Nguyễn Văn Tuấn - Vài đặc điểm trong các phát biểu của lãnh đạo Việt Nam

Những người lãnh đạo giỏi và có bản lĩnh họ không chỉ
nói, mà còn thực hiện những gì họ nói. Ngay cả cách nói,
mỗi một lần phát biểu họ đều để lại những câu mà báo
chí có trích trích dẫn (quotable words) hay làm cho người nghe
phải suy nghĩ vì nó có cái wisdom trong đó. Chẳng hạn như khi
nói về những việc làm liên quan đến tai nạn máy bay MH17,
thủ tướng Úc nói "Mục tiêu của chúng ta là đảm bảo
phẩm giá, sự tôn trọng, và công lí cho người quá cố và
người đang sống." Đó là một câu có thể trích dẫn.

Nhìn lại giới lãnh đạo VN, tôi thấy hình như họ không có
cái tư chất về ăn nói của chính khách phương Tây. Chính
khách VN quen với đường mòn chữ nghĩa mang đậm bản chất
XHCN nên họ chỉ loanh quanh những câu chữ quen thuộc. Họ không
nói được cái gì cụ thể, mà chỉ xoay quanh các khẩu hiệu
quen thuộc, kiểu như "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh." Đọc qua nhiều bài phát biểu của các lãnh
đạo VN tôi nhận ra vài đặc điểm chính (có thể chưa đủ)
như sau:

Thứ nhất là tính chung chung, không có một cái gì cụ thể. Có
thể nói rằng thói quen phát biểu chung chung là đặc điểm số
1 của chính khách VN, họ không có khả năng nói cái gì cụ
thể, tất cả chỉ chung chung, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Ví
dụ như phát biểu "Đặc biệt là, tình hình Biển Đông hiện
đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng
suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết
bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định
để xây dựng và phát triển đất nước." Đọc xong đoạn
văn chúng ta chẳng có thông tin nào, mà tất cả chỉ là những
rhetoric tầm thường, giống như những khẩu hiệu được nối
kết với nhau. Chúng ta cũng không có thêm thông tin, ngoại trừ
một chữ rất chung chung là "phức tạp". Hai chữ "phức
tạp" có thể nói là rất phổ biến ở VN, đụng đến cái
gì họ không giải thích được, không mô tả cụ thể được,
thì họ bèn thay thế bằng hai chữ "phức tạp" mà chẳng ai
hiểu gì cả. Cả một đoạn văn 74 chữ, chúng ta không thấy
một ý nào cụ thể và không thể trích dẫn bất cứ câu nào.

Thứ hai là dùng nhiều sáo ngữ. Ví dụ tiêu biểu cho đặc
điểm này là bài nói chuyện nhân kỉ niệm 40 năm ngày kí
Hiệp định Paris: "Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi
của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu
nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách
mạng Việt Nam." Chú ý những chữ "mốc son", "sử
vàng", "mặt trận ngoại giao", tất cả đều là những sáo
ngữ. Có một loại sáo ngữ khác là chúng mang tính tích cực
nhưng không có ý nghĩa thực tế. Vì dụ như bài diễn văn nhân
dịp kết thúc một đại hội đảng, có đoạn: "Sau hơn 15
năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa,
tư duy lý luận về văn hóa của chúng ta đã có bước phát
triển…. Nhiều phong trào văn hóa đem lại hiệu quả thiết
thực. Truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng…
được phát huy." Chúng ta chú ý thấy nào là "phát triển",
"phát huy", "hiệu quả thiết thực", nhưng vì chúng không
có một dữ liệu cụ thể nào nên tất cả chỉ là rỗng
tuếch về ý nghĩa. Thật vậy, đọc xong đoạn phát biểu này
chúng ta không thấy bất cứ một điểm cụ thể nào để nhớ
hay để làm minh hoạ. Chẳng có một ý tưởng nào để đáng
nhớ.

Một trong những sáo ngữ chúng ta hay thấy trong các bài phát
biểu là "đánh giá cao". Ví dụ như "tôi cám ơn và đánh
giá cao bài phát biểu rất tốt đẹp của Ngài Thủ tướng Hà
Lan", "tôi đánh giá cao và chân thành cám ơn sự hỗ trợ
của Chính phủ …". "Đánh giá cao" hình như là một thuật
ngữ đặc thù xã hội chủ nghĩa nó vẫn còn sống sót đến
ngày hôm nay. Thoạt đầu nghe qua "đánh giá cao" thì cũng hay
hay, nhưng nghĩ kĩ thì thấy câu này chẳng có ý nghĩa gì cả.
Thế nào là đánh giá cao, cao cái gì? Tôi thấy nó là một sáo
ngữ cực kì vô duyên và vô dụng.

Thứ ba là không có thông tin (lack of information). Có nhiều lãnh
đạo VN quen tính nói rất nhiều, nhưng nếu chịu khó xem xét
kĩ chúng ta sẽ thấy họ chẳng nói gì cả. "Chẳng nói" vì
những gì họ nói ra không có thông tin, tất cả chỉ là những
câu chữ lắp ráp vào nhau cho ra những câu văn chứ không có
dữ liệu. Do đó, có khi đọc xong một đoạn văn chúng ta
chẳng hiểu tác giả muốn nói gì. Chẳng hạn như phát biểu
về hiến pháp, ông chủ tịch QH nói: "Chúng tôi cũng hiểu
rằng một bộ phận, một số người trong các tầng lớp nhân
dân và ngay một số ĐBQH cũng còn ý kiến khác. Tuy nhiên tuyệt
đại nhân dân và Quốc hội có thể khẳng định đã đồng
tình cao với bản Hiến pháp thông qua lần này. Với quyền năng
nhân dân trao cho Quốc hội, chúng ta đã thể hiện được đại
đa số nguyện vọng của toàn dân, của Quốc hội với tinh
thần làm chủ của nhân dân, chúng ta sẽ biểu quyết theo tinh
thần đó." Câu cú và cấu trúc ý tưởng chẳng đâu vào
đâu. Lúc thì quyền năng nhân dân trao cho Quốc hội, lúc thì
nguyện vọng của toàn dân, của Quốc hội, lại còn đèo theo
một câu "tinh thần làm chủ của nhân dân". Câu chữ cứ
nhảy nhót loanh quanh, chẳng đâu vào đâu, và cuối cùng là
chẳng có gì để nói!

Thứ tư là ngôn ngữ khẩu hiệu. Có thể nói rằng rất rất
nhiều bài nói chuyện và diễn văn của các lãnh đạo VN chỉ
là những khẩu hiệu được lắp ráp vào với nhau. Có những
khẩu hiệu quá quen thuộc nên chẳng ai chất vấn tính chính
xác của nó. Ví dụ như câu "Trong niềm tự hào, chúng ta
thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị lãnh tụ thiên tài, Anh
hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới…", có
lẽ chẳng ai để ý đến chữ "danh nhân văn hóa thế
giới". Nếu người bình thường phát biểu như thế thì chắc
người ta cũng lắc đầu bỏ qua, nhưng lãnh đạo mà phát biểu
như thế thì chẳng có gì sáng tạo, chỉ lặp lại những câu
chữ đã có trước đây.

Một loại ngôn ngữ khẩu hiệu khác mang tính tự hào. Tự hào
là một "đặc sản" của các vị lãnh đạo VN, đi đâu cũng
nghe họ nói về tự hào. Điều này cũng hiểu được, vì làm
lãnh đạo thì phải gieo niềm tự hào vào người dân. Nhưng
gieo không đúng chỗ và gieo mãi thì có thể trở thành phản
tác dụng. Thử đọc bài diễn văn có đoạn "Chúng ta tự hào
về đất nước Việt Nam anh hùng, nhân dân Việt Nam anh hùng,
tự hào về những con người giản dị bằng những việc làm
tốt của mình ở mọi lúc, mọi nơi đã góp phần làm nên vẻ
đẹp văn hóa của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam;
góp phần quyết định để xây dựng đất nước ta ngày càng
giàu mạnh." Tôi tự hỏi có cần quá nhiều tự hào như thế.
Đất nước anh hùng, con người anh hùng, vẻ đẹp văn hoá, v.v.
nhưng tại sao đất nước vẫn còn nghèo và phải "ăn xin"
hết nơi này đến nơi khác và ăn xin kinh niên, con người vẫn
còn đứng dưới hạng trung bình trên thế giới. Thay vì tự ru
ngủ là anh hùng và giàu mạnh, tôi nghĩ lãnh đạo phải nói
thẳng và nói thật là đất nước vẫn còn rất nghèo, tài
nguyên chẳng có gì, và cả nước đang phải đương đầu với
ngoại xâm.

Thứ năm là loại ngôn ngữ hành chính hoá. Nếu chú ý kĩ chúng
ta sẽ thấy phần lớn những bài nói chuyện, bài diễn văn các
lãnh đạo đọc là họ nói với đảng viên, với quan chức,
công nhân viên, với quân đội, v.v. chứ không phải nói với
người dân. Có lẽ chính vì thế mà ngôn ngữ của họ thường
mang tính hành chính. Có những chữ mà hình như họ sử dụng
quá nhiều nên chẳng ai để ý ý nghĩa thật của nó, như
"Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện
đại hóa và hội nhập quốc tế, đối ngoại phải tiếp tục
là mặt trận quan trọng góp phần phát triển đất nước, bảo
vệ Tổ quốc." Đối với người dân bình thường, ít ai
hiểu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế là
cái gì. Có thể nói đó là những ngôn ngữ xa lạ đối với
người dân.

Những bài diễn văn của các chính khách phương Tây thường
rất sinh động, thực tế, và có khi… vui. Khán giả cảm thấy
gần gũi với diễn giả. Ngược lại, những bài diễn văn của
lãnh đạo VN thường cứng nhắc, công thức, và lúc nào cũng
tỏ ra hết sức nghiêm trọng (dù sự việc chẳng có gì nghiêm
trọng). Khán giả nghe họ đọc hơn là diễn. Một phần có lẽ
do lãnh đạo VN chưa quen với văn hoá hài, và họ cũng muốn
tỏ ra là người quan trọng. Dù gì đi nữa thì những bài nói
chuyện của lãnh đạo VN rất khó gần với người dân do ngôn
ngữ cứng đơ và kém thân thiện, và cách họ triển khai bài
nói chuyện quá xa rời công chúng.

Dĩ nhiên, những đặc điểm này không phải là độc quyền
của các lãnh đạo VN, mà thỉnh thoảng các chính khách phương
Tây cũng vướng phải. Khi họ vướng phải, người dân biết
vị chính khách đó có vấn đề, hoặc là không nắm vững vấn
đề, hoặc là lúng túng. Vì không nắm vững vấn đề nên họ
nói chung chung. Có người nghĩ nói chung chung là nói "đa
tầng", nhưng thật ra đó chỉ là cách nguỵ biện thô thiển.
VN nói về hội nhập quốc tế, nhưng với loại ngôn ngữ đặc
thù XHCN trên đây, tôi nghĩ các lãnh đạo VN sẽ rất khó gần
với lãnh đạo thuộc thế giới văn minh.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140721/nguyen-van-tuan-vai-dac-diem-trong-cac-phat-bieu-cua-lanh-dao-viet-nam),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét