Đoan Trang - “Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi”

Ngày đầu thu. Nắng vàng vọt. Lòng trống rỗng.

Hai năm trước, vào những ngày này, cũng vậy. Nắng chói chang,
mây trời xanh ngăn ngắt, mà tôi chỉ thấy mệt mỏi và trống
rỗng tận cùng. Lúc ấy, tôi mới thực hiểu tâm trạng của
người viết câu thơ: "<em>Tôi bước đi không thấy phố,
không thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ</em>".

Chưa bao giờ tôi cảm nhận điều ấy rõ như thế: Thành phố
quê hương tôi, bây giờ không còn là của tôi nữa.

Thành phố quê hương tôi, nơi mà tôi thuộc từng mảnh tường
cũ gạch tróc vữa bong, từng góc phố lộn xộn hàng quán,
từng khung cửa sổ thời Pháp, từng mảng bóng cây xà cừ xanh
sẫm mỗi mùa đông để rồi sang xuân lại bừng sáng trở
lại… Thành phố mà tôi và những bạn bè "Tây An Nam" của
tôi gắn bó và nâng niu đến mức không muốn tàn hại dù chỉ
một chiếc lá, một viên gạch lát đường, vì chúng tôi luôn
cảm nhận Hà Nội và Việt Nam giống như một cơ thể đã quá
mong manh lại còn đang bị băm nát thêm.

Tình cảm ấy có lẽ khó được gọi là niềm ái quốc, mà
chúng tôi chỉ dám coi đó là sự gắn bó thôi. Chúng tôi đã
quen thuộc với vẻ đẹp, sự đáng yêu, trong trẻo, và cả
những cái chật chội, nhếch nhác của quê hương. Càng nhìn,
càng chứng kiến, càng trải nghiệm, chỉ càng thấy thương
hơn…

<center>* * *</center>

Thành phố ấy, bây giờ không còn là của tôi nữa. Nó giống
như là cõi riêng của những kẻ vô học tay đeo băng đỏ,
miệng chỉ chực phồng lên thổi còi "quen quét"; của những
nhân viên an ninh, công an, đồng phục và thường phục, ngút
ngàn tự tin; của những nhân vật mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy,
mặt trơ trán bóng, bụng tích dần lớp mỡ dày …

Trong cái cõi ấy, họ có toàn quyền làm điều gì họ thích.
Họ có thể bỏ vài chục tấm biển "cấm tụ tập đông
người" vào trong thùng xe, lượn phố, rồi thích thì thả
biển xuống vườn hoa, công viên, hồ nước, chân tượng đài
Lý Thái Tổ. Họ có thể thộp ngực, xốc nách, xách tay những
thanh niên không tấc sắt lên xe buýt, "hốt về bóp", mà
miệng vẫn leo lẻo: "<em>Đây là chúng tôi mời, không phải
bắt</em>". Trời đất ạ, trong chúng ta, có ai mời người
khác đi đâu bằng cách ấy bao giờ chưa?

Với chiếc mũ bảo hiểm to rộng mang tên "an ninh quốc gia",
họ có thể nghe điện thoại, bẫy email, bẫy chat… của bất
kỳ cá nhân, tổ chức nào họ quan tâm. Những việc ấy, ở
nước khác, để được làm còn cần phải có tòa án, viện
kiểm sát v.v. cho phép, nhưng ở cõi riêng của họ, nhiều khi
chỉ cần cái thẻ ngành là đủ.

Còn nhiều, họ có thể làm rất nhiều việc, nếu họ thích.
Thời điểm này, dường như chỉ có mỗi việc chống lạm
phát, nâng cao mức sống người dân, là họ không thèm làm
hoặc không làm được thôi.

Thành phố ấy, bây giờ không còn là của chúng tôi nữa.

<center>* * *</center>

Cái cảm giác xa lạ này đã nhiều lần đến với tôi. Lần
đầu tiên, là ngày tôi còn bé lắm, mới 5 tuổi. Tôi thường
được bố mẹ cho lên nhà ông bà chơi – một căn nhà áp mái
ở phố cổ, nhỏ xíu, nóng như điên như dại, có khung cửa
sổ tròn màu xanh rất cổ kính, rất đẹp, và rất không ăn
nhập với bức tường lở loét, gian buồng chật đến không
thể chật hơn. Đó là một khung cửa sổ thời Pháp thuộc.

Lúc ấy tôi không biết rằng lẽ ra, khung cửa sổ ấy là của
một ngôi nhà kiểu Pháp rất bề thế. Hòa bình lập lại, ngôi
nhà bị xé nhỏ, ông bà tôi được ở phòng xếp mái. Toàn bộ
khuôn viên còn lại dành cho các cán bộ mới về tiếp quản.

Tôi nhớ tôi đã hăng hái đi lấy nước hộ ông bà. Xuống máy
nước, hứng đầy xô, rồi lũn cũn xách lên gác, tới khoảnh
sân chung chừng ba mét vuông trước cửa một căn buồng đóng
kín, tôi đặt phịch cái xô xuống. Nước sóng sánh tràn ra
ngoài. Cửa xịch mở và một ông lao ra. Nhìn vũng nước trên
sàn, bộ mặt ông ta nhăn nhúm lại, kèm tiếng rít lên: "Á,
con này, con này…".

Đứa bé 5 tuổi kinh hãi đứng chết sững, mặt tái dại (có
lẽ thế). May mắn thay, ông nó xuất hiện kịp thời, xin lỗi
hàng xóm và xách xô nước, dắt nó lên nhà. Sau đó nó được
người lớn bảo cho biết, ông láng giềng vốn là một cán bộ
công an tên M., nghiêm lắm, tại nó làm sánh nước ra sân chung
trước cửa nhà ông ấy nên ông ấy mắng cho là đúng rồi.
Nhưng từ ngày ấy, đứa bé cứ sợ sợ, nó tự hỏi làm sao
người hiền từ như ông bà nó lại ở gần cái ông công an ác
như con ma thế. Trẻ con mà, chúng thường nghĩ ai xung quanh cũng
phải hiền và yêu chiều chúng nó như ông bà, bố mẹ chúng
nó; người tốt dứt khoát là phải ở với người tốt.

Đứa bé đâu có biết, ngôi nhà ấy không còn là của ông bà
nó nữa từ ngày giải phóng thủ đô.

<center>* * *</center>

Bây giờ tôi đã lớn, và ông bà tôi đều đã mất từ lâu.
Ngôi nhà xưa nay càng xa lạ hơn. Thỉnh thoảng nghĩ đến ông
(như lúc này đây), tôi vẫn nhớ hình ảnh tôi ngồi trong lòng
ông – cụ giáo dạy sử, dạy toán trường Hàng Kèn – và nghe
ông thủ thỉ: "<em>Ông đố cháu ông này, triều Hậu Lê có
bao nhiêu vua?</em>". Và tôi reo lên: "<em>Cháu biết rồi,
"Đời vua Thái Tổ Thái Tông; con bế, con bồng, con dắt, con
mang", mở đầu phải là Thái Tổ nhé…</em>". "<em>Đúng
rồi, cháu ông giỏi. Thế triều Nguyễn có bao nhiêu vua?</em>".
"<em>Ưm… Gia Long này, Minh Mạng này, Thiệu Trị này…</em>".

Ông ơi, sinh thời, có bao giờ ông nghĩ, lớn lên cháu sẽ thành
một trong những phần tử "bất mãn", "chống phá", từng
bị quy kết là "xâm hại an ninh quốc gia" không, ông của
cháu? Có bao giờ ông tưởng tượng được, bạn của nó, một
thanh niên rất yêu và rất giỏi môn lịch sử, bây giờ đang
bị giam đâu đó "trong kia" vì tội tham gia biểu tình…
chống Trung Quốc gây hấn không, ông của cháu?

Anh tôi làm thơ:

<em>… Bao giờ cho đến ngày xưa,
Cháu thành thằng bé ngồi vừa lòng ông?</em>

Nhưng tôi không biết làm thơ. Tôi chỉ ao ước, giá ông bà tôi
còn sống… tôi sẽ hỏi ông bà thật nhiều về lịch sử, về
quá khứ của Việt Nam thế kỷ 20: thời Pháp thuộc, những
ngày tháng căng thẳng tiền khởi nghĩa, cách mạng mùa thu 1945,
tạm chiếm, cuộc đấu tranh thầm lặng của người dân trong
lòng thành phố, bộ đội về thủ đô, ký hiệp định hai
miền chia cắt, dòng người tản cư, tiếng mẹ gào gọi con,
những đêm Khâm Thiên lửa đỏ trời, chiến thắng rộn rã,
rồi bo bo, cơm độn, gạo tấm, những mảnh tem phiếu…

Rồi tôi sẽ hỏi ông: Người ta có nên yêu nước, nên gắn bó
với đất nước không ông?

<em>Hà Nội, buổi chiều trống rỗng 21/8/2011</em>

<img
src="http://danluan.org/files/u1/sub02/320071_10150296561793322_641613321_7600164_6990224_n.jpg"
width="600" height="450"
alt="320071_10150296561793322_641613321_7600164_6990224_n.jpg" />

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9704), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét