Heidi Dahles - Vì sao Trung Quốc ve vãn Cambodia

Diên Vỹ chuyển ngữ

24.08.2013


Thái độ mê đắm dai dẳng của Cambodia đối với Trung Quốc
được biểu lộ rõ rệt trên chính trường thế giới vào năm
2012 khi, trong chức vụ Chủ tịch ASEAN, nước này đã từ chối
đề cập đến những tranh chấp lãnh hải trên biển Đông.

Sự kiện được đề cập rộng rãi này một lần nữa nhấn
mạnh mối quan hệ gần gũi của hai quốc gia. Việc Cambodia ngã
vào vòng tay của Trung Quốc không là một điều bất ngờ.
Những lợi nhuận có được từ vị thế của một trong các
quốc gia được Trung Quốc ưa chuộng nhất thật rõ rệt.
Cambodia nhận được đầu tư và viện trợ kinh tế lẫn quân
sự từ Trung Quốc bằng tiền tệ lẫn tài vật một cách "vô
điều kiện". Chính quyền Cambodia xem Trung Quốc như một
người bạn lớn lâu đời, một tình bạn kéo dài trong lịch
sử và vẫn tồn tại qua nhiều chế độ.

Quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và chính quyền hiện tại
ở Phnom Penh đuợc xác nhận sau cuộc đảo chính năm 1997. Cuộc
đảo chính này giúp người đứng đầu Đảng Nhân dân Cambodia
Hun Sen lật đổ Thái tử Norodom Ranariddh, lúc ấy là Thủ
tướng, xoá bỏ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong
việc thiết lập hoà bình và một chính quyền hiệu quả trong
nước kể từ hiệp ước hoà bình Paris năm 1991. Trong khi nhiều
quốc gia trong đó có Hoa Kỳ áp đặt cấm vận đối với
Cambodia vì đã vi phạm hiệp ước hoà bình vốn được điều
đình thấu đáo thì Trung Quốc đã gửi đến 10 triệu Mỹ kim
viện trợ. Trong ý nghĩa này, Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách
cây gậy khi Cambodia trệch hướng con đường đi đến hoà bình
và dân chủ đã được thoả thuận, trong khí ấy Trung Quốc
lại đưa ra củ cà rốt.

Trung Quốc luôn đưa ra những phần thưởng tức thời đối
với thái độ trung thành. Khi chính quyền Cambodia trao trả 22
người tị nạn Uighur cho Trung Quốc vào năm 2009, một lần nữa
Hoa Kỳ đình hoãn viện trợ cho Cambodia như một biện pháp
trừng phạt. Trong khi ấy Trung Quốc đã hứa hẹn viện trợ cho
nước này với tổng số lên đến 1,2 tỉ Mỹ kim chỉ hai ngày
sau khi sự kiện xảy ra. Tuy nhiên, hành động rộng rãi này
không nhất thiết sẽ bảo đảm Cambodia sẽ nhận được toàn
bộ số tiền trên, theo nhận định của một số nhà quan sát.

Nhưng nhìn xa hơn khẩu hiệu "người bạn lớn lâu đời",
Trung Quốc tìm được gì qua mối quan hệ này? Những ràng buộc
từ lòng hảo tâm của Trung Quốc rõ ràng là rất mạnh mẽ và
có nhiều giới hạn.

Cũng như những quan hệ hữu nghị mà Trung Quốc đang theo đuổi
trên khắp thế giới, quyền được tiếp cận thác nguồn lao
động, thị trường và tài nguyên thiên nhiên giá rẻ là ưu
tiên trên hết. Khi lao động Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn
và người lào động của họ đấu tranh mạnh mẽ hơn cho
quyền lợi của mình, lực lượng lao động rẻ tiền và bị
quản lý của Cambodia đã tạo ra một lối thoát cho các công ty
nhà nước Trung Quốc đang tìm cách xuất khẩu các khâu đoạn
gia công của họ đến những nước có giá thành rẻ hơn. Hơn
nữa, việc Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực gia công may mặc
giúp tạo điều kiện cho họ tiếp cận các thị trường mà
thông thường vốn không cho phép hàng xuất khẩu trực tiếp
từ Trung Quốc. Tiện hơn nữa, Cambodia hưởng lợi trong cương
vị tối huệ quốc từ các thị trường Hoa Kỳ và Liên u và
giúp Trung Quốc trốn tránh các qui định thương mại. Cambodia
cũng là nơi có thể khai thác những tài nguyên thiên nhiên quí
hiếm, nguồn năng lượng, đất canh tác cũng như nông sản. Các
nhà đầu tư Trung Quốc đã tận dụng những tiện ích này,
đôi khi trên những thiệt hại của người dân địa phương.
Con số những vụ tranh chấp đất đai ngày càng cao ở Cambodia
liên quan đến các công ty Trung Quốc đang sở hữu đất trưng
thu dành co các dự án phát triển, khiến cho những người dân
nghèo Cambodia buộc phải di dời.

Nếu không bỏ qua tầm quan trọng về kinh tế của Cambodia đối
với Trung Quốc, so với những những quốc gia đang phát triển
khác - nơi việc tiếp cận nguồn lao động, đất và tài nguyên
thiên nhiên vô cùng dồi dào - những nguồn lợi từ Cambodia thì
giới hạn và đang nhanh chóng suy giảm. Vìì thế, những lợi
ích tiên quyết của Trung Quốc từ Cambodia phải mang tính chính
trị, như sự kiện ở ASEAN đã minh hoạ một cách rõ rệt.

Cambodia nằm ở sân sau của Trung Quốc và vị trí của nó có
những hệ quả địa chính trị. Cambodia có tầm quan trọng
chiến lược của một hòn ngọc trong chiến lược "chuỗi
ngọc trai" mà Trung Quốc được cho là đang kiến tạo ở
Đông Nam Á nhằm mục đích bảo đảm việc tiếp cận quân sự
tại Vịnh Thái Lan và biển Đông. Tầm quan trọng chiến lược
này phải được hiểu theo quan điểm cạnh tranh giữa Hoa Kỳ
và Trung Quốc để có quyền tiếp cận quân sự tại Cambodia.
Hợp tác quân sự quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Cambodia, được
thiết lập từ năm 2006, đang sắp hết hạn và là một vấn
đề cấp bách về việc mối hợp tác này sẽ được tiếp
tục hay sẽ bị từ bỏ để có được mối quan hệ quân sự
gần gũi hơn với Trung Quốc. Trung Quốc, vốn không có nhiều
bạn bè ở Đông Nam Á, sẽ hoan nghênh việc Cambodia cắt đứt
thoả thuận với Hoa Kỳ.

Cuộc bầu cử vừa qua ở Cambodia khiến cho chính quyền Hun Sen
bị suy yếu trong khi phe đối đầu lại nổi lên như một đối
thủ quan trọng trong chính trường Cambodia. Trung Quốc sẽ đóng
vai trò nào sau cuộc bầu cử này? Theo một số nhà phân tích,
kết quả bầu cử báo trước những khó khăn của Trung Quốc
rằng nó sẽ mất đi quyền ưu tiên tiếp cận Cambodia. Nếu
tình hình chính trị ở Cambodia thêm căng thẳng, liệu Trung
Quốc sẽ hậu thuẫn Hun Sen trong việc đàn áp phe đối lập?
Nếu lịch sử lặp lại, thì chắc chắn Trung Quốc sẽ ở phía
sau hậu trường để sẵn sàng thâu nhận bất kỳ nhân vật
nào xuất hiện như là một lực lượng chính trị chủ yếu
tại Cambodia hậu bầu cử.



***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130826/heidi-dahles-vi-sao-trung-quoc-ve-van-cambodia),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét