Đào Tuấn - Tàn sát thiên nhiên mang danh hủ tục

Viết về vua Lý Nhân Tông, Đại việt sử ký toàn thư chép
lại những việc lớn trong đạo trị quốc của vị vua, được
các sử gia sau này đánh giá là minh quân, là một quân vương
mẫn tiệp, bậc thần võ sáng suốt: Năm Ất Mão, 1075, nhà vua
mở khoa thi tam trường còn gọi là Minh kinh bác học để chọn
người tài làm quan. Năm Bính Thìn, lập Quốc Tử Giám- trường
đại học đầu tiên ở Đại Việt. Trong 56 năm trị quốc, nhà
vua đã hai lần xuống chiếu cấm mổ trâu: "<em>Kẻ nào mổ
trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp, vợ xử 80
trượng, đồ làm tang thất phụ và bồi thường trâu; láng
giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng</em>". Lý Nhân
Tông là người đầu tiên khởi xướng việc đắp đê phòng lũ
mà đoạn đê Cơ Xá còn đến ngày nay. Và, năm 1722, nhà vua
xuống chiếu cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây. Dù
còn nhiều ý kiến, rằng việc bảo vệ cây xanh có lẽ xuất
phát từ sự hâm mộ Phật pháp của nhà vua, song dường như khi
đưa chi tiết này vào sử sách, các sử gia đã nhận thấy Ngài
là vị vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận thức được
ý nghĩa của việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường
sinh thái vì sự sống còn của con người, nhất là đối với
cư dân làm nông nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên, việc
bảo vệ môi trường thiên nhiên được đưa vào luật để
trăm quan và dân chúng cùng phải tuân theo.

Việc bảo vệ thiên nhiên, dường như từ bấy giờ đã được
đánh giá quan trọng không thua kém gì việc dạy dân làm nông,
đánh cá, mở trường dạy học.

Theo phong tục cổ truyền, người Việt có tục bẻ lấy một
cành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục
hái lộc. Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành
si... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục
hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc
của Thần, Phật nhân năm mới. Lộc xuân hái từ những cây
thuộc bộ tứ linh đa, sung, xanh, si, theo quan niệm xưa, sẽ đem
lại kết quả tốt đẹp.

Nhưng từ nhiều năm nay, việc hái lộc mà thực chất là bẻ
lộc, là tàn sát thiên nhiên, đã nghiêm trọng đến mức cái ý
nghĩa phong tục đã biến mất, nhường chỗ cho hai chữ hủ
tục gây bức xúc trong xã hội.

Đêm 30 tết Canh Dần, người dân ở Đồng Hới, Quảng Bình
đã bằng mọi giá "tàn phá" cây xanh trước các trụ sở
ngân hàng, kho bạc dù dưới gốc cây có... công an đứng gác.
Ở Hà Nội, các tuyến phố thuộc Quận Cầu Giấy, Tây Hồ
trở nên xơ xác vì chuyện hái lộc sau đêm 30, đặc biệt tại
các khu vực gần chùa chiền. Không chỉ đa, sân, si, người ta
"hái" bất cứ cành gì, của bất cứ loại cây gì. Không chỉ
bẻ bằng tay, người ta còn mang dao ra để chặt. Có người
nói: Sự chặt phá và chiếc dao là biểu tượng của sự chết
chóc, của sát khí, của sự tàn hại... khiến cho cây cối của
mùa xuân vốn là biểu tượng của sự sống bị sứt sẹo, què
cụt, vì một chữ "lộc". Không lẽ cứ mỗi dịp tết đến
xuân về, mỗi một cây xanh sẽ lại phải lăm lăm hai, ba công
an để ngăn chặn chuyện tàn sát cây nhân danh hủ tục "hái
lộc"?

Vào giao thừa năm Mậu Tý, tại Hồ Hoàn Kiếm- Hà Nội, hơn 30
nhân viên của Viettel đã triển khai thực hiện chương trình
"Vui lộc đầu xuân" với 10 ngàn "Lộc may mắn" là những câu
đối Tết có gắn búp bê cầu may cho người dân đi chơi giao
thừa. Đây là một sáng kiến rất hay nhằm giảm bớt tình
trạng bẻ cành, tàn phá cây cổ thụ xung quanh hồ Gươm. Rồi
thì tại hầu hết các chùa, đều có bán các loại cây "lộc"
đầu năm như mía, cây sống đời. Nhiều ngôi chùa nổi tiếng
như Chùa Hà, thậm chí tiến hành phát lộc cho những người đi
lễ đầu năm. Nhưng tất cả những việc làm đó không ngăn
được sự tàn phá của hủ tục hái lộc.

Cách đây chưa lâu, khi những đoạn video clip quay cảnh những
người đi Lễ hội Hoa Anh Đào tại Hà Nội xúm vào vặt trụi
ba cây Anh Đào xinh đẹp được kỳ công mang từ đất nước
mặt trời mọc sang khi lễ hội còn chưa bế mạc, những
người tự trọng đã đỏ mặt vì xấu hổ.

Gần đây nhất, tại Lễ hội Hoa Hà Nội, ngay dưới chân
tượng vua Lý Công Uẩn, người ta, với đủ cả nam phụ lão
ấu đã tranh cướp, tàn phá trong nhốn nháo và hỗn loạn đến
mức những người nước ngoài được chứng kiến đã phải
lắc đầu mà than rằng: "Crazy"

Những cành cây xanh, những bông hoa được những người bẻ,
người cướp coi là lộc để lấy may dù bẻ cây, cướp hoa
không phải là một phong tục tốt đẹp, không phải là một
nét đẹp văn hóa. Đó là điều đáng hổ thẹn. Bởi việc tàn
sát thiên nhiên để lấy lộc cho riêng mình nhiều khi cũng dã
man cũng như tục dâng hiến sinh linh từng mông muội một thời.
Và, không thể biện minh cho hành vi thiếu văn hóa và tàn phá
thiên nhiên bằng bất cứ lý do gì, dù đó là tục lệ.

Bây giờ mới bắt đầu tháng hành hương của năm du lịch 2010
với dày đặc các lễ hội, các sự kiện văn hóa. Liệu những
ngôi chùa hàng trăm năm tuổi, những di tích mà mỗi cành cây
ngọn cỏ đều in dấu của lịch sử sẽ ra sao nếu như thiếu
vắng màu xanh chỉ vì nạn "hái lộc"? Có còn lễ hội, còn văn
hóa, còn lịch sử nếu hủ tục này tiếp tục được duy trì
và dung dưỡng bằng sự thiếu ý thức văn hóa nhân danh tục
lệ?

Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây
trong toàn dân với lời dạy: "<em>Việc này ít tốn kém mà
lợi ích nhiều</em>". Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng:
"Hái lộc đầu xuân" là một trong những hủ tục không nên duy
trì. Vì sao chúng ta không khai xuân mới bằng cách duy trì phong
tục tốt đẹp là trồng cây thay cho sự tàn sát, chặt phá cây
xanh mà từ đầu thiên niên kỷ thứ nhất vua Lý Nhân Tông đã
coi đó là hành vi phá hoại được đưa vào luật để cấm
triệt để?

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4290), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét