<center><img
src="http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/660/amz/worldservice/live/assets/images/2014/11/22/141122094942_vietnam_newspapers_512x288_getty.jpg"
width="560" /></center>
<strong>Báo chí Việt Nam hiện đang không thoát khỏi guồng quay
số hóa, điện tử hóa nhưng dường như đang loay hoay giữa ngã
ba đường và xu hướng thấy rõ nhất là lá cải hóa. </strong>
Chưa có một tờ báo mạng nào được xem là chuyên nghiệp,
thông tin chuẩn xác, đáng tin cậy. Nói như một nhà bình luận
trong nước, cả làng báo (mạng) là "một vườn cải xum
xuê".
<h2 >Sụt giảm</h2>Theo Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam, tính
đến ngày 26/12/2013, toàn quốc có 838 cơ quan báo in với 1.111
ấn phẩm, 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang
thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí.
Trong số hơn 800 tờ báo, số báo sống được nhờ lượng phát
hành chỉ trên dưới 10 tờ, theo một số nhà báo trong nước.
Vài năm trở lại đây, những báo có số phát hành hàng đầu
như Tuổi trẻ, Thanh niên, Công an TPHCM, Phụ nữ… cũng sụt
giảm lượng phát hành ở mức rất đáng kể.
Phó tổng biên tập của một tờ báo vừa kể tiết lộ,
lượng phát hành của tờ báo đã giảm tới 1/3 chỉ trong vòng
hai năm, còn khoảng 200 ngàn bản/kỳ.
Số phát hành của tờ báo thường được giữ bí mật và con
số công khai thường lớn hơn nhiều so với thực tế, một
cách để duy trì quảng cáo.
Tại Việt Nam, cho dù có tới 800 tờ báo in, nhưng số tờ báo
bán được (bán trên sạp báo và đặt báo dài hạn) cũng chỉ
tính trên con số 10.
Thời gian vừa qua, hầu hết những "phóng viên", "nhà
báo" bị bắt với cáo buộc tống tiền các doanh nghiệp đến
từ nhóm báo này. Một cách khác để tồn tại là "đánh
thuê" theo đơn đặt hàng dưới cái gọi là "hợp đồng
truyền thông", tức là được trả tiền để viết "đánh"
ai đó.
Tuy những tờ báo này ít được xã hội biết đến nhưng cứ
có bài được dán mác "chống tiêu cực" là cũng đủ để
ai đó gặp rắc rối.
Tuy nhiên, cách tồn tại này ngày càng tỏ ra mong manh, nhất là
trước hiện tượng báo mạng, trang tin điện tử trăm hoa đua
nở và chuyện "được/bị lên báo" nay trở thành "thường
ngày ở huyện".
Sự phát triển của internet, của các thiết bị đọc điện
tử dẫn đến việc đọc tin tức trên mạng trở nên phổ
biến.
Tính tới tháng 11/2012, có khoảng 31,3 triệu người dùng Internet
ở Việt Nam (chiếm gần hơn 35 % dân số cả nước, theo Trung
tâm Internet Việt Nam. Hầu hết người dùng Internet đều ở
tuổi từ 20-40.
Có người nói tại Việt Nam hiện nay, mạng xã hội là nguồn
tin chính. Thực ra đây cũng chỉ là phỏng đoán. Chưa có nghiên
cứu thực sự nào chứng minh điều này.
Nhưng xu hướng lá cải hóa nền báo chí là điều nhiều
người thấy rõ.
<center><img
src="http://ichef.bbci.co.uk/news/ws/625/amz/worldservice/live/assets/images/2014/11/22/141122095414_vietnam_web_surfing_512x288_getty_nocredit.jpg"
width="512"> </center>
<center>Sự phát triển của internet, của các thiết bị đọc
điện tử dẫn đến việc đọc tin tức trên mạng trở nên
phổ biến </center>
Để hiểu thêm về xu hướng của báo chí Việt Nam, cần thiết
phải nhìn vào nguồn tài chính để các tòa báo tồn tại.
Trong khi báo in sụt giảm và nhiều tờ báo đang chuyển qua hình
thức kỹ thuật số, tại thị trường Việt Nam, quảng cáo
trên truyền hình vẫn chiếm đa số.
Theo một thống kê, năm 2012, doanh thu quảng cáo toàn thị
trường đạt 20.400 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2011.
Trong đó, truyền hình chiếm 18.246 tỷ đồng, tăng 136% so với
năm 2011; quảng cáo trên báo in và tạp chí giảm khoảng 8%,
đạt 2.151 tỷ đồng và phát thanh giảm gần 20%, với chưa
đầy 25 tỷ đồng.
Tính theo tỷ lệ, quảng cáo trên báo in chiếm khoảng 8%,
truyền hình 78%, internet 9% và quảng cáo ngoài trời chiếm 4%.
Tuy nhiên, năm ngoái doanh thu quảng cáo trên báo đã giảm 1,3%
trong khi các phương tiện truyền thông khác giữ con số tốt
hơn nhiều.
Điều này khiến nhiều tờ báo phải đấu tranh để tồn tại
bởi việc sụt giảm doanh thu.
<h2 >Cuộc chiến "câu view"</h2>Để tồn tại, các tờ báo
điện tử Việt Nam buộc phải bước vào cuộc chiến "câu
view" (tăng lượt xem) bằng gần như mọi giá. Các đề tài
liên quan đến sex, giật gân, người giàu có, người đẹp, các
nhân vật giải trí của giới bình dân (chiếm đa số)…
được khai thác triệt để…
Có thể nói, trong cuộc chiến tranh giành miếng bánh nhỏ bé
của thị trường quảng cáo online chưa thực sự lớn mạnh,
nhiều báo mạng lao vào tranh đua bằng chiêu bài lá cải một
cách tuyệt vọng.
Những từ khóa gây sốc, cho dù hầu hết vi phạm những quy
tắc của báo chí đứng đắn về tính khách quan, trung dung của
người làm báo, được tận dụng tối đa nhằm thu hút lượt
đọc.
"Kinh hoàng", "nghẹn lòng", "đắng lòng", "hé lộ",
"bóc mẽ", "gây sốc", "bất ngờ"… là những động
từ, tính từ chủ quan của tờ báo được tận dụng tối đa
trên các hàng tít.
Báo mạng cũng là giới "sáng tạo" ra những khái niệm mới
và khiến chúng phổ biến: "giàu như đại gia" (cho dù không
biết đại gia này có bao nhiêu tiền, nhà to thế nào), "đẹp
như hotgirl" (?).
Nhiều tờ báo, thậm chí sẵn sàng đưa lên những câu chuyện
gần như không có tính báo chí, chỉ miễn có người kích
chuột vào là được. Một tờ báo mạng hồi đầu năm khai
thác chuyện một cô gái không nhịn được đã "ị đùn"
trên xe khách đường dài.
Bài báo "bốc mùi" này tuy sau bị phê phán, nhưng đối với
những người làm báo, đó có thể xem là "thành công" bởi
"câu được view".
Người ta giờ đây cũng sẵn sàng đưa lên đủ loại tin đồn
chưa được kiểm chứng, thậm chí dùng những thứ được tung
lên mạng xã hội, không qua thẩm định và tác nghiệp của
phóng viên, miễn là thu hút trí tò mò.
Các tờ báo mạng đều na ná giống nhau ở đề tài, ngôn ngữ.
Có một điểm chung là họ đều nhắm đến những từ khóa
"sốc, sex" mà họ cho là thu hút độc giả để đưa lên
tít.
Ngôn ngữ của báo mạng dần giống như truyện kiếm hiệp Kim
Dung với "đuổi giết" thành "truy sát", "cô gái",
"người đàn bà" nay thành "thiếu nữ", "thiếu phụ",
"góa phụ", con nhà giàu có giờ trở thành "thiếu gia",
"tiểu thư", thậm chí nhiều báo còn dùng "nữ tiểu thư"
(chắc để phân biệt với "nam tiểu thư"?).
Ngoài "cưỡng dâm", giờ đây người ta còn viết "cưỡng
hôn", ý nói hôn người khác mà không được cho phép.
Trong cuộc đua câu view, nhiều thứ chuẩn mực đã bị xem nhẹ.
Thậm chí, nhiều việc rất nghiêm túc cũng bị "cuộc chiến
câu view" làm cho trở thành nhảm nhí.
Đưa tin về thủ tướng Yingluck Shinawatra, thay vì tập trung nội
dung chính trị, một số tờ báo mạng chỉ nhìn vào dung mạo
và trang phục của bà kiểu "Ngắm thủ tướng Thái Lan xinh
đẹp, quyến rũ". Nhưng những bài như vậy, lại ăn khách.
Xu hướng này diễn ra trên ấn bản điện tử của cả những
tờ báo xưa nay được xem là nghiêm túc, chuyên nghiệp như
Tuổi trẻ, Thanh niên hay Pháp luật TPHCM.
Không phải không có những nỗ lực làm báo điện tử nghiêm
túc, chuyên nghiệp như VietnamNet từng là một ví dụ.
Tuy nhiên, do vòng quay của xã hội, của thị hiếu bình dân,
tờ báo này thay vì nghiêm túc như buổi đầu, nay cũng dùng
đủ trò câu khách lá cải để thu hút độc giả trẻ, những
người dường như thích tin tức giật gân, thỏa mãn trí tò mò
hơn là tìm những thông tin bổ ích, giúp tiến bộ.
Phải chăng xã hội nào thì báo chí đó? Với những gì đang
diễn ra trên mặt báo, có thể có những liên tưởng về
người đọc Việt Nam ngày nay, họ là ai.
Ở bất cứ quốc gia nào cũng có người thích tin tức lá cải
và những tờ báo lá cải. Khác với Việt Nam ở chỗ: ngoài
báo lá cải, còn có nhiều tờ báo đàng hoàng, nghiêm túc.
Chắc chắn ở Việt Nam vẫn có một bộ phận độc giả có
trình độ cần những thông tin nghiêm túc, có ích, những tờ
báo mạng chuyên nghiệp và đây cũng là đòi hỏi của một xã
hội tiến bộ.
Nhưng chưa xuất hiện những tờ báo như thế ở quốc gia 90
triệu dân này.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141122/nguyen-anh-minh-bao-chi-viet-nam-tuyet-vong-cau-khach),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét