href="http://danluan.org/node/2693">Đổi mới Đảng tránh nguy cơ
sụp đổ</a>, tôi có trích lời nhà văn Stephan Zweig: "<em>Luôn
có những con chim báo bão, sứ giả của trí tuệ, đi trước
những tai họa lớn bằng sự bay của mình</em>" (Triết gia F.
Nietsche dự báo Thế chiến 2 trước 15 năm). Cùng thời gian đó,
ông Nguyễn Trần Bạt, tác giả quyển Đối thoại với Tương
lai đã phát biểu rõ ràng hơn: "<em>Tôi cho rằng món nợ của
những nhà cầm quyền ở Việt Nam đối với dân tộc này chính
là dân chủ hóa xã hội… Nếu việc ấy không được thực
hiện bởi họ thì dân tộc chúng ta sẽ đối mặt với một
cuộc cách mạng xã hội</em>" (NXB HNV, 2010, trang 923). Tuy vậy,
đã có một người cảnh báo sớm hơn 15 năm, đó là cụ Võ
văn Kiệt, cho rằng Đảng "<em>cần giương cao hai ngọn cờ
dân tộc và dân chủ</em>" để sớm thực hiện dân giàu
nước mạnh, giảm sự tụt hậu so với các nước trong vùng,
nếu chậm trễ "<em>bỏ lỡ cơ hội này, sẽ là thảm họa cho
đất nước, Đảng ta sẽ đứng trước nguy cơ bị tước
quyền lãnh đạo - chỉ vì không đáp ứng được đòi hỏi
phát triển của đất nước</em>" (Thư gửi Bộ chính trị
ngày 9-8-1995).
Từ đó cho đến nay, nguy cơ đối với Đảng và chế độ
không giảm đi mà mỗi ngày một tăng lên. Hiện nay độc lập
dân tộc đang đứng trước sự đe dọa của ngoại bang còn nguy
hiểm hơn những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám. Bởi vì giặc
ngoại xâm ngày nay được nối giáo bởi giặc nội xâm, lại
ngụy trang bằng mặt nạ đồng chí. Vận mệnh của Đảng bao
giờ cũng phải gắn liền với vận mệnh dân tộc, nhưng đang
bị ảo giác xui khiến, cố bấu víu vào đồng minh ý thức
hệ!
Xin nêu ra 3 vấn đề bức xúc nhất:
<h2>1. Chủ nghĩa yêu nước bị thách thức nghiêm trọng</h2>
Đảng Cộng sản Việt Nam từ 5000 đảng viên đã lãnh đạo
Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa hai cuộc kháng chiến 30
năm đến thắng lợi là nhờ khơi dậy được lòng yêu nước
của toàn dân. Nhờ đó mà tuy rằng Đảng đã phạm không ít
khuyết điểm rất nghiêm trọng, song vẫn được nhân dân thể
tất, chờ đợi sửa sai và hy vọng đổi mới.
Điểm yếu có tính chiến lược của Đảng là gắn kết quan
hệ đồng chí, đồng minh với một đảng, một nhà nước đã
xâm chiếm lãnh thổ của nước ta, lại ngang nhiên tuyên bố
lên án ta xâm chiếm trái phép biển đảo của họ. Những sơ
suất ngày xưa do cả tin, do bị ru ngủ bởi ý thức hệ, hoặc
do phải nín nhịn vì hoàn cảnh chiến tranh cũng đáng chê
trách, nhưng nhân dân vẫn có thể hiểu được và rộng lòng
tha thứ. Tuy nhiên sự việc không dừng lại, cứ mỗi ngày qua
họa lệ thuộc, mối đe dọa mất nước lại hiện rõ hơn và
những dấu hiệu mềm yếu, phe cánh với kẻ thù, gây nghi ngờ
cứ lặp đi, lặp lại, khiến niềm tin trong lòng dân đối với
Đảng cứ bị bào mòn từng ngày.
Không thể thực tâm với "16 chữ vàng" và "4 tốt" mà
Trung Quốc lại kiên quyết từ chối bàn bạc với Việt Nam về
quần đảo Hoàng Sa họ đã xâm chiếm trái phép. Nhân dân Việt
Nam chăm chú xem Đảng và Nhà nước mình làm gì để đòi lại
Hoàng Sa, rất đau lòng khi nghe có ý kiến cho rằng đây là
chuyện còn phải tiếp tục tới đời con đời cháu!
Nếu thực sự coi nhau là đồng chí, đồng minh thì khi không
thỏa thuận được, cũng nên thẳng thắn bàn chuyện cùng đưa
ra tòa án Quốc tế để tìm sự khách quan, công bằng chứ?
Cách phản ứng của chúng ta, phần lớn là của người phát
ngôn Bộ ngoại giao, nói như lấy lệ. Mới đây, Trung Quốc
hợp tác với Pháp tổ chức khảo sát vùng biển từ Hoàng Sa
đến Trường Sa hơn một tháng rưỡi, từ 13-6 đến 30 -7- 2011.
Phía ta hoàn toàn im lặng! Thấy ta im lặng, chúng nắm được
thóp, đã không thèm im lặng nữa mà hô toáng lên cho toàn thế
giới biết. Ngày 2-8 Tân Hoa xã dõng dạc phát tin! Vậy mà phải
mất đến 6 ngày sau, người phát ngôn Việt Nam mới yếu ớt
lên tiếng bằng hình thức trả lời báo chí, sau đó các báo
đều đăng tin ở trang trong! Chúng ta lúng túng vì có Pháp?
Đứng sau Pháp là EU và Mỹ, vậy phải làm gì để giữ EU và
Mỹ về phía mình trong "ván cờ" Biển Đông của Trung
Quốc"? Nếu như tình trạng dân chủ, nhân quyền của ta không
khả quan hơn Trung Quốc thì các nước đó sẽ cân nhắc, chọn
phía nào cho họ nhiều lợi ích hơn! Bởi vì khi phải hợp tác,
giúp đỡ một quốc gia thiếu dân chủ, họ còn phải chống
đỡ sự chất vấn của nhân dân họ.
Trong khi Trung Quốc không ngừng hăm he, đe nẹt Việt Nam thì
chúng ta lại cố sức chiều ý chúng một cách khó hiểu: Bất
chấp ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết liên tục 3
lá thư, bất chấp kiến nghị của hàng ngàn công dân gồm có
nhiều đảng viên trung cao cấp, lão thành cách mạng, trí thức
và đồng bào trong ngoài nước can ngăn hợp tác với Trung Quốc
khai thác bauxite Tây Nguyên, để cho Trung Quốc đặt chân vào
một vị trí chiến lược xung yếu; có thể gây ra thảm họa
môi trường ảnh hưởng cuộc sống của hơn 20 triệu đồng
bào; và cuối cùng là nó không đem lại hiệu quả kinh tế.
Suốt mấy tháng nay lại thêm chuyện nhân dân hai tỉnh Lâm
Đồng và Đồng Nai bức xúc kêu cứu vì xe chở bauxite sẽ phá
nát đường sá, nguy cơ gây ra rất nhiều tai nạn giao thông!
Lòng dân càng bức xúc, tại sao cho Trung Quốc thuê hàng ngàn
hecta đất "trồng rừng" thời gian 50 năm với giá rẻ mạt?
Những vùng này là phên dậu quốc gia, từ Lạng Sơn, Quảng
Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, đến Quảng Nam… Từ đây, người dân
Việt Nam không được phép bén mảng tới đó! Rồi vì sao 90%
các công trình công nghiệp đều rơi vào tay nhà thầu Trung
Quốc, hàng chục vạn lao động cơ bắp của Trung Quốc theo
chân các công trình do họ trúng thầu rải từ Bắc vào Nam mà
không có biện pháp ngăn chặn? Chỉ riêng khu khí điện đạm
ở Cà Mau đã có 1056 lao động Trung Quốc, phần lớn không có
tay nghề!
Trong khi chưa đủ thời cơ dùng biện pháp quân sự xâm chiếm
nước ta, Trung Quốc tận dụng sức mạnh mềm để biến nước
ta thành chư hầu, thuộc địa kiểu mới. Chúng có ý thức rất
rõ việc gây chia rẽ giữa nhân dân ta với Đảng và nhà
nước, vì biết đó chính là nguồn sức mạnh quan trọng bậc
nhất trước họa ngoại xâm. Cuộc biểu tình của nhân dân
chống Trung Quốc xâm lược năm 2007, bị đàn áp đã gây rạn
nứt lớn đầu tiên giữa dân với Đảng, nhà nước. Một số
người tham gia biểu tình ngày đó đã phải bỏ nước xin tị
nạn ở nước ngoài. Từ tháng 6-2011 đến nay, cách đối phó
của các tổ chức Đảng, chính quyền, lực lượng cảnh sát
ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đối với các cuộc biểu
tình yêu nước gồm nhiều đảng viên, cán bộ, trí thức hàng
đầu, đã phô bày trước mắt nhân dân Việt Nam và cả thế
giới những hình ảnh phản cảm rất tệ hại! Nhân dân yêu
nước bị nện dùi cui, bị kéo lê, ném lên xe như súc vật. Có
người còn vu họ là bọn móc túi. Đỉnh cao gây ra phẫn nộ
là vụ đảng viên Nguyễn Chí Đức bị một sĩ quan an ninh
đạp vào mặt.
Tại sao quyền biểu tình được Hiến pháp ghi nhận, được
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ban hành đã hơn 60 năm,
nhưng người dân vẫn không được hưởng? Cách hành xử như
vừa qua đang đặt Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam
từng ngày đối lập với chủ nghĩa yêu nước, với lòng dân.
Đảng đang tự tước bỏ nguồn sức mạnh vô địch mà các
bậc tiền bối của Đảng đã vùi xương ở Côn Đảo, Phú
Quốc và các cuộc đấu tranh ngót một thế kỷ mới có
được!
Tình trạng trên đây chính là nguy cơ lớn nhất đang đe dọa
nền độc lập dân tộc thành quả của Cách mạng Tháng Tám!
<h2>2. Đẩy nhân dân về phía thù địch</h2>
Tất cả Nghị quyết Đại hội và Hội nghị Trung ương Đảng
đều nhắc đến "mở rộng dân chủ", nhưng những điều
cốt lõi, gốc rể của dân chủ tới hôm nay vẫn còn xa vời.
Mong muốn của Hồ Chí Minh chưa bao giờ thành hiện thực:
"Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính
phủ"; "Dân chủ là để cho dân được mở mồm ra nói".
Dân chủ chính là lý tưởng cao cả của Cách mạng Tháng Tám,
thể hiện ở Tuyên ngôn Độc lập với những nội dung về
quyền tự do, bình đẳng, quyền sống và mưu cầu hạnh phúc,
đã được thể chế hóa bằng Hiến pháp 1946. Các quyền tự
do, dân chủ, đã bị biến dạng sau khi các bản Hiến pháp sửa
đổi có gắn thêm mấy chữ "theo pháp luật". Pháp luật vi
hiến mà không có tòa án Hiến pháp để ngăn chặn. Từ Đại
hội Đảng lần thứ 4, "dân chủ" đã bị thay thế bằng
"làm chủ tập thể". Các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền
đều phải được hiểu là cho cả toàn dân, cho từng giai cấp,
từng giới, chứ không phải cho từng người. Khủng hoảng kinh
tế, xã hội bắt đầu từ việc thi hành Nghị quyết Đại
hội 4 khiến cho Đảng, nhà nước và toàn dân tộc lao đao
suốt những năm cuối thập niên 70, đầu 80 của thế kỷ
trước!
Đổi mới đã đem lại dân chủ cho nhân dân trong làm ăn, các
hoạt động kinh tế. Từ nay, từng người dân được quyền
tự do làm ăn, được quyền bỏ vốn ra kinh doanh. Những ông
"vua lốp" được ra tù và được đề cao (Nhân dân gọi ông
Nguyễn văn Chẩn là "vua lốp", vì ông có sáng kiến dùng
lốp xe cũ làm dép lốp, dùng ni lông phế thải chế tạo bút
máy, đắp lốp xe mòn thành lốp gần như mới. Do đó ông phải
3 lần vào tù và bị tịch biên gia sản). Kinh tế đất nước
khởi sắc, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài lạc quan dự báo
Việt Nam sắp hóa hổ, hóa rồng. Tuy nhiên, sau hai thập kỷ
đến nay tình hình kinh tế xã hôi không tiếp tục sáng sủa mà
đang lâm vào khủng hoảng toàn diện. Nguyên nhân chính là vì
dân chủ, tự do về chính trị và dân sự chưa được đến
với mỗi người tương xứng với dân chủ về kinh tế. Tình
hình xã hội nổi lên 3 vấn đề lớn:
<span class="underlined-text">Một là</span>, giai cấp công nhân đã
có hàng ngàn cuộc đình công, có những cuộc huy động gần
20.000 người, bị cho là bất hợp pháp vì không cuộc đình
công nào do Công đoàn chỉ đạo theo quy định của pháp luật.
Sáu tháng đầu năm nay, khắp nước số đình công đều tăng,
tỉnh Bình Dương 150 vụ, 80.000 công nhân, tăng 50% so với cùng
kỳ năm 2010; TP HCM có 132 vụ, 72.000 công nhân, tăng 120% so với
cùng kỳ năm 2010. Ông Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cho
rằng "vì tổ chức Công đoàn rất yếu kém không bảo vệ
được quyền lợi công nhân". Đó là tình trạng chung của
Công đoàn cả nước hiện nay, nguyên nhân là vì giai cấp công
nhân chưa có quyền dân chủ chọn ra đúng người đại diện
của mình.
<span class="underlined-text">Hai là</span>, nông dân bị mất đất
đi khiếu kiện vượt cấp hàng chục năm không được giải
quyết. Có hơn 70% các vụ khiếu kiện vượt cấp kéo dài liên
miên là khiếu kiện của nông dân mất đất, đền bù với giá
rẻ mạt. Thật trớ trêu là những người trong đội quân chủ
lực của cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến, nay lại kéo
nhau đến trước cổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ để cầu cứu!
Nguyên nhân sâu xa là vì họ không có quyền dân chủ về sở
hữu đất đai, Hội Nông dân cũng không đại diện bênh vực
quyền lợi cho họ. Phần lớn các "đại gia" hiện nay là
những kẻ nhờ có thân thế, chèn ép nông dân, kinh doanh đất
đai mà phất lên chứ chẳng phải có tài năng quản trị kinh
doanh. Đã vậy khi làm ra hạt lúa, nông dân lại bị các nhà
xuất khẩu gạo chèn ép một lần nữa, nhiều khi buộc phải
bán lúa dưới giá thành. Bi kịch ấy khiến Giáo sư Võ Tòng
Xuân trong vòng 20 năm đã 2 lần đặt ra câu hỏi "Bao giờ
nông dân mới giàu?".
<span class="underlined-text">Ba là</span>, giới trí thức không có
quyền dân chủ trong các hoạt động trí tuệ của mình. Việc
nổi cộm là Viện IDS phải tự giải thể và bị buộc phải
kiểm điểm. Nhiều kiến nghị yêu nước của trí thức không
được xem xét, không ai trả lời, lại còn có xu hướng quy
chụp, nghi ngờ họ có động cơ xấu!
Một người lãnh đạo cao cấp của Đảng, ông Trần Xuân Bách
sớm phát hiện ra sự khập khiễng của đổi mới chính trị
không tương ứng với đổi mới kinh tế: Từng người đã có
tự do kinh tế, họ đang yêu cầu phải được các quyền tự do
dân sự và chính trị. Ông bị trừng phạt dù nội dung ông nêu
ra đã được ghi trong "Công ước quốc tế về các quyền dân
sự và chính trị", và đã được nhà nước ta gia nhập từ
24-9-1982, tức là trước Đổi mới đến 4 năm! Lời nói đầu
Công ước này có câu: "<em>Thừa nhận rằng theo Tuyên ngôn
nhân quyền thì chỉ có thể đạt được lý tưởng của con
người tự do, được tận hưởng tự do về dân sự và chính
trị, không bị sợ hãi và thiếu thốn nếu tạo được những
điều kiện để mỗi người có thể hưởng các quyền dân sự
và chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa
của mình</em>".
Tiếp bước ông Bách là Trung tướng Trần Độ, nguyên Ủy viên
Trung ương Đảng, nguyên Phó chính ủy miền Nam, Phó chủ tịch
Quốc hội cũng bị trừng phạt vì đòi tự do chính trị cho
nhân dân.
Vừa qua, ông Nguyễn văn An, nguyên Ủy viên Bộ chính trị,
thẳng thắn phát triển tư tưởng dân chủ chính trị đã bị
lên án.
Nếu tỉnh táo Đảng cầm quyền sẽ nhận thấy rằng từ một
Trần Xuân Bách năm 1990, ngày nay đã có hàng ngàn Trần Xuân
Bách trong Đảng và nhân dân. Xin lắng nghe những ý kiến trong
"<a href="http://danluan.org/node/7365">Biên bản Hội thảo khoa học
Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam và Trung tâm Thông tin và Dự báo
Kinh tế - xã hội quốc gia</a>" có mục đích góp ý văn kiện
Đại Hội 11. Cuộc hội thảo này gồm những người thuộc
giới tinh hoa của Đảng và chế độ, gồm hai nguyên Phó thủ
tướng là Trần Phương và Vũ Khoan, hơn 10 vị Giáo sư, Phó
giáo sư, Thứ trưởng, Viện trưởng, những nhà lý luận hàng
đầu hiện nay.
Xin trích từ biên bản:
…"<em>Nhận định về quốc tế, về các nước xã hội chủ
nghĩa đều sai</em>".
…"<em>Phải nhằm vào cải cách chính trị chứ không phải
chỉ kinh tế. Cải cách chính trị thành một vấn đề bức
xúc, không giải quyết thì không phát triển được</em>"…
…"<em>Phải xác định cho rõ vai trò lãnh đạo của Đảng:
Lãnh đạo ai? Ai cho anh quyền lãnh đạo? Phải nhìn thẳng vào
sự thật. Lừa được người ta chứ không lừa được thực
tiễn đâu!</em>".
…"<em>Loài người đi đến chỗ dân chủ. Nhưng thế nào là
dân chủ? Đảng quyết hết mọi thứ mà không chịu trách
nhiệm gì. Thế mới chết chứ!</em>".
…"<em>Chưa bao giờ vấn đề nghiêm trọng như bây giờ. Dân
không còn tin Đảng như trước nữa. Không ai quan tâm nữa.
Cương lĩnh đầy rẫy cái sai, cái mơ hồ. Nói xã hội chủ
nghĩa mà không biết nó là cái gì? Nhiều chuyện ta tự lừa
dối mình và lừa dối người khác</em>"…
Những điều các nhà lý luận hàng đầu nói trong cuộc hội
thảo này đã chỉ rõ nguyên nhân đẻ ra tình trạng khủng
hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục,
văn hóa, đạo đức.hiện nay.
Trong phiên tòa phúc thẩm xử Cù Huy Hà Vũ, luật sư Trần
Quốc Thuận so sánh nội dung Biên bản cuộc hội thảo do ông
Trần Phương chủ trì nói trên với các bài viết của Cù Huy
Hà Vũ là có quan điểm về tự do chính trị hoàn toàn giống
nhau. Nhưng tại sao Cù Huy Hà Vũ lại bị xử tù? Tòa hoàn toàn
không chấp nhận lời bào chữa của vị luật sư, nguyên Phó
chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Phải chăng Cù Huy Hà Vũ là
một loại "vua lốp" mới trong lĩnh vực tự do dân chủ về
chính trị, cho nên ông phải đi tù, một khi lĩnh vực này chưa
được đổi mới?
Điều cực kỳ nguy hiểm là sau phiên tòa, các cơ quan truyền
thông chính thức bắt đầu đổi giọng khác thường, đẩy
mạng Bauxite Việt Nam vào loại rác rưởi, và sau đó ít hôm
đã xếp vào loại phản động! Mạng Bauxite Việt Nam là nơi
đã đăng tải những bài viết cực kỳ quan trọng của Đại
tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Võ văn Kiệt, Phó chủ
tịch nước Nguyễn thị Bình, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh,
nhiều vị lão thành cách mạng và trí thức yêu nước nêu
những vấn đề thiết yếu để xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, đã đăng gần 10 bản kiến nghị, mỗi bản có hàng ngàn
người ký tên. Mạng Bauxite Việt Nam có hằng chục triệu
người truy cập. Gọi mạng Bauxite Việt Nam là phản động, có
nghĩa là đẩy tất cả những người có nguyện vọng dân chủ
hóa đất nước về phía thù địch? Tiếp theo, trên báo Quân
đội Nhân dân ngày 7-8-2011, một vị tướng, giáo sư còn gợi
ý phải biết dùng súng đúng lúc! Lẽ ra phải chỉ cách dùng
chiếc chìa khóa Dân chủ để mở ra khoảng trời tự do bao la
cho nhân dân thì các vị "quân sư" lại đòi tăng thêm dùi
cui và súng , để viết một trang sử máu kiểu Thiên An Môn cho
nhân dân Việt Nam! Ôi, làm sao hiểu được!
Nên biết rằng, tất cả những hành vi chống dân chủ hóa, gây
chia rẽ giữa Đảng với dân chính là phản bội lý tưởng
Cách mạng Tháng Tám, là mở cửa cho giặc Phương Bắc!
<h2>3. Giặc nội xâm nối giáo cho ngoại xâm</h2>
Đại hội 8 năm 1996 kết luận tham nhũng là một trong "4 nguy
cơ" đe dọa đất nước và uy tín của Đảng.
Mười năm sau, năm 2006, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhận
định: "<em>Tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa
sự sống còn của chế độ</em>".
Năm năm sau, 2011, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói: "<em>Chống
tham nhũng là mong mỏi rất chính đáng và tha thiết của người
dân. Nhưng cho đến hôm nay tôi tự thấy nhiệm vụ đó tôi làm
chưa xong!</em>". Trước đó một năm, ông nói với bà con Việt
kiều: "<em>Ở nước người ta muốn tiêu cực, tham nhũng cũng
khó, vì hệ thông pháp luật của họ chặt chẽ. Còn ở nước
mình thì có khi không muốn tham nhũng mà cũng động lòng
tham</em>".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì cho rằng "<em>Thể chế còn
sơ hở</em>".
Từ năm 1997 đến nay chỉ số nhận thức tham nhũng của Việt
Nam luôn luôn ở nhóm cuối bảng xếp hạng của các tổ chức
quốc tế.
Đại hội 11 nhận định với lời văn có vẻ nhẹ nhàng:
"<em>Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với
những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn,
gây bức xúc xã hội</em>". Tuy nhiên, Đại hội 11 vẫn không
đề ra một biện pháp phòng chống tham nhũng nào mới, vẫn
tiếp tục dùng những vị thuốc đã lờn với con bệnh trầm
kha và có chiều biến chứng: Nâng cao phẩm chất đạo đức
đảng viên, cán bộ; tăng cường giám sát, kiểm tra; nâng cao
hiệu quả các cơ quan chức năng; thực hiện dân chủ, tạo
điều kiện cho nhân dân giám sát, phát hiện; cải cách tiền
lương. Mới đây, có chính sách khen thưởng cho người dân dám
phát hiện tham nhũng.
Tại sao cơ quan chống tham nhũng không thấy rằng, những vụ
tham nhũng lớn chưa bao giờ do người dân phát hiện được?
Tất cả đều do mâu thuẫn nội bộ trong các cấp ủy Đảng,
họ moi ra để hạ gục đối thủ, và thường rộ lên trước
các kỳ Đại hội ở mọi cấp, mọi ngành. Bà Lê Hiền Đức,
người được Tổ chức Minh bạch quốc tế trao giải thưởng
Liêm Chính năm 2009 kể: "Ở cấp nào bọn tham nhũng cũng có ô
dù cả. Chúng bao che nhau, bảo kê cho nhau, mình không thể cựa
được. Tôi nộp cho Thanh tra nhà nước 214 hồ sơ, họ đến
nhà tôi chở đi, nhưng không thấy xử lý xong vụ nào!".
Mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố một tài liệu
nghiên cứu có tên "Liêm chính trong thanh niên Việt Nam". Họ
đã phỏng vấn 1022 thanh niên từ 15 đến 30 tuổi ở 11 tỉnh
thành, đưa ra những số liệu như sau: 32% cho rằng đưa tiền,
quà biếu cho bệnh viện để được chăm sóc tốt hơn là hành
vi không sai; 35% sẵn sàng "nới lỏng" định nghĩa về tham
nhũng, nếu điều ấy mang lại lợi ích kinh tế; 60% nói muốn
tố cáo tham nhũng, nhưng chỉ có 4 người trong số đó đã
từng tố cáo. Lý do khiến họ không tố cáo là vì "Đó không
phải là việc của tôi" và "Tố cáo cũng chẳng giải quyết
được gì"! Số đông cho rằng tham nhũng là "hiện tượng
bình thường". Kết quả nghiên cứu trên đây cho thấy ít
nhất 3 điều: Một là, chống tham nhũng bằng cách vận động
nhân dân tố cáo không thể đạt hiệu quả. Hai là, tham nhũng
đang làm ô nhiễm môi trường xã hội, các thế hệ trẻ sẽ
không còn biết quý trọng phẩm chất liên chính nữa; Ba là,
tham nhũng trở thành bình thường sẽ làm mục ruỗng hệ thống
chính trị.
Thực tế cho thấy cơ chế hiện nay không giúp các trưởng ban
chống tham nhũng "miễn dịch" đối với tham nhũng, càng
không thể cho họ khả năng chống tham nhũng ở địa bàn do
mình phụ trách. Ông Chủ tịch kiêm Trưởng ban chống tham nhũng
tỉnh Ninh Bình không thể ngăn chặn được ông Bí thư Tỉnh
ủy, Ủy viên Trung ương Đảng Đinh văn Hùng buôn bình cổ,
trống đồng có giá hằng triệu USD. Còn tăng cường giám sát,
kiểm tra? Gần 10 cuộc thanh tra vẫn không phát hiện được
Tổng giám đốc Phạm Thanh Bình cố ý làm trái và Vinashin đang
bên bờ vực phá sản!
Tham nhũng đã giúp Trung Quốc trúng thầu hầu hết các công
trình, đưa thiết bị cũ kỹ cho công nghiệp Việt Nam. Tham
nhũng làm cho đầu tư không hiệu quả, chỉ số ICOR của Việt
Nam cao nhất khu vực, lạm phát đứng thứ 2 thế giới, thứ
nhất châu Á, biến một Đảng cách mạng thành một Đảng tham
nhũng!
Chẳng lẽ lời cảnh báo của nguyên Tổng bí thư Nông Đức
Mạnh sẽ phải trở thành định mệnh của Đảng và chế độ
này?
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm đã dũng cảm và trung thực khi viết
rằng: "Với thực tế nảy sinh tràn lan và kéo dài ngày càng
nghiêm trọng tệ tham nhũng, cửa quyền, quan liêu và lãng phí
hiện nay trong hệ thống chính trị và xã hội, ta càng thấy
thiếu sót lớn trong một cơ chế thiếu giám sát và kiềm chế
quyền lực tệ hại như thế nào. Đó là lỗ hổng và yếu kém
nhất trong hệ thống tam quyền của nhà nước, phải được
khắc phục sớm bằng cả nhận thức và thể chế". Tiếc thay
ý kiến của ông từ năm 2009, không được Bộ Chính trị của
Đảng chú trọng. Hội đồng lý luận, Ban soạn thảo văn kiện
Đại hội 11 không hề nhắc tới, có lẽ vì sợ không đúng
với pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hoặc có gì đe dọa đến
quyền lãnh đạo của Đảng chăng?
Mới đây một cán bộ tuyên huấn khi đến giảng Nghị quyết
Đại hội 11 cho cán bộ, đảng viên ở quận 7 TP HCM, đã giải
thích: "Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh
đạo… Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công
phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện
các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp". Giảng viên giải
thích: "Đã là quyền lực của nhân dân thì tất nhiên là
phải thống nhất, chứ sao lại có thể chia cắt, có thể phân
lập được?". Thật là ngô nghê, không hiểu rằng, Nhà nước
là công cụ của nhân dân, nhân dân hoàn toàn có quyền chia các
công cụ của mình ra thành bao nhiêu ngành, nhánh, sao cho việc
quản lý hiệu quả nhất, ít sơ hở nhất! Có ai đòi chia nhân
dân ra làm ba đâu? Hay vì sợ tam quyền phân lập sẽ làm mất
quyền lãnh đạo của Đảng?
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm cũng đã giải đáp: "Khi đường lối
của Đảng đã được cụ thể hóa thành Hiến pháp thì Hiến
pháp phải là cao nhất chứ không phải Đảng cầm quyền khi
thực thi quyền lực nhà nước!". Lại tiếc thay, ý kiến này
cũng không được lắng nghe!
Lý thuyết về phân lập ba quyền không hề cao siêu, nó được
nhân loại biết đến mấy ngàn năm trước và được hoàn
chỉnh mấy trăm năm nay, áp dụng ở hàng trăm quốc gia, nhằm
hạn chế sự lộng hành khi con người nắm quyền lực. Nếu
không thực hiện sự phân lập ba quyền thì không thể có tư
pháp độc lập, không thể có "tòa án là pháo đài của tự
do", do đó tham nhũng sẽ không hề sợ bất cứ hình thức
thanh tra, kiểm tra nào!
Từ muôn đời, giặc ngoại xâm luôn luôn tìm bọn nội xâm làm
tay sai cho chúng! Những người Việt Nam yêu nước không quá khó
nhận ra mặt mũi nhem nhuốc của chúng!
<center>* * *</center>
Ba "tử đạo" nói trên quan hệ hữu cơ với nhau, kết thành
một tổng lực tác động từng ngày vào cuộc sống và trí não
của nhân dân. Nếu không sớm ngăn chặn thì không thể tránh
khỏi điều mà nhiều người đang nói đến: Một cuộc cách
mạng dân chủ! Đó sẽ là sự đổ vỡ rất lớn của quốc
gia, một gánh nặng quá sức chịu đựng đối với nhân dân,
và là một tặng phẩm vô giá cho kẻ thù phương Bắc! Tuy
nhiên, khác với các nước Bắc Phi, Đảng và nhà nước Việt
Nam dù đã quá hoang phí uy tín của mình được vun đắp nên
từ quá khứ, cho đến nay vẫn chưa phải đã hoàn toàn cạn
kiệt. Vấn đề là đã đến lúc phải "báo động đỏ",
để không né tránh mà nhanh chóng dân chủ hóa xã hội. Đại
hội 11 đã quyết định: "Đổi mới đồng bộ, phù hợp về
kinh tế và chính trị…", tuy nhiên lại đề ra điều kiện
"theo lộ trình thích hợp". Điều đáng lo là lộ trình ấy
sẽ kéo dài tới bao lâu? Xin đừng để nước đến chân mới
nhảy!
Tôi vẫn muốn nhắc lại sự so sánh về ưu thế giữa Đảng
Cộng sản Việt Nam với Đảng nhân dân cách mạng Campuchia
(tiền thân là Đảng Cộng sản và nay là Đảng nhân dân
Campuchia). Đảng bạn đã dũng cảm đổi mới triệt để, đến
nay, sau mười năm Đảng bạn đã mạnh lên tuyệt đối. Đó là
bài học rất quý báu.
Tuy nhiên chúng ta đã có sẵn bài học của Cách mạng Tháng
Tám: Lý tưởng tự do, dân chủ sẽ khơi dậy nguồn sức mạnh
vô tận của nhân dân, chiến thắng kẻ thù dù chúng rất hung
hãn và nham hiểm, bảo vệ thành công độc lập của Tổ Quốc.
Kỷ niệm 66 năm ngày Cách mạng Tháng Tám
T.V.C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9627), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét