Phạm Xuân Ðài - Năm 1954, tại Hội An

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjSq5J6lwLIchenQ69xoEn4CpGEO9kG5uv3tEVRi5pRKiq6h_Nst-FhVkl8qEVnQeGJRY4e_Oges9B3oOx5TVbGAlaFJugVM2o8VeL-7XQrlVsZPO5K6FHQreaTa6MWRjbQalAl4aBLmw/s1600/duong-tran-phu.jpg"
width="560" /></center>

Tâm hồn tôi ngay từ khi còn bé đã được xây dựng với rất
nhiều hình ảnh của đất Bắc, đặc biệt là Hà Nội, qua các
sách tôi đọc. Sách Hồng, sách Truyền Bá Quốc Ngữ từ lúc
vừa biết đọc, lớn lên một chút, tôi tiếp tục đọc sách
Tự Lực Văn Đoàn và các tác giả khác: Nguyễn Tuân, Nguyễn
Công Hoan, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài v.v... và
tiếp nhận thông tin đủ mọi mặt của đời sống đất Bắc
qua văn chương. Thuở ấy sách xuất bản từ Sài Gòn mà tôi có
được thì tuyệt đối chỉ là truyện Tàu của nhà Yễm Yễm
Thư Trang: Tam Quốc, Tây Du, Thủy Hử... rất hấp dẫn và có
ích về kiến thức lịch sử, văn hóa Tàu, nhưng tất cả
những gì về văn học Việt Nam thì đều đến từ Hà Nội.
Nhưng cho đến cuộc di cư của đồng bào miền Bắc năm 1954
thì tôi mới thực sự bắt đầu tiếp xúc với người Bắc.

Mùa hè năm 1954 tôi đã là một thiếu niên, vừa đủ hiểu
biết để theo dõi các chuyển biến quân sự chính trị của
đất nước, từ trận Điện Biên Phủ đầu tháng Năm cho đến
khi ký kết hiệp định Genève vào tháng Bảy, và tiếp theo đó
là cuộc di cư của đồng bào ngoài Bắc vào Nam. Bây giờ đã
lớn tuổi, nhớ lại quãng thời gian ấy, tôi thấy cậu thiếu
niên là tôi lúc đó hầu như đã trưởng thành hẳn trong vòng
có mấy tháng với những biến cố rung động cả đất nước
và con người Việt Nam.

Cuộc di cư của đồng bào miền Bắc đối với tôi bắt đầu
ngay từ sau khi hiệp định đình chiến và chia đôi đất nước
được ký kết tại Thụy Sĩ. Tôi rúng động khi biết sẽ mất
Hà Nội, và những ngày ấy tôi thường theo dõi đài phát thanh
Hà Nội --thời đó gọi là đài Hirondelle (chim Én)-- mà trước
kia tôi chưa bao giờ nghe. Tôi còn nhớ buổi phát thanh cuối
cùng của Tổng hội Sinh viên Hà Nội trước khi từ giã đất
Bắc để vào Nam, nghe xong lòng tôi buồn như muốn khóc. Không
biết trong buổi phát thanh đó có mặt các anh Trần Thanh Hiệp,
Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo... hay không, sau này quen biết với các
anh tôi chưa bao giờ hỏi điều ấy. Nhưng buổi phát thanh ấy
đã hằn trên tâm hồn mới lớn của tôi một ấn tượng lớn
lao về lịch sử, về sự chia cắt và nỗi nhớ thương một Hà
Nội mà từ nay trở đi sẽ không còn là Hà Nội như tôi đã
biết từ trước nữa.

Bài hát Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương phổ biến trong
mùa hè ấy đối với tôi mãi mãi là một nhạc phẩm lớn ghi
lại nỗi niềm, như tôi vừa viết, nhớ thương một Hà Nội
từ nay sẽ không còn như xưa nữa. Đó không phải chỉ là lời
giã biệt của một chuyến đi, mà là giã biệt vĩnh viễn
những thành tựu văn hóa ngàn năm cô đúc trong một đô thị
đầy ắp lịch sử và các giá trị nhân văn của một dân
tộc. Suốt bài hát những tiếng kêu khắc khoải Hà Nội ơi,
Hà Nội ơi lặp đi lặp lại trước mỗi tiểu khúc mô tả kỷ
niệm, nếp sống, vẻ đẹp của người, của cảnh... như là
một cố gắng dựng lại bao cái tinh hoa của Hà Nội trước khi
vĩnh viễn dứt lìa. Quả thế, kể từ đó, tất cả vẻ đẹp
cổ điển của Hà Nội đã hoàn toàn bị xóa bỏ không còn bao
giờ hồi phục được nữa.

Thế rồi vào một ngày cuối hè đầu thu năm ấy, thành phố
Hội An nhỏ bé và cổ kính của chúng tôi bắt đầu đón tiếp
người Bắc di cư. Mấy cái lều thật lớn được dựng lên
trong khu vực sân quần vợt của thành phố, và một hôm đầy
ắp người ở. Nhưng đó chỉ là nơi tạm trú, không lâu các
gia đình ấy tản đi thế nào tôi không rõ, chỉ thấy lều
trại được giở đi, và thành phố có thêm một số gia đình
người Bắc cư ngụ đây đó, công sở có nhiều người Bắc
làm việc hơn, niên khóa mới 1954-55 trường Trần Quý Cáp chúng
tôi có thêm một số bạn học mới nói tiếng Bắc, trong đó
có những "cô em Bắc Kỳ nho nhỏ" rất duyên dáng. Và từ
thời điểm này một số giáo sư mới di cư bắt đầu về dạy
tại trường, trong đó có thầy Dương Đức Nhự mà mãi cho
đến bây giờ tôi vẫn giữ những liên hệ đầy tình cảm.
Và, một tiệm phở được khai trương một cách tạm bợ ở
một con đường gần chợ. Tiệm phở này tôi cho là một nét
văn hóa ẩm thực Bắc Kỳ đầu tiên xuất hiện một cách rõ
rệt tại cái thành phố rất kiên cố về mặt truyền thống
của chúng tôi. Trên những chuyến xe đò Hội An - Đà Nẵng nay
thường có mặt một số hành khách mới, đó là một số các
bà di cư có lẽ đi buôn bán, khi bước lên xe thường nói
"Tôi đi Tu Đoan" mãi sau tôi mới hiểu các bà muốn nói
Tourane, tức Đà Nẵng gọi theo lối Pháp.

Làn sóng di cư đến với Hội An tương đối mỏng và nhẹ
nhàng, tất cả bà con di cư hòa nhập vào nếp sống Hội An
một cách êm đềm, không gây một xáo trộn nào trên vẻ trầm
lặng của thành phố cổ này. Nhưng ai cũng biết tầm cỡ của
cuộc di cư trên cả miền Nam thì rất lớn lao, đã đem lại
nhiều thay đổi tích cực trên nhiều lãnh vực trong phần lãnh
thổ phía nam vĩ tuyến 17. Điều ấy dễ hiểu, vì bỗng nhiên
miền Nam có thêm gần một triệu công dân, trong đó có rất
nhiều thành phần ưu tú của đất nước.

Từ đó đến nay 60 năm đã qua. Chẵn một chu kỳ 12 con giáp.
Trong đời một người khó có chuyện gặp lại kỷ niệm lần
thứ hai sáu mươi năm biến cố này.

<strong>PXĐ</strong>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140721/pham-xuan-dai-nam-1954-tai-hoi-an),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét