Mõ Làng - Có thật phải "Thoát Trung"?

<div class="boxright320"><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh20-Y0YLza_gUj62CKYO88QEYKf2mzeYccnnikRsFsfQA1979LQsLKD1nUEYYNZSVqEe54d89fwsKX0DMUJJ1ls4DGKSg8Vj3AYqsKGi7Uls55b0p40xUWTEMtzVr00ppAYbbinqcnn-B_/s1600/thaot+trung.jpg"
/></div>
Từ ngày Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 xâm phạm chủ quyền
lãnh thổ của Việt Nam, bên cạnh những quan điểm, tư tưởng,
ý chí, nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân về thái
độ ứng xử cần có của Đảng, Nhà nước đối với Trung
Quốc, có một số phát biểu có phần cực đoan, đay đi đay
lại, đấy là hô hào cho hành động <i>"Thoát Trung"</i>.
Thậm chí còn vống lên rằng, <i>"đây là cơ hội ngàn năm có
một".</i>

Hầu hết các bài viết đều cho rằng, cần phải <i>"Thoát
Trung" </i>một cách dứt khoát, triệt để và ngay lập tức.
Tôi chia sẻ điều đó với một tâm thế rằng Trung Quốc đã
trở mặt lật lọng, nói một đằng làm một nẻo, bất chấp
đạo lý với kiểu hành xử thiếu trách nhiệm.

Tuy nhiên, tôi không đồng tình với cách đặt vấn đề
<i>"Thoát Trung"</i> như một sự mặc định rằng: Đảng, Nhà
nước ta đã bị trói buộc, lệ thuộc, cam chịu, thần phục
giới lãnh đạo Trung Quốc. Đấy chỉ là sự quy kết có tính
võ đoán, vô căn cứ, lồng ghép với động cơ hạ bệ uy tính
của chính thể đang lãnh đạo đất nước mà thôi.

Đây đó lại còn có những bài viết có vẻ thấu đáo những
nguyên nhân sâu xa về sự lệ thuộc, cam chịu. Nào là lệ
thuộc về chính trị do cùng ý thức hệ. Nào là lệ thuộc về
kinh tế thể hiện qua con số nhập siêu, tỉ lệ trúng thầu
các công trình trọng điểm về giao thông và năng lượng… Nào
là lệ thuộc về văn hóa qua số lượng và giờ phát phim Tàu
trên truyền hình… Thậm chí còn bóng gió rằng, chính khách
Việt vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã bán đứng nhiều
thứ cho Trung Quốc.

Những luận điệu đó, được rỉ tai, lưu truyền trong môi
trường dân chúng thiếu thông tin, thiếu kĩ năng phân tích về
chính trị, kinh tế, văn hóa quả thật là nguy hiểm.

Trước hết, xin hỏi rằng căn cứ vào đâu mà các vị nói
rằng: Đẳng, Nhà nước ta đã bị Trung Quốc mua chuộc, ràng
buộc như là tay sai của họ?

Nếu nói vì ý thức hệ <i>"tương đồng"</i> thì xin hỏi
rằng có phải chỉ có Việt Nam lựa chọn ý thức hệ Mac Lênin
với mô hình Nhà nước XHCN như Trung Quốc. Ý thức hệ Mac
Lênin ra đời trước cả Nhà nươc ND Trung Hoa ra đời. Cách
mạng Việt Nam thành công trước cả Trung Quốc. Và xin nói
rằng, thế giới đã từng có đến hơn 24 nước chọn mô hình
Nhà nước XHCN, rải khắp từ châu Âu đến châu Mỹ, châu Phi,
châu Á. <i>"Chiếc áo không làm nên thầy tu"</i>, đấy chỉ
là một danh xưng, cốt lõi là lý tưởng cách mạng ấy có hợp
với lòng dân, có làm cho dân giàu nước mạnh chứ không phải
<i>"Họ đã thế thì ta không được thế"</i>. Hơn thế nữa,
chọn ý thức hệ nào đấy là lòng dân được thể hiện qua ý
chí của Đảng và được ghi nhận thành nghị quyết, thành
cương lĩnh chính trị chứ không phải là sao chép ý muốn của
Trung Quốc.

Nếu nói lệ thuộc vì kinh tế thì xin nói luôn rằng, trong
bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới dưới sự điều tiết
của quy luật thị trường thì cái gì có lợi cho đất nước
là ta lựa chọn. Một đất nước mà nền công nghiệp sơ khai,
năng lực xuất khẩu không đáng kể mà đòi phải xuất siêu
thì là điều không tưởng. Một đất nước mà sản phẩm
xuất khẩu chủ yếu từ nông nghiệp thiếu chuẩn thì thị
trường dễ tính, tiêu thụ lớn như Trung Quốc là không thể
bỏ qua. Một đất nước mà thường trực đói vốn cho phát
triển lại gặp được dòng vốn rẻ, ưu đãi nhiều lại đi
bỏ qua là không đúng với quy luật. Một nền sản xuất gia
công có tính chất "cứu đói" cho lao động ngày một dư
thừa thất nghiệp mà lại chê nguồn nguyên liệu giá rẻ là
không tin được. Những cái đó ở Trung Quốc có và quan trọng
hơn nó có lợi cho doanh nghiệp thì sao lại từ chối. Nhiều
mặt hàng của Việt Nam dưới chuẩn cũng nhờ thị trường ấy
mà tiêu thụ. Kinh tế thị trường có đi có lại cớ sao bài
xích. Trong thế bị bao vây, cấm vận của phương Tây và Mỹ,
bị cắt nguồn viện trợ từ các nước XHCN, đất nước đang
điêu linh, những người lãnh đạọ đất nước đã phải cắn
răng bước qua quá khứ để mở cửa sang Trung Quốc thoát cơn
bĩ cực, cứu nguy dân tộc thì sao lại gọi là thần phục, bán
nước?

Nếu nói lệ thuộc về văn hóa, thì xin nói ngay rằng, dân
tộc Việt Nam chưa bao giờ bị Trung Quốc đồng hóa về văn
hóa cả. Mặc dầu, lịch sử có hàng nghìn năm bị xâm lược,
đô hộ, bắt thần phục, triều cống nhưng chưa bao giờ Trung
Quốc đồng hóa được văn hóa Việt. Từ chữ viết đến tín
ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán người Việt vẫn bảo
tồn, sáng tạo riêng cho mình những chuẩn mực văn hóa bản
địa. Mấy bộ phim dã sử có giá trị văn học của Trung Quốc
làm sao có thể thây đổi lối sống văn hóa Việt. Có chăng,
chính lối sống phi chuẩn (theo châu Á) của phương Tây đang tha
hóa lớp trẻ của chúng ta thì phải.

<i>"Nói có sách, mách có chứng"</i>, để biết các nhà lãnh
đạo đất nước có lệ thuộc, thần phục Trung Quốc hay không
thì hãy nhìn vào đường lối đối ngoại mà chính đảng của
họ đã lựa chọn và nên nhớ rằng, chế độ chính trị của
Việt Nam không cho phép cá nhân tự tung tự tác trong mọi hành
động mà phải do tập thể quyết định. Những gì ghi trong
Nghị quyết Đại hội Đảng công sản VN lần thứ XI về đối
ngoại đã ghi:

Kế thừa đường lối đối ngoại của 25 năm Đổi mới,
đường lối đối ngoại Đại hội XI có những bổ sung, phát
triển phù hợp với tình hình mới, thể hiện ở những nội
dung chính dưới đây:

<i>Thứ nhất,</i> phải lấy: <i>"vì lợi ích quốc gia, dân
tộc", "vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu
mạnh"</i> làm mục tiêu. Hai mục tiêu này thống nhất với
nhau. Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là cơ sở cơ bản
để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây
dựng một nước Việt nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh là phù
hợp với lợi ích quốc gia dân tộc và là điều kiện cần
để thực hiện các lợi ích đó.

Khẳng định lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu đối
ngoại cũng có nghĩa là đặt mọi ứng xử của chính thể lãnh
đạo đất nước phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là
nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại.

<i>Thứ hai, "Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ
vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị
thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh
vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội
trên thế giới"</i>.

Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là
cơ sở tồn tại của một quốc gia. Bảo vệ độc lập, chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là một
trong những nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Không ai có
quyền đứng trên, đứng ngoài những chuẩn mực đó, và điều
này đã được chứng minh qua hành động, lời nói ứng xử
của lãnh tụ đất nước qua sự kiện giàn khoan HD981 vừa
rồi, không thể không tin vào điều đó và vì vậy không thể
cho phép ai xuyên tác điều đó làm lung lay long dân.

<i>Thứ ba, "bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc
lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát
triển", "tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp
quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc"</i> là nguyên tắc
trong hoạt động đối ngoại.

<i>Thứ tư,</i> <i>"thực hiện nhất quán đường lối đối
ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển;
đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực
hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên
có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế là phương châm của
đường lối đối ngoại". </i>

<i>Thứ năm,</i> về định hướng đối ngoại, bên cạnh định
hướng bao trùm là nâng cao hiệu quả các hoạt động đối
ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều
sâu, Đại hội XI nêu định hướng về: giải quyết các vấn
đề tồn tại về biên giới lãnh thổ; ưu tiên đối tác và
định hướng quan hệ ASEAN.

Tất cả đều rất rõ ràng và nhất quán, cớ sao lại có
những giọng điệu ỡm ờ, bóng gió làm lung lạc lòng dân.
Chính những ai đang bị ám thị trong cơn vùng vẫy để
<i>"Thoát Trung"</i> mới cần phải tự gột rửa tư tưởng
thần phục, nô lệ, sợ hãi cho mình.

Tôi tin chính thể Việt Nam vẫn trung thành với tôn chỉ: Việt
Nam <i>"là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách
nhiệm trong cộng đồng quốc tế"</i>.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140717/mo-lang-co-that-phai-thoat-trung),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét