Céline Zünd - Vốn Con người: Bí quyết thành công của giáo dục Phần Lan

Diên Vỹ chuyển ngữ tiếng Việt từ bản Anh ngữ của Sarah
Collings

17.08.2013


Mặc dù chi phí cho mỗi học sinh tại quốc gia này ít hơn
nhiều nước phát triển khác, kết quả kiểm tra của các học
sinh lại cao hơn hầu hết các quốc gia khác trên toàn thế
giới. Sau đây là lý do vì sao.

<center><img
src="http://www.worldcrunch.com/images/story/cef540e684a2e838b96909fdf4128183_screen_shot_2013_08_16_at_17.46.02.png"
/></center>

Sau một thời gian, việc này đã trở nên thật sự khó chịu.
Học sinh Phần Lan luôn đứng đầu hạng. Họ dẫn đầu điểm
kiểm tra quốc tế tiến hành bởi Tổ chức Hợp tác & Phát
triển Kinh tế (OECD), kể từ năm 2000, cứ mỗi ba năm tổ chức
này lại đánh giá sức học của học sinh lứa tuổi 15 trong
các nước phát triển về các môn toán, văn và khoa học.

Kết quả gần đây nhất của đợt kiểm tra PISA này (2009) một
lần nữa đã đặt các học sinh Phần Lan vào hạng giỏi nhất
trên thế giới. Họ theo sát nút nước hạng nhì là Nam Hàn
(Thượng Hải, Trung Quốc đạt hạng nhất), mặc dù không cần
phải dùng đến biện pháp trừng phạt học sinh hoặc làm chúng
phải mất ăn mất ngủ, những việc không thể nào tưởng
tượng nỗi trên xứ sở của ông già Noel.

Bên cạnh đấy, Phần Lan còn đứng đầu bảng danh sách các
quốc gia tốt nhất để trẻ em sinh sống, theo bảng xếp hạng
an sinh trẻ em tại các nước phát triển do UNICEF đưa ra vào
tháng Tư. Nhờ hệ thống trường học của mình, đất nước
này trở thành thiên đường của trẻ em.

Thật đúng như thế, trên thực tế các phái đoàn từ khắp
thế giới đổ về Helsinki để được đào tạo về giáo dục.
Những phái đoàn này bao gồm một số các chuyên gia Thụy Sĩ,
Patrik Scheinin thuộc Đại học Helsinki, chuyên trách về việc
phân tích kể quả kiểm tra PISA cho biết.

<b>Một nghề nghiệp đáng quí</b>

Ở Phần Lan, giáo viên là một nghề trong mơ. Điều này chẳng
khó tin mấy nếu bạn trông thấy Omaia Zakik, 38 tuổi, đang
bước vào quán cà phê Esplanad năm trong khu vực nhộn nhịp của
thủ đô. Với bộ váy mùa hè, tóc vàng, mắt hạt dẻ - cô
giáo trung học này trông như một công chúa. Cô cũng cực kỳ
thông minh, vì ở đây toàn bộ các giáo viên cấp một và cấp
hai đều phải có ít nhất là bằng cao học (khoảng 5 năm đại
học). Dạy học là một nghề nổi tiếng và vô cùng cạnh
tranh: Chỉ có 10% ứng viên lọt vào ngành này ở đại học.

Nhưng điều này lại chẳng liên quan đến mức lương, vốn
chỉ nhỉnh hơn mức trung bình. Nghề dạy học nổi tiếng là
vì nó được xã hội trân trọng. "Họ tin tưởng vào chúng
tôi," Omaia Zakik nói, cô dạy tiếng Pháp và tiếng Anh tại
Espoo, thành phố lớn thứ hai tại Phần Lan. "Chúng tôi có
nhiều tự do trong việc giảng dạy. Tôi tự lựa chọn sách
giáo khoa và phương pháp dạy. Chẳng ai điều khiển tôi cả,"
cô nói thêm.

Văn phòng Giáo dục Quốc gia, cơ quan quyết định cơ chế giáo
dục, "không phải là một cuốn sách hướng dẫn và muốn
hiểu sao cũng được," Tiina Tähkä thuộc văn phòng này cho hay.
"Ban đầu, chúng tôi bắt chước hệ thống giáo dục của
Thụy Điển, nhưng họ không đẩy xa việc dạy dỗ xuất sắc
bằng chúng tôi."

Kristiina Kumpulainen, giáo sư về giáo dục tại Đại học Helsinki
nói thêm rằng sự tự do của giáo viên chỉ bị giới hạn
bởi học sinh. "Các giáo viên phải tự tìm hiểu xem phương
pháp nào có hiệu quả nhất," bà nói. "Dạy học không chỉ
là một nghề, nó là một khoa học."

Một sự kiện mới đây tại Helsinki đã khơi lại cuộc tranh
luận về kỷ luật trong nhà trường: Sau một tranh chấp bằng
lời, một giáo viên đã xô một học sinh tại phòng ăn. Sự
việc được các học sinh quay lại và truyền tải lên mạng
Internet, và giáo viên này bị mất việc ngay lập tức. Ở Phần
Lan, các giáo viên bị cấm đụng đến học sinh. Quốc hội
hiện đang soạn thảo một luật mới để gia tăng quyền hạn
của giáo viên. Nếu luật này được thông qua, họ sẽ có thể
dùng tay để buộc học sinh ra khỏi lớp. Còn hiện nay, giáo
viên không có quyền ép buộc học sinh ra khỏi lớp hoặc tịch
thu điện thoại hoặc mở cặp học sinh để kiểm tra. Hình
phạt nặng nhất đối với học sinh là gửi chúng lên phòng
giám hiệu. Ngoài ra, quyền tự do ngôn luận của học sinh cũng
được bảo vệ.

<b>Không tạo áp lực với học sinh</b>

Tại trường học Phần Lan, học sinh gọi tên thầy cô một
cách thân mật. Không khí thoải mái và giờ giấc cũng không
khắt khe mấy. Một ngày học bắt đầu vào 8 giờ sáng và kết
thúc vào giữa trưa đối với học sinh nhỏ. Học sinh lớn hơn
thì kết thúc từ 2 đến 4 giờ chiều. Và vì mùa đông quá
khắc nghiệt, học sinh Phần Lan có 10 đến 11 tuần nghỉ hè và
cũng ngần ấy ngày nghỉ được cộng thêm trong suốt năm học.
Trường học Phần Lan không cổ vũ việc thi đua. Trong vài năm
học đầu, học sinh không được cho điểm và cũng không có
kỳ thi tổng kết cuối năm. "Tự chúng quyết định có nên
làm bài tập hay không," cô giáo Zakik nói. Chuyên gia giáo dục
Mikko Myllykoski nói rằng những quốc gia khác quan trọng hoá quá
về thi cử. "Bí mật ở đây là sự tự do." Nhưng cuối
cùng vẫn tính đến kết quả.

Tất cả các học sinh đều học theo một chương trình như nhau
từ 7 đến 16 tuổi. Và hầu như không có ai bị ở lại lớp.
Học sinh nào liên tục gặp khó khăn sẽ được một phụ tá
đặc biệt giúp hiểu bài từng bước một hoặc tham gia vào
nhóm học ngoài giờ. Vì thế ở Phần Lan hầu như không bao
giờ nghe đến chuyện học sinh bị lưu bang, và 93% học sinh
hoàn tất thành công những bộ môn bắt buộc so với chỉ 80%
tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh
tế.

Điều thú vị là so với các quốc gia khác, tại Phần Lan hoàn
cảnh kinh tế xã hội của học sinh ảnh hưởng rất ít đến
học lực. Các trường nào đón nhận học sinh nhập cư sẽ
được cấp thêm ngân sách để dạy tiếng Phần Lan như ngôn
ngữ thứ hai. "Hệ thống trường học Phần Lan là trụ cột
của khuôn mẫu xã hội Bắc u, trong đó mọi người đều có
những cơ hội như nhau, bất kể họ sinh ra ở đâu,"
Kumpulainen nói.

Các chuyên gia nói rằng vì thế các học sinh vẫn giữ được
đặc tính cá nhân của mình, và những ngân khoản đặc biệt
được dành cho các trường nào tìm ra được những dự án mang
tính sáng tạo. "Học sinh được khuyến khích để phát triển
kỹ năng riêng của mình thay vì đơn giản là chỉ thu thập
kiến thức," Kumpalainen nói thêm.

Mọi thứ đều được chính phủ tài trợ: văn phòng phẩm, nhà
ăn, chuyên chở, y tế, các lớp phụ trợ. Nhưng chỉ tài chính
không thôi cũng không giải thích được sự thành công trên,
các chuyên gia nói. Hàng năm Phần Lan chi 9.248 Mỹ kim cho mỗi
học sinh, ít hơn chi phí trung bình của những nước thành viên
Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế ($9.625) và thấp hơn
nhiều so với Hoa Kỳ ($12.970) và Thụy Sĩ ($16.170).

Ngay cả công đoàn giáo viên cũng chẳng có gì đề phàn nàn.
"Đã lâu rồi chúng tôi không đấu tranh đòi hỏi điều
gì," giáo viên Ritva Semi. Hoà bình ngự trị giữa Bộ Giáo
dục và công đoàn trong đó 96% giáo viên tham gia, bà ta bổ sung
với một nụ cười.

Semi, một phụ nữ thấp bé đeo kính cân, người từng tham gia
vào tất cả các cuộc tranh đấu đòi cải cách trong những năm
70, dẫn đến việc thành lập hệ thống trường học hiện
này. Bà không ngần ngại ca ngợi các trường học.

"Phần Lan không có kim cương, dầu mỏ, than đá. Vì thế các
chính trị gia quyết định rằng chúng tôi phải đầu tư vào
vốn con người. Và từ đấy khái niệm giáo dục miễn phí cho
mọi người đã ra đời. Sau đó, phe cánh Hữu muốn thiết lập
một kỳ thi quốc gia và tư hữu hoá trường học. Khi kết quả
kỳ thi đầu tiên được công bố vào năm 2001, các dự án này
đều bị đình chỉ, và ngày nay thậm chí các chính trị gia
bảo thủ nhất cũng không muốn nhớ đến rằng họ từng phản
đối hệ thống giáo dục hiện tại.

Tuy thế, cậu bé chín tuổi Parus vẫn lạnh lùng trước những
tán dương quốc tế trên: "Đi học? Tôi thích đá banh và chơi
bóng chày hơn." Trong một quốc gia đứng hàng đầu này - cũng
như mọi nơi khác - dường như chẳng học sinh nào thật sự
thích đi học.







***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130829/celine-zund-von-con-nguoi-bi-quyet-thanh-cong-cua-giao-duc-phan-lan),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét