Cuộc sống bên trong vùng dịch Ebola

<blockquote><strong>Dân Luận:</strong> Thật đáng khâm phục khi có
những người không ngại khó ngại khổ, thậm chí là rủi ro
tính mạng để cứu giúp đồng loại của mình. Bài viết sau
đây do Athena, cộng tác viên Dân Luận, dịch và chia sẻ như
một lời kêu gọi chúng ta hãy sống tử tế với nhau hơn.
</blockquote>
<center><img
src="http://i2.cdn.turner.com/cnn/interactive/2014/09/health/ebola-vignettes/media/images/1-large.jpg"
width="500" /></center>
<h2>Chôn cất tử thi</h2>
<em>Daniel James, tình nguyện viên Hội Chữ Thập Đỏ
Từ Kailahun, Sierra Leone</em>

Thi thể đầu tiên chúng tôi bắt buộc phải chôn cất là ở
ngôi làng có tên là Gbanvawalu. Khi tử thi được lật ngửa lên
để di chuyển, thì nó bỗng hít vào một hơi dài - giống như
ai đó vừa bị ngộp thở và đang hít lấy hít để không khí.
Chúng tôi gần như bỏ chạy hết ra ngoài. Thậm chí những nhân
viên ở Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng không hề mong đợi
sẽ có phản ứng như vậy vì xác chết đã ở đó 3 ngày
trước khi chúng tôi đến.

Vào ngày 10 tháng Bảy, tôi được gọi đến văn phòng của
Constant Kargbo, phó tổng thư ký Chương trình Quản lý Dịch
bệnh và Phẫu thuật cho Hội Chữ Thập Đỏ ở Sierra Leone. Ông
ấy nói với tôi: "Này người anh em, tôi muốn gửi anh đến
Kailahun để xử lý các xác chết. Anh sẽ đi chứ?" Tôi đã
mất khoảng 5 phút để suy nghĩ về chuyện này.

Tôi gia nhập Hội Chữ Thập Đỏ khi tôi còn bé để làm các
công việc nhân đạo cũng như giảm bớt nỗi đau thương của
những con người khốn khổ. Tôi trả lời, "Tôi đến từ
Kailahun. Giờ tôi phải đi để cứu giúp người dân của
tôi."

Khi tôi đặt chân đến Kailahun, quang cảnh ở đó giống như
vừa bị chiến tranh tàn phá. Gia đình tôi không hề vui mừng;
tất cả đều sợ hãi và lo lắng. Họ đều gọi cho tôi để
cầu xin tôi quay về. Chị tôi vừa nói vừa khóc qua điện
thoại, nhưng tôi đã trấn an chị ấy.

Trung bình một ngày tôi phải chôn cất 6 tử thi. Phần khó khăn
của công việc là lấy mẫu máu từ tử thi.

Hiện giờ các đồng nghiệp của tôi ở đây đều là những
người chuyện nghiệp nhất. Thiết bị bảo hộ cá nhân và
một lọ dung dịch chlorine là "vệ sĩ" của chúng thôi. Đó
vừa là phương thuốc và cũng là bác sĩ của mọi người. Tất
cả đều phải tuân thủ quy tắc ABC: Tránh tiếp xúc cơ thể
người. (<em>ABC là các chữ cái viết tắt của cụm từ tiếng
Anh: Avoid Body Contact – người dịch</em>)

Lời nhắc nhở cuối cùng mà tôi luôn nói với các đồng
nghiệp bất cứ khi nào họ trở về từ cánh đồng đều là:
"Này anh, anh vừa hoàn thành công việc một cách an toàn và
tôi tự tin nói rằng anh cũng an toàn ở thời điểm này. Khi anh
về nhà, hãy luôn nhớ đến các sinh hoạt cá nhân cho đến khi
chúng ta gặp lại nhau vào ngày mai."

Nhờ điều này mà không hề có ai phàn nàn rằng họ bị đau
đầu dù chỉ là cơn đau nhẹ. Ơn Chúa.

<h2>Ai sống và ai chết?</h2>
<em>Pierre Trbovic, Medecins
ELWA-3 Ebola Treatment Center in Monrovia, Liberia </em>

Ngay sau khi đến Monrovia, tôi nhận ra rằng các đồng nghiệp
của tôi đều choáng ngợp bởi quy mô của vùng dịch Ebola.
Trung tâm chữa trị của chúng tôi – Tổ chức Bác sĩ không
biên giới lớn nhất từng hoạt động – đều kín chỗ, và
Stefan, điều phối viên của chúng tôi, đang phải đứng ở
cổng để xua mọi người đi chỗ khác. Sứ mệnh của một bác
sĩ không biên giới là bạn phải cực kỳ linh hoạt. Đây không
phải là công việc mà chúng tôi lên kế hoạch cho bất cứ ai,
mà là một số người bắt buộc phải làm việc đó – và vì
vậy tôi tự hãnh diện với chính bản thân mình.

Người đầu tiên mà chúng tôi phải từ chối tiếp nhận là
một ông bố đã đặt con gái của mình trong cốp xe để chở
đến. Người đàn ông ấy cầu xin tôi hãy cứu con gái ông, và
nói rằng ông ấy biết chúng tôi không thể cứu con bé, nhưng
ít nhất chúng tôi có thể cứu những người còn lại trong gia
đình ông.

Các gia đình khác thường chỉ dừng xe ô tô lại, để người
bệnh ra khỏi xe rồi lái đi, bỏ mặc những người bệnh. Một
người mẹ cố gắng để con mình trên ghế với hy vọng nếu
làm như vậy thì chúng tôi không còn cách nào khác là phải
chăm sóc đứa bé đó.

Tôi đã từng phải đuổi một cặp vợ chồng mang đến đứa
con gái của họ. Hai giờ sau con bé chết ngay trước cổng trung
tâm của chúng tôi, tại đúng nơi mà con bé đã nằm lại cho
đến khi có người từ đội chôn cất đến mang đi.

Một lần tôi đi vào vùng dịch nguy hiểm nhất, tôi đã hiểu
ra rằng tại sao chúng tôi không thể tiếp nhận thêm bất kỳ
bệnh nhân nào nữa. Có rất nhiều quy trình và thủ tục ở
trung tâm chữa chị Ebola để giữ cho mọi người được an
toàn, và nếu mọi người không có đủ thời gian để làm theo
các thủ tục đó, họ có thể gây ra những sai sót lớn ảnh
hưởng đến người khác.

Không có cách nào khiến chúng tôi có thể nhận thêm bệnh nhân
mà không gây nguy hiểm cho những người khác, cũng như toàn bộ
nhân viên của chúng tôi. Và giải thích với những người đang
cầu xin cho người thân của họ được tiếp nhận điều trị
cũng như cam đoan với họ rằng chúng tôi đang cố gắng mở
rộng trung tâm điều trị nhanh nhất, dường như là điều
không thể.

Ở Monrovia, chúng tôi ước đoán rằng cần hơn 1000 giường
bệnh cho bệnh nhân điều trị Ebola. Hiện tại mới chỉ có 240
giường. Cho đến khi trang thiết bị được cung cấp đầy
đủ, cái cảnh khốn khổ phải xua bệnh nhân ra khỏi cổng
vẫn sẽ tiếp diễn.

[*] Câu chuyện của Pierre đã được đăng trên The Guardian.

<h2>Quá nhiều mất mát</h2>
<em>Lt. Rebecca Levine, Dịch vụ Y tế Công cộng, Hoa Kỳ
Từ Freetown, Sierra Leone</em>

Chuyến bay đến Sierra Leone của chúng tôi gần như hoàn toàn
vắng khách.

Khi đến khách sạn, chúng tôi gặp hai nhân viên ở ngoài hành
lang. Tôi đã rất muốn tiến đến và ôm họ, nhưng không ai
được tiếp xúc cơ thể trực tiếp ở đây. Bạn không thể
bắt tay, và chắc chắn là không thể ôm người khác. Điều
này gần như là chống lại toàn bộ bản chất của con người
và trái ngược lại hoàn toàn với tất cả những gì bạn
muốn làm trong cơn khủng hoảng.

Cảm xúc trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết khi phải chứng
kiến cái thực tế dịch bệnh gây ảnh hưởng thế nào đến
cuộc sống hằng ngày. Giá cả như muốn leo đến tận trời,
và mọi người không thể chi trả để mua thức ăn cho gia đình
mình. Tất cả trường học đều đóng cửa vì vậy tụi trẻ
con chẳng được học hành gì.

Một vài nhân viên ở trạm y tế địa phương đã dùng bữa
với tôi lúc trưa nay. Họ đề nghị được sẻ cho tôi đĩa
thức ăn, và tôi đã không thể ăn nó. Tất cả chúng tôi đều
quá sợ hãi khi phải ăn bất cứ thứ gì không thuộc thực
phẩm thông thường. Không ai muốn bị nhiễm bệnh với những
triệu chứng ở đường tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy –
nói chung là bất cứ điều gì giống như đau bụng hay ngộ
độc thực phẩm đều là triệu chứng của Ebola.

Tất cả những gì bạn phải làm là cẩn thận mọi lúc mọi
nơi. Điều này đeo bám tôi theo cái cách mà tôi không hề trông
đợi. Nó không chỉ là sự thiếu vắng tiếp xúc giữa người
với người mà còn là nỗi sợ khi phải tiếp xúc với ai đó.
Khi ai đó vô tình chạm nhẹ vào bạn ở trong phòng, bạn sẽ
lập tức nghĩ rằng, "Những người này vừa từ đâu đến?
Họ có cái gì vậy?"

Nỗi sợ thực sự của tôi chỉ là phần nổi của tảng băng
chìm. Lại một ngày nữa, nơi mà sự tiếp xúc không hề diễn
ra.

Càng học nhiều về hệ thống theo dõi tiếp xúc
(<em>contact-tracing system là hệ thống theo dõi người bệnh đã
tiếp xúc với những ai để tìm ra những người có khả năng
đã bị nhiễm bệnh - người dịch</em>), tôi càng nhận ra rằng
có nhiều việc phải làm cũng như có nhiều thứ thiếu sót.
Người chịu trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi
tiếp xúc này thậm chí còn không hề có máy tính. Cảm giác
giống như đó là khó khăn thực sự cần vượt qua, đặc biệt
là ở một quận có 3 triệu người, nơi mà mọi người có
thể dễ dàng lẩn trốn.

Tôi đã thấy các dấu hiệu ở bên ngoài một nhà thờ nói
rằng Ebola đang ở đây vì có nhiều linh hồn quỷ dữ - giống
như lời nguyền rằng mọi người cần phải cầu nguyện nhiều
hơn để tìm được lối thoát. Chúng tôi biết rằng có nhiều
việc cần làm hơn là những lời cầu nguyện.

<h2>'Chúng tôi có thể đánh bại dịch bệnh'</h2>
<em>Tim Callaghan, Cơ quan Phát triển Quốc tế, Hoa Kỳ
Từ Monrovia, Liberia</em>

Tôi đến đây hơn 6 tuần trước để phối hợp với tổ chức
USAID đối phó với dịch Ebola ở Monrovia. Tôi đã từng là
người giám sát ở Haiti sau trận động đất năm 2010, và ở
Cộng hòa Georgia sau cuộc chiến với Nga năm 2008.

Thật khốn khổ cho tôi khi ở đây. Không giống như trận
động đất ở Haiti – nơi mà bạn biết làm thế nào để
phân phát thức ăn và chăn màn - ở Liberia chúng tôi thực sự
cần phải thay đổi suy nghĩ của mọi người để họ không
tự làm hại bản thân họ.

Chúng tôi đã huy động mọi người từ khắp nơi trong hệ
thống chính quyền Hoa Kỳ tới Tây Phi. Có một số tới từ
các Trung tâm Kiểm Soát và Ngăn Chặn Bệnh Dịch, từ Bộ Quốc
Phòng, từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Chúng tôi có cả
những lính cứu hỏa từ hạt Los Angeles. Tất cả đều đang
cố gắng cải thiện yêu cầu và ứng phó với các sự cố.

Phần lớn công việc đều liên quan đến tuyên truyền giải
thích về dịch Ebola, thực hành kiểm soát lây nhiễm, xây dựng
phòng thí nghiệm và phòng khám. Cơ sở vật chất ở đây đều
thiếu thốn thậm chí trước cả dịch Ebola. Chúng tôi chỉ có
một vài đồ vật. Gần đây tôi có ở Dolotown để xem những
thiết bị y tế mà chúng tôi được tài trợ. Chúng tôi muốn
đặt các thiết bị di động ở đó để việc kiểm tra chẩn
đoán được nhanh hơn. Phải mất 4 giờ để đến phòng thí
nghiệm gần nhất và mất 1 ngày để xách định xem một
người có nhiễm bệnh hay không.

Trước đây thị trấn bị cách ly; giờ thì không. Mọi người
ở đó rất ngạc nhiên. Tôi đã thấy một người đàn ông
trẻ tuổi dùng loa công suất lớn để nói với mọi người
Ebola là gì, thúc giục cộng đồng xung quanh "hãy cùng đẩy
lùi nó." Những người trẻ dừng ô tô và nói chúng tôi hãy
ra khỏi xe, xếp hàng đợi để kiểm tra thân nhiệt. Không có
ngoại lệ. Họ viết ngày hẹn lên tờ giấy và dán lên áo
khoác của tôi. Tôi dự định sẽ giữ lại tờ giấy này thật
lâu.

Những người mà có thân nhiệt cao ngay lập tức được cách ly
và cho đi kiểm tra. Trong khi chờ đợi, mọi người mang đến
thức ăn và nước uống. Ơn trời, không ai bị nhiễm Ebola cả.

Nhìn mọi người trong khu dân cư hợp tác với nhau để giải
quyết những vấn đề thật là phi thường. Điều quan trọng
ở đây phải rất kỷ luật. Thật khó khăn. Chúng tôi cần
phải dạy cho các gia đình rằng họ không được chạm vào
người chết. Khi có ai đó qua đời, bạn muốn ôm họ và giữ
họ lại. Nhưng bạn không được làm như thế.

Tôi đã làm cho Peace Corps trước khi hợp tác với USAID. Mẹ
tôi, hiện đang sống ở Brooklyn, đã khóc ròng suốt cả tuần
khi tôi nói với bà rằng tôi sẽ bỏ công việc ở phố Wall
để làm việc này. Nhưng cả gia đình tôi đều biết rằng đó
là điều hết sức quan trọng. Chúng tôi phải tranh đấu cùng
với nhau. Chúng tôi có thể đánh bại dịch bệnh, nhưng hiện
tại thì chưa làm được.

<h2>Thay đổi kế sách </h2>
<em>Dan Ward, Medical Teams International
Từ Liberia</em>

Tôi lớn lên ở châu Phi; bố mẹ đưa tôi đến Tanzania khi tôi
mới được 6 tháng tuổi. Giờ tôi đang là chuyên gia về phát
triển chương trình ở Uganda, đến Liberia để làm công tác
hậu cần trong thời gian có dịch Ebola. Nhu cầu luôn luôn thay
đổi, và vì vậy chúng tôi cũng phải thay đổi kế sách.

Chúng tôi có một vài phòng khám ở khắp Monrovia. Một ngày, khi
chúng tôi đang đi xuống phố từ phòng khám này qua phòng khám
khác, làm một bài khảo sát để tìm hiểu nhu cầu thực tế.
Phòng khám đầu tiên mở cửa. Có khoảng 20 người ở trong khu
ngoại trú, nhưng nhân viên không kiểm tra thân nhiệt. Bạn có
thể thấy ai đó đang cần chữa trị Ebola, nhưng họ lại không
hề biết. Chính vì thế mà dịch bệnh lan rộng. Và chúng tôi
cần phải chỉ cho những nhân viên y tế ở đó điều cần
biết về Ebola.

Phòng khám thứ hai thì đóng cửa. Họ đã có một bệnh nhân
Ebola tử vong tại đó. Toàn bộ nhân viên bị cách ly trong vòng
21 ngày.

Địa điểm thứ ba là một phòng khám tư nhân. Người điều
hành công việc ở đây đã phải cho đóng cửa vì không có
đủ thiết bị phù hợp. Hiện chúng tôi đang cố gắng cung
cấp cho phòng khám những thiết bị thiết yếu nhất.

Hàng tiếp tế đang được chuyển đến đất nước này, nhưng
đây là một nơi rất quan liêu nên chúng tôi phải mất nhiều
thời gian hơn bình thường để làm các thủ tục tẻ nhạt. Ở
đó cần những biện pháp nhanh chóng trực tiếp. Nhưng chúng
tôi không đủ khả năng để xây dựng địa điểm điều trị
ngay cả khi tổng thống Obama nổi điên lên với phản ứng
chậm chạp của chính phủ Mỹ.

Chúng tôi được nhắc nhở rằng không được chạm vào những
người nhiễm Ebola; nhưng giờ điều đó không còn đúng với
thực tế nữa. Không có nơi nào để chăm sóc người thân. Khi
trong gia đình bạn có người bị ốm, chúng tôi buộc phải nói
rằng, "Đây là cách bạn có thể giúp trong khi vẫn giữ
được phẩm giá của bản thân và gia đình."

Việc bắt tay một người là nghi thức chào hỏi rất thông
thường ở đây. Giờ thì chẳng ai làm thế nữa. Khi bạn rảo
bước trên vỉa hè, bạn cẩn thận để không vô tình chạm
vào bất cứ ai. Các nhân viên đều có phương tiện riêng, họ
không dùng phương tiện giao thông công cộng hay taxi nữa. Tất
cả đều rửa tay thường xuyên với nước khử trùng.

Tôi khâm phục lòng bác ái và sự dũng cảm của con người nơi
đây. Các nhân viên y tế dù không có đủ thiết bị cần dùng
nhưng họ vẫn cố gắng cung cấp dịch vụ đầy đủ. Mục
đích duy nhất của chúng tôi ở đây là giữ cho họ được
sống sót.

Tôi biết gia đình đang lo lắng, nhưng tôi sẽ cố gắng cẩn
thận, và tôi có cảm giác rằng đây chính là điều mà mình
nên làm.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140922/cuoc-song-ben-trong-vung-dich-ebola),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét