Tạp chí Phía Trước - Đừng hỏi bao giờ Việt Nam có tác phẩm đỉnh cao

Văn học Việt Nam ta trong khoảng 20 năm trở lại đây được
đánh giá là bị bão hòa, tức là không có sự kiện văn học
hay tác phẩm nào nổi bật. Và nhiều rất nhiều người cứ
tỏ ra trăn trở: Bao giờ Việt Nam mới có tác phẩm đỉnh cao?
Câu hỏi đó có vẻ đầy thổn thức, bối rối nhưng nhiều khi
xét kĩ lại, tôi thấy tốt nhất là đừng hỏi như thế. Bởi
cái hệ lụy trước hết của câu hỏi ấy là anh hầu như phủ
nhận toàn bộ đời sống văn học hiện thời. Trước tiên anh
hãy tự hỏi mình đã đọc được bao nhiêu và theo anh thế nào
là một tác phẩm văn học đỉnh cao!

<strong>Cái "tầm" đó là "tầm" gì?</strong>

Có nhiều nguyên do để quyết định thành tựu đỉnh cao của
một nền văn học ngoài yếu tố chủ quan thuộc về cá nhân
người sáng tác. Có người đổi thừa cơ chế quản lí,
người khác lại nói chung chung là do tầm vóc của thời đại
nhưng theo tôi cái quyết định tối cao là nội sinh của nền
văn hóa nước đó.

Đôi khi chúng ta đã quá phóng đại tầm vóc của văn chương
để rồi xem nó như một cái gì ghê gớm lắm với những sáo
ngữ đại loại như người thư kí trung thành với thời đại,
phản ánh hùng hồn hiện thực đời sống. Điều đó cũng tốt
nếu những ngữ ấy được dùng với hàm nghĩa tôn trọng vai
trò của văn chương (ý nghĩ đầy cảm hứng đó nhiều khi
nhầm lẫn văn chương với lịch sử hay báo chí truyền thông
thì chỉ tổ làm điếm nhục nó, xem nó như một thứ nô lệ
làm công cụ, làm chức năng xyz). Nhưng xét cho cùng, phải nhìn
cho kĩ, nghiêm khắc, cho đúng với sự thật bất biến của nó
mấy ngàn năm nay kể từ khi nhân loại có khái niệm này: văn
chương cũng chỉ là một bộ phận trong toàn bộ chỉnh thể
đời sống văn hóa (mà nói theo kiểu Marx thì đó là bộ phận
thuộc kiến trúc thượng tầng). Văn chương muốn được đánh
giá khách quan nhất phải nhìn nó xuyên qua bức màng văn hóa.
Tách văn chương ra khỏi điều ấy thì nó sẽ chẳng là gì
cả.

Cái tầm của một nền văn học không thuộc về nhân tố thời
đại hay cơ chế, đó chỉ là tác nhân phụ kiềm hãm hay thôi
thúc văn chương mà thôi. Có người cho rằng thời đại của
Việt Nam hôm nay quá tốt đẹp vậy tại sao văn chương lại
không có tác phẩm xứng tầm. Tôi chỉ muốn hỏi thế này, xin
lỗi anh, thời đại này là thời đại gì mà bắt văn chương
xứng tầm? Cái thời 1954–1975 lịch sử dữ dội như thế
nhưng có tìm ra được tác phẩm phổ quát nhân loại hay chỉ
toàn là loại văn học chức năng gióng trống thổi kèn. Tôi
không dám phủ nhận hết thành tựu của giai đoạn này, và tôi
thừa nhận nó có nhiều tác phẩm gây rung động hàng triệu
trái tim bạn đọc (chủ yếu là thơ ca) nhưng tìm thấy tác
phẩm đỉnh cao thì không (tiểu thuyết).

Cái "tầm" đó là "tầm" gì? Tại sao cái thời trước
1945, nước ta ngập chìm trong nô lệ, lí tưởng bị cho là mù
mờ mà văn chương và các ngành nghệ thuật khác lại có những
đỉnh cao thành tựu rực rỡ đến như vậy? Cái thời đại mà
nhiều nhà "triết nhân, vĩ nhân lỗi lạc ở tỉnh lẻ nước
ta" vẫn nguyền rủa và quăng cho nó hết mọi tội lỗi lại
chấp cánh cho những kì tài xuất chúng. Còn bây giờ thời
đại làm chủ, thời đại tự do, của sự ngợi ca và tung hê
bất chấp văn chương lại bị cho là yếu kém. Tất cả đều
do cách nghĩ đầy phân biệt, định kiến của ta giới hạn mà
thôi. Tại sao Cao Hành Kiện viết được Linh Sơn trong một
thời đại mà Trung Cộng vô cùng cực đoan hà khắc, "cưỡng
bức" tinh thần của nhà văn một cách thô thiển. Cơ chế
càng chặt thì sức phản kháng và nội lực vùng dậy để tạo
sức bật cho văn chương càng tiến xa hơn đấy thôi. Cơ chế
có thể đe nẹt những nhà văn yếu tầm, thích sự bình yên
chứ không "dìm" chết được những thiên tài đích thực.
Và cũng chính trong cơ chế nước ta một thời vẫn xuất hiện
được một Nguyễn Huy Thiệp với tiếng nói đầy mạnh mẽ,
dứt khoát, như thách thức như chòng ghẹo lại cơ chế ấy mà
thôi (rồi còn Phạm Thị Hoài hay Dương Thu Hương nữa). Cơ
chế ấy có thể trù giập, phỉ báng Cao Hành Kiện, Nguyễn Huy
Thiệp và phủ nhận sáng tác của hai ông nhưng cái quan trọng
là những tác phẩm của hai ông đã ra đời chính trong cơ chế
đó như một sự phản kháng, một kiểu kháng sinh và nó dần
được thừa nhận. Tóm lại, đừng đem cơ chế ra, dù là
hướng tích cực hay tiêu cực để quy chụp mọi thành tựu
hoặc thất bại của một nền văn học.

<strong>Cần 'thoát khỏi các công thức chung chung'</strong>

Tôi đã đọc bài viết "Tại sao Việt Nam chưa có tác phẩm
đỉnh cao?" của tác giả T.T.T trên VNN và cảm thấy cần
phản biện. Khi người viết đưa ra hai dẫn chứng về hai văn
tài là L. Toltoi và Mạc Ngôn và phân tích những yếu tố làm
nên tài năng của họ tôi thấy có vẻ quá lí thuyết. L. Toltoi
là một nhà văn quý tộc, sinh ra trong một giai đoạn bạo liệt
và có những nỗ lực tự thân; Mạc Ngôn từng kinh qua cách
mạng văn hóa đầy biến động, có những trải nghiệm trong
môi trường quân đội… Những yếu tố ngoại cảnh đó chỉ
thuộc về một trường hợp ví dụ sao có thể đem nó làm
chuẩn mực để đi khái quát những vấn đề liên quan đến
đời sống văn học. Chung quy lại vẫn là không thoát khỏi cái
công thức chung chung nhà văn – cuộc sống – tác phẩm. Có
một nhân tố tác giả quên phân tích mà theo tôi nó sẽ làm cho
nhận định đó trở nên chặt chẽ hơn: hai người đó sinh ra
trên hai đất nước có nền văn hóa vĩ đại, lộng lẫy (kể
cả điên cuồng bật nhất) và có tầm ảnh hưởng sâu rộng
trên thế giới. (Dĩ nhiên chúng ta không thể làm phép suy luận
ngược lại ai sinh ra trên một đất nước có nền văn hóa vĩ
đại thì đều thành những L. Toltoi những Mạc Ngôn).

Tôi biết khi nói điều này có vẻ đánh mất đi lòng tự
trọng dân tộc, lẽ nào lại cho rằng nền văn hóa nước ta
không đủ tầm. Nhưng tôi thà nhận xét sắc lạnh như vậy
để nhìn thẳng vào sự thật còn hơn lúc nào cũng mang tinh
thần AQ quá ảo tưởng về mình. Chúng ta yêu tha thiết nền
văn hóa nước nhà và trân trọng thành quả của cha ông nhưng
cũng không thể nào đem nó sánh nổi với những nền văn hóa
lớn, có tính khai phá và bứt phá như Trung Quốc, Nhật Bản,
Pháp, Nga…Mà một trong những nhân tố làm nên hào quang của
nền văn hóa chính là nền tảng triết mĩ của dân tộc đó.

Khí chất của dân tộc ta xưa nay đã được các học giả uyên
bác như Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim khái quát: chúng ta tinh
nhạy tiếp nhận, tiếp biến cái mới rất khéo nhưng hạn chế
về tầm sáng tạo. Chúng ta giỏi bắt chước hơn sáng tạo.
Nhìn kĩ lại hệ thống triết học của ta phần lớn là tiếp
thu từ Trung Quốc và Liên Xô, Pháp chứ chưa có một tư tưởng
hệ nào do mình khai phá. Từ triết học Nho – Phật – Lão
đến chủ nghĩa Marx – Lenin…tất cả đều dựa trên nền
tảng du nhập mà tiếp biến cho phù hợp với văn hóa nước
nhà. Đó là chưa nói dân tộc ta hầu như bỏ qua tinh thần
triết học hiện đại của các nước phương Tây và nhìn nó
với cái nhìn kì thị như triết học hiện sinh, Nietzsche, triết
học phi lí hay phân tâm học của Freud… Nói chung một phần do
dân tộc ta nằm ở giao lộ văn hóa chịu ảnh hưởng nhiều
luồng tư tưởng, nhưng nhìn ở góc độ nội sinh, văn hóa ta
không có truyền thống triết học căn cơ mà chủ yếu là chịu
ảnh hưởng từ các nền văn hóa lớn. Những thần tượng mà
ta tôn sùng như Khổng Mạnh, Lão Trang, Marx Lenin…đều từ các
nền văn hóa lớn khác.

Do đó, dù bản thân tôi rất trân trọng văn hóa đẹp mà cha
ông để lại và tự hiểu bản thân mình có học cả đời
cũng không bao giờ biết hết nhưng tôi cũng đành thẳng thắn
khẳng định nội lực văn hóa của nước ta khó lòng chấp
cánh cho những thiên tài văn chương có tác phẩm đủ tầm phổ
quát nhân loại. Thế nên, đừng nên cứ khư khư nhìn vào thành
tựu các nước lớn rồi cứ chắc lưỡi hít hà hỏi mãi cái
điệp khúc bao giờ nước ta có tác phẩm đỉnh cao. Nội sinh
nền văn hóa nước ta chưa đủ tầm vươn tới nhưng đỉnh cao
đó. Mà đó cũng là cục diện chung của rất nhiều nước ở
châu Á. Cả một châu lục to lớn như thế đến nay chỉ vài
người đạt tầm Nobel, và hiếm có nhà văn châu Á nào có tầm
ảnh hưởng khắp thế giới như Tagore hay Cao Hành Kiện. Kiệt
tác Truyện Kiều mà ta ngợi ca mấy thế kỉ này trên thế
giới thử hỏi mấy ai biết tới, và truy cho cùng gần như nó
chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa. Bỏ qua hệ thống
điển tích Trung Quốc thì toàn bộ ngôn ngữ Truyện Kiều đều
bị mã hóa không thể hiểu nổi. Không cần phải so sánh với
ai, tầm vóc gì, Truyện Kiều làm đẹp cho nền văn hóa nước
nhà, kết tinh văn hóa dân tộc, thế là đủ rồi. Cần gì mơ
cao, mơ tầm này tầm nọ.

Tôi khẳng định điều này không phải hạ thấp nền văn hóa
nước nhà mà chỉ mong (một cách thành tâm) đánh giá đúng giá
trị của chính mình. Như vậy cũng đủ ta biết ơn cha ông và
tự hào vì đã thông minh tiếp thu và tiếp biến một cách sáng
tạo để có nền văn hóa đẹp ngàn đời nay. Và chỉ vậy
thôi chứ đừng quá ảo tưởng xem Việt Nam là cái gì cũng
nhất nhất muốn sánh tầm với các cường quốc mọi phương
diện. Tôi vẫn bảo thủ quan niệm của mình, một dân tộc mà
không có truyền thống căn cơ triết học (như Trung Quốc, Ấn
Độ, Đức, Pháp, Nga…) thì khó mà có một nền văn học rực
rỡ đẳng cấp nhân loại được. Trường hợp Mỹ và Nhật
thì là hai ngoại lệ, họ có tinh thần đổi mới và rộng mở,
sáng tạo một cách kiệt xuất kì tích nên dù trong quá khứ
nền văn hóa nước họ không lộng lẫy như các nước kể trên
nhưng họ đã kịp bứt phá tạo ra văn hóa hiện đại mà các
nước khác khó theo kịp.

Bởi vậy, nên chăng chúng ta nhìn văn học từ góc độ văn hóa
để biết chấp nhận nhìn ra đâu là giới hạn của nó. Đâu
cần phải là một tác phẩm đỉnh cao mới thỏa lòng bao nhiêu
thế hệ bạn đọc. Đời sống văn học vốn phong phú đa
dạng, đáp ứng nhiều nhu cầu…Văn chương có thể không đình
đám kiểu như Chiến tranh và hòa bình, Linh Sơn… nhưng nó
đạt giá trị nhân văn, làm đẹp tâm hồn con người, giúp họ
giải trí lành mạnh và làm phong phú, sổi nổi cho đời sống
văn học nước nhà thì hãy coi đó là phúc đức. Không nên cứ
lên gân gào thét mãi: Bao giờ Việt Nam có tác phẩm đỉnh cao,
bao giờ Việt Nam có tác phẩm xứng tầm… kiểu như đào đến
tầng sâu hiện thực, phản ánh sâu sắc hiện thực đời
sống, nói lên tiếng lòng của triệu người, vượt qua mọi
bờ cõi và giới hạn…thì xin trả lời một cách nhẫn tâm
rằng: chẳng bao giờ có ngày đó.

Bởi thế, một nhà văn có tầm luôn tự ý thức ngoài việc
tiếp thu nền văn hóa đẹp của cha ông còn phải không ngừng
tiếp cận, đào sâu, thẩm thấu nền tảng triết mĩ của các
nền văn hóa khác thì mới mong vươn tới cái tầm nào đó. Hãy
nhìn Linh Sơn của Cao Hành Kiện mà xem, nó là tổ hợp của tinh
thần triết học Phật, Nho, Lão, tinh thần siêu nhân, triết
học hiện sinh, phi lý, hư vô… Còn ta cứ mãi gậm nhấm vài ba
bài học luân lí cũ rích về tình yêu vụn vặt, tình yêu làng
quê, đất nước, tình yêu chế độ, yêu vốn văn hóa truyền
thống thì mãi mãi văn chương không vượt nổi lũy tre làng.

<strong>Phát triển tự nhiên</strong>

Có một hạn chế mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều mắc
phải đó là ta hay sùng bái những giá trị truyền thống một
cách mù quáng mà đôi khi không nhận ra sức ì của nó. Chỉ có
tinh thần của Nietzsche mới đủ sức giúp ta có tư duy vượt
thời gian, vượt qua ranh giới quốc gia, dân tộc để vươn lên
tầm phổ quát nhân loại. Điều này Nguyễn Tuân đã từng mơ
màng chạm tới và bị người ta đánh tơi bời tan nát. Và
đến lượt Thiệp ông đã đẩy lên đến mức độ "hổn
láo" nên mới dám khẳng định Nguyễn Du là người con của
sự cưỡng bức hai nền văn hóa, và ông cũng chịu nhận sự
trù giập tương tự. Yêu trọng văn hóa cha ông là một lẽ
nhưng cũng phải tự trọng, nghiêm túc nhìn ra giới hạn để
mà bứt phá đến những giá trị tiến bộ, đạt tính toàn
cầu. Chừng nào làm được điều đó, nền văn hóa nước này
vượt qua mặc cảm tự ti và sự tự tôn đầy cảm hứng thì
hãy mơ đến nền văn chương đỉnh cao. Xin đừng nhai mãi cái
tuyên ngôn hòa nhập chứ không hòa tan nữa. Luận điệu chính
trị đó sẽ giết chết những giá trị tiến bộ của văn hóa.
Hãy nhìn Nhật mà xem, nhắc đến Nhật hôm nay không phải chỉ
là hoa anh đào, kiếm đạo, kimono, nữ thần mặt trời nữa mà
còn là Manga, là cái chết đẹp, là ẩm thực sushi… Tất cả
đều trở thành văn hóa toàn cầu tạo ra lợi nhuận kinh tế.

Còn với tôi, tôi trân trọng với những gì mà các nhà văn hôm
nay cống hiến cho cuộc sống. Khi cần giải trí lành mạnh,
trong sáng nhẹ nhàng và giàu tính nhân văn tôi sẽ đọc Nguyễn
Nhật Ánh; khi tôi muốn cảm nghiệm chút cảm giác ghê gợn,
hồi hợp tôi đọc Dili; có khi cần trải nghiệm nhân sinh sâu
sắc tồi tim đọc Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Huy
Thiệp, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà… Và
còn vô số những nhà văn, những tác phẩm thú vị mà mình
chưa đọc hết. Có thể đối với văn đàn thế giới họ
chẳng là ai cả, nhưng họ đang đem đến cho người đọc
những món ăn tinh thần rất nhân văn. Vậy thì còn đòi hỏi
gì nữa. Đọc đi để thấy đời sống văn học đã có dòng
thác chuyển động của riêng nó đầy thú vị và vẫn có độc
giả cho riêng nó ở mỗi thể loại. Tại sao cứ cực đoan
ngồi đấy phủ nhận hết rồi mơ đến một chân trời không
tưởng mà không hiểu rằng, cần gì phải lên gân như vậy.
Miễn sao những tác phẩm ấy ra đời, làm phong phú đời sống
văn học, đáp ứng đa dạng nhu cầu người đọc, tạo dư
luận là phúc đức ngàn đời cha ông để lại rồi. Tôi không
hiểu tác phẩm đỉnh cao là gì và tại sao cứ gào thét mãi
điệp khúc ấy? Cứ để văn học tự nhiên phát triển theo
đúng quy luật và khả năng của nó (do nền văn hóa quy định).

Chúng ta nên học hỏi Trung Quốc, từ sau cải cách đến nay,
họ đã thật sự tạo ra một đời sống văn học trăm hoa đua
nở với đầy đủ các dòng phái, thể loại, thượng vàng hạ
cám đều có nhưng chắc chắn khi sàng lọc sẽ có lắm tinh hoa.
Ngoài dòng tiểu thuyết chính thống kiểu Mạc Ngôn, Giả Bình
Ao, Vương Mông, Lý Nhuệ,… họ còn có dòng văn học nữ quyền
(Vệ Tuệ, Trì Lợi), dòng văn học trinh thám kinh dị, văn học
giả tưởng, tiểu thuyết diễm tình, truyện chưởng, tiên
hiệp, kiếm hiệp… Họ khác Việt Nam ta ở chỗ đặt tản
văn, bút kí ngang hàng với tiểu thuyết, kịch. Chính sự rộng
mở đó sẽ tạo sự hồi sinh và động lực để văn hóa, văn
học bùng nổ. Chúng ta nên tôn trọng và kiên nhẫn đọc đa
dạng chứ không phải ngồi mơ mãi về quá khứ bao giờ mới
có tác phẩm sánh với sáng tác của Nam Cao hay các tiểu thuyết
Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Mảnh đất lắm
người nhiều ma… Đó là do ta cực đoan mà thôi, nhìn ở góc
độ thi pháp, các nhà văn hôm nay đã vượt rất xa cái bóng
của những tiền bối rồi và văn học đang hội nhập, thay da
đổi thịt từng ngày. Việc gì cứ sùng bái mãi những tượng
đài trong quá khứ mà cho rằng bao giờ tìm được tác phẩm
sánh ngang với nó.

Tóm lại, quan điểm của tôi là không cực đoan cầu toàn đặt
ra bất kì tiêu chí, chuẩn mực nào cho văn học. Cứ để nó
tự nhiên phát triển, đến một lúc nào đó sàng lọc lại,
tinh hoa sẽ lấp lánh trong rừng văn bề bộn đó. Hãy kiên
nhẫn đọc và chấp nhận chứ đừng ảo tưởng mà hỏi hoài
hỏi mãi: Bao giờ Việt Nam có tác phẩm xứng tầm? – Một câu
hỏi tưởng đâu nhức nhối nhưng thật ra ngây ngô, vô tâm và
vô duyên hết sức. Tôi biết trong cách lập luận của mình và
giọng điệu có phần trịch thượng, non kém nhưng mong mọi
người nhìn nó với tinh thần đối thoại và chấp nhận chút
gì thành tâm của tôi. Tôi luôn hiểu rằng cái mình biết còn
nhiều giới hạn.

<strong><div class="rightalign">© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012
</div></strong>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140719/tap-chi-phia-truoc-dung-hoi-bao-gio-viet-nam-co-tac-pham-dinh-cao),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét