<center><img
src="https://www.danluan.org/files/u1/sub04/10589090_1520541094845647_996540609_n.jpg"
width="600" height="600" alt="10589090_1520541094845647_996540609_n.jpg"
/></center>
07/07/2014, Bộ Công an ban hành Thông tư số 28/2014/TT-BCA quy
định về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân, có
hiệu lực từ ngày 25/8/2014.
Ngày 28/7/2014, báo chí Việt Nam bắt đầu quan tâm về Thông tư
này, ca ngợi quy định nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng
nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào và cho biết Thông tư
này có hiệu lực kể từ ngày 25/8/2014.
Ngày 29/7/2014, khi trả lời phóng vấn đài BBC, luật sư Trần
Vũ Hải cho biết Thông tư này có điều 38 khoản 1 rất nguy
hiểm cho giới luật sư vì cho phép điều tra viên điều tra
lại luật sư, vô hiệu hóa vai trò của luật sư.
Ngày 31/7/2014, luật sư Trần Vũ Hải và luật sư Ngô Ngọc Trai
đã gửi riêng rẽ các kiến nghị lên Liên đoàn luật sư Việt
Nam ("LĐLSVN") yêu cầu lãnh đạo liên đoàn này có ý kiến
sớm với Bộ Công an để sửa đổi Thông tư 28 trước ngày
Thông tư này có hiệu lực là 25/8/2014.
Ngày 31/7/2014, luật sư Phan Trung Hoài – Chủ nhiệm Ủy ban
bảo vệ quyền lợi luật sư của LĐLSVN cho biết Ban lãnh
đạo LĐLSVN rất quan tâm đến kiến nghị của luật sư Ngô
Ngọc Trai và các luật sư khác và sẽ sớm có hướng giải
quyết.
Ngày 01/8/2014, trong cuộc làm việc với Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương
cùng với sự hiện diện của nhiều quan chức cấp cao của Bộ
Công an, lãnh đạo LĐLSVN đã nêu ra những quy định gây khó cho
luật sư tại Thông tư 28. Ông Trương Tấn Sang đã yêu cầu Bộ
Công an sớm giải quyết việc này.
Ngày 07/8/2014, tại trụ sở LĐLSVN, Nguyễn Ngọc Anh - Cục
trưởng và lãnh đạo các Phòng, bộ phận chức năng liên quan
của Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an
đã có buổi làm việc với lãnh đạo LĐLSVN về Thông tư này.
Ông Anh cho biết cam kết sẽ bảo đảm và hướng dẫn cụ
thể, tập huấn kỹ lưỡng trong toàn ngành để thống nhất
về nhận thức, làm rõ phạm vi trách nhiệm để việc thực thi
Điều 38 TT28 đúng theo quy định của pháp luật, nếu Thông tư
28 có bất cập thì sẽ theo dõi và rút kinh nghiệm trong từng
giai đoạn để có thể sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, lãnh
đạo LĐLSVN yêu cầu Bộ Công an sửa trước ngày 25/8/2014. Cùng
ngày 07/8/2014, ông Lê Thúc Anh – Chủ tịch LĐLSVN đã ký ban
hành văn bản số 176/LĐLSVN gửi đồng chí Bộ trưởng Bộ
Công an về việc đề nghị xem xét sửa đổi nội dung Điều 38
TT28 nói trên.
Các luật sư trong cả nước rất quan tâm và bất bình về
Thông tư này.
Ngày 9/8/2014, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội
quyết định tổ chức buổi hội thảo góp ý kiến liên quan
đến Thông tư 28 vào ngày 16/8/2014.
Riêng với Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), có lẽ
phải quan tâm việc Chủ nhiệm Đoàn Nguyễn Đăng Trừng bị
khai trừ Đảng nên chưa thấy Ban Chủ nhiệm có ý kiến về
Thông tư này. Tuy nhiên, có nhiều luật sư trong Đoàn Luật sư
TPHCM cũng có ý kiến phản đối Thông tư này, như Luật sư
Trịnh Minh Tân.
Trên trang mạng xã hội face book, các luật sư bàn luận sôi
nổi về Thông tư này. Ngày 10/8/2014, trang Facebook Nghề Luật Sư
ra mắt với chủ đề đầu tiên bàn về Thông tư 28 này, trang
này đã đăng hàng chục bài viết liên quan đến Thông tư 28 và
vai trò của Luật sư trong giai đoạn điều tra hình sự.
Ngày 16/8/2014, Hội thảo của Đoàn luật sư Hà Nội tổ chức
không thành bởi lý do trước đó có sự can thiệp từ một số
cán bộ của Bộ Công an khiến đơn vị cho thuê hội trường
hủy hợp đồng với Đoàn luật sư Hà Nội. Trưa ngày 16/8/2014,
luật sư Trần Đình Triển – phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà
Nội phụ trách Hội thảo này đã có thư xin lỗi các luật sư
và những người khác vì buổi hội thảo không thành.
Ngày 17/8/2014, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã ký
quyết định 4740/QĐ-BCA đính chính Thông tư 28. Tuy nhiên, có
thể do đúng dịp nghỉ lễ kỷ niệm ngành Công an nhân dân 19/8
nên Bộ Công an chưa kịp công bố thông tin cho báo chí và
LĐLSVN được biết.
Đến ngày 25/8/2014 vẫn chưa thông tin về việc sửa đổi,
đính chính thông tư này. Cho đến ngày 25/8/2014, một loạt báo
chí trong và ngoài nước như các đài RFI, BBC, RFA, các báo Pháp
luật & đời sống, Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, Pháp
luật( của Bộ Tư pháp), Hà Nội mới, Tiền Phong,... đã đăng
phản ánh về những ý kiến phản đối của các luật sư về
Thông tư này. Một số luật sư đã tỏ ra bi quan, cho biết sẽ
không nhận các vụ án từ giai đoạn điều tra vì lo ngại
rằng sẽ bị cản trở và vô hiệu hóa.Tuy nhiên nhiều luật
sư vẫn tin tưởng rằng Bộ Công an sẽ sớm sửa đổi Thông
tư này.
Sáng ngày 26/8/2014, LĐLSVN thông báo mới nhận được quyết
định 4740/QĐ-BCA của Bộ Công an đính chính Thông tư 28.
Quyết định đính chính này thực chất là một quyết định
sửa đổi, bổ sung, mặc dù có nhiều điều cần phải bàn,
nhưng tạm thời đa số luật sư chấp nhận nội dung sửa bổ
sung Điều 38 của Thông tư 28. Trước khi đính chính, sửa đổi
nội dung của Khoản 1 Điều 38 như sau:
<blockquote><strong>Điều 38.</strong> Trách nhiệm của Điều tra
viên trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa,
người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp
viên pháp lý
1. Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền
lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi
cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như: cưỡng
ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai
báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu
nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp
luật khác thì Điều tra viên tiến hành lập biên bản sự
việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp
khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản
trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của
họ.</blockquote>
Sau khi đính chính, sửa đổi, Khoản 1 Điều 38 của Thông tư 28
như sau:
<blockquote><strong>Điều 38.</strong> Trách nhiệm của Điều tra
viên trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm của người
bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc
trợ giúp viên pháp lý
1. Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền
lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi
cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp
tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện trái
pháp luật hoặc tiết lộ bí mật điều tra thì Điều tra viên
tiến hành lập biên bản sự việc trên.</blockquote>
Việc Bộ Công an ra quyết định đính chính (thực chất là
sửa đổi) trước khi Thông tư có hiệu lực là chưa từng có
tiền lệ ở Việt Nam, là thành công bước đầu của giới
luật sư Việt Nam trong cuộc đấu tranh khó khăn để bảo vệ
quyền hành nghề của giới mình. Sự kiện này chứng tỏ:
1. Nếu giới luật sư Việt Nam biết đoàn kết, biết đấu
tranh và có bản lĩnh, họ sẽ nhận được những thành quả
nhất định để chứng minh vai trò của luật sư trong một Nhà
nước pháp quyền và dân chủ
2. Bộ trưởng Bộ Công an và một bộ phận không nhỏ trong
lực lượng công an sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện từ
những tầng lớp nhân dân, và chấp nhận những ý kiến hợp
lý để thay đổi quan điểm.
Giờ đây, giới luật sư Việt Nam đã có thêm tự tin. Họ cần
chứng tỏ không chỉ uy tín và vai trò của mình trong xã hội,
mà ngay những công việc nội bộ của họ cũng được giải
quyết suôn sẻ. Nếu Đoàn Luật sư TPHCM nhanh chóng bầu ra vị
Chủ nhiệm mới mà không chịu áp đặt từ bên ngoài, trên tinh
thần tự chủ, dân chủ và theo đúng thông lệ quốc tế, sẽ
là bước tiếp theo của sự trưởng thành của giới luật sư
Việt Nam.
Một Nhà nước pháp quyền và dân chủ phải có một đội ngũ
luật sư hùng mạnh, tự chủ, bản lĩnh và trí tuệ. Xã hội
và nhân dân đang có chút kỳ vọng vào giới luật sư.
Giới luật sư đừng đánh mất kỳ vọng của nhân dân và xã
hội, đừng đánh mất mình, hãy tiếp tục đoàn kết và tiến
bước.
<em>Tác giả gửi Quê Choa, bài viết thể hiện văn phong và quan
điểm riêng của tác giả</em>
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140827/ls-tran-vu-hai-so-phan-dieu-38-thong-tu-28-cua-bo-cong-an-va-thanh-cong-nho-cua),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét