Bâng khuâng giữa chợ

Một điều dễ nhận thấy, chưa bao giờ cái ăn trở nên dễ
dàng như bây giờ, nhà hàng, quán xá như nấm, siêu thị, chợ,
food shop… nhan nhan khắp mọi nơi, trên tầng cao chung cư cho
tới các ngõ hẻm thật sâu, từ nông thôn tới thành thị…
Vậy mà không ít bà mẹ mỗi sáng thức dậy tần ngần không
biết bữa nay ăn gì, xách làn đi chợ, bâng khuâng giữa một
biển thịt cá rau trứng mà không biết mua gì… Vì sao, có
phải đồng tiền eo hẹp? có phải vì bữa ăn gia đình giờ
đây đã nhàm quá trước sức quyến rũ của thức ăn chế
biến sẵn, của đồ fast food khuyến mãi không gian thoáng mát,
tiện nghi?

Đã xa cái thời bữa đói bữa no, xa quá thời bữa ăn tằn
tiện lo sao đủ lượng, đủ chất. Cân đối bữa ăn gia đình
đầy đủ các nhóm bột-đạm-béo-xơ không khó, sách hướng
dẫn nấu ăn, từ em bé ăn dặm tới người trưởng thành, cả
món ăn cho người bệnh… sẵn sàng trên kệ, vẻ như đơn
giản để có bữa ăn ngon và đủ dinh dưỡng. Nhưng bà mẹ,
nhất là bà mẹ nuôi con nhỏ, vẫn đau đầu, vì câu chuyện
thực phẩm thiếu an toàn mỗi ngày hiển hiện, đe dọa khủng
khiếp sức khỏe con người mà hồi kết ở đâu còn mịt mù.

Còn nhớ một dạo bữa ăn thiếu vắng món thịt heo. Nhìn
những khúc thịt heo nạc đỏ hồng ngon mắt mẹ không dám mua,
nhỡ heo ăn bột heo nạc thì sao? Heo nạc không mua, nhưng thịt
heo mỡ cũng không mua, bột tăng trọng bán tự do trong các quầy
hàng xén, ai dám chắc heo này không ăn phải thứ bột tăng
trọng vốn bị cấm sử dụng? Thịt bò, rồi nhiều loại thịt
khác, không thể biết thịt nào an toàn. Ngoài việc chăn nuôi
bằng thức ăn nhiễm khuẩn, hoặc chứa chất kích thích, đất
nước bốn mùa luôn đối mặt với đủ thứ dịch bệnh, hết
lở mồm long móng đến liên cầu khuẩn, rồi H1N1, H5N1, cúm gia
cầm truyền sang người chỉ qua miếng ăn… Thôi học cách của
người Nhật, tăng cường ăn cá, bớt ăn thịt! Nhưng sông
ngòi, ruộng đồng đâu đâu cũng ô nhiễm, sông Thị Vải ở
Đồng Nai, sông Đáy ở Hà Nam bao nhiêu lần cá chết trắng,
nhưng những con cá sống sót sẽ thích nghi với ô nhiễm, sẽ
tích tụ trong các mô tế bào chất độc hại để truyền sang
con người. Khắp thôn quê, cá tôm được nuôi bằng thức ăn
trộn bột tăng trọng, rồi u-rê, phóc-môn, thuốc giữ tươi…
thứ hải sản nào không ngấm ngầm chứa hoạt chất gây ung
thư?

Còn nhớ một dạo rau mầm lên ngôi, sau khi báo chí phanh phui bí
mật những ruộng rau tăng sản, "rau ngắn ngày" "rau một
đêm". Báo chí và các nhà khoa học cổ vũ cho các quầy rau
mầm bằng các tuyên bố về tính an toàn và bổ dưỡng của
nó, nhưng rồi cũng chính báo chí và các nhà khoa học lại hạ
bệ rau mầm bằng cảnh báo… hóa chất bảo quản hạt giống
vẫn còn trong rau mầm có thể gây ung thư! Một nghịch lý nực
cười, giữa một chợ rau xanh người ta chỉ chăm chắm vạch
rau tìm… sâu! Câu tục ngữ xưa Con sâu làm rầu nồi canh đến
nay e chừng phải sửa lại – con sâu làm… sạch nồi canh!
Thịt, rau không an toàn, những ngày gần đây đến lượt
người ta cảnh báo gạo biến đổi gen, hay lúa nhiễm độc vì
được bón bằng hóa chất không rõ nguồn gốc…

Lo lắng vì thực phẩm không an toàn, bất chấp giá cả leo
thang, nhiều bà mẹ đã hy sinh các chi tiêu khác cho bản thân và
gia đình để trang trải bữa ăn an toàn bằng cách tìm đến
các siêu thị, các công ty sản xuất và chế biến thực phẩm
uy tín, dù có đắt đỏ hơn so với ngoài chợ. Các mẹ khá
giả thì giải quyết bằng cách… sử dụng thực phẩm nhập
khẩu từ các nước phát triển. Thịt bò Úc, bò Kobe, cá hồi
Bắc Âu, nho Mỹ, sữa Hà lan… là những thực phẩm nổi tiếng
về độ ngon và hàm lượng dinh dưỡng, nhưng cái chính các
tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn vệ sinh thực phẩm của họ
khiến các mẹ an lòng. Nhưng vụ scandal chất DEHP trong thực
phẩm ở châu Á, và còn nóng hổi trong mấy ngày qua là vụ
nhiễm khuẩn E.Coli ở châu Âu và Mỹ đã khiến… nhà giàu
cũng khóc!

Cái chết đến từ miếng ăn! Không phải câu chuyện xưa Một
bữa no nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, mà là chuyện ngày nay,
khi mỗi năm có 13,3 triệu người chết vì căn bệnh ung thư
trên khắp thế giới, theo số liệu thống kê mới đây của
tổ chức Y tế thế giới WHO. Không phải những ngộ độc cấp
tính, mà những ngộ độc dần dần, mỗi bữa, mỗi ngày, từ
những thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại trong quá trình
sản xuất, bảo quản, chế biến!

Ăn gì cho an toàn? Bà mẹ stress kiếm tiền, lo gia đình, nuôi
con, mỗi sáng ra chợ stress giữa bạt ngàn thịt rau củ quả,
bạt ngàn xanh tươi, mà vô tăm tích như giữa sa mạc, đơn
độc, xa lạ. Ước có phép tiên nào con không ăn vẫn lớn, hay
có phép tiên nào cho thịt da mong manh của con bỗng chốc đủ
sức chống chọi với mọi đe dọa của môi sinh!

Môi trường sống suy thoái, hệ quả của chạy đua tăng
trưởng và phát triển bằng mọi cách, điều ấy là hiển
nhiên, nhưng có một thứ suy thoái đáng sợ hơn là trong lương
tri con người. Đất nước nông nghiệp, cây trái quanh năm, sao
có lúc bỗng đắng lòng không biết ăn gì trên ruộng đồng
đất đai của cha ông? Mẹ bâng khuâng giữa chợ đời, bất
chợt để rơi một giọt nước mắt!


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9581), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét