Đỗ Trường - Thư gửi người bạn trong tù

Anh Cù Huy Hà Vũ thân mến,

Vậy là người ta đã kết án anh, một mức án nặng nề ngoài
sức tưởng tượng của tôi.

Tôi được tin này qua radio Sachsen khi đang lái xe trên đường
cao tốc. Sáng ngày 3 tháng 8 trên trang nhất báo in của Đức,
tất cả dường như đều có hình của anh, hai bàn tay nắm
chặt, hiên ngang và bình thản. Hình ảnh anh làm bật dậy hình
tượng người chiến sĩ trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của
Lê Anh Xuân. Người chiến sĩ hiên ngang ngã xuống, dáng của anh
được tạc vào đất, vào nước, vào lòng nhân dân, và là
dáng đứng của thế kỷ .Người lính ấy ra đi thanh thản như
vừa cày xong thửa ruộng vì anh biết rất rạch ròi, anh chết
bởi viên đạn của kẻ thù. Còn anh, có lẽ cay đắng hơn
nhiều vì không có ranh giới rạch ròi đó, và chẳng ai là kẻ
thù, họ đều là đồng chí, đồng đội của gia đình dòng
họ anh. Người cha kính yêu của anh là một trong những người
khai sinh ra nó. Để rồi tiếng kêu của anh như viên đá ném
tõm xuống ao bèo trong đêm vắng.

Tôi không có thói quen đọc báo chí của nhà nước (trong
nước) nên không rõ họ bình luận hay đánh giá gì về anh,
nhưng báo Đức, họ không đồng tình với bản án này. Một
bản án nặng nề, phi lý đã đóng cọc lên một con người
đang bệnh tật như anh.

Tôi là người ít quan tâm đến chính trị, pháp luật nên rất
dốt về khoản này. Nói như vậy không phải tôi không có
những chính kiến riêng của mình. Nên khi biết tin anh phải
cõng đến 7 cái xiềng chặt và 3 xiềng lỏng, tôi điện về
cho ông cậu nguyên là Chủ tịch quận nơi anh cư ngụ, cũng là
bạn của anh (ngày còn ở Paris anh hay gọi là sếp). Ông chép
miệng, bảo: Vũ nó cho toa nặng đô quá, bệnh nhân sốc, chịu
không nổi, phản thuốc có lẽ từ từ tốt hơn. Tôi hiểu ý
của ông, nhưng tôi lại có suy nghĩ khác. Con siêu vi trùng này
đang tàn phá quá mạnh và người bệnh đang bên bờ hiểm nguy,
nếu không dùng toa thuốc nặng đô đó e rằng không khống chế
được nó. Phương thuốc từ từ của ông có lẽ chỉ giành cho
những liều thuốc bổ để bình phục cơ thể của người
bệnh, sau khi con trùng bị khống chế, và tiêu diệt.

Anh Vũ thân mến!

Người ta gán cho anh cái tội đòi đa đảng, lật đổ và phỉ
báng chính quyền. Trời đất ạ! Một con người bệnh tật như
anh, đảng phái thì không, không hiểu anh dùng sức trói gà của
mình tuyên truyền, cổ động được ai để chống lại chính
thể được trang bị hùng hậu đến tận răng như vậy. Mấy
ngày nay tôi tìm đọc gần hết những bài viết (công khai) của
anh gửi đảng và chính phủ Việt Nam, và những bài viết trả
lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài. Thật sự tôi thấy
những bài viết, những góp ý đó, dường như anh đang đứng
về phía đảng và chính phủ VN, để giải cứu Đất Nước
trong giai đoạn khó khăn, nguy hiểm hiện nay là đằng khác.
Viết cho anh đến đây, tôi sực nhớ một bài viết đâu đó
về ông cựu Thủ tướng Helmut Kohl, người có công phá bỏ
bức tường Berlin để đi đến thống nhất nước Đức. Ông
nói với các cố vấn (berater) của mình, trong một cuộc họp
(đại ý): Tôi luôn luôn cần ở các anh những ý kiến, ý
tưởng khác với suy nghĩ của tôi kìa.

Có những lãnh đạo như vậy, một nước Đức bị tàn phá,
chia cắt, sau một thời gian ngắn họ đã có nền khoa học, kinh
tế, luật pháp đứng hàng đầu thế giới là điều dễ hiểu
phải không anh?

Anh có lẽ là người đặt viên gạch đầu tiên thực thi cái
quyền cơ bản nhất của con người (VN) mà bấy lâu nay nó chỉ
nằm trên giấy. Anh kiện người đứng đầu chính phủ vì anh
thấy việc làm của họ là sai, đi ngược với quyền lợi của
nhân dân, đất nước. Có lẽ cả nước bị bóp, thiến cái
dạ dày, bao tử đã quá lâu, nên khi chúng ta có một chút no
đủ, tính ích kỷ trỗi dậy chỉ lo ki cóp, bảo vệ cái nhỏ
nhoi đó. Do vậy những việc làm của anh họ cho là chập chập
cheng cheng, không bình thường, nhưng với người ít am hiểu
luật pháp như tôi, hay những bà bán rau, bán bánh mì ở Đức
này đều cho là rất bình thường.

Đầu năm 1999 ông Schröder vừa lên nhậm chức Thủ tướng CHLB
Đức, ông và cơ quan An ninh bị bà bán bánh mì và rau hoa quả
(ở gần nhà riêng của ông) kiện lên Tòa án thành phố Hannover
vì can tội dán biển cấm dừng xe ô tô trước cửa hàng của
bà, làm trở ngại đến việc buôn bán, ảnh hưởng đến cuộc
sống của gia đình bà, và khách hàng.

Mặc dù thành phố và cơ quan An ninh xin đổi cho bà một cái
cửa hàng khác đẹp hơn và đền bù thiệt hại. Nhưng bà không
chịu, vì gắn bó cửa hàng này đã lâu và có nhiều khách quen
thuộc bà ưa thích. Không biết do sợ thua kiện hay vì tình hàng
xóm, ông Thủ tướng Schröder đã cho tháo biển cấm dừng xe,
và vợ ông đã trực tiếp đến xin lỗi bà bán bánh mì. Sau
này người ta thấy vợ chồng ông Thủ tướng vẫn thường
xuyên đến mua bánh, hoa quả của bà. Báo chí thời gian đó
nghiêng hẳn về phía bà bán bánh mì. Người ta lý luận cửa
hàng có trước khi ông Schröder làm Thủ tướng và có cái bảng
cấm kia, làm thế nào bảo vệ tốt cho ông Thủ tướng là
nhiệm vụ của cơ quan An ninh, nhưng không được làm ảnh
hưởng đến đời sống, tinh thần người dân.

Đây là sự việc có thật, ông Schröder nay không còn làm Thủ
tướng nữa, nhưng vẫn thường xuyên sang Việt Nam, tôi cũng
mong có nhà báo nào đó gặp phỏng vấn, xem ông nói gì.

Thế hệ chúng ta thời trẻ đã đi qua chiến tranh, nên đã
thấm hiểu, từng nắm đất của Tổ quốc được đổi bằng
máu của cha anh. Do vậy tình yêu Tổ Quốc trong anh, chỉ có
những người cố tình không nhận ra, nhằm phục vụ mục đích
nào đó, để phủ nhận những việc làm của anh.

Trên giấy tờ và pháp lý, tôi hoàn toàn không còn là người
Việt Nam và thời gian tôi sống ở Đức cũng nhiều hơn ở
Việt Nam. Nhưng anh Vũ ơi! Không hiểu sao mỗi lần vén ống
quần của mình lên, tôi lại thấy màu vàng vàng của váng
đồng còn đọng lại nơi cổ chân. Những dăm bông, xúc xích
không thể thay lúa gạo trong bữa ăn hằng ngày của tôi. Đêm
đêm vẫn có hương lúa chín, và tiếng ve đầu phố ru tôi vào
trong giấc ngủ. Từ những cảm nhận này, tôi đã hiểu được
một phần nào tình yêu trong anh. Nhìn anh trong giờ tuyên án,
tôi cảm thấy mình dường như nhỏ bé lại. Và bài Trường ca
Tổ Quốc, tôi đã viết cách nay đã trên hai mươi năm vào dịp
bức tường Berlin sụp đổ lại trở về:

"…Quê hương ơi! Con xin được gọi Người là mẹ

Người đã ru con từ thuở trong nôi

Người là những bài ca dao mà con đã thuộc

Những ánh trăng rằm soi sang đường thôn

Người là những cơn gió hè đưa con vào mùa gặt

Gọi nắng về làm cho thóc ai khô?

Người là những câu hò của người đi biển

Gọi cá về cho cuộc sống vui tươi

Người là những câu chuyện tình bất tử

Để đá vọng phu đứng đợi ai về?

Người là những trang hào kiệt nhất

Đưa con về với đời Lý, Trần, Lê…"

Mấy ngày nay đọc báo, tôi thấy người Tàu trà trộn vào
Việt Nam nhiều lắm. Chính phủ cũng thú nhận có những nhà
máy có hàng ngàn công nhân người Trung Quốc làm lậu. Cửa
khẩu biên giới và bộ phận quản lý lao động với người TQ
của ta sao lỏng lẻo quá vậy? Chắc anh cũng biết tội làm
lậu ở Pháp, Đức và Châu Âu, ông chủ thuê và người làm
sẽ bị phạt tù rất nặng. Cứ đà này không rõ người Tàu
sẽ còn trà trộn vào những đâu và cơ quan nào của đất
nước chúng ta. Chả lẽ những dự đoán của anh sẽ là sự
thật sao?

Anh Vũ thân mến!

Vài lời riêng tư tôi muốn gửi đến anh, một người bạn
đang bị tù đày. Nhưng tôi không có địa chỉ nơi giam giữ
anh, nên đành phải gửi báo chí, những nơi yêu mến anh, may ra
anh có thể nghe, hoặc đọc được, và biết rằng còn có
những người bạn phương xa luôn nhớ đến anh. Mong anh giữ
mình, người nào phát âm, hay nói ngọng xin anh hãy đề phòng
tránh xa, biết đâu đó kẻ thù phương Bắc đang tìm đến anh.
Vợ con, gia đình, bạn bè đang chờ đón anh.

14-8-2011
Đ.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9633), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét