Những vụ án oan gần đây khiến dư luận nghi ngờ do bức cung,
nhục hình nên người ta nhắc nhiều đến quyền im lặng và
quyền được có luật sư. Có lẽ đã đến lúc nước ta phải
ghi nhận quyền này.
<strong>LTS:</strong> <em>Trong tố tụng hình sự, yếu tố cơ bản
để giảm thiểu án oan là tránh việc bị can, bị cáo bị mớm
cung, ép cung, nhục hình. ở các nước, ngay khi bị bắt, người
bị tình nghi và bị can được hưởng quyền im lặng cho đến
khi có luật sư.</em>
<em>Quyền này đã hình thành trong pháp luật Việt Nam hay chưa
và thể hiện như thế nào?... Pháp Luật TP.HCMtrân trọng giới
thiệu bài viết của luật sư Trương Trọng Nghĩa- đại biểu
Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.</em>
Tôi cho rằng quyền im lặng chỉ là cách nói vắn tắt và chúng
ta không nên bó gọn trong ba từ này mà phải hiểu bản chất
của nó là quyền không khai báo cho đến khi có mặt luật sư
của mình. Theo đó, người bị tạm giữ, bị can được quyền
không khai cho đến lúc có luật sư chứ không phải im lặng
mãi. Nó cũng đồng nghĩa với chuyện nếu anh từ bỏ quyền im
lặng thì những lời khai sau đó của anh sẽ được dùng để
chống lại anh tại tòa.
<h2>Gốc rễ là nguyên tắc suy đoán vô tội</h2>
Về lý luận, gốc của quyền này chính là nguyên tắc suy đoán
vô tội (presumption of innocence) - một nguyên tắc nhân đạo, tôn
trọng quyền con người và có tính phổ quát ở nhiều hệ
thống pháp luật từ xưa đến nay. Suy đoán vô tội nói gọn
lại là việc thông qua cơ quan công tố, nhà nước có trách
nhiệm chứng minh một người có phạm tội hay không, còn
người bị tình nghi có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải
chứng minh mình vô tội. BLTTHS Việt Nam cũng quy định rõ như
vậy.
Nguyên tắc suy đoán vô tội bắt nguồn từ luật La Mã cổ
đại, cách đây trên 15 thế kỷ nhưng nó gần như đã bị vô
hiệu trong các tòa án vô nhân đạo suốt thời Trung cổ và
chỉ được phục hưng kể từ các cuộc cách mạng tư sản ở
châu Âu. Sự phục hồi nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp
luật tố tụng hình sự dẫn đến sự ra đời của một nguyên
tắc khác chi phối toàn bộ pháp luật hình sự và tố tụng
hình sự của thế giới cho đến ngày nay, đó là quyền không
tự tố giác (right against self-incrimination)…
Quyền được suy đoán vô tội và quyền không tự tố giác đã
được ghi nhận trong Công ước Quyền dân sự và chính trị
của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là thành viên (cùng với
nhiều đặc quyền khác của nghi can, bị can, bị cáo như có
quyền được biết mình bị buộc tội gì, quyền có luật sư,
quyền không bị bức cung, nhục hình…). Quyền im lặng cho
đến khi có luật sư của mình chính là sự rút gọn của các
quyền trên đây, được quy định trong pháp luật của hầu
hết các nước trên thế giới. Ở Đức, quyền im lặng được
bảo đảm rất rộng: Bị cáo có quyền không khai báo, không
nhận tội từ khi bị tình nghi đến khi bị xét xử.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cơ quan điều tra cũng
tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền có luật sư. Do
đặc thù của người cảnh sát là phải chứng kiến nhiều
tội ác và luôn vất vả trong việc phòng, chống tội phạm,
từ đó nảy sinh định kiến và nếp tư duy "suy đoán có
tội" đối với người có dấu hiệu phạm tội. Vì thế,
trong quá trình điều tra, họ thường mớm cung, gài bẫy, thậm
chí bức cung trước khi người đó có luật sư.
<h2>Sự cần thiết của quyền im lặng</h2>
Gần đây nổi lên một số vụ bị kết tội oan, sai do bức
cung, mớm cung nên người ta nhắc nhiều đến quyền im lặng và
quyền được có luật sư. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta
phải thừa nhận và thực hiện những yêu cầu thuộc về
nguyên tắc như trên để thực thi triệt để nguyên tắc suy
đoán vô tội.
Muốn vậy, chúng ta phải bổ sung quy định theo hướng cho nghi
can, bị can được gặp luật sư ngay sau khi bị bắt, phải
giảm thiểu tối đa thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa
và nghiêm trị những hành vi cố tình trì hoãn quyền gặp luật
sư của nghi can và bị can. Quyền có luật sư chỉ có ý nghĩa
khi nghi can được gặp luật sư và quyền chưa khai báo nếu
chưa có luật sư. Nếu các quyền này được bảo đảm thì
nghiệp vụ điều tra được nâng lên. Khi hồ sơ điều tra đã
"chuẩn" rồi thì quá trình truy tố, xét xử cũng nhanh và
chính xác hơn. Khi ấy, tình trạng trả hồ sơ để điều tra
bổ sung và án xử đi xử lại như hiện nay cũng được khắc
phục đáng kể.
Về việc gắn camera trong phòng hỏi cung, tôi cho rằng nó chỉ
có tác dụng hạn chế chứ không loại trừ hẳn việc ép cung,
nhục hình. Bởi chuyện ép cung, nhục hình không chỉ xảy ra
lúc lấy lời khai và một khi điều tra viên đã muốn ép cung
thì camera cũng vô hiệu.
(Theo tôi biết, ở Trung Quốc, bên cạnh chuyện có mặt luật
sư họ còn quy định cách thức gặp bị can, bị cáo để tư
vấn mà không bị nghe lén. Cụ thể, việc tiếp xúc đó bị
giám sát về hình ảnh nhưng không bị kiểm soát về nội dung.)
Theo tôi, các biện pháp trên sẽ góp phần hạn chế án oan, sai.
Muốn dần loại bỏ chúng thì đòi hỏi phải đổi mới về
nhận thức, cơ quan điều tra không được coi những người
tình nghi là tội phạm. Quá trình điều tra là câu hỏi mở vì
phải tìm hiểu xem họ có tội hay không chứ không phải chỉ
tìm chứng cứ để chứng minh người đó có tội.
<h2>Nguồn gốc của quyền im lặng</h2>
Những năm 1960 ở Mỹ xuất hiện một án lệ mang tên cảnh báo
Miranda. Đó là một vụ án mà thủ phạm là Ernesto Miranda, sinh
năm 1941 (13 tuổi đã bị bắt và sau đó liên tục phạm tội).
Năm 1962, có một số vụ bắt cóc và cưỡng dâm các cô gái
trẻ. Sau khi cảnh sát đưa đi nhận dạng tiếng nói của nạn
nhân, Miranda thừa nhận mình là thủ phạm. Miranda viết bản
tự thú và trên đầu mỗi tờ giấy đều có in sẵn những
dòng chữ rằng người khai hoàn toàn tự nguyện, không bị đe
dọa, lừa dối hay được hứa sẽ được giảm tội. Nhưng
Miranda không được thông báo rằng mình có quyền mời luật
sư.
Tháng 6-1963, Miranda phải ra tòa với tội danh cướp và cưỡng
dâm. Luật sư Alvin Moore được chỉ định biện hộ đã phản
đối tòa kết án dựa trên việc sử dụng lời khai của Miranda
để chống anh ta. Tháng 4-1965, Tòa án Tối cao bang Arizona xử
phúc thẩm tuyên y án.
Giữa năm 1966, Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ Earl Warren ra phán
quyết với nội dung: Một người bị bắt giữ trước khi bị
thẩm vấn phải được thông báo một cách rõ ràng rằng họ
có quyền giữ im lặng và bất kỳ điều gì người đó nói ra
sẽ được sử dụng để chống lại người đó trước tòa
án. Người đó phải được thông báo anh ta có quyền tư vấn
và có luật sư ở bên cạnh trong khi thẩm vấn (nếu nghèo sẽ
được chỉ định luật sư). (Sau này, tòa tuyên Miranda phạm
tội do có những bằng chứng khác.)
<h2>Luật sư gặp bị cáo: Chuyện trần ai!</h2>
Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam chưa quy định quyền im
lặng. Nhưng quyền có luật sư thì luật quy định: Khi bị tạm
giữ, trong vòng 24 giờ người tạm giữ có quyền có luật sư,
nếu là tạm giam thì trong ba ngày. Nội việc quy định như trên
đã không thể bảo đảm cho việc phải có luật sư ngay sau khi
bị bắt do thời hạn quá lâu (trong khi ở các nước, chỉ cần
một cú điện thoại là luật sư có mặt và được tiếp xúc
ngay với người bị bắt). Đã vậy, thực tế thời hạn này
cũng không cơ quan điều tra nào tuân thủ, nhiều vụ án chỉ
khi kết thúc điều tra thì luật sư mới được gặp bị can.
Muốn quyền có luật sư được bảo đảm thì điều kiện cần
và đủ là người bị bắt phải có quyền được gặp luật
sư. Vướng mắc lớn nhất của chúng ta hiện nay là luật quy
định người bị tạm giam, tạm giữ không được gặp luật
sư trước khi luật sư có giấy chứng nhận bào chữa. Nói dễ
hiểu, luật sư không được tiếp xúc riêng với người bị
bắt để hỏi xem anh có cần tôi hay không. Nhưng luật lại quy
định muốn có giấy chứng nhận bào chữa thì phải có sự
đồng ý của người bị bắt. Quy định này tạo ra vòng luẩn
quẩn như chuyện "con gà quả trứng".
Gần đây, Thông tư số 70 năm 2011 của Bộ Công an có mở rộng
quy định điều tra viên phải giải thích cho người bị bắt
quyền có luật sư và cho phép người nhà của họ cũng được
yêu cầu luật sư. Thế nhưng thực tế cơ quan điều tra hay
chìa ra tờ giấy từ chối luật sư của nghi can, khi gặp trực
tiếp hỏi thì các nghi can nói họ không được điều tra viên
phổ biến về quyền của mình.
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141028/luat-su-truong-trong-nghia-quyen-im-lang-se-giam-an-oan),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét