Xích Tử - Xã hội học vắn tắt về một nền giáo dục tật nguyền

<em>19/8/2011, kỷ niệm 66 năm ngày Cách mạng tháng Tám.</em>

Tiền phong (online) đăng một tin về giáo dục với tít báo <a
href="http://www.tienphong.vn/Khoa-Giao/Giao-Duc/549087/Chua-dong-tien-chua-vao-lop-tpp.html">"Chưa
đóng tiền, chưa vào lớp"</a>. Bài báo nói về một gia đình
nghèo ở Cà Mau, vợ là công nhân của một hãng tư nhân lương
800.000đồng/tháng, chồng phụ hồ, vào năm học mới nhận
được thông báo thu tiền của đứa con lớn học Trung học cơ
sở với mức 914.000 đồng, đứa nhỏ học tiểu học với mức
510.000 đồng. Một trường hợp khác, có con học tiểu học, khi
đến trường xin khất nợ cho con học trước thì được hiệu
trưởng trả lời <em>"Chừng nào có tiền đóng thì vô, không
cho học trước"</em>.

Vài hôm trước, VnExpress lại có bài của Trí Tín về những gia
đình nghèo, chủ yếu là nông dân ở Quảng Ngãi <a
href="http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2011/08/triu-ganh-nang-truoc-nguong-cua-dai-hoc/">"Trĩu
gánh nặng trước ngưỡng cửa đại học"</a>.

Đó là những tín hiệu biểu trưng cho một nền giáo dục
định hướng xã hội chủ nghĩa, sau mấy mươi năm vốn là
giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nó gợi lên những nghiên cứu
lớn, những phân tích sâu từ góc độ xã hội học đối với
thiết chế xã hội này trong hoàn cảnh đương đại của Việt
Nam.

Chủ nghĩa Marx vốn xem giáo dục trong các xã hội có giai cấp
là môi trường xã hội hoá con người hết sức quan trọng, là
con đường chủ yếu để hình thành <em>"tổng hoà các quan
hệ xã hội"</em> của nhân cách; nhà trường là tổ chức tái
tạo hệ tư tưởng thống trị thông qua việc cung cấp cho con
người hệ thống giá trị, chuẩn mực, các tri thức được
chọn lọc, phân bổ theo hướng có lợi cho những nhóm đặc
quyền thuộc giai cấp thống trị, là cái lò tạo ra nguồn nhân
lực phục vụ cho các mục đích kinh tế, văn hoá, xã hội khác
nhau trong cấu trúc xã hội có bản chất bị chi phối bởi giai
cấp thống trị.

Những luận điểm khái quát, có phần khiên cưỡng và đã bị
loại bỏ tất cả những ngoại lệ đó đã được áp dụng
một cách cụ thể vào Việt Nam sau 1945.

Trong giai đoạn 1945 đến 1954, với những phương châm dân tộc,
khoa học, đại chúng được đề ra trong Đề cương văn hoá
Việt Nam trước đó, nền giáo dục kháng chiến trong khu vực
thuộc Việt Minh quản lý, tuy có kế thừa một số nội dung
của giáo dục thời Pháp thuộc song đã được <em>"cách mạng
hoá"</em> thể hiện thông qua việc quốc hữu hoá một cách cơ
bản tất cả các cơ sở giáo dục tập trung. Chương trình,
sách giáo khoa, ngôn ngữ giảng dạy được quản lý một cách
tập trung cùng với thời gian khung giáo dục phổ thông được
rút xuống 9 năm. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế thời ấy,
tầng lớp được thụ hưởng toàn bộ nền giáo dục phổ
thông và tiền đại học vào cuối cuộc kháng chiến vẫn là
khá giả (từ trung nông trở lên ở nông thôn và số thị dân
sơ tán ra vùng kháng chiến hoặc tham gia kháng chiến).


Sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 với cả miền Nam, nền giáo
dục Việt Nam được tổ chức, quản lý và vận hành hoàn toàn
theo các đặc trưng bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa
(dù vẫn là thời kỳ "quá độ"). Đó là nền giáo dục vô
sản hoá, do đảng lãnh đạo và nhà nước quản lý tập trung.
Xuất phát từ qui luật marxist nói trên, nhà nước quốc hữu
hoá, công lập hoá toàn bộ các cơ sở giáo dục tập trung và
xoá bỏ luôn kiểu giáo dục gia đình – tự học hoặc lớp
học riêng lẻ kiểu các ông giáo làng, các lớp học của tôn
giáo và của các tổ chức xã hội dân sự. Nội dung giáo dục
được thiết kế theo sự lãnh đạo của đảng thông qua tổ
chức tuyên huấn, tuyên giáo, văn hoá tư tưởng. Trong các bộ
phận của mục tiêu chủ yếu của giáo dục là đức, trí,
thể, mỹ, trừ "thể" là phần tác động vào những yếu
tố vật lý – sinh học của học sinh, các bộ phận còn lại
đều khuôn theo quan điểm thống trị của đảng. Lịch sử
phải tập trung vào các sử liệu, nhân vật chống xâm lược,
chống chế độ phong kiến, nhất là triều Nguyễn; đề cao
phần lịch sử kể công trạng của đảng từ sau 1930. Tác
phẩm văn chương và các nhà văn phải lực chọn cũng theo
hướng ấy, cân nhắc rất kỹ giữa giá trị tác phẩm và lý
lịch nhà văn. Ngay cả khoa học tự nhiên cũng phải theo cách
ấy, dù "khách quan" hơn; các nhà khoa học phần lớn được
trình bày về mặt tiểu sử như những người nghèo khổ, có
phản kháng chống lại bọn thống trị, chống tôn giáo, chống
chế độ phong kiến – tư bản, gần gũi với người nghèo, có
cảm tình với cách mạng, với các phong trào cánh tả v.v…Sự
độc quyền đó cũng được áp dụng cho quá trình cải cách,
đổi mới giáo dục sau 1979 với việc thêm vào các nội dung lao
(động), kỹ (thuật tổng hợp), (hướng) nghiệp, (dạy) nghề,
dân (số), sức (khoẻ), môi (trường), ma (tuý), giao (thông),
pháp (luật), HIV/AIDS …để tạo nên sự quá tải cho chương
trình hiện nay. Suy cho cùng, đó vẫn là sự can thiệp của các
cơ cấu quyền lực vào nội dung giáo dục để tái tạo hệ tư
tưởng thống trị và hình thành nhân cách theo mô hình của tư
tưởng thống trị.

Về hệ thống quản lý giáo dục, đó vẫn là sự tập trung cao
độ xuất phát từ cơ quan đầu não cao nhất là Bộ giáo dục
ở trung ương và 2 cấp trực thuộc dưới (tỉnh và huyện).
Kế hoạch các hoạt động dạy học và giáo dục của hệ
thống trường từ mầm non đến đại học rập một khuôn, từ
thời khoá biểu hàng tuần đến thi cử, nghỉ hè, tết. Chương
trình, sách giáo khoa, nội dung ôn thi đều thống nhất cả
nước. Mức độ tập trung cao đến mức như có người nói,
ngồi ở cơ quan Bộ, một chuyên viên có thể biết môn tiếng
Việt lớp X năm học Y tại trường Z tuần N sẽ học bài nào.

Bù lại, do nắm được toàn bộ các lực lượng kinh tế nên
nhà nước cũng bao cấp hết cho giáo dục. Ở nông thôn, các
hợp tác xã nông nghiệp có nhà giữ trẻ với những xã viên
được phân công để buộc dây vào nôi ru ngủ cho hàng chục
cháu cùng một lúc, giải phóng sức lao động cho sản phụ nông
dân (chỉ cần sữa mẹ 4 tháng là đủ chứ không phú quí như
bây giờ, bú cho đến khi hết sữa mẹ). Từ tiểu học đến
đại học, và cả sau đại học, người học không phải đóng
học phí, lại được cấp học bổng. Theo cách ấy, trừ một
số hạn chế do chính sách tuyển sinh đối với con em của
những người tham gia chế độ cũ và một số đặc quyền
đặc lợi hoặc ưu tiên theo khu vực sinh sống, lý lịch xuất
thân, về lý thuyết, mọi người còn lại đều được thụ
hưởng giáo dục một cách công bằng; mức độ thụ hưởng
tuỳ nguyện vọng cá nhân hoặc năng lực học tập. Sự công
bằng có kiểm soát và tương đối đó được đánh đổi bằng
việc hy sinh quyền tư hữu cùng các quyền kinh tế khác và toàn
bộ những quyền tự do cá nhân của quảng đại công dân.

Sau 1986, cùng với "đổi mới" chung, giáo dục cũng được
lãnh đạo đổi mới hoặc tự đổi mới. Công cuộc đó biểu
hiện qua việc tiếp thu, hội nhập quốc tế những triết lý,
nội dung, mô hình tổ chức và cách quản lý, vận hành của
một số nền giáo dục tư bản. Quá trình ấy có thể được
tạo nên bởi nhu cầu tự thân, nội tại của nền giáo dục
và cấu trúc kinh tế - xã hội của đất nước, và thường
cũng có thể do những điều kiện đặt ra trong các hiệp định
viện trợ, vay vốn từ các tổ chức tài chính khu vực và thế
giới. Nền giáo dục nhờ đó giảm được phi tập trung trong
tổ chức bộ máy và hệ thống quản lý; tuy nhiên, đảng vẫn
lãnh đạo toàn diện nền giáo dục.

Sự thay đổi hệ thống quản lý, mô hình tổ chức theo hướng
giảm tập trung đó gắn liền với một quá trình hết sức khó
hiểu và nhập nhèm về học thuật, đồng thời cũng là mở
đầu cho sự sa đoạ trong giáo dục, đó là xã hội hoá giáo
dục.

Trước hết, những người trong giới giáo dục có quan tâm
đều thuộc lòng giáo trình Giáo dục học Marxist rằng giáo
dục là một hoạt động xã hội; nhà trường là thiết chế
xã hội. Mọi sinh viên đại học, cao đẳng ở những ngành
học liên quan đều được cung cấp ngay từ đầu khoá luận
điểm đó. Vậy tại sao lại xã hội hoá một hiện tượng có
bản chất xã hội ? Hay qua mấy chục năm lãnh đạo, đảng đã
làm cho giáo dục mất đi bản chất này? Sau rất nhiều tranh
luận, thảo luận, cuối cùng người ta tạm chấp nhận đó là
cách nói lỡ lời, bởi không có cách diễn đạt nào khác. Còn
nội dung của <em>"xã hội hoá"</em> tạm chấp nhận với 2
nghĩa chính:

1/ Toàn hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội (trong đó có
phụ huynh) cùng quan tâm đến giáo dục, và

2/ Huy động các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước
ngoài tham gia đầu tư mở các cơ sở giáo dục (vì nhà nước
không còn kham nổi).

Nghĩa thứ nhất thì đương nhiên rồi; đó là quá trình bình
thường của mọi thời kỳ giáo dục; chỉ khác và mới là vì
trước đó, đảng và nhà nước, dù không công khai nhưng đã
tước mất sự tham gia của gia đình vào giáo dục con cái; tất
cả đã có nhà trường. Giáo dục gia đình, sự tác động của
dòng họ, xóm làng, của tôn giáo… đến quá trình hình thành
nhân cách được xem như cản ngại cho mô hình con người mới
xã hội chủ nghĩa . Nhưng với nghĩa thứ hai, đó lại là
chuyện mới (thực ra là cũ, được phục hồi). Cho rằng mới
vì nó ngược lại với mô hình giáo dục xã hội chủ nghĩa,
cả mục tiêu, phương thức, sự đầu tư và quản lý nền giáo
dục.

Song chính từ cái "mới" ở nghĩa thứ hai của "xã hội
hoá", nền giáo dục được "bung" ra. Bên cạnh hệ thống
công lập quốc hữu, xuất hiện các cơ sở giáo dục dân lập
(mặc dù cái gì cũng của dân, do dân, vì dân), tư thục, bán
công, và cho đến nay, cả các cơ sở giáo dục tư nhân do tư
bản giáo dục nước ngoài mở.

Đảng, thông qua nhà nước, vẫn lãnh đạo giáo dục bằng
chính sách, luật lệ. Chương trình, sách giáo khoa, giáo trình,
kế hoạch dạy học và đào tạo, thi cử (cả tài liệu hướng
dẫn ôn thi), in phôi bằng và cấp bằng, hồ sơ tuyển sinh,
giấy thi, … vẫn do nhà nước quản lý và trực tiếp thực
hiện. Trong nội dung giáo dục bậc đại học, ngoài chương
trình khung bắt buộc, đảng, nhà nước kiên trì chiếm lĩnh
phần giáo dục chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng,
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục quốc phòng.

Về chính sách, đảng và nhà nước chủ trương không thương
mại hoá, thị trường hoá giáo dục. Song đó chỉ là chủ
trương lý thuyết. Trên thực tế, xét cho cùng, đảng và nhà
nước đã mượn sự đầu tư từ tư bản, theo phương thức
thị trường phần vật chất phương tiện của giáo dục,
được bù lại bằng cách cho thu học phí để thực hiện
<em>"sự tái tạo hệ tư tưởng thống trị và con người theo
mô hình của tư tưởng thống trị"</em>. Chính từ việc
mượn khéo đó mà đã nãy sinh không biết bao nhiêu hệ luỵ
về chất lượng giáo dục, đạo đức trong giáo dục và những
quá trình xã hội học giáo dục tiêu cực khác.

Các nhà đầu tư cho lĩnh vực này rất hiểu bản chất của
quá trình đó. Họ không cần phải đấu tranh cho việc thay
đổi chương trình; cố chấp hành thật tốt yêu cầu tập trung
này để tồn tại an toàn và lấy đó làm bàn đạp để có
nhiều học sinh sinh viên, đối tượng tạo nên lợi nhuận cho
cơ sở giáo dục. Khi họ đòi hỏi nhà trường độc lập, tự
quản hay tự trị không phải là để cho sản phẩm đào tạo
tốt hơn mà chính là để có điều kiện rộng hơn cho việc
tuyển sinh, tự định mức thu học phí.

Hậu quả xã hội của những điều vắn tắt nói trên là cơ
hội học tập ngay ở trong nước của con em thuộc các tầng
lớp nghèo, các khu vực khó khăn, dù đã có một số ưu tiên,
nhưng sẽ khó tiếp cận hơn nhiều so với trước. Cái vòng
lẩn quẩn của nghèo khổ, không đủ điều kiện cho con theo
học hết chương trình phổ thông, không có tiền để cải
thiện chất lượng học tập (nói gọn là học thêm) để con em
vào đại học, bị bật ra khỏi các cơ hội học tập lên cao,
vào đời sớm để rồi tiếp tục nghèo khổ là viễn cảnh
dự báo cho các tầng lớp này trong suốt thời kỳ quá độ
tiến lên chủ nghĩa xã hội theo cơ chế thị trường. Với cái
vòng ấy, ngay cả như ông chủ tịch các trường đại học
ngoài công lập, vốn là Bộ trưởng giáo dục thời bao cấp,
khi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hạ điểm sàng để
con em nông thôn được vào đại học thì cũng chỉ làm cho mủi
lòng thêm cho những người này vì có vào được đại học thì
họ cũng phải đóng học phí cao hơn những trường công lập
và hơn nữa, lấy đâu ra tiền để mà đóng như chuyện của
những gia đình trong bài báo <a
href="http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2011/08/triu-ganh-nang-truoc-nguong-cua-dai-hoc/">"Trĩu
gánh nặng trước ngưỡng cửa đại học"</a>. của tác giả
Trí Tín nói trên.

<strong>Xích Tử </strong>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9696), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét