Đào Tuấn - Không thể giữ chữ tín bằng những lời chém gió

<div class="special_quote"><strong>Tin liên quan:</strong>

<ul>
<li><a
href="http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/08/chung-toi-chiu-trach-nhiem-truoc-dan-ve-gia-xang-1/">'Chúng
tôi chịu trách nhiệm trước dân về giá xăng'</a></li>
</ul></div>
Trong tuần ồn ào tràn ngập những tuyên bố của các vị tân
thượng thư, bà con cô bác nhớ mãi tuyên bố của tân Bộ
trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: "<em>Cơ quan đầu tiên
tôi dự kiến sẽ vào làm việc là Cục Quản lý Giá</em>". Oách
chưa. Quá trúng. Tăng hay giảm, thả hay xiết, kiểm soát hay
buông lỏng, bão hay áp thấp nhiệt đới đều thuộc quyền
trong túi của cái cục này.

Vị Bộ trưởng, trước đó giữ trọng trách Tổng kiểm toán
Nhà nước cho rằng: Việc điều hành giá cả, nhất là với
những mặt hàng như điện, xăng dầu cần phải dựa trên yếu
tố minh bạch chi phí và giá thành... Một trong những công việc
tôi ưu tiên là làm việc với Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính,
rà soát lại các số liệu về giá điện, giá xăng cũng như
kiểm soát giá một số mặt hàng khác rất quan trọng như
thuốc chữa bệnh, giá lương thực, thóc lúa - ông nói.

Và đây nữa: Kiểm soát giá đang là vấn đề rất quan trọng.
Bộ Tài chính và cá nhân tôi rất tán thành với ý kiến chúng
ta phải quản lý giá theo cơ chế thị trường.

Ông Huệ, người có quý tướng, khi đắc cử Bộ trưởng nổi
tiếng về sự "sạch" về đạo đức, mạnh mẽ trong việc làm
và có chỉ số tín nhiệm cao. Gì chứ vấn đề giá xăng dầu,
giá điện, Bộ trưởng thừa thực tế và trình độ để biết
kêu lỗ, thực ra không phải là lỗ, dù vẫn là lỗ.

Khốn nạn, trong tuần kế tiếp ngay sau tuyên bố của ông, Bộ
Tài chính vẫn quyết định không giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Nguyên do cũ rích - nghe muốn ói: Nếu giá thế giới xuống thì
sẽ khôi phục thuế. Sau thuế, sẽ là trích quỹ bình ổn - mà
trong thực tế là cái két Nhà nước nằm trong túi các doanh
nghiệp. Giảm giá xếp chót. Nếu có ai đó định chép miệng,
hãy xem lại câu khẩu hiệu: <em><strong>Đảm bảo quyền lợi
Nhà nước, Doanh nghiệp, Nhân dân</strong></em>. Ai bảo làm dân
cho khổ.

Thế còn cái mà Bộ trưởng gọi là cơ chế thị trường?

Chả phải là truyền hình nhà nước đã cho mấy vị dân lên
phát biểu ôi, a, cứ tưởng thị trường là lên cùng lên,
xuống cùng xuống!

Chả nhẽ cơ chế thị trường mang đặc thù Việt Nam là cứ
hễ giá thế giới tăng, thì ta tăng. Còn nếu giảm, ta thu
thuế, ta thu phí, ta khôi phục Quỹ bình ổn, sau đó ta mới nói
đến chuyện giảm.

Cũng là chuyện thị trường, chuyện bình ổn, lại
thấy các bộ, ngành họp với TP HCM để bình ổn hàng thiết
yếu. Lại 500-700 tỷ đổ vào. Tuần này, thế nào cũng họp
với Hà Nội. Lại 500-700 tỷ nữa. Chả biết giá cả ở hai
đầu tàu này có kéo được chỉ số giá xuống hay chỉ lợi
cho con buôn. Một bác tiến sĩ mình hay phỏng vấn có lần nói
vui: Đổ tiền vào hai đầu kéo, lại kéo như kéo co thế kia
thì liệu giá có xuống được không. Chả biết loại dân nào
sẽ được hưởng chính sách bình ổn giá này chứ dân nông
thôn có bao giờ lên siêu thị Hà Nội đi chợ khi ngay cả dân
Hà Nội sống chủ yếu cũng quanh mấy cái chợ cóc. Vài chục
điểm bán hàng bình ổn liệu có kéo được giá của cả ngàn
cái chợ cóc?

Nhưng vấn đề ở đây không chỉ là việc có kéo được hay
không, mà chính chính sách bình ổn giá đang tạo ra một loại
thị trường quái thai khi cùng một loại hàng hóa có hai giá
bán- và nơi bán hàng giảm giá lại chủ yếu phục vụ những
"bà nội trợ" nhà giàu.

Giá xăng dầu, "đầu vào" của cả nền kinh tế, yếu tố đóng
vai trò "Mưa" trong các cơn bão giá, thì nâng lên đặt xuống
mãi cuối cùng vẫn thua lợi ích của mấy ông doanh nghiệp.
Trong khi lại bỏ cả trăm ngàn tỷ lo cho dân thành phố. Tới
đây khi "Nhà đèn" lại đòi tăng giá thì không hiểu Bộ Tài
chính sẽ "đỡ" kiểu gì.

1 tuần, mới là thời gian quá ít để có thể đánh giá
những lời hứa của tân Bộ trưởng, nhất là một Bộ
trưởng có xuất thân là một thầy giáo. Nhưng 1 tuần, cũng
đủ để thấy việc tưởng là "cỏn", là giảm giá xăng dầu,
thực ra không hề ngon xơi, không phải chỉ lấy cái thước kẻ
ra mà rạch cho thẳng được. Bởi xăng, cũng như điện, thuốc
chữa bệnh, và cả gạo thóc, toàn loại giá thú dữ, gắn với
quyền lợi của các ông lớn độc quyền, cũng vào hàng dữ
dằn- chứ chả phải nai tơ.

Nhìn lại biểu đồ tăng giảm của giá xăng từ đầu 2010 tới
nay mới thấy không có tí thị trường nào trong cách điều
hành giá dù vẫn hô hào là theo cơ chế thị trường. Toàn tăng
kỷ lục, trong khi lần giảm duy nhất thì lại mang tính ví dụ
không khác gì đồng xu vứt xuống cống bố thí thằng ăn xin.

Thưa thầy Huệ, niềm tin, đôi khi rất giản dị bắt đầu
bằng một mệnh giá bé thậm chí "không mua được bất cứ
thứ gì" như vậy đấy. Nhưng nhất định sự tín nhiệm của
dân chúng, của học trò đối với Thầy, không thể chỉ giữ
bằng những lời chém gió.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9613), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét