Một trong những hoạt động văn hóa lớn được các cấp lãnh
đạo tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các cơ quan chức năng và các
tổ chức liên quan trong tỉnh tích cực, quyết tâm và cẩn
thận chuẩn bị từ cuối năm 2013 là Kỷ niệm 100 năm ngày sinh
nhà thơ Bích Khê.
Sở dĩ phải có sự chuẩn bị sớm, với những yêu cầu bề
thế như vậy là do đây là nhân vật nhạy cảm, sự kiện
nhạy cảm về văn nghệ - chính trị của tỉnh. Nói là nhạy
cảm vì cũng như trong cả nước, có những việc vốn bình
thường nếu lịch sử cứ chảy bình thường; nhưng bởi con
người làm cho nó trở nên không bình thường, rồi bị vướng
vào một cơ chế vận hành quán tính oái ăm, vô lý nào đó,
gỡ ra không được, đành xếp nó vào "nhạy cảm". Việt Nam
là cường quốc của những "nhạy cảm" như vậy.
Bích Khê là một nhà thơ sáng tác trong thời gian/trào lưu Thơ
mới 1932-1945, sinh quán ở Quảng Ngãi. Trong dòng thơ ấy, có
đủ tất cả những thể nghiệm để cách tân thơ Việt về
thể loại, phong cách đặc thù trong diễn ngôn lịch sử của
thi pháp, những sáng tạo và bản sắc, cá tính thi sĩ. Tất cả
đều từ cái nền học tập/bị ảnh hưởng của thơ Pháp,
văn hóa châu Âu. Xu hướng đổi mới đó thể hiện từ những
bài thơ phá thể truyền thống của Tản Đà, Phan Khôi, tạo
cao trào với một loạt các nhà thơ lãng mạn, rồi tượng
trưng, rồi ấn tượng, rồi siêu thực... và tạm kết thúc
với Xuân Thu Nhã Tập, nếu không có cuộc "Cách mạng tháng
Tám" buộc dừng lại. Biểu hiện đổi mới của thơ trải ra
từ chủ đề, đề tài, thể tài, thể loại, luật thơ, hình
thức trình bày bài thơ cho đến xu hướng, lý tưởng thẩm
mỹ.
Bích Khê là nhà thơ cố mở ra và gây ấn tượng về một con
đường đi riêng trong trào lưu ấy. Và chuyện nhạy cảm
người đời sau tạo ra cho thân phận văn nghệ - chính trị
của ông một phần lớn cũng là do cái riêng ấy.
Nhà nghiên cứu Thụy Khuê viết về Bích Khê từ nước Pháp
"Thơ ông không được nhắc đến trong một thời gian dài ở
miền Bắc, phần vì người ta không hiểu thơ Bích Khê, nhưng
lý do chính là chính trị: Bích Khê dịch cuốn Retour de
L'U.R.S.S (Ở Nga về) của André Gide, viết năm 1936, kể lại
nỗi thất vọng sau khi đi thăm "thiên đường cộng sản". Mặc
dù chưa in, nhưng việc dịch này, kèm thêm sự kiện Bích Khê
tỏ ý bất bình khi nghe tin Tạ Thu Thâu bị ám sát, đã khiến
người ta liệt Bích Khê vào hàng ngũ phản động Trotskite, và
tên tuổi ông bị chính thức loại ra khỏi danh sách những nhà
thơ tiền chiến."
Cái "người ta" liệt Bích Khê vào nhóm troskist đó nghe đâu
cũng chỉ là một người, làm công tác lịch sử đảng ở
tỉnh Nghĩa Bình cũ, với một công trình nghiên cứu về phong
trào chống Pháp ở Quảng Ngãi 1885 – 1945 được xuất bản
năm 1985.
Lại cũng là chuyện diễn ra ở Quảng Ngãi, giữa người Quảng
Ngãi với người Quảng Ngãi, vùng đất khắc nghiệt ngay từ
lúc tiếp thu chủ nghĩa cộng sản và làm "cách mạng vô
sản" mà trong "Cách mạng tháng Tám" đã nổi tiếng ngay
với việc xử tử Tạ Thu Thâu, bắt giữ và xuýt xử chém Ngô
Đình Diệm, giết hại vô số những tín hữu Cao Đài (cũng nghe
đâu ở bãi chém Vạn Tượng, Nghĩa Dũng, có cảnh đao phủ bêu
thủ cấp của nạn nhân trên ngọn giáo đi khắp cả xã làng).
Cái án đó của Bích Khê kéo dài mấy chục năm không gỡ
được tại chính quê hương mình, mặc dù về phương diện thơ
ca, ông đã được chiêu tuyết ít nhiều ở việc tái bản tác
phẩm và được nghiên cứu, đánh giá lại ở cấp quốc gia.
Chung qui cũng vì chuyện từ sau cách mạng, văn nghệ/ văn nghệ
sĩ bị buộc vào chính trị, và cách đánh giá văn nghệ sĩ
cùng với tác phẩm của họ gắn với chính trị đó phục tùng
vào vai trò và rập khuôn phương thức của đảng cộng sản :
độc quyền toàn bộ và toàn diện, quyền uy tối thượng, luôn
luôn bí mật và không xem xét lại. Không thể tính hết bao
nhiêu nạn nhân của nhận xét lý lịch đi học đại học, xin
việc, vào đảng, thẩm định chính trị, đánh giá nhân thân,
đấu tố cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, đấu tranh
chống xét lại chống đảng, đánh giá xử lý tác phẩm văn
học nghệ thuật, báo chí... do cách làm đó trong lịch sử cách
mạng, như cố gắng của Solzhenisyn trong "Quần đảo Gulaq".
Mấy chục năm, trong khi nhà thơ quá cố bị nhận án treo, đất
nước loay hoay mãi với những chuyện đâu đâu, nào chủ nghĩa
cộng sản, chủ nghĩa xã hội, thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội, giai đoạn đầu tiên của thời kỳ quá độ,
chủ nghĩa xét lại hiện đại và các chủ nghĩa khác, đổi
mới, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
diễn biến hòa bình với vô số kẻ thù bi điểm mặt nhưng
luôn thay đổi...
Đến bây giờ, nhờ hơi hướng của "đổi mới", cái
"người ta" liệt Bích Khê vào troskist cũng không còn nói
được nữa, và sự cố gắng không mệt mỏi của gia đình họ
Lê Thu Xà, trong đó có những bậc thế phiệt như một cựu
giáo sư đại học, một cựu chủ tịch tập đoàn kinh tế,
cùng với rất nhiều người có máu mặt trong đại gia đình
họ Lê Quảng Ngãi, và cả sự dày công nhọc sức biên tập
lại thơ của Bích Khê trên laptop của một nhà thơ lớn tầm
cỡ quốc gia đang trí sĩ ở quê nhà, cuộc hội thảo và các
hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bích Khê chắc sẽ
làm ấm lòng nhiều người. Tuy nhiên, đó vẫn là chuyện buồn,
hoặc là vĩ thanh của một chuyện buồn trong lịch sử hiện
đại của nước nhà. Giá như không có những chuyện ấy. Và
còn biết bao oan khiên khác sẽ không bao giờ được minh oan,
chiêu tuyết?
Trà Giang
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/node/23022), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét