Đặng Hoàng Giang - Sức mạnh của hòa bình và những gợi ý cho Việt Nam

LTS: <em>Suốt thời gian qua, với sự hung hăng, ngang ngược của
Trung Quốc tại biển Đông, nền hòa bình của Việt Nam và các
quốc gia trong liên đới bị đe dọa nghiêm trọng. Phản ứng
trước tình hình, Chính phủ Việt Nam kiên trì các giải pháp
hòa bình để giải quyết tranh chấp, xung đột. Tuy nhiên, muốn
giữ vững hòa bình và chủ quyền lãnh thổ, nếu chỉ dừng
lại ở các giải pháp hòa bình ngắn hạn thì chưa đủ. Trong
tầm nhìn dài hạn, Việt Nam cần nỗ lực kiến tạo một xã
hội hòa bình. Trong một xã hội hòa bình, trạng thái hòa bình
không phụ thuộc vào thái độ của các quốc gia bên ngoài, mà
là sản phẩm tổng hợp của các nguồn lực bên trong: triết
lí phát triển, cấu trúc thể chế, giá trị văn hóa và khao
khát hòa bình của người dân… Đó là sức mạnh của một xã
hội hòa bình đúng nghĩa – một thứ quyền lực phi bạo lực.
Vậy nên, xây dựng một xã hội hòa bình là lựa chọn tất
yếu của người Việt Nam trong cả trước mắt lẫn lâu dài.
Với cách nhìn như vậy, chúng tôi xin được giới thiệu bài
viết sau đây của Đặng Hoàng Giang – giảng viên Đại học
Phan Chu Trinh (Hội An – Quảng Nam).</em>

<em>(Bài đã được đăng trên bản in của Tạp chí Văn Hóa
Nghệ An)</em>

<strong>Thế nào là một xã hội hòa bình?</strong>

Đã thành thói quen, khi nói đến hòa bình, điều đầu tiên
người ta nghĩ đến là một trạng thái không có chiến tranh.
Chẳng hạn, trong dự án Chỉ số hòa bình toàn cầu (Global peace
index – GPI) do Viện Kinh tế và Hòa bình (The Insitute for Economics
and Peace) tiến hành nhằm xếp hạng mức độ hòa bình của các
quốc gia trên thế giới, người ta cho rằng, một quốc gia chỉ
trở nên hòa bình khi không có xung đột với các quốc gia láng
giềng và không phải trải qua các cuộc nội chiến ở bên
trong"[1]. Tuy nhiên, theo Johan Galtung – cha đẻ của ngành
"hòa bình học", đấy là một cách nhìn thiển cận vì nó
quá nhấn mạnh đến yếu tố chiến tranh trong việc xác định
trạng thái có/không có hòa bình của một đất nước. Trên
thực tế, nhiều quốc gia tuy không tham gia chiến tranh với bên
ngoài và cũng không có nội chiến, nhưng vẫn chưa đạt tới
trạng thái hòa bình vì nội tình xã hội tiềm ẩn nhiều vấn
đề phức tạp – những thứ có thể tạo nên xung đột bất
cứ khi nào. Ông gọi nền hòa bình được xác định theo kiểu
đó là một nền hòa bình thụ động (negative peace). Để phân
biệt với negative peace, Johan Galtung đưa ra khái niệm: nền hòa
bình chủ động (positive peace). Một nền hòa bình chủ động
thì không phụ thuộc vào thái độ của các quốc gia bên ngoài
mà là sản phẩm tổng hợp của các nguồn lực bên trong. Nghĩa
là, xã hội sống trong hòa bình nhờ biết lựa chọn một
triết lí phát triển, một cấu trúc thể chế phù hợp cùng
các giá trị văn hóa tương ứng có khả năng hình thành và duy
trì trạng thái đó[2].

Cách tiếp cận theo hướng từ nguyên học (etymology) tiếp tục
soi sáng nhiều đặc điểm khác của một xã hội hòa bình. Theo
từ điển tiếng Anh, từ ghép hòa bình (peace) có họ hàng gần
với các từ cổ trong tiếng Anh – Pháp (pes) và tiếng Pháp
(pais) ở thế kỉ XI, với nghĩa đen là: hòa bình, hòa hợp/hòa
giải, lặng yên và đồng tình. Bản thân pes lại bắt nguồn
trực tiếp từ một tiếng La tinh khác – pax, có nghĩa là sự
thỏa thuận, đồng tình trong hòa bình, thanh bình; sự không có
thù địch, chiến tranh. Tiếp tục đào sâu ngữ nghĩa, nhiều
nhà ngôn ngữ học còn chỉ ra mối liên hệ giữa pes với các
từ shalom (tiếng Hê-bơ-rơ) và salaam (tiếng Ả Rập) với hàm
nghĩa rất rộng: công bằng, tốt lành, an toàn, hạnh phúc,
thịnh vượng, bình đẳng, an ninh, giàu có và thân thiện[3].

Như vậy, trong ý nghĩa trọn vẹn của nó, ý niệm hòa bình
không nên hiểu giản đơn là tình trạng vắng bóng chiến tranh
và bạo lực mà phản ánh trạng thái văn minh của một xã
hội. Ở đó, sự an ninh con người (human secuirity); sự hài hòa
và đồng thuận xã hội; sự minh bạch, tiến bộ của môi
trường thể chế đã mở đường cho sự phồn thịnh của toàn
xã hội.

<strong>Ưu thế của các quốc gia hòa bình</strong>

Nhờ có một môi trường chính trị – xã hội ổn định, các
xã hội hòa bình trở thành điểm đến hấp dẫn, tin cậy của
các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Đây là nguồn lực quan
trọng để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế quốc
gia. Điều quan trọng là, sự ràng buộc quyền lợi với nhiều
đối tác liên quan đã tạo cho các quốc gia hòa bình một vành
đai an ninh từ xa vì không ai muốn làm xáo trộn một môi
trường đang đem lại sự ổn định, thịnh vượng. Mặt khác,
với triết lí phát triển hài hòa, các quốc gia hòa bình tránh
được vết xe đổ mà nhiều quốc gia mới nổi đã và đang sa
vào. Cụ thể, thay vì chấp nhận đánh đổi nhiều thứ (nền
tảng văn hóa, tài nguyên môi trường, công bằng xã hội) để
đạt được mục tiêu tăng trưởng, họ lựa chọn một con
đường phát triển bền vững nhờ kết hợp hài hòa giữa khai
thác và bảo tồn, giữa tăng trưởng và ổn định, giữa kinh
tế và nhân văn, giữa truyền thống và hiện đại. Các quốc
gia thuộc nhóm đầu của bảng xếp hàng mức độ hòa bình
toàn cầu hết sức tiêu biểu cho xu hướng này: Ai Len, Đan
Mạch, Niu Zi Lân, Ca Na Đa, Nhật Bản, Áo, Ai Xơ Len, Phần Lan,
Thụy Điển[4].

Các xã hội hòa bình cũng cho phép phát triển tối đa các
nguồn lực nhân văn. Trên thực tế, một xã hội hòa bình
không nhất thiết phải là một xã hội giàu có nhất (xét theo
thang đo GDP và GNP quen thuộc lâu nay), nhưng là một xã hội
đảm bảo các điều kiện để con người thường xuyên được
an lạc, vô ưu. Vả lại, nghĩ cho cùng, đối với con người,
còn hạnh phúc nào lớn hơn cảm giác an lạc, vô ưu khi sống
giữa một thực tại luôn biến động, bất trắc như hiện nay.
Chính điều này đã tạo nên một sức mạnh đặc biệt cho các
xã hội hòa bình do các thành viên của nó luôn tìm thấy những
động lực mạnh mẽ để tồn tại, phát triển và cống hiến
cho sự phát triển chung của xã hội. Ngược lại, trong các xã
hội chưa đạt tới ngưỡng hòa bình, con người thường xuyên
sống trong nỗi bất an. Do đó, họ chỉ có thể miễn cưỡng
sống tạm cuộc đời của mình và đương nhiên không có một
động cơ nào đủ mạnh để sống tiếp cuộc đời của những
thế hệ trước, sống trước cuộc đời của những thế hệ
sau và sống chung cuộc đời của những kẻ cùng thời[5]. Đặt
hạnh phúc con người ở trọng tâm của sự phát triển, tự
thân điều đó đã tạo nên tính chính nghĩa tuyệt đối cho
các xã hội hòa bình. Bởi thế, trong thời đại ngày nay, khả
năng một quốc gia bên ngoài xâm phạm lãnh thổ của một đất
nước hòa bình là điều khó thể xảy ra vì điều này sẽ
gặp phải phản ứng quyết liệt của toàn thể nhân loại
tiến bộ.

<strong>Những điều kiện để hình thành một xã hội hòa
bình</strong>

- Một nhà nước đối thoại, tương tác (interactive state): Như
tên gọi đã chỉ ra, một nhà nước đối thoại, tương tác là
một nhà nước luôn sẵn sàng đối thoại với người dân để
cùng giải quyết các vấn đề được đặt ra từ hiện thực
cuộc sống. Đây là cơ sở để hình thành một nền chính trị
trách nhiệm (accountable politics). Trong môi trường chính trị
đó, không một quyết định lớn nào được đưa ra mà không
trải qua một quá trình tham vấn, đối thoại giữa nhà nước
với người dân nhằm lựa chọn các phương án chính sách khả
thi nhất. Chính quá trình đối thoại này đã hình thành nên
một nền văn hóa công luận (public culture). Theo Habermas, đặc
tính của văn hóa công luận là tự do tư tưởng và thực hiện
phản biện xã hội. Phản biện xã hội thực chất là một
hình thức đối thoại bình đẳng, dân chủ giữa các thành
phần xã hội với nhà nước nhằm thúc đẩy sự hoàn thiện
của bộ máy nhà nước và các kiến tạo chính sách, thể
chế.Để phù hợp với bản chất tương tác, nhà nước đối
thoại được thiết kế và vận hành theo một số nguyên tắc
căn bản: (i) Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; (ii) Tam
quyền phân lập; (iii) Thừa nhận tự do ngôn luận; (iv) Thừa
nhận các hội đoàn dân sự – với tư cách là các tổ chức
độc lập đại diên cho tiếng nói, quyền lợi, nghĩa vụ,
trách nhiệm của người dân…

- Một đời sống văn hóa đa dạng: Dưới sự bảo trợ của
các định chế chính trị – văn hóa tiến bộ, nhiều loại
hình văn hóa có điều kiện thuận lợi để cùng tồn tại và
phát triển. Tồn tại trong một mối quan hệ tương hỗ, các
loại hình văn hóa này góp phần làm giàu vốn văn hóa cho xã
hội và đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của các thành viên
trong cộng đồng. Sự cộng sinh văn hóa một mặt kích thích
các ý tưởng mới ra đời, qua đó, thúc đẩy khả năng tái
tạo, điều chỉnh, đổi mới của toàn xã hội; mặt khác,
gián tiếp hình thành tinh thần khoan dung văn hóa. Khoan dung là
sự tôn trọng, thừa nhận, thấu hiểu tính đa dạng của đời
sống văn hóa – nơi cộng sinh của các chủ thể văn hóa với
các cách thức và biểu hiện khác nhau. Khoan dung không chỉ là
sự thừa nhận, tôn trọng tín ngưỡng, văn hóa của người
khác, cộng đồng khác mà bao hàm cả việc thừa nhận và tôn
trọng các giá trị của chính mình – với tư cách là một cá
thể độc lập trong cộng đồng. Bởi vì, bản chất của khoan
dung là quyền được sống theo đức tin và văn hóa của mình,
kể cả khi văn hóa đó bị những người khác kì thị. Nói
một cách ngắn gọn, khoan dung nghĩa là hài hòa trong khác biệt.
Theo Tuyên ngôn về các nguyên tắc khoan dung được Liên hiệp
quốc công bố năm 1995, khoan dung vừa là một nghĩa vụ đạo
đức (moral duty), vừa là một đòi hỏi chính trị và pháp lý.
Chỉ dựa trên tinh thần khoan dung, con người mới có khả năng
thay thế nền văn hóa của bạo lực và chiến tranh bằng nền
văn hóa của hòa bình[6].

- Một cộng đồng gắn kết và ôn hòa: Lối sống của con
người có ảnh hưởng sâu sắc đến trạng thái phát triển
của xã hội. Một xã hội hòa bình trước hết được hình
thành từ lối sống mang đậm tinh thần hòa bình của những con
người tồn tại trong đó. Tinh thần ấy được bộc lộ rõ
nét qua hai đặc điểm cơ bản: gắn kết và ôn hòa. Tinh thần
gắn kết đồng nghĩa với ý thức không phân biệt đảng phái,
giai cấp, tôn giáo, quá khứ, vùng miền. Tinh thần gắn kết
cũng nhấn mạnh đến xu hướng vượt ra khỏi khuôn khổ chật
hẹp của đời sống cá nhân và gia đình để kết nối
thường xuyên với đời sống bên ngoài thông qua việc tham gia
vào các sự kiện xã hội. Với họ, hạnh phúc không chỉ là
được thỏa mãn các nhu cầu của đời sống cá nhân mà còn
có nghĩa là được hòa mình vào đời sống công cộng. Trong khi
đó, tinh thần ôn hòa gần gũi với tinh thần khoan dung: tôn
trọng sự đa dạng, khác biệt của người khác và giải quyết
các xung đột, tranh chấp thông qua đối thoại, thương thảo.
Nghiên cứu các xã hội hòa bình trên thế giới, người ta
nhận ra một điểm chung: con người trong các xã hội ấy có xu
hướng thiện lành cả trong suy nghĩ và hành vi. Họ đã sáng
tạo được rất nhiều hình thức nhằm thúc đẩy sự hài hòa
trong quan hệ xã hội, xây dựng lòng tôn kính lẫn nhau và nuôi
dưỡng lòng bác ái, vị tha với cái khác biệt của người
khác. Họ cũng rất giỏi trong việc giảm thiểu, giải trừ xung
đột khi chúng xuất hiện và ngăn chặn chúng phát triển thành
bạo lực[7].

<strong>Vĩ thanh</strong>

Không phải ngẫu nhiên mà Viện Kinh tế và Hòa bình tiến hành
xây dựng bộ chỉ số hòa bình, để từ đó, xếp hạng mức
độ hòa bình của các quốc gia trên toàn thế giới. Thực ra,
bộ chỉ số này phản ánh một cách đánh giá mới về sự
phát triển của các quốc gia: mức độ hạnh phúc, an lạc của
con người trong những điều kiện hiện có. Nhân loại ngày
càng đi đến nhận thức rằng: toàn bộ nỗ lực sinh tồn xét
cho cùng đều để phục vụ cho hạnh phúc của con người. Với
từng quốc gia, mọi lí tưởng, chỉ số, thành tích đều trở
nên vô nghĩa nếu con người không được sống trong thanh bình,
hạnh phúc thực sự. Do đó, trở thành một quốc gia hòa bình
là mục đích phấn đấu chính đáng của tất cả các quốc
gia.

Đối với Việt Nam – một quốc gia có truyền thống hòa
hiếu, đi theo lộ trình phát triển hòa bình là lựa chọn tất
yếu trong hiện tại và tương lai. Điều này càng trở nên cấp
thiết khi chúng ta đối diện với một Trung Quốc luôn đặt
trọng tâm phát triển trên bạo lực, bá quyền và muốn chi
phối Việt Nam trong cái vòng cương tỏa mà họ tự vẽ ra. Để
cụ thể hóa ý niệm hòa bình thành hiện thực cụ thể, chúng
ta cần những chuyển động tích cực cả từ nhà nước lẫn
toàn xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, người viết
kì vọng vào một sự chuyển động mang tính tiên phong từ phía
xã hội – nơi dự trữ rất nhiều tiềm năng nhưng bấy lâu
chưa được khai phá. Lúc này đây, chúng ta đang rất cần
những sáng kiến cộng đồng để đổi mới xã hội, đặc
biệt là những sáng kiến nhằm khôi phục niềm tin giữa các
cá nhân, các thế hệ, các cộng đồng người Việt cả trong
lẫn ngoài nước. Vì niềm tin là cơ sở của gắn kết và bao
dung – một yêu cầu không thể thiếu của một xã hội hòa
bình. Đó là cách tốt nhất để nhân dân truyền đi một thông
điệp rằng: một nhân dân tháo vát, sáng suốt, vị tha và
thông minh như thế xứng đáng có một nhà nước đàng hoàng,
tử tế để hướng đạo toàn thể dân tộc vượt qua những
trở lực hữu hình và vô hình, mạnh mẽ hội nhập vào cộng
đồng nhân loại tiến bộ, văn minh.

<strong><div class="rightalign">Đặng Hoàng Giang</div></strong>

______
<strong>
Chú thích:</strong>

<em>[1] Tina Aridas, Valentina Pasquali (2014), The most peaceful countries
in the world, nguồn: http://www.gfmag.com.

[2] Tina Aridas, Valentina Pasquali (2014), The most peaceful countries in
the world, nguồn: http://www.gfmag.com.

[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Peace.

[4] Tina Aridas, Valentina Pasquali (2014), The most peaceful countries in
the world, nguồn: http://www.gfmag.com.

[5] Phạm Thị Hoài , Tư cách trí thức Việt Nam, nguồn:
http://amvc.free.fr

[6] Emmanuel Agius và Jolanta Ambrosewics, Towards a culture of Tolerance
and peace, bản PDF, p. 11-12

[7] Peaceful societies: alternative to Violence and War, nguồn:
http://www.peacefulsocieties.org/</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140715/dang-hoang-giang-suc-manh-cua-hoa-binh-va-nhung-goi-y-cho-viet-nam),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét