Nancy Nguyễn: '... để mỗi người có quyền bảo vệ lá cờ của mình'

Một buổi chuyện trò nhỏ cùng Nancy Nguyễn, người đã trải
qua một tuần đến Hồng Kông để tìm hiểu phong trào đấu
tranh của học sinh sinh viên nơi đó, được Nhóm Đồng Hành
tổ chức tại Viện Việt Học, Westminster, vào tối Thứ Bảy,
16 Tháng Mười Một.

Trong gần 2 giờ, cô Nancy Nguyễn, một người trẻ sinh sống
tại miền Nam California, tốt nghiệp đại học UCI, đã chia sẻ
những điều cô nhìn thấy, cảm nhận từ Hồng Kông trong tâm
tình của một người có sự trăn trở, suy tư về phương thức
đấu tranh cho nền tự do dân chủ tại Việt Nam.

<strong>Việt Nam không thể có cuộc xuống đường như Hồng
Kông</strong>

Điều được Nancy nhắc đi nhắc lại nhiều lần là, "Nếu
hỏi Việt Nam có thể có cuộc xuống đường giống như Hồng
Kông hay không thì theo tôi có lẽ là không có."

<center><img src="http://www.danluan.org/files/u5311/nancy_nguyen.jpg"
width="400" height="300" alt="nancy_nguyen.jpg" /></center>
<center><em>Nancy Nguyễn được một người biểu tình ở Hồng
Kông gắn chiếc nơ vàng.
(Hình: Facebook Nancy Nguyễn)</em></center>

"Mình có thể học được từ họ những điều hay gì đó
nhưng cuộc xuống đường ở Việt Nam, nếu có, sẽ khác hơn
rất nhiều. Mình nhìn vào Hồng Kông bởi nó gần với mình
quá, nhưng thực tế thế giới đã có nhiều cuộc xuống
đường rồi, ở Ukraine, ở Tunisia, mới đây nhất là ở
Mexico... Mỗi cuộc xuống đường màu sắc đều rất khác
nhau," Nancy giải thích thêm.

Cũng theo cô, "Con đường đấu tranh sẽ phải do mình chọn
lấy, còn cách làm thì học hỏi từ những cuộc xuống đường
khác để từ đó mình biết mình có đặc điểm gì, có sở
trường sở đoản gì để mình xác định con đường đi cho
mình, chứ mình không thể đi theo đúng con đường của họ."

Qua những trải nghiệm từ Hồng Kông, cũng như bằng kinh
nghiệm bản thân trong kinh doanh, Nancy nhận xét, "Thực sự
Hồng Kông đã xuống đường rất nhiều lần, trải dài suốt
mười mấy năm nay nhưng không thành công. Mình thấy thế giới
thực sự chỉ biết đến một sự kiện khi nó đã ở đến
tầm vóc quốc tế, thành ra khi mình nhìn thấy nó tức nó đã
ở chặng cuối cùng rồi."

"Xuống đường là giải pháp cuối cùng của đấu tranh. Bởi
khi đã nhắm vào việc xuống đường thì mình phải sẵn sàng
mọi thứ hết rồi, nghĩa là phải có tổ chức, đoàn thể, có
xã hội dân sự để mình hướng dẫn cho người dân hiểu hơn
về những điều mình quan tâm, để đến khi mình kêu gọi
xuống đường thì tất cả đều đã sẵn sàng, chứ không
phải kêu gọi biểu tình mà mình chưa có sự chuẩn bị kỹ
lưỡng. Thêm nữa, khi nền kinh tế còn nghèo nàn và lạc hậu
thì có dân chủ không có nghĩa là có sự thịnh vượng, nên
phải chuẩn bị cho những điều như vậy."

<strong>Biểu tượng đấu tranh: Sẽ nảy sinh một cách tự nhiên
khi sự kiện xảy ra</strong>

Nói về biểu tượng của "chiếc dù" trong cuộc biểu tình
tại Hồng Kông, Nancy giải thích theo những điều cô biết,
"Lúc đầu cảnh sát dùng hơi cay để tấn công người biểu
tình, nên dù đã được dùng để che. Chiếc dù được dùng
làm biểu tượng từ đó, mặc dù về sau những hóa chất mà
cảnh sát dùng để trấn áp người biểu tình thì dù không còn
có tác dụng bảo vệ được nữa."

Với chiếc nơ vàng được đeo trên áo những người biểu tình
thì theo Nancy, "Nơ là biểu tượng chung của quốc tế về
niềm hy vọng (hope), còn màu vàng từ xưa giờ là biểu tượng
của dân chủ (democracy). Nơ vàng tức là 'Hope for Democracy.'"

"Điều khâm phục ở đây chính là tinh thần sáng tạo của
họ. Cái gì cũng có thể trở thành công cụ tuyên truyền
được hết, từ cây dù cho đến cái nơ," Nancy nêu cảm nghĩ.

Với thắc mắc của một thính giả tham dự về việc "người
biểu tình Hồng Kong có khẩu hiệu không?" cô nói, "Có hay
không tôi không dám đoan chắc nhưng suốt một tuần ở đó thì
tôi không thấy họ hô khẩu hiệu, cũng không có cờ xí gì
hết."

Cô tâm sự, "Trước khi sang Mong Kok, tôi luôn nghĩ một cách
hiển nhiên là đi biểu tình phải có cờ, phải hô khẩu hiệu,
không nghĩ gì có thể khác hơn. Tôi cũng nghĩ đến ngày Việt
Nam cùng nhau xuống đường thì sẽ như thế nào? Cờ vàng cờ
đỏ đứng chung nhìn có vẻ không đẹp mắt. Suy nghĩ hoài
nhưng khi qua tới nơi thì hoàn toàn không thấy người ta phất
cờ. Họ chọn một biểu tượng hoàn toàn mới cho cuộc đấu
tranh. Mình thấy đó là một hướng mở, một hướng đi
mới."

Một thính giả khác góp ý, "Trước 75 khi xuống đường
người ta không cầm cờ, vì chỉ có một lá cờ duy nhất thôi
thì họ đâu cần cầm nữa. Ra đến hải ngoại khi đi biểu
tình, chúng ta luôn cầm cờ vì đó là biểu tượng cho chúng ta
là người lưu vong."

"Vấn đề cờ cần được xác định trong mục tiêu đấu
tranh. Đó là biểu tình đấu tranh cho mục tiêu sinh tồn của
dân tộc hay mục tiêu đấu tranh cho một thể chế chính
trị," một vị khác nêu suy nghĩ.

Nancy cho rằng, "Trước khi cuộc biểu tình xảy ra, không ai
nghĩ đến biểu tượng của cái dù. Cũng như mình từng nghĩ
khi Việt Nam có cuộc biểu tình tương tự thì mình sẽ chọn
biểu tượng gì đây. Nhưng từ Hồng Kông mình thấy, khi cuộc
biểu tình nổ ra thì tự nó sẽ nảy sinh ra biểu tượng một
cách rất tự nhiên và được sự ủng hộ của tất cả mọi
người tham gia."

<strong>Thông điệp từ một người trẻ gốc Việt</strong>

Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt về việc "Nancy
Nguyễn sang Hồng Kông cũng như những gì chia sẻ trong cuộc trò
chuyện này là với tư cách cá nhân hay thuộc về một tổ
chức nào?" Cô cho biết, "Tôi không dám đại diện cho bất
cứ ai và cũng không là thành viên của tổ chức nào. Tôi chỉ
có thể nói với tư cách cá nhân - cá nhân một người trẻ,
tiếng nói của một người trẻ mà tôi ví như một chiếc lá,
nhưng cũng có thể còn hàng triệu chiếc lá khác cũng muốn
cất lên tiếng nói của mình."

Và trong tinh thần của cá nhân một người trẻ có nhiều tâm
tư về đất nước, quê hương, Nancy cũng có những thông điệp
muốn được gửi đến mọi người, "Thứ nhất, dân chủ
không có nghĩa là thịnh vượng. Thứ hai, cần phải tập trung
hơn nữa để phát triển xã hội dân sự, bởi vì đó là nền
tảng của xã hội dân sự sau này. Chúng ta không thể nào đòi
hỏi dân chủ mà chúng ta không có một nền tảng. Khi đã có
xã hội dân sự rồi thì việc đạt được dân chủ sẽ dễ
dàng hơn, vững vàng hơn."

"Điều cuối cùng," cô nhấn mạnh. "Nếu chúng ta là
người Việt quốc gia, chúng ta tôn trọng cờ vàng, chúng ta
nghĩ cờ vàng đại diện cho tự do, đại diện cho dân chủ thì
tôi thiết tha mong mỏi chúng ta đấu tranh cho dân chủ, cho tự
do! Chúng ta không đấu tranh để bảo vệ tư tưởng của mình
mà hãy đấu tranh để mỗi người có quyền bảo vệ tư
tưởng của họ."

"Không nên đấu tranh để chỉ bảo vệ cho lá cờ của mình
mà nên đấu tranh để mỗi người đều có quyền bảo vệ lá
cờ của mình. Đó là tự do, đó là dân chủ," cô kết thúc
buổi trò chuyện khi đồng hồ điểm 9 giờ tối.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141117/nancy-nguyen-de-moi-nguoi-co-quyen-bao-ve-la-co-cua-minh),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét