Cù Huy Hà Vũ: Người trong nhà nói gì?

<blockquote>Dân Luận: Mấy ngày trước chúng tôi đã đăng bài
về việc chính quyền thực hiện cưỡng chế và xây tường
ngăn trong khu vực nhà số 24 Điện Biên Phủ, liên quan đến
luật sư Cù Huy Hà Vũ. Gần đây chúng tôi đã nhận được
thông tin trái chiều dưới đây, và để đảm bảo tính đa
chiều của Dân Luận, chúng tôi xin đăng tải để độc giả
tham khảo. </blockquote>

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhUeTIspeLhyrkiDHmu1K09PWyvNAcPqaYmieMo2Z8GpSCcnSf3gLlB66Mq4tf7sR_N8iNxff6nkpKbenH2J6cl73Q2ZCIdencFHzbijIA214UC7dphEG1a6umS3U0lDpo0WBIaaavDbc8/s640/cu-hhv.jpg"
width="600"></center>
<center><em>Ngôi nhà "tranh chấp" 24 Điện Biên Phủ</em></center>

<blockquote> <b><i>"Tôi cũng tin rằng chân dung Cù Huy Hà Vũ trong
mắt bà Trần Lệ Thu (vợ kế ông Cù Huy Cận) là chân
thực"</i>. VM</b></blockquote>

Chủ nhật hôm ấy (28/03/2010) sau khi đã hẹn trước qua điện
thoại chúng tôi, cán bộ hưu trí cũng là đồng nghiệp, đến
thăm bà Trần Lệ Thu (vợ cố nhà thơ Cù Huy Cận) ở 24 Điện
Biên phủ, Hà Nội. Đúng hẹn, chúng tôi đến cổng nhà bà.
Cổng khóa, gọi điện thì bà bảo cổng ấy bị khóa rồi, nhà
mình phải đi phía phố Trần Phú kia. Vòng sang phố Trần Phú
cũng thấy để biển hiệu: "VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CÙ HUY HÀ
VŨ".


Chờ ít phút thì tấm cửa cuốn nặng nề cũng được kéo
lên. Khi nó cách mặt đất chừng một mét, chúng tôi thấy bà
Lệ Thu từ từ chui ra. Bà tỏ ra áy náy khi cho chúng tôi biết,
bà không thể tiếp chúng tôi tại nhà mình, nơi bà cùng chồng
và các con sống đã hơn 40 năm. Bà mời chúng tôi cùng vào quán
Café gần ngay đó để nói chuyện, hỏi thăm nhau…

Khuôn mặt bà Lệ Thu không khác mấy so với thời còn làm
việc ở Khoa Lưu học sinh tiếng Nga, thuộc Trường ĐH Ngoại
ngữ (Thanh Xuân) Hà Nội. Duy mái tóc bà giờ đã bạc trắng,
còn lưng đã còng rạp xuống, đi lại chậm chạp, khó khăn.

Bà Lệ Thu kể, hàng ngày vẫn phải uống thuốc và tập thể
dục bằng cách đi bộ. Bà giải thích lí do vì sao không thể
tiếp chúng tôi trong nhà mình.

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhpQ9EBnE0kY2Jz7y5ixcIkqf2Deaqjm_VJ6fpkv14iC0crv9l22yrUEUHbECFUcgKrBUEYPCpGIl1kGxKK57Wsz4zrF6qIEKVACaEEKJWiD8s1bhozplcaV7D3jD7zxgefUUdbEonYuug/s640/pic+034.JPG"
width="360"></center>
<center><em>Bà Trần Lệ Thu đang phải gồng mình đẩy tấm cửa
cuốn này để đi "nhờ" ra khỏi nhà mình.</em></center>

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhmt6x_RwEdkimb-ovBUhxQakrk_WNuTUWbtn5zTvH9cKHSXCv9si121JKD7MFyviXUZiY3lQHij1ZJzFwd6IhibGnNXOUHxkHqo0tAi5Au-Ut2Au4fbJlW4goHbP04OmHM4JDDnkqOUmw/s640/pic+037.JPG"
width="360"></center>
<center><em>Bà Trần Lệ Thu chào khách sau khi phải gồng mình
đẩy tấm cửa cuốn lên. Vì lòng tự trọng, không muốn
phiền luỵ tới gia đình con riêng của nhà thơ Huy Cận đang
sống cùng trong khu biệt thự, bà vẫn hẹn tiếp khách ở quán
nước đầu phố.(10/03/2012)</em></center>

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEioQxlhP82l-2iw9UwqEqx3eXf0qfO8Vq4slAS7WYZHEpEUbqqqMumu_dDW3_bWJTdf2Al0EY85JEdLJm6_hmIR6ukaaoIpObdxbDxatC7AjNWPU1Ddvu1DAL0dC_oY17zYZUqFZzRedwo/s640/pic+044.JPG"
width="600"></center>
<center><em>Hàng ngày bà Trần Lệ Thu phải đi chợ và thể dục
chống loãng xương như thế này. (10/03/2012)</em></center>

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiQ9CWB9lgTBZun8YtGW3Tg1OqKORa6osjuozFuTpbNR1Xu8GWVTY2erLim9kJ5WPu3Btdzt7lmDmvg6o9LeqrzhmjxNr41TWISDigX7bT0JbuZvD4KXXcTyTx8ziczXDvh4pAexhOh5r8/s640/100128061322_cuhuyhavu_226x170_nocredit.jpg"
width="600"></center>
<center><em>Chính quyền cưỡng chế phá tường rào nhà 24 Điện
Biên Phủ xây không đúng quy cách, thực hiện vào sáng thứ
Tư 27/01/2010.</em></center>

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEim_Xrdig4OW-OXQeIOcXChIVUJxt-q47oHOLTtkabmU1hMHUvEzsMy5HvwDFyNKXLvl2WYUd5rfnFi8zb29VTHG2snW_LogUREOut-Sf41PKJ5jEy-C7xQ8u7s5FqvcTmddG5xwS88kjg/s640/ap_20091010042544924.jpg"
width="480"></center>
<center><em>Bên trong nhà bà Lệ Thu (Tầng 2) 24 Điện Biên Phủ.
HN.(10/2009)</em></center>

Vài năm trước khi chồng bà mất, người con trai riêng của
ông là Cù Huy Hà Vũ đã đưa đơn kiện, đòi chia đôi chủ
quyền căn nhà ông bà cùng các con đang ở. Người con riêng này
đã cùng vợ bịt lối đi vào nhà từ phía 24 Điện Biên Phủ,
thuộc quyền sử dụng hợp pháp của 2 vợ chồng bà và gia
đình. Căn nhà sinh thời, nhà nước cấp cho 2 ông Xuân Diệu và
Huy Cận...

Bà nói, căn biệt thự 24 Điện Biên Phủ giờ đã bước sang
tuổi 100, mọi thứ ở đây đã cũ nát, xuống cấp trầm
trọng. Sở dĩ ngôi nhà hầu như vẫn nguyên trạng về hình
dáng, kết cấu vì nó vẫn đang thuộc nhà nước quản lý. Nó
vẫn chưa được cấp sổ đỏ cho gia đình theo Nghị định 61/
CP. Hiện tại bà và những người đang sống ở đây vẫn không
phải trả tiền nhà…

Kể tới đây, bà Lệ Thu chợt như xa xăm… Nhìn bà, thấy rõ
dáng hình còm cõi, gương mặt, đôi mắt phảng phất nỗi buồn
của bao nỗi phiền toái, đắng cay trong nỗi đau của nhân
tình, thế thái xung quanh chuyện nhà cửa, không có lối đi.

Không phải bà Lệ Thu không nhiệt tình với khách, chỉ vì bà
đã không còn lối đi đã hơn chục năm nay, nhà cửa thì cũ
nát, chật chội. Sân, vườn nhà bà giáp cả hai phía phố rộng
rãi, mà bà không còn chỗ để đi lại, thư giản; xe máy nhà
bà vẫn phải gửi nhà khác. Muốn ra ngoài phải "đi nhờ"
qua Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ, vốn là diện tích chung đã
bị "người nhà" chiếm dụng cho riêng mình. Không những
thế, mỗi khi phải ra vào nhà bà phải oằn người đẩy tấm
cửa cuốn lên để chui ra và kéo xuống để đóng lại. Công
việc này còn khó đối với đàn ông khỏe mạnh, nói chi tới
người già cả như bà.

Gần cuối buổi thăm hỏi, tôi có xen vào chuyện mới đây về
ông Cù Huy Hà Vũ. Rằng đọc trên mạng thấy ông Vũ này nổi
lắm, như một người dám tranh đấu cho dân chủ, ông ta còn
đâm đơn kiện cả Thủ tướng nữa đấy…

Bà Lệ Thu khẻ cười… Một lúc sau bà nói: "Anh Vũ này, từ
nhỏ đã là một người hoang tưởng. Anh ấy luôn coi mình là
người giỏi nhất. Xứng đáng làm thủ tướng. Lòng tham
thì…".

Tôi có ý hỏi bà Lệ Thu về ông Cù Huy Hà Vũ, nhưng thấy bà
cũng không muốn nói nhiều về chuyện này. Bà chỉ nói thêm,
rằng bà về nhà này làm vợ ông Huy Cận khi cậu Vũ mới 7
tuổi, ăn ngủ sinh hoạt cùng trong ngôi nhà này, cộng thời gian
cũng đã hơn 40 năm. Kể cả sau này cậu Vũ lấy vợ, có con,
đi làm…cũng ở đây, làm sao bà không biết cậu Vũ là người
như thế nào?

Khi được hỏi về việc cưỡng chế phá tường rào nhà 24
Điện Biên Phủ mới đây, bà cho biết: "Bức tường hiện nay
là do Chính quyền phường Điện Biên mới xây lại theo đúng
nguyên bản cũ trước đây đã bị cây ngã đổ vì mưa bão phá
sập. Ông Cù Huy Hà Vũ xây lại tường rào bị đổ nhưng vì
lại xây bịt kín bằng gạch, không có chấn song sắt, phá vỡ
cảnh quan… nên chính quyền mới cưỡng chế, việc này đã
được thông báo trước".

Chia tay bà Lệ Thu, chúng tôi không khỏi áy náy, lo lắng cho
sức khỏe và cuộc sống tù túng hiện nay của bà. Nhưng chúng
tôi biết làm gì hơn, ngoài sự cảm thông và lời chúc bà
được sống vui, sống khỏe trong những năm còn lại của cuộc
đời.

<b><u>Vài lời nói thêm</u>:</b>

Sau lần ấy tôi còn vài lần đến thăm bà Lệ Thu hay trao
đổi qua điện thoại. Cuộc sống của bà vẫn căng thẳng,
không gian sống vẫn bị chiếm dụng, tù túng, tranh chấp. Thời
gian qua tôi cũng để ý tìm đọc một số bài của Cù Huy Hà
Vũ và nhiều bài viết về ông. Tôi cũng được bà Lệ Thu cung
cấp một số tờ photo (Bà Lệ Thu không sử dụng internet) mấy
bài báo viết về ông Cù Huy Cận, về mối tình đầy sôi nổi,
thơ mộng nhưng không khỏi truân chuyên của hai ông bà.

Hỏi thăm về con cái, bà nói còn một người con trai đang ở
với bà, hiện làm ở Bộ Tư pháp, đã ngoài 40, vẫn chưa lấy
vợ. Thấy tôi tỏ ra chia sẻ về sự muộn màng này, bà Lệ Thu
thở dài: " Anh bảo, nhà cửa như thế thì biết làm thế nào
được, nó đi suốt ấy mà..."

Tôi đã chứng kiến sự thương mến xen lẫn ái ngại dành cho
bà Lệ Thu của những bà tiểu thương ở chợ cóc nơi bà hay
đến, những bà hàng nước giải khát nơi bà tiếp khách và
của những người hàng phố nơi bà thường đi qua mỗi ngày.
Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ bà khi cần thiết.

Bà Lệ Thu nói, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND TP Hà
Nội có biện pháp cụ thể, tích cực tổ chức thực hiện
nghiêm các quyết định của Thủ tướng, cắm mốc giới nhà,
đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu
nhà cho gia đình bà; chỉ đạo UBND quận Ba Đình xử lý kịp
thời, kiên quyết việc lấn chiếm đất công, xây nhà và các
công trình trái phép của của ông Cù Huy Hà Vũ. Song, đến nay
tất cả vẫn nằm trên giấy. Trong khi đó, gia đình ông Cù Huy
Hà Vũ vẫn lấn chiếm toàn bộ đất và diện tích sử dụng
chung, bịt lối đi trái phép, gây khó khăn trở ngại trong sinh
hoạt cho gia đình bà vì nhà không có lối đi vào.

Nguyện vọng của bà hiện nay là Chính quyền phải nhanh chóng
thực hiện chỉ đạo của Thủ Tướng đã nêu trên, hoặc cấp
cho cho gia đình bà một nơi ở mới, trả lại ngôi nhà này
để làm nhà lưu niệm hai nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận, như
đúng nó phải thế.

Tôi cũng đã được một số bạn bè, đồng nghiệp của bà
Lệ Thu kể thêm về cuộc sống riêng tư của bà…về gia đình
Cù Huy Hà Vũ. Tôi nói "riêng tư" vì có những tâm sự thầm
kín bà Lệ Thu chỉ có thể chia sẻ cho một hai người bạn
"ruột" của mình. Trong đó có người từng là "phù dâu"
cho bà Lệ Thu, đến chơi nhà bà nhiều lần suốt mấy chục
năm qua, từng được chứng kiến những bữa cơm gia đình nhà
bà Lệ Thu có cả Xuân Diệu. Có người từng được biết cả
những chuyện thuộc loại "Thâm cung" không thể kể ra ở đây
về những người đã và đang sống tại ngôi nhà này.

Bà Lệ Thu là người quá hiền lành. Tôi nhớ thời còn cùng
Khoa LHS, bà Lệ Thu không mấy khi phát biểu trong các cuộc họp,
không mất lòng ai. Dù rất giỏi Nga ngữ và Pháp ngữ, vững
chuyên môn lại có "thế" nhưng bà Lệ Thu có vẻ không muốn
"phấn đấu" theo con đường sự nghiệp. Cứ dạy học xong
là bà vội vã ra về. Một bà bạn rất thân của bà Lệ Thu
mới đây còn nhận xét, "chị Lệ Thu hiền quá, hiền đến
nỗi nhu nhược".

Qua tìm hiểu, tôi thấy cậu Hà Vũ lớn lên trong một đại gia
đình có mối quan hệ khá phức tạp, cậu có nhiều người
ruột thịt nhưng tình cảm yêu thương, sự quan tâm dạy dỗ
dành cho cậu không phải là đủ đầy...Trong mắt vợ chồng bà
Nguyễn Thị Dương Hà và ông Cù Huy Hà Vũ, bà Lệ Thu chỉ là
"mẹ ghẻ" và là "người tranh chấp quyền lợi" của họ
mà thôi.

Ông Cù Huy Hà Vũ từng thổ lộ: "<i>Tôi biết, cái chất
quyết liệt, 'bùng bùng" ấy tôi thừa hưởng từ "gien"
của đằng ngoại, mà gần nhất là của bác tôi, nhà thơ Xuân
Diệu chứ không phải từ cụ Cận</i>". Đúng vậy! Bà Lệ Thu
cũng từng nói: " <i>Ông Huy Cận hiền lành lắm</i>". Chính
vì những kiện cáo, những hành động phi đạo lý của con trai
cả gây ra cho ông những bất tiện, không lối thoát trong cuộc
sống mà vài năm trước khi mất, ông Huy Cận đã phải đến
tá túc "bất đắc dĩ" nhà con gái.

Nhiều người chắc đã đọc "Mẹo Cứt gà" của Cu Vinh. Cù Huy
Hà Vũ cũng hay sử dụng mẹo này. Nếu ai đã từng đến Văn
phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ, hay ghé thăm hôm nay sẽ thấy "Mẹo
Cứt gà" vẫn đang hiện hữu nơi đây.

Đã có nhiều nhận xét, đánh giá về ông Cù Huy Hà Vũ, bạn
đọc có thể tìm đọc trên mạng. Tôi, người viết bài này
đã từng ủng hộ Cù Huy Hà Vũ trong vụ Đồi Vọng Cảnh (ông
kiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) và trong vụ Bauxite ở Tây
nguyên.

Xét từ góc độ lợi ích của chính quyền, vụ bắt Cù Huy Hà
Vũ mất nhiều hơn được. Qua vụ án và phiên tòa, Chính quyền
vô tình đã nâng Cù Huy Hà Vũ lên thành "anh hùng" trong mắt
nhiều người. Bloger Huy Đức đã bình về ông CHHV:

"<i>Nếu cứ để ông Cù Huy Hà Vũ nghênh ngang bên ngoài, có
lẽ ông khó lòng tập hợp được sự quan tâm của quần chúng
tới mức dấy lên sự sợ hãi cho chính quyền. Nếu để ông
Cù Huy Hà Vũ tự do ngôn luận, có lẽ ông khó lòng thu hút
được sự chú ý của giới bloggers, báo chí và khó lòng trở
thành một nhân vật được đề cập trong một bài feature của
tờ New York Times. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do kiện tụng
có lẽ người dân sẽ thấy Chính quyền tự tin và mạnh mẽ.
Và có lẽ, nếu thả ngay ông Cù Huy Hà Vũ sau cái hôm ở khách
sạn, hình ảnh một người đàn ông 50s bụng phệ sẽ được
nhớ lâu hơn, và khó có thể bị thay thế bởi hình ảnh một
tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, comple, cavat, trán rộng, đầu ngửng cao,
ngạo nghễ đi giữa hai hàng cảnh sát".</i>

Muốn làm cách mạng vì dân vì nước, nhất là muốn làm lãnh
đạo, phải là người có tài, có trí nhưng trước hết phải
là người có tâm và đức. Qua những gì được biết, tôi
thấy ông Cù Huy Hà Vũ không phải là người con hiếu thảo,
người anh biết nhịn nhường…trong gia đình; không là người
có thể noi theo ở ngoài đời.

Tôi từng ghi vào sổ tay câu nói của ông Lê Kiên Thành (con
trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn): "Một người đàn ông có thể
diễn kịch với cuộc đời nhưng chân dung họ hiện lên trong
mắt con cái là chân thực nhất".

Mượn ý của câu nói trên, tôi cũng tin rằng chân dung Cù Huy
Hà Vũ trong mắt bà Trần Lệ Thu (vợ kế ông Cù Huy Cận) là
chân thực.

<b> VM</b>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141027/cu-huy-ha-vu-nguoi-trong-nha-noi-gi),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét