Đoan Trang - Từ thời bao cấp tới thời @: Hấp dẫn, lá cải và sức ép

<div class="special_quote">(Post bài này nhân ngày nghe tin blogger Cô
Gái Đồ Long bị bắt giam, đúng là "không tin được dù đó
là sự thật").</div>

<em><strong>Từ những ngày phóng viên còn phải đạp xe hơn
trăm cây số đến bưu điện để đánh bài gửi về
tòa soạn, tới khi "lên đời" đi xe Babetta, rồi phỏng
vấn qua điện thoại, e-mail, chat… Từ những ngày báo
chí chủ yếu đưa tin người tốt việc tốt, "hăng hái
thi đua", "nhiệt liệt chào mừng đại hội", tới khi
có những bài báo đăng ảnh sao nọ mang bầu, sao kia ly
dị… Báo chí Việt Nam đã tiến một bước xa tới
ngỡ ngàng trong hơn 20 năm qua.</strong></em>

Làm báo từ năm 1966, từng giữ chức vụ Phó TBT các
tờ "Tuần Tin Tức", "Vietnam Courrier"… của Thông tấn
xã Việt Nam, ông Trần Đình Thảo có duyên may chứng
kiến sự thay đổi và phát triển của báo chí Việt Nam
suốt từ thời chiến tranh, qua những năm "đêm trước
Đổi Mới", tới nay. May mắn, mà cũng có thể là
không may, vì như ông nói: "Bây giờ mà trở lại làm
báo như thời bao cấp thì chết. Khổ lắm, bực lắm,
bức xúc lắm. Tất nhiên là cũng có cái vui…".

<h2>Niềm vui giản đơn</h2>

Từ những năm chiến tranh, kéo dài suốt tới trước
Đổi Mới, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan gần như
độc quyền về tin tức. Số lượng báo chí ngày đó
rất ít, các báo cũng không có phóng viên thường trú,
nên tin tức trông cả vào "nhà phân phát" là Thông tấn
xã. Vậy là các sự kiện chính trị quan trọng, như bầu
cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp,
trước đó nữa trong thời chiến là tin bắn rơi máy bay,
thì chỉ có phóng viên Thông tấn xã đưa, và phải tìm
đủ cách để gửi từ địa phương về tòa soạn: điện
báo, công văn hỏa tốc. Còn nếu khoảng cách từ địa
phương tới tòa soạn dưới 150 km, thì phóng viên chỉ có
nước… chịu khó đạp xe về.

Các nhà báo của Thông tấn xã, báo "Nhân Dân", "Quân
Đội Nhân Dân" ngày trước hẳn chẳng lạ lẫm gì
việc đạp xe hơn trăm cây số từ sáng tới chiều để
kịp gửi một bài viết mừng chiến thắng. Nhưng cũng
chính vào những ngày gian khổ ấy, các tấm gương
điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt được
báo chí phát hiện, cổ vũ mạnh mẽ: Chu Văn Dị, Ngô Thị
Tuyển, Nguyễn Thị Hằng, Cù Thị Hậu… Vai trò, nhiệm
vụ của báo chí thời đó là cổ súy người tốt
việc tốt. Dường như đó là cả một "thời của
những người anh hùng".

Thế rồi chiến tranh qua đi. Các nhà báo năm xưa, ngoài
thì giờ viết lách, xuống cơ sở đi thực tế, còn
phải đi xếp hàng, và không còn chuyện "khổ mà thương
nhau" như thời trước chiến tranh. Không riêng các nhà
báo, đó là thực tế khắc nghiệt mà cả xã hội
phải trực diện. Tuy nhiên, nhiều nhà báo, nhờ ưu thế
nghề nghiệp của mình, cũng hưởng chút đặc quyền,
ví dụ có thể quen biết bà cửa hàng trưởng hay cô
mậu dịch viên để được ưu tiên mua hàng. Ông Trần
Đình Thảo nói vui: "Nhà báo thời bao cấp, những lúc
được mời đi ăn liên hoan tổng kết năm ở hợp tác
xã này, xí nghiệp kia, là mừng lắm. Lũ chúng tôi
thường chỉ ăn tí cơm tí canh, còn các món khô như giò,
chả, thịt gà luộc… thì len lén gói lại mang về nhà
cho con".

Chuyên gia sử kinh tế Đặng Phong (*), từng làm Phó TBT
tạp chí "Thị trường và Giá cả" giai đoạn 1983-1995,
cũng kể rằng thời bao cấp, nhà báo đi đây đi đó,
rất hay được cơ sở tặng cho khi thì chai nước mắm,
lúc lại cân cá khô. "Như thế là quà quý lắm đấy,
vì có thể đem về Hà Nội ăn dần hoặc bán lại. Kể
ra đó cũng là những niềm vui nho nhỏ, giản đơn của
nghề báo".

<h2>Và nỗi niềm…</h2>

Cây bút gạo cội, tác giả Trần Đình Vân của "Sống
như Anh" nổi tiếng năm nào, nhà báo Thái Duy, không
giấu cảm giác buồn và nuối tiếc khi nói về "báo
chí thời bao cấp": "Không cạnh tranh. Không sạp báo –
ai muốn đọc phải ra bưu điện mà mua. Nói thật là ngày
ấy báo chí chẳng mấy người đọc, nên nhà báo cũng
mất nghề. Tôi đơn cử như đưa tin về kỳ họp Quốc
hội chẳng hạn, làm gì có tường thuật, phỏng vấn
như bây giờ. Khai mạc, bế mạc, đã có Thông tấn xã
đưa tin, chúng tôi chỉ việc lấy lại, hoặc lấy bài
phát biểu đã duyệt kỹ của đại biểu Quốc hội.
Không có nghề". Ông trầm ngâm hồi lâu khi phải so sánh:
"Bây giờ thì báo chí được viết đủ kiểu. Bây giờ
người viết báo có rất nhiều việc để làm".

Bản thân "người của Thông tấn xã", ông Trần Đình
Thảo, cũng than: "Làm báo ngày trước buồn vì kỹ
thuật kém, thông tin lưu chuyển khó khăn. Có cả nỗi
buồn vì sự phong bế, phong tỏa thông tin. Viết về họp
Quốc hội thì chúng tôi cũng chỉ đưa tin khai mạc, bế
mạc ra nghị quyết. Bây giờ phỏng vấn là một thể
loại báo chí, ngày xưa phỏng vấn chỉ là để xin tài
liệu thôi. Hầu như không có phỏng vấn hỏi - đáp trên
mặt báo, muốn phỏng vấn là phải trình văn bản có
đóng dấu, ký tên. Ngày trước, làm gì có chuyện
đấu tranh chống tham nhũng trên báo? Làm gì có điều
tra?".

Không đấu tranh, không điều tra, và không có cả thiên tai,
mất mùa. Cùng lắm thì có tin đồng chí X đi thăm hỏi đồng
bào ở tỉnh Y, nơi đang hăng hái phục hồi, tăng gia sản xuất
sau đợt mưa lũ ngày trước.

Viết các tin, bài chính trị, tin bài nào cũng phải
duyệt qua 4-5 cửa ải (ông Thảo gọi đùa là "vũ môn").
Đưa tin một đồng chí lãnh đạo cấp cao đi thăm triển
lãm (lúc 10h sáng) thì viết xong phải đạp xe mang bài tới
tận nhà riêng (2h chiều) và ngồi chờ đồng chí duyệt
hoặc chỉ đạo thư ký làm việc trực tiếp với phóng
viên, sửa từng từ từng câu… cho tới 5h chiều, rồi hối
hả về tòa soạn xử lý - theo nghĩa là dùng nguyên bản đã
sửa, không được sai một chữ.

<h2>Một nền báo chí sạch bong lá cải</h2>

Tiếp câu chuyện so sánh "thời xưa, thời nay", các nhà
báo chỉ ra một đặc điểm nổi bật của báo chí
trước Đổi Mới: Không đưa tin lá cải, được hiểu
chung là những chuyện giật gân, có liên quan tới bạo lực,
tình dục hoặc đời tư người nổi tiếng, hoặc tào lao vô
bổ.

Mảng văn hóa – văn nghệ thỉnh thoảng mới có một bài
như là "Nghệ sĩ Trà Giang với những kỷ niệm về
Bác Hồ". "Đời tư" lắm thì nhà báo cũng chỉ
viết rằng nghệ sĩ từng là học sinh miền Nam, rất yêu
mến Bác Hồ, khi đóng phim "Ngày lễ thánh" đã chủ
động về vùng đạo hàng tháng trời để sống cùng
giáo dân, thâm nhập, quan sát thực tế. Nhà báo Trần
Đình Thảo nói về một kỹ thuật viết thời đó:
"Có thể đưa các thông tin thuộc về đời tư nếu đó
là chi tiết phục vụ cho việc làm đẹp thêm nhân vật.
Ví dụ giữa hai điển hình học giỏi thì sẽ chọn cậu
bé chăn vịt, con nhà nghèo, thay vì chọn cậu con trai ông
bí thư hay chủ tịch tỉnh".

Quả thật, báo chí những năm trước Đổi Mới hết
sức nghiêm túc khi viết các bài chân dung. Chẳng hạn,
người đọc báo thập niên 70-80 thế kỷ trước có thể
nhớ mãi những gương mặt học sinh đoạt giải toán quốc
tế từng được nhà báo Hàm Châu khắc họa chân dung,
như Hoàng Lê Minh, Vũ Đình Hòa, Nguyễn Thị Thiều Hoa…
Đó là những nhân vật tuyệt đẹp: yêu khoa học, ham học,
chăm lao động, thương yêu gia đình, đoàn kết chân thành
với bạn bè. Tuy nhiên, điều này cũng làm nên một
đặc điểm chung: Mọi chân dung đều quá tròn trịa, vẹn
toàn. Nhân vật nào cũng hoàn hảo, không tì vết.

So với ngày ấy, báo chí, nhất là trong lĩnh vực văn
hóa nghệ thuật, nay đã quá khác. Ông Thảo cười bảo,
trước Đổi Mới, quyết là không có chuyện báo "đăng
ảnh cô diễn viên bụng lùm lùm để đưa tin cô ấy có
bầu, thậm chí còn khoanh cái vòng tròn vào bụng cô
ta". Tuyệt nhiên không có những tin kiểu Hồ Ngọc Hà có bầu
với Cường đô-la. Xu thế lá cải hóa này, theo ông, giờ
đã đến mức báo động. Tin "tào lao" đầy mặt
báo. Chức năng giải trí - xưa kia là điều tuyệt đối
không có ở báo chí ta - đã lên ngôi.

<h2>Tirage - nỗi lo muôn thuở</h2>

Và nỗi lo vẫn còn đó: Báo chí ngày nay phong phú hơn,
vui hơn, dễ đọc hơn, đáng đọc hơn, tóm lại là hay hơn,
nhưng tirage (lượng phát hành) mỗi tờ vẫn không cao hơn,
vẫn chỉ ở mức 5 con số như thời bao cấp, họa hoằn
mới có tờ đạt 6 con số. "Thời bao cấp, tirage phản
ánh số người được quyền dùng tiền Nhà nước mua
báo, được phép đọc báo. Thời nay, tirage là con số
người bỏ tiền túi ra mua báo. Thời thế đã thay đổi.
Nhưng vẫn không một tờ nào được phát hành tới
triệu bản, đó là điều đáng buồn" - nhà báo Thái
Duy nhận định.

Việc người đọc phải chuyển từ "xài chùa" sang
"chi tiền túi", trong khi mặt bằng giá báo tăng lên,
có thể là một trong các nguyên nhân khiến tirage báo chí
vẫn còn thấp. Ngoài ra, người ta cũng nhanh chóng chỉ ra
một yếu tố quan trọng đứng sau chuyện này: sự xuất
hiện của Internet. Một thống kê không chính thức cho
thấy bản thân các báo in đã đưa tin trùng nhau tới
70-80%, ngay số tin bài trùng nhau đó cũng có thể được
dễ dàng tìm thấy trên báo điện tử. "Điểm yếu
của báo chí hiện nay là không còn những thông tin độc
quyền, làm nên sức mạnh, sức hút của tờ báo" - ông
Trần Đình Thảo nói. "Mà nếu có thì báo mạng cũng
sẽ cóp, xào lại hết".

Điều an ủi là hiện tượng "lá cải hóa" và "tirage
sụt giảm" xảy ra không chỉ ở Việt Nam. Trong khoảng hai
thập kỷ qua, sự bùng nổ của Internet và các loại hình giải
trí đã khiến báo chí truyền thống khốn đốn. Một nhà
nghiên cứu người Mỹ, ông Alex Jones, giải thích rằng: "Khi
người ta phải lựa chọn đưa tin gì trên cơ sở cái gì thu
hút khán giả nhiều nhất, chứ không dựa vào tầm quan trọng
của tin tức, thì khi đó các tiêu chuẩn dành cho tin lá cải
được áp dụng. Các tòa soạn báo chí nghiêm túc biến dần
thành tòa soạn tin lá cải… Khuynh hướng hiện tại là lá
cải hóa - nghĩa là hình thành một nền báo chí mà ưu tiên duy
nhất là lợi nhuận chứ không phải là lợi ích công kết hợp
với lợi nhuận".

Xu hướng đó đang là mối nguy nan cho báo chí Mỹ, và cũng
không xa lạ với Việt Nam, mặc dù nền báo chí Việt Nam mới
đang trong giai đoạn chuyên nghiệp hóa, nghĩa là tách dần khỏi
hoạt động tuyên truyền. Cùng một lúc, báo chí Việt Nam vừa
phải chuyên nghiệp hóa vừa phải lá cải hóa.

Thế hệ những người làm báo ngày nay có lẽ vừa may mắn,
vừa không may mắn. May vì họ làm báo trong một đất nước
đang chuyển đổi, nơi xã hội có rất nhiều điều chưa biết,
muốn biết và cần được biết, nơi nhu cầu thông tin của
công chúng là rất cao. Các tờ báo luôn có nhiều khoảng trống
để lấp. Các nhà báo luôn có nhiều chủ đề để viết.
Nhưng không may mắn, bởi vì cùng một lúc, họ bị áp lực
phải cuốn theo cả cái đà chuyên nghiệp hóa lẫn lá cải hóa
của báo chí.

--------

(*) Ông Đặng Phong đã mất ngày 20-8-2010.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6834), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét