Dr. Nikonian - Xin từ chối huân chương

Không lâu lắm, tôi đọc lướt qua một diễn đàn bàn về
những tiêu cực trong một bệnh viện X ở Hà Nội. Khen ít chê
nhiều là điều không lạ. Nhưng có một câu chuyện đáng chú
ý của một người chồng mất vợ sau khi sinh nở. Như mọi
người khác khi vào bệnh viện, anh cũng gởi gắm, cũng phong
bì, cũng làm đủ cách để mua lấy chút tiện nghi cho vợ mình.
Không may, vợ anh mất đột ngột. Trong cơn đau đớn, anh viết
một comment thế này:

- Thằng bác sĩ X. khốn nạn kia, tao chưa kịp chung tiền đầy
đủ mà mày để vợ tao chết như vậy sao?

Bên cạnh khía cạnh chuyên môn của case bệnh này, câu bình
luận đầy chua chát và phẫn nộ của người chồng kia quả
đáng suy nghĩ. Thực hư không rõ, nhưng nó cho thấy một điều
hiển nhiên: chưa bao giờ, giới nhân viên y tế bị khinh miệt
và căm ghét đến vậy. Cũng chưa bao giờ trong xã hội Việt Nam
hay bất cứ nơi đâu trên thế giới, quan hệ giữa thầy
thuốc- bệnh nhân lại xấu đến mức cay đắng như thế. Mắng
chửi bác sĩ trên mạng, trên báo chí, hay cả ngoài đời thực,
hình như đang là mode (?)

Hiểu như vậy, tuy đau xót về việc một đồng nghiệp đàn anh
bị chết thảm dưới tay người nhà bệnh nhân sau một trường
hợp cấp cứu không thành công, tôi không mảy may ngạc nhiên
vì việc này. Vì chuyện giết nhau chỉ vì một cái nhìn không
phải là hiếm hoi ở xứ sở được quảng bá là "hiền lành,
thân thiện, hiếu khách" này (?). Huống hồ là khi người ta
đến bệnh viện với rất nhiều định kiến và lòng khinh
ghét.

Giết người trong bệnh viện, giết nhân viên y tế, thì có
khác gì với đâm chém, chặt ra nhiều mảnh, thiêu xác…nhan
nhản ngoài xã hội?

Rất nhiều nhân viên y tế đã "quen" với việc hành nghề
trong vòng vây đầy áp lực của người nhà. Mà trong đó, có
không ít dân anh chị, xăm trổ đầy mình. Hay những con ông
cháu cha sẵn sàng doạ nạt.

Không ngạc nhiên, nhưng khá choáng váng với mẩu bình luận này
của một bạn đọc:

"<em>Xin chia buồn cùng gia đình nạn nhân. Tuy nhiên đây cũng
là hệ quả tất yếu từ việc một bộ phận các bác sĩ không
có y đức, thường xuyên tắc trách trong khi chữa bệnh và gây
ra nhiều vụ chết oan cho bệnh nhân trong thời gian gần đây mà
không bị xử lý trách nhiệm hình sự. Người nhà bệnh nhân
không còn tin vào các vị nữa nên mới dẫn đến hậu quả
đáng tiếc như vậy</em>"

Quả thực, lập luận theo kiểu "mắt đền mắt, răng đền
răng" này thật đáng kinh sợ. Vì nó cổ xuý cho thói hành xử
rất bán khai ngay trong môi trường bệnh viện.

Chắc chắn, không người thầy thuốc nào có thể trổ hết sở
học để cứu người trong một môi trường đầy áp lực như
thế.

Hình ảnh người thầy thuốc đã bị đẩy xuống mức tận
cùng của ô nhục, có lẽ cũng do một ít vai trò của truyền
thông. Việc rủa sả nhân viên y tế vô tội vạ, bằng những
nguồn tin không kiểm chứng là điều phổ biến. Chưa kể, qua
những sự kiện linh đình cờ đèn kèn trống để vinh danh
những "điển hình tiên tiến" trong ngành y tế, những bác
sĩ điều dưỡng "xung kích" nặng tính phong trào, càng làm
cho công chúng nghi hoặc về hình tượng của những
<em><strong>nguỵ lương y</strong></em>, "hồng" giỏi hơn
"chuyên" theo kiểu này. Không dưới một lần, những người
trong ngành y tế nhìn nhau cười nhẹ khi đọc những lời có
cánh về một đồng nghiệp nào đó trên báo chí.

Đã có bao giờ, nền báo chí được định hướng này tỏ lời
vinh danh những gương hy sinh thầm lặng trong nhiều năm ròng
của những nữ tu, ni sư…đã quên mình chăm sóc cho những
người bệnh hoạn khốn khổ, tận đáy xã hội. Hình như, họ
không hề tồn tại trong thế giới này, mặc dù chính họ là y
đức, là tấm gương cao cả và nhẫn nại vô song.

Đả kích, mạt sát vô tội vạ, và tung hô những giá trị giả
dối là bệnh trầm kha. Nên công chúng từ chỗ hoài nghi, khinh
rẻ, cho đến tức nước vỡ bờ là tất yếu!

Trong một động thái khác, Bộ Y tế đã có những hành xử
rất "mau mắn". Theo báo chí, người bác sĩ tội nghiệp đó
được đề nghị truy tặng huy chương "Vì sự nghiệp sức
khỏe nhân dân" và bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền xét truy tặng danh
hiệu liệt sỹ cho bác sĩ Giầu. Bác sĩ Ngô Duy Hoàn, người
bị người nhà bệnh nhân đâm bị thương, Bộ Y tế cũng đề
nghị bệnh viện làm thủ tục đề nghị tặng thưởng bằng
khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chưa hết, người ta phát động ngành y tế Thái Bình phong trào
học tập theo gương BS. Phạm Đức Giầu.

(nguồn:
http://www.baomoi.com/Mau-nhuom-do-ao-trang-thay-thuoc/82/6831379.epi)

Đọc qua những mô tả về người đồng nghiệp đàn anh xấu
số, có thể dễ dàng hình dung được một phác thảo đẹp về
ông: một thầy thuốc của làng xóm, một người đàn ông tốt
bụng, một thầy thuốc mà cởi áo choàng trắng ra thì lập
tức trở thành một người nông dân hiền lành của đồng
ruộng. Tuy vậy, vẫn không tài nào hiểu được vì sao người
ta quan niệm cái chết bi thảm này đây là một thành tích cần
được "biểu dương" hay "học tập"? Rõ ràng, BS Giầu
chết oan, chết rất bất ngờ dưới lưỡi dao của một gã du
côn mà bản thân nạn nhân không hề tính trước. Việc đánh
lộn sòng một cái chết bất ngờ với một hành vi dũng cảm,
xả thân vì người bệnh quả là một sự đánh tráo khái niệm
quá sức thô thiển và ấu trĩ. Đồng thời, nó sẽ là sự xúc
phạm đầy mỉa mai và bất kính với người đã khuất, nay
lại bị đem ra làm một công cụ mang tính phong trào. Mà có lạ
gì đâu ở xứ mình, khi người chết được gán ghép vô số
đức tính cao cả kinh thiên động địa. Chết thảm vẫn không
yên!

Không cần liệt kê ra, vẫn còn rất nhiều cách khác để
tưởng nhớ và an ủi vong linh của người đồng nghiệp xấu
số của tôi. Hà tất phải làm trò hài hước mị dân!

Điều quan trọng nhất sau bi kịch này là một chế độ bảo
đảm an toàn cho nhân viên y tế khi làm phận sự thì vẫn chưa
thấy ai bàn tới! Mặc dù bạo hành trong bệnh viện đã xảy ra
từ lâu trước vụ Thái Bình.

Hay ít nhất, một buổi họp báo chính thức để bày tỏ thái
độ quyết liệt của những người đứng đầu ngành y tế,
cũng chẳng thấy đâu?

Với cách này, hoàn toàn có cơ sở để hy vọng danh sách bác
sĩ được trao tặng huy chương "Vì sự nghiệp sức khoẻ nhân
dân" do bị sát hại lúc hành nghề sẽ còn dài ra trong nhiều
năm tới!

Tôi, hoàn toàn không muốn theo chân đồng nghiệp xấu số nọ
để nhận huân chương, kính thưa Bộ Y tế!

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9657), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét