Nền tảng của xã hội dân chủ (2)

<h2>Hiến Pháp</h2>

Hiến Pháp là luật cơ bản của một quốc gia, nó xác định
quốc gia đó gồm những ai và gồm những cái gì, và vận hành
ra làm sao. Nói cách khác, nó định nghĩa vùng lãnh thổ chịu
ảnh hưởng của bản Hiến Pháp, chính quyền cai trị như thế
nào, và các luật cơ bản được áp dụng trong quốc gia đó.

Một quốc gia có thể có Hiến Pháp mà không nhất thiết phải
là một nền dân chủ - ví dụ một Hiến Pháp có thể quy
định một nền quân chủ tuyệt đối, hoặc rằng Tổng thống
có quyền tối cao. Nhưng rất ít nền dân chủ không có Hiến
Pháp. Anh Quốc là một ví dụ về nền dân chủ không có Hiến
Pháp. Thay vào đó, Anh Quốc có một học thuyết về quyền lực
của Quốc Hội.

Thông thường, Hiến Pháp của một quốc gia dân chủ thường
xác định rằng quyền lực nằm trong tay nhân dân. Một Hiến
Pháp dân chủ rõ ràng nhất là của Thụy Điển, với lời mở
đầu: "Tất cả quyền lực công ở Thụy Điển nằm trong tay
nhân dân".

Mọi luật pháp trong một quốc gia phải tuân theo Hiến Pháp, và
Hiến Pháp quyết định các luật mới được thông qua như thế
nào.

Hiến Pháp cũng bao gồm những quy định về cách thay đổi
Hiến Pháp. Bởi vì Hiến Pháp cực kỳ quan trọng và là nền
tảng của mọi luật pháp nhà nước khác, nên thường các quy
định thay đổi Hiến Pháp phải rất chặt chẽ. Ở Đan Mạch,
sự sủa đổi Hiến Pháp yêu cầu rằng một khi Quốc Hội đã
đồng ý sửa đổi Hiến Pháp, thì phải giải tán quốc hội
đó, tổng tuyển cử chọn một quốc hội mới, và quốc hội
mới cũng phải đồng ý với các khoản sửa đổi. Khi các sửa
đổi được quốc hội mới thông qua lần thứ hai, phải có
một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc, và trong đó đa số
đồng ý với các sửa đổi và không dưới 40% số người đi
bỏ phiếu tán thành sửa đổi, thì Hiến pháp mới mới được
coi là hợp lệ.

<h2>Một Quốc Hội Do Nhân Dân Bầu Lên</h2>

Theo như luật sư và cũng là triết gia Montesquieu, người sống
vào thế kỷ 16, thì cần phải có ba ngành lập pháp, hành pháp
và tư pháp trong một quốc gia, nếu không muốn chính phủ biến
thành độc tài, và những quyền lực này phải độc lập với
nhau. Ba quyền lực nói trên phải được tách bạch về mặt
chức năng thực tế, cũng như về mặt nhân sự (những người
thực sự thi hành các quyền lực đó). Không có cá nhân nào
được thực thi cùng một lúc hai trong ba quyền lực kể trên.

Trái với niềm tin của nhiều người, Montesquieu không phải là
một nhà dân chủ, và ông không viết về dân chủ. Ông ủng
hộ chế độ quân chủ chuyên chế mang hơi hướng Khai Sáng
(enlightened depotism - là chế độ quân chủ chuyên chế thực
hiện những cải cách giáo dục, xã hội và luật pháp lấy
cảm hứng từ phong trào Khai Sáng), và trong ngữ cảnh đó ông
đã viết về tam quyền phân lập. Như thế, một nhà nước có
sự phân tách tam quyền hành pháp, tư pháp và lập pháp không
chắc đã là một nhà nước dân chủ, nhưng đó là điều kiện
tiên quyết để có một chế độ dân chủ.

Để trở thành một nền dân chủ, ngành lập pháp phải là
quốc hội được nhân dân bầu ra, và tất cả các công dân
trưởng thành trong một quốc gia phải có quyền đi bầu, cũng
như ứng cử vào quốc hội.

Một số quốc gia có quốc hội đơn viện, một số khác lại
có quốc hội lưỡng viện. Ví dụ, ở Đan Mạch và Thụy
Điển, quốc hội chỉ có một viện, với cái tên tương ứng
ở mỗi quốc gia là "Folketinget" và "Riksdagen". Trong khi đó, ở
Anh và Mỹ, quốc hội chia làm hai: Hạ Viện và Thượng Viện.

<h2>Một chính phủ được sự ủng hộ của đa số trong quốc
hội</h2>

Chính phủ có quyền hành pháp. Chính phủ bao gồm các bộ
trưởng, và chính bộ trưởng và các bộ ngành thuộc chính
phủ sẽ đưa luật pháp do quốc hội lập ra vào thực tế
cuộc sống.

Chế độ đại nghị (parliamentarism) là nguyên tắc đảm bảo
rằng chính phủ có sự ủng hộ của đa số đại biểu quốc
hội, và có thể cho thông qua các dự thảo luật bằng đa số
phiếu.

Ở Đan Mạch và một số quốc gia khác lại tồn tại một thứ
gọi là "chế độ đại nghị phủ quyết" (negative
parlamentarism). Điều này có nghĩa là chính phủ, sau khi nhận
được đa số phiếu trong quốc hội và lên nắm quyền, sẽ
nắm quyền lực cho tới khi có đa số phiếu chống lại nó.
Nói cách khác, sẽ không có chính phủ mới, một khi phe đối
lập bị chia rẽ đến mức không thể gom được đa số phiếu
để bỏ chính phủ cũ và lập chính phủ mới. Dưới chế độ
đại nghị phủ quyết, mọi điều khoản luật pháp đều cần
phải có đa số phiếu chấp thuận thông quan, điều này có
nghĩa là chính phủ phải thường xuyên đàm phán với phe đối
lập để đảm bảo đa số phiếu thuận khi thông qua luật.

<h2>Bỏ phiếu kín</h2>

Một trong những nguyên tắc cơ bản của dân chủ là chỉ có
mình người bỏ phiếu biết anh ta bầu cho ai. Không một người
nào, dù là vợ, là chồng, là cha mẹ, là sếp, là người dẫn
dắt tinh thần hay bất kỳ ai có quyền đòi hỏi để biết
quyết định chính trị của một người khác.

Đối với người phương Tây, đó là quyền đương nhiên, bởi
vì chúng tôi lớn lên với quyền này trong một nền văn hóa
nhấn mạnh vào sự bất khả xâm phạm của cá nhân. Nhưng
đối với nhiều người lớn lên trong các xã hội phi dân chủ,
thì tạo dựng nguyên tắc này có thể là một quá trình lâu
dài và khó khăn. Đặc biệt là trong các xã hội nặng về
truyền thống, phân biệt đẳng cấp, và chênh lệch quyền lực
giữa đàn ông và đàn bà, thì thường cần những thay đổi
mang tính cách mạng để có được quyền bỏ phiếu kín này.

<h2>Nền pháp trị (Rule of Law)</h2>

Để một xã hội chuyển hóa sang dân chủ, và tiếp tục con
đường dân chủ, một yêu cầu tiên quyết là nền pháp trị.

Trong nền pháp trị, mọi người đều bình đẳng trước pháp
luật. Luật pháp được biết đến một cách công khai, và ai
cũng có thể tìm hiểu về nó. Mọi người có quyền đem
trường hợp của mình ra tòa. Tòa xét xử công khai. Mọi
người đều vô tội cho tới khi bị chứng minh có tội. Mọi
người đều có quyền tư vấn luật sư và có quyền chất vấn
các bằng chứng, và chỉ có thể kết án thông qua một phiên
tòa công bằng. Không ai có thể bị kết án và trừng phạt mà
không qua xét xử.

Mọi người cũng không thể bị xét xử theo hồi tố. Điều
này có nghĩa là nếu muốn kết tội ai đó, thì hành vi của
họ phải trái luật pháp tại thời điểm họ thực hiện hành
vi đó. Nhà lập pháp không thể nói: "Chúng tôi vừa tạo ra
luật này để chống lại điều mà bạn đã làm, để chúng
tôi có thể dùng luật mới trừng phạt hành vi trước đây
của bạn".

Trên nguyên tắc, các xã hội phi dân chủ nhưng lại có nền
pháp trị có thể tồn tại. Lại cũng có những xã hội pháp
trị mà trong đó luật pháp khiến dân chủ không thể phát
triển được, ví dụ như cấm tranh luận tự do hoặc cấm
người dân nhóm họp.

Tuy nhiên, khó có thể tìm ra ví dụ về những quốc gia phi dân
chủ, mà lại có nền pháp trị. Trung Quốc và Ả-rập Xê-út
là hai trường hợp giáp ranh:

Trung Quốc nói chung có nền pháp trị, hoặc ít nhất là cũng
muốn người khác biết đến mình có nền pháp trị. Nhưng Trung
Quốc có những nhà tù bí mật dành cho các nhà hoạt động
chính trị bị giam giữ mà không qua xét xử. Tham nhũng ở quốc
gia này rộng khắp đến mức người ta không biết liệu tòa có
độc lập hay không?

Ả-rập Xê-út là một xã hội không có nền pháp trị vì hai
lý do như sau: Thứ nhất, luật pháp Ả-rập Xê-út không coi
đàn ông và đàn bà là bình đẳng. Thứ hai, quốc gia này có
hai hệ thống luật pháp: Một hệ thống dân sự, dựa trên các
tòa án v.v..., và một hệ thống tôn giáo, hệ thống này có
vẻ chẳng chịu hạn chế nào cả. Cảnh sát tôn giáo có quyền
tự do trừng phạt người ta, theo cách mà họ muốn, nếu những
người đó hành xử không theo truyền thống đạo Hồi.

<h2>Tòa án độc lập & công bình</h2>

Để những luật pháp do quốc hội lập ra thực sự có ý
nghĩa, cần có người đứng ra đảm bảo rằng luật pháp
được tôn trọng. Đây là nhiệm vụ của tòa án: Quyền tư
pháp.

Không chỉ những công dân bình thường phải tuân thủ luật
pháp, luật pháp còn áp dụng cho cả đại biểu quốc hội và
các quan chức chính phủ. Đó chính là thuốc thử thực sự cho
một nền dân chủ. Trong đa số các quốc gia, các đại biểu
quốc hội và quan chức chính phủ có quyền miễn truy cứu khi
họ đang là thành viên quốc hội hoặc chính phủ, nhưng điều
này không có nghĩa là họ có quyền đứng trên pháp luật.
Điều này có nghĩa là họ phải bị cách chức khỏi quốc hội
/ chính phủ, trước khi họ có thể chịu trách nhiệm trước
pháp luật vì đã vi phạm pháp luật.

Để có thể bắt đại biểu quốc hội và thành viên của
chính phủ chịu trách nhiệm trước pháp luật, tòa án phải
ĐỘC LẬP với ngành hành pháp và lập pháp, tuân thủ theo "tam
quyền phân lập" của Montesquieu (xem phần: Một Quốc Hội Do
Nhân Dân Bầu Lên ở phía trên).

<h2>Viện Công Tố và Công An</h2>

Viện Công Tố (tương đương Viện Kiểm Sát ở Việt Nam) và
Công An, cùng với chính quyền, tạo thành ngành hành pháp. Hệ
thống này phân cấp từ cao xuống thấp, đứng đầu là Bộ Tư
Pháp, dưới bộ này là các Viện Công Tố (ở Hoa Kỳ là Văn
Phòng Biện Lý - The District Attorney) với các công tố viên ở
các tiểu bang hoặc tỉnh thành, và dưới Viện Công Tố là
lực lượng công an.

Lực lượng công an duy trì pháp luật, điều tra các trường
hợp có thể là phạm tội, và truy tố người làm trái pháp
luật. Các công tố viên đóng vai trò luật sư để truy tố
những vụ hình sự trước tòa.

Tam quyền phân lập có nghĩa là cả công an và công tố viên
đều không có ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của
tòa án.

Nhưng ai là người sẽ giám sát lực lượng công an và đảm
bảo rằng họ không vi phạm pháp luật. Điều này khác nhau ở
mỗi quốc gia, và thường là những cơ chế pháp luật hết
sức phức tạp.

Ở Đan Mạch, nhiệm vụ đảm bảo lực lượng công an không vi
phạm pháp luật rơi vào tay công tố viên trong một số trường
hợp. Trong các trường hợp khác, đó là nhiệm vụ của Bộ Tư
Pháp. Nhưng bất kỳ khi nào có khiếu nại về hành vi của công
an, thì chính bên công an sẽ tiến hành điều tra bản thân
mình, trừ trường hợp một ủy ban điều tra độc lập được
chỉ định. Trong trường hợp có khiếu nại về hành vi của
công an Đan Mạch, việc công an tự mình xem xét hành vi của
chính mình tạo ra một vấn đề: đó là vòng lặp (nghĩa là có
thể mất đi tính độc lập và vô tư). Nhiều lần người ta
đã đưa ra đề nghị có lực lượng đặc biệt để giám sát
lực lượng công an, nhưng điều này vẫn chưa thành hiện
thực.

(còn tiếp)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7633), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét