Trương Tự Minh - Lược sử hình thành Hiến pháp Hoa Kỳ

Giữa thế kỷ 18, đế chế Anh Quốc đã mở rộng bờ cõi
đến dải đất dọc theo bờ biển phía Đông của Bắc Mỹ.
Ngoài số ít thổ dân bản địa châu Mỹ, nước Mỹ thời kỳ
này, gồm 13 thuộc địa mà sau này trở thành 13 tiểu bang đầu
tiên, chủ yếu gồm người châu Âu di dân sang định cư và nô
lệ da đen. Nhờ chính sách thả lỏng từ nước Anh mẫu quốc,
13 thuộc địa được phép thành lập các chính quyền của
riêng mình với nghị viện do dân địa phương bầu ra để
biểu quyết về thuế và làm luật.

Năm 1765, Quốc hội Anh thông qua Đạo luật Tem (Stamp Act), theo
đó áp đặt một loại thuế mới lên vùng thuộc địa Bắc
Mỹ mà không thông qua các nghị viện thuộc địa. Căng thẳng
bắt đầu leo thang giữa 13 thuộc địa và mẫu quốc khi những
người dân định cư từ chối đóng thuế với lý do Quốc hội
Anh không được quyền đánh thuế dân thuộc địa khi mà họ
không có đại diện ở Quốc hội. Đến tháng 4 năm 1775, xung
đột vũ trang nổ ra giữa nhân dân thuộc địa và quân đội
Anh, mở đầu cho Cách mạng Mỹ – cuộc chiến giành độc lập
từ Anh Quốc kéo dài trong 9 năm của người dân thuộc địa.
Ngày 4 tháng 7 năm 1776, 13 thuộc địa tuyên bố độc lập bằng
một văn bản mà ngày nay được xem là Tuyên ngôn Độc lập
(Declaration of Independence) của nước Mỹ.

<strong>Hiến chương Liên hợp của 13 bang đầu tiên</strong>

<div class="boxcenter400"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5311/lap_phap_hk.jpg" /><div
class="textholder">Một con tem phát hành tại bang Pennsylvania năm
1977 để kỷ niệm 200 năm ngày bản dự thảo cuối cùng của
Các Điều khoản Liên hợp bang. Ảnh: Wikipedia</div></div>

Sau khi tuyên bố độc lập, các thuộc địa lập thành nên liên
minh các tiểu bang, được gọi là Liên hợp bang (Confederation).
Năm 1781, các bang cùng thông qua Các Điều khoản Liên hợp bang,
hay Hiến chương Liên hợp bang (Articles of Confederation), được
xem là hiến pháp đầu tiên của Hoa Kỳ. Theo quy định của
Hiến chương, chính quyền quốc gia chỉ có duy nhất một cơ
quan là Quốc hội (Congress of the Confederation) với chức năng
lập pháp. Hiến chương cũng cho phép Quốc hội quyết định
các vấn đề đối ngoại, tuyên bố chiến tranh và thiết lập
quân đội. Tuy nhiên, vì mỗi bang vẫn giữ quyền tự quyết
(sovereignty) trong phạm vi lãnh thổ của mình nên trên thực tế
Quốc hội không thể bắt buộc bất kỳ bang nào cung cấp quân
lực hay khí tài. Bên cạnh đó, Quốc hội phải dựa vào các
bang để có nguồn tài chính cho các hoạt động của mình,
nhưng lại không thể áp dụng chế tài khi một bang nào đó từ
chối đóng góp vào ngân sách liên hợp bang.

<strong>Hội nghị Lập hiến</strong>

Sau chiến thắng của Cách mạng Mỹ năm 1783, bất ổn từ mối
đe dọa ngoại bang nhường chỗ cho những bất ổn nội tại
từ mối liên kết lỏng lẻo giữa các bang và một nhà nước
liên hợp bang với thực quyền hạn chế. Lúc này một chính
quyền trung ương mạnh mẽ hơn là điều cần thiết để duy
trì một quốc gia thống nhất và đảm bảo ổn định. Vì
vậy, vào ngày 25/5/1787, tại tòa nhà Nghị viện bang Pennsylvania
ở Philadelphia, nơi Tuyên ngôn Độc lập từng được các tiểu
bang thông qua 11 năm trước đó, Hội nghị Lập hiến
(Constitutional Convention) đã khai mạc với 55 đại diện tham dự
đến từ các bang. George Washington lúc này được tôn vinh là
người hùng quốc gia sau khi lãnh đạo Quân đội Liên hợp bang
đi đến thắng lợi trong cuộc chiến giành độc lập, nên ông
hiển nhiên được bầu làm Chủ tịch Hội nghị với số
phiếu tuyệt đối.

Một điểm đáng lưu ý là Hội nghị được tiến hành trong
những buổi họp kín, công chúng hay những người đưa tin không
được phép vào dự khán. Điều này được giải thích với lý
do nhằm tránh áp lực và sự chi phối từ dư luận. Tuy nhiên,
dân biểu của bang Virginia – James Madison – người sau này trở
thành tổng thống thứ 4 của Mỹ, đã ghi lại chi tiết những
diễn biến xảy ra trong thời gian Hội nghị.

Ban đầu, các đại diện tham dự được giao nhiệm vụ sửa
đổi Hiến chương Liên hợp bang. Nhưng Hội nghị Lập hiến
đã nhanh chóng chuyển sang hướng bàn luận để đưa ra một
hiến pháp hoàn toàn mới cùng hình thức tổ chức nhà nước
khác. Mùa hè năm 1787 đã rất nóng với những tranh luận và
bàn cãi sôi nổi, có lúc lên đến gay gắt tưởng chừng sẽ
giải tán Hội nghị. Một trong những tranh cãi nổi cộm là
vấn đề đại diện của mỗi bang ở Quốc hội (state
representation). Đại biểu tham dự Hội nghị đến từ các bang
lớn đề nghị cách xác định số lượng dân biểu
(representative) cho mỗi bang dựa trên tỷ lệ dân số, theo đó
bang có số dân càng đông thì sẽ có càng nhiều dân biểu.
Với cách tính như vậy rõ ràng tiểu bang với dân số ít sẽ
chịu thiệt thòi, do đó các bang nhỏ đã yêu cầu phương án
mỗi bang đều có số dân biểu bằng nhau.

<strong>Quốc hội lưỡng viện và Tam quyền phân lập</strong>

Mâu thuẫn chỉ được giải quyết khi Thỏa hiệp Lớn, hay còn
gọi là Thỏa hiệp Connecticut (Connecticut Compromise) được các
bên ưng thuận. Thỏa hiệp đưa ra giải pháp một Quốc hội
lưỡng viện (bicameral legislature) với đại diện theo tỷ lệ
ở Hạ viện (House of Representatives) và đại diện ngang nhau ở
Thượng viện (Senate). Sở dĩ Hạ viện được chọn theo cách
tính đại diện dựa trên tỷ lệ dân số vì viện này được
xem là gần gũi hơn với người dân, do đó cần phản ánh mong
muốn của số đông dân chúng theo nguyên tắc đa số. Cũng vì
lý do này nên Hạ viện còn được quyền khởi xướng mọi
đạo luật liên quan đến nguồn thu và ngân sách liên bang.

Cùng với hình thức tổ chức quốc hội lưỡng viện, sau cùng
Hội nghị Lập hiến cũng thống nhất mô hình chính quyền gồm
ba nhánh quyền lực nhà nước (branch of government): lập pháp
(legislature), hành pháp (executive) và tư pháp (judiciary). Giữa ba
nhánh này là quan hệ đối ứng dựa trên nguyên tắc kiểm soát
và đối trọng (checks and balances) thông qua các chế định đảm
bảo không một bên nào có quyền lực vượt trội hơn nhằm
ngăn tình trạng lạm quyền. Cũng xuất phát từ nguyên tắc
kiểm soát và đối trọng, Hội nghị xác định phạm vi thẩm
quyền và trách nhiệm của mỗi nhánh cơ quan nhà nước phải
được quy định rõ ràng, cụ thể.

Đến tháng 9/1787, Ủy ban soạn thảo Hiến pháp gồm 5 thành
viên (trong đó có James Madison) đã hoàn thành phiên bản cuối
cùng của Hiến pháp Mỹ hiện tại gồm 4200 chữ. Hội nghị
Lập hiến kết thúc khi có 39 trên tổng số 55 đại biểu tham
dự ký tên đồng ý bản dự thảo hiến pháp. George Washington
là người đã đặt bút ký đầu tiên.

<strong>Luận cương Thể chế Liên bang</strong>

Tuy nhiên, để Hiến pháp được thông qua trên toàn nước Mỹ,
cần có ít nhất 9 trên 13 bang phê chuẩn dự thảo. Với dư âm
từ những bất đồng tại Hội nghị Lập hiến, người dân
Mỹ vẫn còn nhiều chia rẽ trong quan điểm liên quan đến các
vấn đề như quyền tự trị của mỗi bang và nguy cơ chính
quyền trung ương với quyền lực tuyệt đối sẽ nuốt chửng
các bang nhỏ.

Trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ công chúng đối với
dự thảo Hiến pháp, James Madison cùng Alexander Hamilton và John Jay
đã lập nên một nhóm làm việc với bút danh Publius để viết
một loạt bài nhằm giải thích chi tiết mô hình nhà nước theo
Hiến pháp mới và tính hiệu quả của nó. Tập hợp gồm 85
bài chính luận, gọi chung là Luận cương Thể chế Liên bang
(The Federalist/The Federalist Papers) được đăng trên nhiều tờ
báo khắp các tiểu bang từ tháng 10/1787 đến tháng 5/1788.

<div class="boxcenter400"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5311/madison01.jpg" /><div
class="textholder">James Madison</div></div>

Những nỗ lực của nhóm Publius đã mang lại kết quả. Tháng
12/1787, 5 tiểu bang Delaware, Pennsylvania, New Jersey, Georgia và
Connecticut lần lượt thông qua bản Hiến pháp mới. Tuy nhiên,
Massachusetts cùng các bang khác vẫn tiếp tục phản đối dự
thảo vì cho rằng Hiến pháp cần trao quyền tự quyết cho tiểu
bang trong những vấn đề địa phương khi chúng không xung đột
với thẩm quyền liên bang, và quan trọng hơn, Hiến pháp cần
ghi nhận và bảo vệ các quyền chính trị cơ bản của công
dân.

<strong>10 Tu Chính Án đầu tiên – Tuyên ngôn Nhân quyền</strong>

Đến tháng 2 năm 1788, Massachusetts và các bang còn lại đồng ý
phê chuẩn Hiến pháp mới sau thỏa thuận cam kết rằng yêu
cầu của những bang này sẽ được nhanh chóng bổ sung vào đề
xuất sửa đổi Hiến pháp sau khi nó được thông qua. Nhờ vậy
có thêm 3 tiểu bang gia nhập danh sách phê chuẩn gồm
Massachusetts, Maryland và Nam Carolina.

Ngày 21/6/1788, New Hampshire trở thành bang thứ 9 thông qua Hiến
pháp, mở đường cho guồng máy nhà nước theo Hiến pháp mới
chính thức vận hành vào ngày 4/3/1789. Ngày 30/4/1789, George
Washington tuyên thệ trở thành vị tổng thống đầu tiên của
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Cũng trong năm 1789, James Madison lúc này với cương vị là một
dân biểu của Hạ viện vừa mới thành lập đã đề xuất 19
tu chính án (amendment) cho Hiến pháp theo như thỏa thuận trước
đó. Ngày 25/9 cùng năm, cả hai viện của Quốc hội Mỹ thông
qua 12 trong số các tu chính án đề xuất trước khi chuyển
đến các tiểu bang xem xét. Ngày 10/12/1791, 10 trên 12 tu chính án
đề xuất được các bang phê chuẩn để chính thức trở thành
một phần của Hiến pháp.

Mười tu chính án này, về sau thường được gọi chung là
Tuyên ngôn Nhân quyền (Bill of Rights), ghi nhận những đảm bảo
cơ bản của nhà nước đối với công dân như tự do ngôn
luận, tôn giáo và báo chí; quyền được sử dụng và cất
giữ vũ khí; quyền được biểu tình ôn hòa; quyền được
bảo vệ khỏi việc khám xét và tịch thu vô cớ; quyền được
xét xử nhanh chóng và công khai bởi một tòa án độc lập.

Vì những đóng góp và dấu ấn đậm nét trong quá trình soạn
thảo cũng như thông qua Hiến pháp, James Madison đã đi vào lịch
sử Hoa Kỳ với tên gọi trìu mến mà người Mỹ dành cho ông:
"Father of the Constitution" – vị Cha đẻ của Hiến pháp
nước này.

(Tổng hợp và lược thuật từ cuốn 'Legal Terminology
Explained' của tác giả Edward Nolfi)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141127/truong-tu-minh-luoc-su-hinh-thanh-hien-phap-hoa-ky),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét