Minh Văn - Chính Trị hà khắc dữ hơn cả Hổ

Một lần Khổng Tử đi qua Thái Sơn, thấy có người phụ nữ
ở trước nấm mồ khóc lóc vô cùng thảm thương. Ông bèn bảo
Tử Lộ ra hỏi nguyên nhân, người phụ nữ ấy nói: Bố chồng
bị hổ ăn thịt, chồng bị hổ ăn thịt, bây giờ con trai cũng
chết trong miệng hổ, thì không đau lòng sao được? Khổng Tử
hỏi: Sao các ngươi không dọn đi ở chỗ khác nhỉ? Người
phụ nữ nói: Ở đây không có chính trị hà khắc, không có áp
bức bóc lột, nên bị hổ ăn thịt cũng không dọn đi. Khổng
Tử nghe xong nói với các học trò của mình: - Các trò hãy nhớ
lấy: <em>"Chính trị hà khắc dữ hơn cả hổ"</em>.

Câu nói này của Khổng Tử là sự tổng kết chính trị
đen tối, đời sống dân chúng bấp bênh thời Xuân Thu. Chính
là nhằm vào nền chính trị hà khắc và tàn bạo đương thời.
Nguyên là thời kỳ này, các chư hầu tranh dành nhau, nội chiến
liên miên. Chiến tranh đã làm cho vô số người dân vô tội
phải bỏ mạng, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm
trọng. Hơn thế nữa, thuế khóa không ngừng tăng cao để đáp
ứng nhu cầu xa hoa của tầng lớp thống trị. Đời sống chính
trị hà khắc tàn bạo, nhân dân phải chịu lầm than khổ cực
và cuộc sống điêu linh. Vì thế mới có câu chuyện kể trên.
Điều đó cũng chứng tỏ rằng: <strong>Nhu cầu về một xã
hội tốt đẹp và nhân ái của người dân vượt cả nhu cầu
về vật chất</strong>.

Nguyện vọng của con người luôn là được sống trong một xã
hội tự do và nhân bản. Ước muốn tốt đẹp và chính đáng
đó là động lực thúc đẩy các cuộc đấu tranh cách mạng
đòi hỏi quyền lợi cơ bản và quyền làm người. Nhu cầu đó
càng trở nên bức thiết hơn trong một xã hội mà thiếu vắng
đi các quyền tự do, dân chủ. Một nền chính trị hà khắc,
thiếu tôn trọng nhân quyền là nguyên nhân khiến cho những con
người sống trong đất nước đó muốn rời bỏ đất nước
để tìm bến đỗ tự do cho cuộc sống tương lai của mình.
Người Việt Nam ta có câu: <em>"Đất lành chim đậu"</em>, ở
đâu có tự do dân chủ thì ở đó trở nên văn minh và thịnh
vượng bởi sự đóng góp công sức, trí tuệ của người dân
khắp nơi hội tụ. Chỉ thấy người dân trốn chạy chiến
tranh và chế độ độc tài, chưa thấy người ta trốn chạy
tự do dân chủ bao giờ cả!

Sau biến cố lịch sử 30/4/1975, hàng triệu đồng bào Việt Nam
đã bỏ nước ra đi. Hằng triệu người trốn chạy bằng
nhiều con đường và cuối cùng cũng đến được với bến bờ
tự do. Nhưng nhiều người trong số họ đã phải bỏ mạng nơi
đại dương sâu thẳm trên hành trình đến với vùng đất
mới. Họ thà chết trên biển cả chứ không chịu ở lại để
chịu sự đày đọa của một chế độ độc tài mang tên:
Cộng sản. Sự thực đã chứng minh điều đó, những người
ở lại đã bị bỏ tù và chịu sự đọa đày về tư tưởng
cũng như tinh thần trong các trại cải tạo vì một chế độ
phân biệt ý thức hệ và kỳ thị giai cấp, và nhiều người
đã bị chết trong tù. Nếu chính quyền mới vì đất nước và
hạnh phúc của con người thì thử hỏi làm sao người dân đã
phải bỏ nước ra đi, bất chấp hiểm nguy và gian nan? Nếu
chính trị tốt đẹp thì dù có bị hổ ăn thịt như câu
chuyện kể trên thì người dân cũng không từ bỏ quê hương,
bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình mà ra đi. Như vậy chúng
ta cũng đã hiểu chế độ Cộng Sản là như thế nào rồi, nó
khiến người ta ghê sợ hơn cả cái chết.

Cho đến mấy mươi năm sau, dù đã phải gánh chịu nhiều bất
công và khổ cực vì một nền chính trị sai lầm mang lại thì
người dân vẫn chưa thoát khỏi vòng xiềng xích lẩn quẩn
của mình. Tệ nạn tham nhũng cùng một nền chính trị mất dân
chủ đã làm cho cuộc sống người dân trở nên nghèo khổ và
điêu đứng. Họ đứng trước một hình thức bóc lột mới,
một kiểu bóc lột từ những kẻ tự xưng là <em>"Nhà nước
của dân, do dân, vì dân"</em>. Và những người lao động có
sức khỏe đã phải tìm cách để được đi xuất khẩu lao
động ở nước ngoài, sau khi đã đóng một khoản tiền lớn
bằng cả gia tài cho các công ty môi giới để mong được đổi
đời. Vì rằng ở nước ngoài, dù chỉ bằng sức lao động
thủ công thì họ cũng được đối xử theo luật lệ và trả
lương theo họ là xứng đáng hơn. Khi làm việc trong nước thì
tiền lương của họ không đủ để sống qua ngày, nói gì
đến nuôi sống mọi người trong gia đình. Các cô gái đến
tuổi trưởng thành phải chọn con đường lấy chồng nước
ngoài để rồi bị đối đối xử tàn tệ hoặc gả bán cho
những người già cả, mù lòa, bệnh tật. Nhiều cô thiếu may
mắn hơn còn bị gả bán cho một anh chồng bị bệnh tâm thần,
hậu quả là bị người chồng giết chết trong một hành động
vô thức. Nhà nước thì vẫn xuất khẩu người dân của mình
như những món hàng, nếu không muốn nói là tương tự hình
thức buôn bán nô lệ từ Châu Phi sang Tân thế giới của các
nước đế quốc, thực dân trước đây. Các cơ quan chức năng
không hề quan tâm người lao động của mình được đối xử
như thế nào tại các quốc gia mà họ làm việc. Cho đến khi
dư luận quốc tế có những thông tin về sự đối xử bất
công và thô bạo của giới chủ nước ngoài đối với công
nhân Việt Nam thì tình hình mới có đôi chút cải thiện.

Một điều phổ biến mà người dân Việt Nam phải chứng kiến
là hiện tượng: <strong>Di dân</strong>. Ở trong nước thì họ
tìm cách đến những thành phố lớn để mong kiếm được cơ
hội việc làm tại các khu công nghiệp để kiếm sống. Hoặc
những người nông dân thì di cư đến những vùng đất mới
hoang vu để có thể dùng sức lao động của mình khai khẩn
đất đai, tránh được sự khó khăn và bóc lột tại quê nhà.
Nhưng ở đâu trong đất nước này thì cũng là một chế độ
chính trị hà khắc và bất công đó mà thôi. Người công nhân
thì bị bóc lột sức lao động thậm tệ và bị đối xử bất
công, tiền lương không đủ sống qua ngày và không có các chế
độ bảo hiểm và trợ cấp chính đáng khác. Họ bị sự
xiềng xích bởi sự kết hợp giữa giới chủ và tổ chức
Công Đoàn nhà nước. Người nông dân sau khi đã khai khẩn
được những vùng đất mới, đang mong chờ một vụ mùa bội
thu của cây trái thì có lệnh giải tỏa quy hoạch. Nguyên do là
vùng đất trước kia được coi là hoang vu, nay người dân bỏ
công sức khai khẩn đã trở nên hữu ích. Và vì thế mà lọt
vào mắt xanh của các quan chức địa phương, những diện tích
đất đó lập tức bị cho vào diện quy hoạch và được đền
bù với giá cướp không. Khi người nông dân vì quá uất ức
mà chống lại hành động phi lý và bất công đó của chính
quyền thì đã có quân đội và công an ra tay "dẹp loạn". Cần
thiết nữa thì họ cho bọn côn đồ, đầu gấu đe dọa và
hành hung. Những người dân hôm qua còn là chủ nhân của những
thửa đất thì hôm nay trở thành tội phạm, bị quy cho các
tội như là <em>"Chống người thi hành công vụ, chống đối
chủ trương chính sách của nhà nước"</em>. Bên cạnh những
máy ủi, máy xúc được chính quyền điều đến để cưỡng
chế thì lực lượng công an, dân phòng hành hung người chủ
đất ngay chính trên mảnh đất của họ. Thực là một cảnh:
<em>"Máu trộn bùn non, gan không núng – chí không mòn"</em>,
thưa các ông công bộc của dân!

Thể chế chính trị của một quốc gia có vai trò vô cùng quan
trọng bởi phạm vi ảnh hưởng và tính chất phổ cập đối
với cuộc sống của con người. Bởi vậy có một nền chính
trị tốt đẹp và dân chủ thì người dân được sống trong
hạnh phúc và an toàn. Ngược lại, một nền chính trị hà
khắc và phi nhân tính sẽ gây nên sự bất hạnh và khổ đau
cho con người sống trong xã hội đó. Thật là thấm thía thay
câu nói của Đức Thánh Khổng Tử: - Các trò hãy nhớ lấy:
<strong><em>"Chính trị hà khắc dữ hơn cả hổ"</em></strong>.

<strong>Minh Văn</strong> (VN)

09/08/2010

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9566), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét