Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Vô danh

<img src="https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2014/07/photo-2.jpg"
width="600" />

Câu chuyện về đôi song ca Ngọc Lễ – Phương Thảo quay về
nước biểu diễn sau 10 năm, là một trong những câu chuyện thú
vị của đời sống văn hoá Việt Nam, vốn đang buồn chán lúc
này. Bẳng đi một thời gian dài, khán giả đã không nghe thấy
gì về họ, không tìm thấy một tác phẩm mới nào. Thậm chí,
một trong những người thân thiết của đôi song ca này, nhà
thơ Đỗ Trung Quân, mới đây còn xao xuyến viết trên facebook
rằng, không biết Ngọc Lễ – Phương Thảo, giờ đã ra sao
rồi.

Câu chuyện của 10 năm quay lại của đôi song ca này, hôm nay
với 2 đứa con gái nhỏ ngày nào, ẩn chứa thật nhiều điều
để nói, mà đáng nói đến nhất, là những ngày tháng họ
bất ngờ quyết định biến mình thành vô danh, giữa lúc có
được sự thành đạt đỉnh cao trong thế giới sân khấu. Cả
hai đã chọn cuộc sống vô danh để dành trọn thời gian cho
một đời sống gia đình đúng nghĩa, để không bị chèo kéo
của đời sống biểu diễn, của thị trường, khi mà tên tuổi
của họ vốn vẫn còn hấp dẫn khán giả.

Trong ngôi nhà nhỏ của Ngọc Lễ – Phương Thảo ở Mỹ, một
trong những bức hình được đặt ở nơi dễ nhìn thấy nhất,
tôi thấy cảnh cả gia đình đang cầm micro hát trên sân khấu.
Một hơi ấm dịu dàng lan toả từ bức ảnh. Đó cũng là một
trong những chương trình cuối cùng mà gia đình Ngọc Lễ –
Phương Thảo tham gia, trước khi quyết định rời đi một cách
bí ẩn.

<em>"Lễ muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, nhìn Na
– Nấm cứ bị bỏ ở nhà khi 2 vợ chồng đi diễn, thấy
thương quá"</em>, Ngọc Lễ nói. Từ khi có Na, rồi có Nấm
(tên gọi ở nhà của hai cô con gái), tay rocker của Saigon đêm
nay, Cafe một mình, Vì đâu… đột nhiên đổi thay, trở thành
một cây viết nhạc gia đình. Giai điệu nhẹ nhàng, thương
mến, khác hẳn với sự mạnh mẽ và dữ dội từng có. Cũng
thật khác với những bài hát thiếu nhi thông thường vẫn có,
Ngọc Lễ tạo ra một loại âm nhạc sinh hoạt gia đình rất
độc đáo, và trở thành người thành công đến mức bất
ngờ. Danh sách những bài hát gia đình êm ái này cứ thấm sâu
vào lòng khán giả như <a href="http://youtu.be/gublCvZCOYU">Ba ngọn
nến lung linh</a>, <a href="http://youtu.be/ce2WntBcq6Y">Con heo
đất</a>… và dòng chảy nhỏ đó, như một loại phép thuật
dân gian, làm trái tim con người mềm lại, yêu dấu hơn, sau khi
mỗi sáng đọc đều đặn những bản tin ghê rợn bàng hoàng
về tính cách người Việt thế hệ mới. Để có một cuộc
sống gia đình thực tế và sống trọn tháng ngày êm ả cho con
cái, cả 2 ngôi sao của sân khấu Việt quyết định bỏ lại
mọi thứ, âm thầm chọn một nơi rất xa để theo dõi từng
ngày học của con mình, từ chối các show diễn bất định,
đổi lại bằng những ngày cuối tuần để ra công viên hay thư
viện của cả gia đình.

Ngồi với Lễ – Thảo biết bao lần, và lần nào cũng vậy,
cứ chốc lát lại thấy hai người thay phiên gọi về <em>"con
có cần ba (mẹ) mua gì không?"</em> hoặc là một cuộc gọi
không có ý nghĩa gì cả, chỉ để cho vui vì nghe tiếng con
mình. Lễ nói những ngày đầu định cư ở Mỹ, các nhà tổ
chức vẫn gọi mời đi diễn xa. Thoạt đầu thì cả hai cứ
năn nỉ người mời cho cả trẻ em đi cùng vì nhớ con, sau thì
thấy phiền mọi người quá, nên cả hai quyết định từ chối
hẳn để dành thì giờ rong chơi với Na – Nấm, lúc thì ở
biển, lúc thì leo núi. Chẳng ai biết họ là những ngôi sao ca
nhạc ở Việt Nam, trừ một ít bạn bè, chung quanh chỉ biết
đó là một gia đình luôn có nhau cùng tiếng cười và âm
nhạc.

Lúc ở Việt Nam, có lần Ngọc Lễ khoe một bài hát mới, viết
về cái bô của con. Ý tưởng thoạt đầu nghe buồn cười,
nhưng khi hiểu hết, thì rất cảm động. Đó là lúc Na bị
bệnh, cứ nằm suốt không dậy được. Lễ nhìn thấy cái bô
mà hàng ngày Na vẫn ngồi đó, lúc mạnh khoẻ nói cười. Bài
hát của Lễ ước gì con vẫn ngồi đó với cái bô chứ đừng
nằm bệnh như vậy – ba buồn lắm. Ấy vậy mà khi bài hát
chỉ mới có bản nháp ra đời, chỉ mới nhìn qua cái tựa đề
đã có một nhà báo lén lút, giấu tên, viết bài gọi Ngọc
Lễ là <em>"vô văn hoá", "sống sượng"</em>. Nhiều năm
sau khi nhắc lại chuyện này ở Mỹ, Ngọc Lễ và Phương Thảo
cùng cười. <em>"Giờ thì chẳng ai biết mình, muốn viết,
muốn hát cái gì trên đất Mỹ này cũng không sao"</em>, Ngọc
Lễ lắc đầu cười, nói. Sống trong chế độ kiểm duyệt ngu
ngốc và những tay chỉ điểm văn nghệ, cũng là một thứ hành
hạ tinh thần khác, mà tôi tin Lễ và Thảo cũng thầm ước
những đứa con của mình không bao giờ phải đối mặt.

Đây không phải là lầ đầu tiên Ngọc Lễ – Phương Thảo
về nước thăm nhà. Hầu như mỗi năm họ vẫn lặng lẽ về,
không gặp nhiều người, thậm chí có năm chỉ ở trong nhà
chơi với gia đình thôi. <em>"Mình nhớ mẹ mình lắm"</em>,
Lễ nói khi nói về chuyến đi của năm nay. Đời sống ngày
càng khó khăn, đời sống ngày càng chộn rộn, năm ngoái cả
gia đình cũng định về Việt Nam nhưng rồi đành phải dời
lại. Năm nay, vô tình báo chí bắt gặp và đẩy thành sự
kiện nên Ngọc Lễ – Phương Thảo mới lại có dịp ra mắt
mọi người.

10 năm rứt ra khỏi sân khấu là một nỗi tiếc nhớ vô cùng,
nhất là khi đã định danh được trong tâm trí khán giả. Không
làm gì với sân khấu, nhưng Phương Thảo vẫn theo đuổi khoa
thanh nhạc của trường đại học Cypress, Ngọc Lễ thì cùng đi
học với vợ nhưng lại học về guitar. Những buổi tối gia
đình ngồi và hát với nhau, vẫn làm những người chứng kiến
xao xuyến và trân trọng cho sự hy sinh của họ đối với gia
đình, con cái. <em>"Mình không tiếc gì khi Na hay Nấm muốn
chơi với âm nhạc"</em>, Lễ tâm sự như vậy.

Có lần ngồi nói chuyện với Ngọc Lễ, Phương Thảo về việc
âm nhạc có thể giúp cho người ta giảm nhẹ nỗi đau cô đơn,
tôi đọc trong đó, họ đã có một nỗi cô đơn khác khi tạm
rời âm nhạc, rời khán giả cho cuộc sống gia đình. Chưa bao
giờ buổi nói chuyện nào khi gặp Lễ và Thảo ở Mỹ, trong
suốt nhiều năm liền, mà không có âm nhạc trong đó.

Tạo dựng một tên tuổi trong nghệ thuật quả không dễ, nhưng
tự biến mình thành vô danh từ ánh hào quang rực rỡ sẳn có,
còn khó khăn hơn bao giờ hết. Nếu như đôi nghệ sĩ này không
có một tình yêu cho nhau và con cái đến vô bờ bến như vậy,
thì hẳn đã khác. Ngọc Lễ – Phương Thảo, những người
bạn mà tôi biết là như vậy. Họ là một bài học lớn về
tình yêu, về cuộc sống, mà tôi vẫn luôn muốn ghi lại cho
mình, và cho nhiều người khác – như một bài học đáng giá
– giữa một dòng đời Việt đang ngập ngụa những đường
chạy điên cuồng về danh lợi, đến vô vọng.

———————————–

<strong>TB</strong>: Chỉ mới 2 năm trước đây, tôi cũng viết
một bài về Ngọc Lễ – Phương Thảo, với suy nghĩ tương
tự, nhưng một nhà biên tập luôn vỗ ngực tự xưng là dân
chủ và độc lập, đã im lặng bỏ bài, với một giải thích
đơn giản <em>"đôi này không còn ở trong nước, không rõ
nhân thân bên Mỹ đang làm gì nên không thể đăng bài"</em>.
Tôi cũng không kể cho Lễ & Thảo nghe làm gì. Vì kiểm duyệt
vẫn là cơn ác mộng của đời họ (cũng như bao con người
sống với văn nghệ bình thường khác). Năm 2001, Lễ từng bị
Sở và an ninh văn hoá hành hạ vì bài Sài Gòn Đêm Nay. Trong
đó, câu hát <em>"về tình yêu <a
href="http://youtu.be/pVS1B7kjr50">"Sài Gòn đêm nay, em đi với
ai…"</a> bị suy luận là đầy phản động vì ở thành phố
mang tên bác, mà sao lại thất vọng và hỏi là em đang đi với
ai?"</em>.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140717/nhac-si-tuan-khanh-vo-danh), một
số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc
giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận
có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng
dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét