<center><img
src="http://songnews.net/images/upload/Kien_thuc-01-content.jpg" hspace="5"
vspace="5" width="446"></center>
Những xã hội tân tiến và bình đẳng không kỳ thị người
khuyết tật hoặc gạt họ ra ngoài lề xã hội mà còn tạo
điều kiện để họ tham gia vào xã hội. Một trong những hình
thức đó là nền giáo dục hòa nhập cho phép trẻ em khuyết
tật học tập trong môi trường được điều chỉnh phụ hợp
với tình trạng khuyết tật của các em hầu phát triển kiến
thức và kỹ năng sống, cùng với cơ hội làm việc và tham gia
vào xã hội khi trưởng thành. Bài viết này sẽ trình bày sơ
lược về cơ hội giáo dục dành cho trẻ em khuyết tật hầu
giúp những gia đình có con em khuyết tật am hiểu về quyền
lợi của con em.
Luật Liên bang Hoa Kỳ quy định rằng các trường công lập
nhận tài trợ từ chính phủ liên bang phải cung cấp cơ hội
giáo dục công bằng và miễn phí cho tất cả trẻ em ở lứa
tuổi đi học, ngay cả những trẻ em khuyết tật. Theo Đạo
Luật về Chương trình Giáo Dục cho Người Khuyết Tật
(Individuals with Disabilities Education Act - IDEA), các trường học
phải cung cấp cho học sinh khuyết tật một nền giáo dục công
lập thích hợp miễn phí (free appropriate public education - FAPE)
từ cấp bậc vườn trẻ (preschool) đến trung học.
FAPE là chương trình giáo dục đặc biệt được chính phủ
đài thọ và được thực hiện dưới quyền điều hành và
giám sát của Bộ Giáo Dục. Ngoài ra FAPE phải đạt những tiêu
chuẩn của Bộ Giáo Dục và phải có Chương Trình Giáo Dục Cá
Nhân (Individualized Education Program - IEP) được soạn riêng cho
trẻ em khuyết tật để các em có thể đạt thành tích học
tập hiệu quả. Ở California trẻ em từ sơ sinh đến 21 tuổi
có quyền hưởng chương trình giáo dục đặc biệt.
Tuy nhiên chương trình giáo dục FAPE phải được cung cấp trong
Môi Trường Ít Hạn Chế Nhất (Least Restrictive Environment).
Điều này có nghĩa là mọi trẻ em khuyết tật (tùy theo tình
trạng khuyết tật và nhu cầu giáo dục) phải có cơ hội học
chung với các em không bị khuyết tật trong các lợp học phổ
thông ở một mức thích hợp tối đa. khi điều kiện cho phép.
<b>Định nghĩa</b>
Luật Liên bang định nghĩa về trẻ em khuyết tật như sau: Là
một trẻ bị chậm phát triển về mặt tinh thần, khiếm
khuyết trí tuệ, khiếm thính (kể cả bị điếc), khiếm thị
(kể cả bị mù), khiếm khuyết về ngôn ngữ, âm ngữ (khả
năng nói), bệnh tử kỷ (autism), khiếm khuyết hình thể, rối
loạn cảm xúc, chấn thương não, khiếm khuyết về khả năng
học tập, khiếm khuyết sức khỏe hoặc tình trạng khuyết
tật khác được bác sĩ xác định. Những trẻ em nào thuộc
các diện này được quyền hưởng một chương trình giáo dục
đặc biệt cùng các dịch vụ liên quan.
<b>Giám định</b>
Có những trường hợp khuyết tật cụ thể dễ xác định như
tình trạng điếc, mù, câm, vv... nhưng đôi khi có những trẻ
chỉ bị khiếm khuyết nhẹ hoặc có vấn đề không dễ nhận
dạng nên cần phải có hình thức giám định để xác định
tình trạng hoặc mức độ khiếm khuyết cụ thể. Phụ huynh,
giáo viên, hoặc người khác có thể yêu cầu giám định nếu
nghi ngờ đứa trẻ có vấn đề trong lĩnh vực nào đó, ví du
như chậm nói, phát âm không rõ, vv...
Theo Đạo luật IDEA, trước khi khởi sự giám định để xác
định đứa trẻ có bị khuyết tật hay không thì nhà trường
hoặc học khu phải gởi thư thông báo và xin phép phụ huynh về
việc này. Phụ huynh có quyền đồng ý hoặc từ chối việc
giám định cho con em. Việc đồng ý không có nghĩa là con em sẽ
đương nhiên được hưởng chương trình giáo dục đặc biệt
vì điều này còn tùy thuộc vào kết quả giám định.
Tuy nhiên nếu phụ huynh từ chối việc làm giám định hoặc
không trả lời thư của học khu và học khu nghĩ rằng việc
làm giám định là cần thiết vì quyền lợi của đứa trẻ
thì học khu vẫn có thể tiến hành theo thủ tục pháp lý để
thực hiện cuộc giám định.
Những cuộc giám định này thường được nhà trường thực
hiện với những chuyên viên có kiến thức chuyên môn. Đứa
trẻ sẽ được đánh giá qua những bài trắc nghiệm và hình
thức đo lường bằng ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc ngôn ngữ mà em
thành thạo nhất theo quy định của tiểu bang và liên bang để
xác định em có bị khuyết tật hay không và ở mức độ nào.
Những bài trắc nghiệm trong cuộc giám định được chọn
riêng cho mỗi em và không phải loại trắc nghiệm căn bản mà
các em học sinh thường làm trong lớp.
Tùy theo tình trạng và dựa vào những chi tiết mà phụ huynh
cho biết, đứa trẻ có thể làm nhiều bài trắc nghiệm trong
các lĩnh vực khác nhau ví dụ như về khả năng ngôn ngữ, nói,
viết, chức năng sinh hoạt, hành vi, tâm lý, nhận thức, thể
lực, vv... Việc xác định và giám định sớm tình trạng
khuyết tật sẽ giúp cho trẻ em được hưởng lợi từ chương
trình giáo dục đặc biệt cùng với những phương pháp học
tập hữu ích.
<center><img
src="http://songnews.net/images/upload/Kien_thuc-02-content.jpg" hspace="5"
vspace="5" width="444"></center>
<b>Kết quả</b>
Sau khi kết thúc cuộc giám định các chuyên viên sẽ viết báo
cáo về kết quả và bản báo cáo đó sẽ xác định đứa trẻ
có hội đủ điều kiện theo định nghĩa của trẻ em khuyết
tật để được hưởng chương trình giáo dục đặc biệt
(special education) hay không. Tiếp theo một nhóm phụ trách chương
trình giáo dục đặc biệt còn được gọi là IEP team sẽ
được thành lập để soạn thảo chương trình giảng dạy
thích hợp hầu đáp ứng nhu cầu học tập riêng biệt của em
cũng như giúp em tiến bộ theo học trình phổ thông.
Đối với trẻ em học vườn trẻ thì chương trình sẽ gồm
các sinh hoạt thích hợp để tham gia. Việc giám định và soạn
thảo chương trình học tập phải được thực hiện trong 60
ngày; tuy nhiên thời hạn này có thể được kéo dài lâu hơn
vì những ngày lễ, ngày nghỉ học, khi phụ huynh từ chối
không cho con em làm giám định, hoặc khi đứa trẻ chuyển
trường, hoặc chuyển ra khỏi học khu. Chương trình này còn
được gọi là IEP và hồ sơ IEP phải được cập nhật hàng
năm cho đến khi trẻ em 16 tuổi.
Trong hồ sơ IEP có bản báo cáo ghi về học lực, thành tích,
cùng các mục tiêu được đặt ra để đáp ứng những lĩnh
vực quan tâm của phụ huynh và giúp thăng tiến sự học tập
của đứa trẻ. Nếu cần thì bản IEP cũng phải có phương
pháp và hình thức cải thiện hành vi của trẻ trong lớp học,
ví dụ như những em khó tập trung, không chịu ngồi yên tại
chỗ, thích đi lang thang trong lớp, những em nổi giận, khóc
lóc, vv.. Thành phần của nhóm IEP thường có các giáo viên,
chuyên viên trị liệu đặc biệt, đại diện nhà trường và
phụ huynh. Phụ huynh nên luôn tham gia các buổi họp của nhóm
để góp ý về nhu cầu học tập hoặc các lĩnh vực cần đáp
ứng của con em. Hơn nữa tất cả điều khoản thuộc chương
trình IEP hoặc các dịch vụ liên quan phải được sự chấp
thuận của phụ huynh thì mới được thi hành. Phụ huynh không
nhất thiết phải đồng ý với tất cả đề nghị mà nhóm IEP
đưa ra.
Một điều đáng nói nữa là chương trình giáo dục đặc
biệt này có thể thực hiện ở trường, ở nhà, tại bệnh
viện, và trong những khung cảnh khác nếu cần. Mỗi năm một
lần chương trình học tập sẽ được nhóm IEP xét duyệt để
xem đứa trẻ có đạt được những mục tiêu đã đề ra hay
không, hoặc có cần thay đổi hay điều chỉnh mục nào.
Mỗi 3 năm đứa trẻ phải được tái giám định về tình
trạng khuyết tật. Có những trường hợp nhất định đối
với trẻ em khuyết tật vĩnh viễn như điếc, mù thì có thể
không cần tái giám định vì tình trạng khuyết tật của các
em không hề thay đổi. Nếu phụ huynh không đồng ý với kết
quả giám định thì có thể yêu cầu một cuộc giám định
độc lập do một cơ quan hay tổ chức khác thức hiện và học
khu sẽ trả tiền cho chi phí này. Trừ khi học khu không đồng
ý là cần phải có thêm một cuộc giám định thì đôi bên
phải thương lượng bằng hình thức trọng phán (arbitration).
Bất kể kết quả như thế nào thì phụ huynh có thể trả
tiền để làm một cuộc giám định độc lập.
<b>Dịch vụ liên quan; Công cụ hỗ trợ</b>
Ngoài việc học tập trong lớp, trẻ em khuyết tật có thể
cần thêm những dịch vụ bổ sung để hỗ trợ, phát triển,
điều chỉnh chương trình giáo dục của em. Những dịch vụ
liên quan gồm: dịch vụ phát âm, tập nói; dịch vụ về thính
giác; dịch vụ thông dịch (về ngôn ngữ ký hiệu cho những em
bị điếc); dịch vụ tâm lý; dịch vụ đưa đón từ nhà đến
trường; vật lý trị liệu; sinh hoạt đa năng (occupational
therapy); tư vấn; dịch vụ xã hội; dịch vụ sức khỏe và y
tá nhà trường; dịch vụ cải thiện hành vi. Công cụ hỗ trợ
đối với các trẻ em bị điếc, vừa điếc vừa mù, lãng tai,
hoặc kém thị lực có thể gồm: thiết bị chuyển ngữ bằng
máy điện toán, thiết bị trợ thính, phụ đề, chữ nổi
Braille, văn bản ghi âm, băng thu âm, sách điện tử, phần mềm
đọc màn hình, phần mềm phóng đại, bộ đọc quang học,
chương trình nghe phụ thuộc, tài liệu chữ in khổ lớn.
<b>Quyền lợi</b>
Ngoài một số quyền được nêu trong đây, phụ huynh còn các
quyền khác được nêu rõ trong cẩm nang dành cho phụ huynh. Cẩm
nang này được trao cho phụ huynh vào lần đầu con em tham gia
chương trình giáo dục và phụ huynh có thể yêu cầu thêm bản
sao vào bất cứ lúc nào hoặc trong các buổi họp IEP. Phụ huynh
có quyền yêu cầu thông dịch viên cho các buổi họp IEP cũng
như yêu cầu phiên dịch tất cả tài liệu, văn thư, hồ sơ IEP
sang bản ngữ của mình.
<i>Diễm Quyên</i>
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141112/diem-quyen-quyen-loi-giao-duc-cua-tre-em-khuyet-tat),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét