<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-a-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xpa1/v/t1.0-9/10451850_615081971946025_6595938508483040083_n.jpg?oh=35a8739890ed8beaa6c9da2bb59e9422&oe=5424D49B&__gda__=1412338723_d53563b050b758eb225bda228dfe90b9"
width="500" /></center>
Phải đợi đến lúc biết rõ những người cùng chung sống
trong một xã hội không còn thấy bị tổn thương khi đọc
những lời tường trình dối trá trên báo chí, hay khi nghe
những bản tin sai sự thật trên đài truyền hình, nhân vật nam
giáo sư dạy đại học ở Việt Nam mới quyết định viết
thư cho người đã yêu và tin ông trước khi chấm dứt năm cũ -
với mục đích để cái cũ chôn vùi cái cũ - để những
điều trăn trở trong nội tâm của ông có cơ hội bày tỏ sau
những đêm dài gần hết một đời.
</blockquote>"Gửi em. Anh quyết định nói ra điều này ở thời
điểm này để những gì cần kết thúc sẽ kết thúc cùng với
năm cũ. Anh sống trong một xã hội được cấu tạo trên nền
tảng của sự dối trá, có lẽ vì vậy anh đặc biệt nhạy
cảm và đặc biệt muốn tự bảo vệ mình trước sự dối
trá. Em hình dung được không? Ở đây trẻ con từ khi đi học
mẫu giáo đã được dạy cho cách để trở thành những kẻ
nói dối. Các em được dạy hát về giấc mơ mà các em không
có. Các em hát về giấc mơ trong đó các em gặp và yêu quý
một người xa lạ. Nhưng các em không hề có giấc mơ đó,
thậm chí còn chưa biết người đó là ai, ở cái tuổi lên ba
lên bốn. Các em được nhà trường cung cấp, hay đúng hơn,
buộc phải mơ những giấc mơ không có thực. Giấc mơ ở đây
không có nghĩa là mơ ước, giấc mơ ở đây là những gì ta
thấy trong giấc ngủ, vì thế mà có thể nói đến việc ta có
mơ thấy nó hay không, tức là giấc mơ đó có tồn tại hay
không. Ý anh là ta không nói tới chuyện nội dung giấc mơ có
thực hay không có thực, ta nói đến việc ta có một giấc mơ
như thế hay không." [1]</blockquote>
Có hay không có một giấc mơ đã gặp và yêu qúy một người
xa lạ trở thành nỗi ám ảnh triền miên, hiện hữu trong vô
thức, trong tiềm thức và trong cả ý thức của ông giáo sư,
đến nỗi ông phải đau đớn kêu lên:
</blockquote>"Em biết không, về căn bản, trường học ở đây
không thể dạy cho học sinh các đức tính trung thực, can đảm
và cao thượng. Không thể. Giáo dục đòi hỏi làm gương, soi
vào những tấm gương hèn nhát, giả dối và thấp kém của
thầy cô học sinh có thể học được gì?" [1]</blockquote>
Ông giáo sư đại học muốn minh định một điều:
<blockquote>"Với những bài học dối trá, làm sao có thể dạy
cho học sinh sự ngay thẳng và phẩm chất trung thực? Làm sao có
thể dạy cho học sinh trở thành công dân biết tôn trọng pháp
luật khi pháp luật bị vi phạm khắp nơi nơi, bị vi phạm ngay
trong trường học. Làm sao có thể dạy cho học sinh về sự
công bằng, ý thức về lẽ phải và lòng nhân ái khi có những
tác giả quan trọng, những tác phẩm quan trọng của nền văn
học đương đại không được nhắc đến trong các sinh hoạt
học thuật đương thời; khi mà học sinh sinh viên của miền Nam
không được biết về các nhà văn của miền đất nơi chính
họ đang sống?" [1]</blockquote>
Ông giáo sư đi tìm nơi bình yên chim hót để được sống và
vui sống trong sự thật, khi kể cho người yêu nghe những điều
xảy ra trong đất nước của ông. Người yêu và tin ông không
có chung ngôn ngữ, không có chung tổ quốc với ông. Cô ở cách
xa ông một vòng quay trái đất, nhưng cô là người duy nhất
ông có thể nói thẳng nói thật mà không sợ sẽ bắt gặp
những thái độ vô cảm, như cháu bé ba tuổi dễ thương đã
gặp. Sau khi hát xong bài ca về giấc mơ, cháu bé đã nói:
<em>"Nhưng đêm qua cháu không mơ, cháu không mơ thấy ai
cả."</em> [1] Người lớn thản nhiên cười khi nghe cháu bé nói,
và cháu đã phản ứng bằng sự giận dữ. Ông giáo sư ngậm
ngùi đặt vấn đề: <em>"Bao nhiêu triệu trẻ con mới có
được một cháu bé nói ra điều ấy?"</em> [1] Câu hỏi này
phải chăng nên hiểu là: Bao nhiêu triệu người lớn mới có
được một người lớn nói ra điều ấy - là dám khẳng định
như cháu bé: Không hề có một giấc mơ như thế trong đời
của người Việt Nam.
Nguyễn Thị Từ Huy là Tiến Sĩ Văn Chương, nguyên giảng viên
của Khoa Ngữ Văn Đại Học Sư Phạm Hà Nội, hiện làm việc
tại Bộ Môn Lý Luận Và Phê Bình Văn Học của Khoa Văn Học
Và Ngôn Ngữ thuộc Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Sài
Gòn. <em>"Gửi Người Yêu Và Tin"</em> của cô do Người Việt
xuất bản năm 2014 tại hải ngoại, là tác phẩm viết theo thể
loại thư tín gồm 16 lá thư, trong đó có 12 lá thư của nhân
vật nam giáo sư đại học ở Việt Nam, 3 lá thư của cô gái
ngoại quốc, và 1 lá thư của người đàn ông đã đính hôn
với cô. Tác phẩm của Nguyễn Thị Từ Huy được Hoàng Ngọc
Tuấn đánh giá là <em>"tiểu thuyết thư tín - đúng nghĩa -
đầu tiên trong văn chương Việt Nam đương đại, và cũng là
tác phẩm đầu tiên chạm đến tận căn nguyên của sự tham
nhũng và băng hoại đạo đức, của nền giáo dục đại học
ở Việt Nam hiện nay."</em> [4]
Nỗi đau lớn lao nhất kinh hoàng nhất mà tác giả muốn nói
đến trong toàn bộ tác phẩm <em>"Gửi Người Tin Và Yêu"</em>:
Đó là sự dối trá đã mọc rễ thâm căn cố đế ở khắp
mọi nơi, ở ngay trong nhà trường xã hội chủ nghĩa. Người ta
không chỉ lừa dối kẻ khác, mà còn tự lừa dối bản thân
đến nỗi tin luôn vào những gì do chính mình bịa đặt, mặc
dù biết rõ đó chỉ là sự bịa đặt. Sự thật đau đớn này
- theo như lời của Nguyễn Thị Từ Huy - <em>"chính là địa
ngục. Địa ngục không chỉ là tha nhân, địa ngục là chính
mình!"</em>
Thật đáng sợ khi tác giả - mượn lời ông giáo sư - kể
rằng:
<blockquote>"Đàn ông ở xứ anh phần lớn đều có cặp mắt
nhìn xuống. Ngay cả lúc nói chuyện với người đối diện,
mắt họ cũng thường nhìn xuống, và ngay cả khi họ nhìn vào
mắt em, em cũng thấy rằng đó là một ánh nhìn xuống. Nó
không có sự thẳng thắn, nó không có khả năng đương đầu,
đối diện. Con ngươi nhìn thẳng, nhưng ánh nhìn lại hướng
xuống dưới. Thật phức tạp, nhưng đấy là điều em cảm
thấy. Cứ như thể họ biết rằng người ta không tin vào lời
nói của họ, và người ta sẽ tìm sự xác nhận trong mắt họ,
họ phải giấu ánh nhìn đi để người ta không thể tìm thấy
sự xác nhận đó." [2]</blockquote>
Những người Miền Nam Việt Nam chắc chắn không thể mường
tượng ra cảnh: Vợ theo dõi chồng, con theo dõi cha mẹ, học
trò theo dõi thầy cô, bạn bè theo dõi lẫn nhau, để báo cáo
cho đảng biết có ai <em>"phản động"</em> trong tư tưởng,
trong lời nói, trong hành động hay không. Nhưng điều này tất
cả những người được sinh ra và lớn lên tại Miền Bắc
Việt Nam không lạ. Và càng không lạ khi người ta phải viết
một điều gì đó, phải làm một điều gì đó theo đơn đặt
hàng của chế độ, như ông giáo sư miêu tả:
<blockquote>"Anh cần nói cho em một bí mật. Chỉ duy nhất em
biết anh là tác giả của Trí thức ca. Ừ, em sẽ hỏi: Trí
thức ca là gì? Anh đã viết nó theo đơn đặt hàng đặc biệt
của chính phủ. Anh nhận lời với điều kiện phải biến nó
thành một dạng tác phẩm âm nhạc dân gian, một tác phẩm
khuyết danh, không có tên tác giả, xem nó như sản phẩm tập
thể. Với bài ca khuyết danh đó anh được hưởng một khoản
nhuận bút khổng lồ mà không một nhạc sĩ hay thi sĩ nào có
thể hình dung nổi. Cũng xứng đáng thôi. Nó có tác động
không bờ bến. Anh được đặt hàng để viết một bài ca
nhằm ru ngủ giới trí thức. Mục đích là giúp họ ngủ, và
để yên mặc cho ai muốn làm gì thì làm, mặc cho mọi thứ xung
quanh bị tàn phá, bị chia chác, bị thất thoát và mất mát.
Trí thức cần phải ngủ ngon và ngủ ngoan, người đặt hàng
nói với anh như vậy." [3]</blockquote>
Khi sự tha hóa như mối mọt làm mục ruỗng bục giảng, khi
người trí thức không còn có thể để <em>"con ngươi nhìn
thẳng, nhưng ánh nhìn lại hướng xuống dưới"</em> [2] cũng là
lúc ông giáo sư tự kết liễu cuộc đời, vì không thể ẩn
nấp trong sự gian dối nữa. Có người cũng giống như tác giả
cho rằng: Cái chết của ông giáo sư là sự phản tỉnh, là
<em>"một hy vọng nhuốm màu tuyệt vọng."</em> Hay như Hoàng
Ngọc Tuấn nhận định <em>"những con người như thế vẫn còn
có thể thay đổi để trở lại thiện tâm."</em> [4] Riêng tôi
cảm nhận: Ông giáo sư vốn biết <em>"Những bài học dối
trá, làm sao có thể dạy cho học sinh sự ngay thẳng và phẩm
chất trung thực?"</em> [1] Vậy tại sao ông vẫn dùng lời dối
trá, để buộc người khác phải chấp nhận một lý do dối
trá do ông ta ngụy tạo ra qua bài trí thức ca? Những bức thư
<em>"Gửi Người Tin Và Yêu"</em> và cái chết của ông, phải
chăng là sự hối hận đã lỡ muộn?!
<strong>Hoàng Nhất Phương</strong>
8:05pm Chủ Nhật ngày 29 tháng 6 năm 2014
*. Trích trong "Gửi Người Tin Và Yêu"
[1]. 01
[2]. 02
[3]. 09
[4]. Lời Tựa của Hoàng Ngọc Tuấn
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140705/hoang-nhat-phuong-diem-sach-gui-nguoi-yeu-va-tin-cua-nguyen-thi-tu-huy),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét