ tướng là
"đồng chí X", thì không dễ. Nhưng muốn thế nào, ít nhất
từ hôm qua độc giả đã không còn là trẻ con, và hôm nay các
nhân vật được đề cập còn chưa là những Lord Voldemort để
tác giả "Rừng Sát" cần gọi nhà sử học kiêm đại biểu
Quốc hội trong bài viết của mình là "ông Y" hay vị giám
đốc công ti xuất bản Nhã Nam là "ông Z". Họ là các nhân
vật có tên tuổi đàng hoàng của giới chính trị, hàn lâm,
truyền thông và xuất bản.

Ở phương Tây hiện tại, chẳng những ban lãnh đạo mà nhân
viên của các nhà xuất bản, phóng viên các hãng truyền thông
và báo chí, giới hàn lâm trong các trường đại học và viện
nghiên cứu, những người làm việc trong các hãng quảng cáo và
tổ chức sự kiện xã hội, trong các thư viện và bảo tàng…,
đều công khai danh tính, thậm chí kèm cả ảnh và địa chỉ
email cho bất kì ai muốn liên lạc. Công luận có quyền biết
những nhân vật đang hàng ngày đào tạo, rèn rũa, tác động
đến ý thức và dư luận xã hội là ai. Không phải chỉ chính
khách và <em>It Girl</em> mà nhóm nói trên cũng được coi là
những nhân vật ít nhiều đứng trong công luận, những
<em>public figure</em> từ khía cạnh đặc thù của công việc họ
làm. Phần lớn trong số họ đều có trang cá nhân chính thức,
với đầy đủ tiểu sử, bước đường sự nghiệp, thành
tích, tác phẩm, và thường kèm kết nối công khai trên các
mạng xã hội.

Ở Việt Nam, nơi các nhà lãnh đạo đất nước được công
khai đại diện bằng một hệ thống đồ sộ các trang mạng
nặc danh vui vẻ <a href="http://www.procontra.asia/?p=3325">truyền bá
cuốn <em>Mein Kampf</em></a> như một "tác phẩm hấp dẫn" với
những hình ảnh máu lửa giật gân, tên tuổi tự chúng đã
sống những số phận khác hẳn. Công ti xuất bản <a
href="http://www.nhanam.vn/">Nhã Nam có một <em>website</em></a>, nhưng
ở đó tuyệt đối không có một cái tên nào của những
người nào chịu trách nhiệm. (Ở Đức chẳng hạn, luật pháp
bắt buộc các doanh nghiệp – dĩ nhiên một công ti xuất bản
là một doanh nghiệp – không những công khai tên các nhân sự
chịu trách nhiệm, mà hàng loạt thông tin khác, kể cả mã số
thuế doanh thu và mã số doanh nghiệp trên trang nhà.) Còn Nhà
xuất bản Hồng Đức, cũng được nhắc tới trong vụ "Rừng
Sát", thì tồn tại kín đáo ngoài thời đại internet. Song
không riêng gì họ. 99 % những cái tên kí dưới hàng chục ngàn
bài báo và bản tin hàng ngày đăng trên hàng trăm tờ báo ở
Việt Nam thực ra là thừa. Chúng vô nghĩa, vì không khác gì vô
danh khi không công khai gắn với một con người thật, tên tuổi
thật.

Chúng ta đã trải qua một chặng đường dài. Cột cây số
đầu tiên cắm bảng "Đừng nghĩ". Đi hết ba thế hệ mới
gặp bảng "Nghĩ thì nghĩ, miễn đừng nói". Đến đây tốc
độ có vẻ cao hơn, chỉ một thế hệ sau đã đến cây số
"Nói thì nói, miễn đừng nêu tên" và đi thêm một chút thì
gặp tấm bảng khổng lồ "Đừng hành động". Song một
người Việt điển hình hôm nay vẫn là một người Việt dùng
vô số <em>nickname</em> và ngại nêu danh tính thật. Bạn cứ
thử gọi điện đến một tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp,
hiệp hội… Ở phương Tây, lời đầu tiên mà người bên kia
đường dây nói ra là tên mình, như điều đương nhiên nhất
trần đời. Ở Việt Nam, đó là điều cuối cùng mà người ta
muốn tiết lộ, như bí mật lớn nhất nhân gian. Dĩ nhiên nỗi
e ngại này có nguồn gốc bất hạnh của nó, song nó cũng rất
tiện dụng để làm cái cớ, biện minh cho tình trạng vô danh
của trách nhiệm. <em>No name</em> là môi trường giết chết
những thương hiệu khả tín, nhưng là chốn an toàn cho những
tầm vóc thấp chốt ở vị trí cao. <em>No name</em>, như đã nói
ở trên, là nơi sự thật còn chịu được theo một nghĩa nào
đó.

Ông nhà báo Mỹ vác cái bản thảo bị bằm vặp của mình,
nhằm thẳng quả bom kiểm duyệt xông tới, sau khi mon men ở
vòng ngoài. Chui hẳn vào bụng nó chắc ông cũng dám lắm, nhà
báo nước ngoài không có gì để mất ngoài cái <em>story</em>
của họ, nhưng vòng sâu nhất mà ông có thể tiếp cận là
chỗ đứng của những người gác bom, những người vạch cho
ông bằng bút đỏ, đâu là ranh giới cuối cùng. Trong cái
<em>story</em> của ông, họ là những nhân vật chính mà tên
tuổi thật, như dấu chấm tất yếu trên chữ i, khiến câu
chuyện ấy không thể thật hơn. Song sự kinh ngạc từ phía
độc giả Việt Nam cho thấy, cú sốc văn hóa Việt-Mỹ đã
hoàn hảo. Như cái tên Tố Hữu trong cuốn sách của ông bị
các nhà kiểm duyệt viết tắt – một cách lố bịch và vô
nghĩa – thành T.H, có lẽ ông phải tự kiểm duyệt tên các
nhân vật trong bài phóng sự của mình? Ông sẽ có khá nhiều
lựa chọn: CB, T.H, X, hoặc XYZ. Muốn kể một câu chuyện về
kiểm duyệt, trước hết bạn hãy tự kiểm duyệt. Chào mừng
bạn đến với đất nước của hài hước, chúng tôi đơn
giản là Việt Nam!

Vâng, đó là cố hương của tôi, một nhà văn viết tiếng
Việt, lần cuối cùng được xuất bản trong nước là 19 năm
trước, 1995, một tập truyện ngắn bị đình chỉ ngay sau khi
phát hành. Tám năm sau, lần cuối cùng tôi được về thăm nhà,
ông Trịnh Đình Khôi, chuyên viên cao cấp phụ trách mảng văn
hóa văn nghệ thuộc Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nay là Ban
Tuyên giáo Trung ương, khẳng định với tôi rằng ông không
liên quan đến cái lệnh cấm đó, thậm chí ông đã bênh vực
cuốn sách của tôi trong cuộc họp phê bình nhà xuất bản. Ai
cấm, ông không biết. Nhưng ông không biết, thì ai biết? Cái
đó thì phải hỏi bên Bộ, ông nói. Tức bên chính phủ. Cấu
trúc hai nhà nước trong một nhà nước của Việt Nam, bên này
Ban, bên kia Bộ, quả là một sáng kiến vĩ đại. Chúng ta đều
trở thành những con lắc, chóng mặt giữa hai bờ quyền lực,
và một giây nào đó chợt bừng tỉnh để ngay sau đó lại
trở về quán tính chao đảo thì gần ba phần tư thế kỉ đã
trôi qua.

Ngồi trong căn phòng tuềnh toàng của Ban ở một biệt thự
Pháp chỉ còn cái xác nhưng vẫn giữ vẻ khang trang đường bệ
so với các kiến trúc của người Việt, cách Lăng Hồ Chủ
tịch không đầy một cây số, với bộ bàn ghế rẻ tiền, bộ
ấm chén cáu bẩn cùng chiếc bô nhựa màu đỏ đầy ắp bã
trà, một trong những vật dụng ám ảnh tôi nhất trong mọi
phòng tiếp khách của các cơ quan nhà nước từ trung ương
đến địa phương thuở đó, tôi hoàn toàn tin rằng ông chuyên
viên tư tưởng thành thật. Cũng thành thật như thế, ở một
tầm khác, là người đứng đầu ngành tư tưởng văn hóa của
đất nước, ông Trưởng Ban, Ủy viên Bộ Chính trị, một nhà
thơ, người đã phá mọi kỉ lục cấm sách của các bậc tiền
nhiệm, song với một điểm son là sách tuy bị đình chỉ nhưng
tác giả bình an. Song cả ông Nguyễn Khoa Điềm dường như cũng
không liên quan gì đến cuốn sách bị cấm của tôi. Nhận chén
trà từ tay người phục vụ – hay phải gọi là người thư
kí? – mang tới, tôi không thấy chiếc bô nhựa màu đỏ trong
phòng tiếp khách bề thế hơn nhiều của ông, ghế bọc giả
da, nhưng hơi thở của quyền lực ở đây không ồn ào, chỉ
lạnh lẽo. Ông nhắc đến những bài thơ thuở nào của tôi mà
chính tôi không còn nhớ, mấy trăm bài thơ đầu tay tôi đã
đốt sạch để không bao giờ còn bị môn thể thao đá cầu
chữ nghĩa trong nghệ thuật này ở Việt Nam cám dỗ. Chúng tôi
trò chuyện về <a href="http://www.talawas.org/"><em>talawas</em></a>,
trang mạng do tôi phụ trách lúc đó. Ông gọi nó là một cửa
sổ nhìn ra thế giới và quan tâm tới <a
href="http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=347&rb=0105">giải
thưởng văn chương mang tên Bùi Giáng</a> mà tôi từng đề
nghị. Song sự thân ái giữa người cầm bút và người cầm
bút đó không ngăn cản việc sáu tháng sau, <em>talawas</em> bị
chặn, các biên tập viên ở Việt Nam lần lượt bị công an
triệu tập. Cha mẹ tôi, gần đất xa trời, cũng phải lập
cập lên "làm việc" với an ninh. "Nhờ hai cụ nhắn với
chị Hoài, chắc chị ấy cũng muốn về thăm gia đình chứ",
<em>Stasi</em> Việt Nam ngọt ngào tiễn cha mẹ tôi ra về.

Khi tôi ra khỏi dinh thự của Văn phòng Trung ương Đảng do
người Pháp để lại, trời đã tối, nhưng vẫn còn những cán
bộ cởi trần mặc quần đùi vờn bóng bàn ở sân. Bây giờ,
mười một năm sau, chắc họ chơi <em>golf</em>. Bàn ghế chắc
đã thay bằng cái gì khảm trai, cái gì gỗ gụ, như cái thẩm
mĩ búa liềm rồng phượng của đất nước này đòi hỏi.
Nhưng chiếc bô nhựa đỏ, tôi tin là nó bất diệt. Nó vẫn
còn. Còn nguyên như khu rừng nhiệt đới của kiểm duyệt. Lạc
trong đó, bạn sẽ đầy lòng cảm ơn người kiểm lâm đã cứu
bạn khỏi bị hùm xé xác, bằng cách vạch cho bạn một
đường thoát qua khu đầm lầy. Lún đến đâu, tùy vào bạn.
Tôi ngoái lại nhìn một lần nữa cái trụ sở của quyền lực
ấy và nhẹ người, tôi sẽ không phải gieo một con xúc xắc
nào trong ván mạt chược lớn, cuộc chơi của các nạn nhân,
ân nhân, thủ phạm và đồng phạm đó nữa. Lời của chàng
thanh niên 25 tuổi Karl Marx <a
href="http://books.google.de/books?id=YMyrg3QFpr0C&pg=PA43&lpg=PA43&dq=Ich+bin+der+Heuchelei,+der+Dummheit,+der+rohen+Autorit%C3%A4t&source=bl&ots=EDhkr00PFq&sig=m3AdcimA3RZJgHRNY4bOCpUox7Q&hl=de&sa=X&ei=N_-LUZmGL4Sk4ASg7oC4BQ&ved=0CDAQ6AEwAA#v=onepage&q=Ich%20b">viết
năm 1843 cho người cộng sự Arnold Ruge</a> khi quyết định rời
khỏi nước Đức, bắt đầu cuộc đời lưu vong tròn 40 năm
của mình, vẳng lên trong tôi như một bằng chứng nữa, rằng
lịch sử dành cho mọi người Việt – trong đó có tôi, người
đang sống, đến nay vừa tròn 20 năm, ở Đức – một quy chế
hài hước đặc cách. Ông viết: "Tôi đã mệt mỏi vì sự
thớ lợ, ngu xuẩn, vì công quyền thô thiển, vì thói bợ đỡ,
luồn cúi, quay lưng của chúng ta và vì tệ chẻ chữ." Lí do
cho sự mệt mỏi đó là chế độ kiểm duyệt tại Đức mà
nạn nhân là tờ <em>Rheinische Zeitung</em> do Marx chủ biên, với
<a href="http://www.mlwerke.de/me/me01/me01_028.htm">loạt bài nổi
tiếng của ông bàn về tự do báo chí và xuất bản</a>.

(Còn tiếp)

© 2014 pro&contra

<blockquote><strong >Bài liên quan:</strong>

<ul><li><a href="http://www.procontra.asia/?p=5572">Cuốn sách về một
điệp viên không hoàn hảo</a></li>

<li><a href="http://www.procontra.asia/?p=5666">Những chỗ bị kiểm
duyệt sửa đổi và cắt bỏ trong bản dịch cuốn "Điệp
viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ" của Thomas A.
Bass</a></li>

<li><a href="http://www.procontra.asia/?p=5586">Rừng Sát: Về việc bị
kiểm duyệt ở Việt Nam</a> (1)</li>

<li><a href="http://www.procontra.asia/?p=5617">Rừng Sát: Về việc bị
kiểm duyệt ở Việt Nam</a> (2)</li>

<li><a href="http://www.procontra.asia/?p=5639">Rừng Sát: Về việc bị
kiểm duyệt ở Việt Nam </a>(3)</li>

<li><a href="http://www.procontra.asia/?p=5648">Rừng Sát: Về việc bị
kiểm duyệt ở Việt Nam (4)</a></li>

<li><a href="http://www.procontra.asia/?p=5723">Bản dịch trọn vẹn:
Thomas A. Bass – Điệp viên yêu chúng ta. Chiến tranh Việt Nam và
trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn</a></li>

<li><a href="http://www.procontra.asia/?p=5746">Trao đổi lại với ông
Thomas A. Bass về phần biên tập ban đầu cuốn sách của ông mà
tôi tham gia</a></li>

<li><a href="http://www.procontra.asia/?p=5765">Thomas A. Bass – Phản
hồi độc giả nhân lần xuất bản tại Berlin </a></li>

<li><a href="http://www.procontra.asia/?p=5739">Nhà báo và nhà kiểm
duyệt (1)</a></li></ul></blockquote>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141116/pham-thi-hoai-nha-bao-va-nha-kiem-duyet-2),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét