Trần Kỳ Trung - Ối giời! Môn lịch sử!

<div class="boxright320"><img
src="https://encrypted-tbn1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTPA5kqjXWpGsSGiHHV6INxvCc_S9IWxheHxaK7g46GtN4JapxZ"
/><div class="textholder">Hình minh họa</div></div>

Trên tay tôi là ba quyển sách dạy lịch sử từ lớp 7
đến lớp 9 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo.

Lớp 7 đến lớp 9, các em vừa mới qua tuổi nhi đồng, chưa
đến tuổi trưởng thành, tâm lý đang hình thành, suy nghĩ chưa
phải chín chắn. Ấy vậy, trong ba quyển sách giáo khoa về
lịch sử, có những khái niệm, đến như tôi còn phải tra từ
điển, thì thử hỏi, học sinh tuổi như các em làm sao hiểu
được.

Dưới đây tôi xin lấy một số dẫn chứng:

Sách lớp 7 gồm hai phần: Phần một – Khái quát lịch sử
trung đại (gồm 7 bài).

Tôi tự hỏi, học sinh lớp 7, một tuổi mới lớn, vắt
mũi chưa sạch cần gì những nội dung bắt các em phải học
như: Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở
châu Âu. Hay như : Cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống
phong kiến thời hậu kỳ trung đại ở châu Âu.

Chỉ riêng khái niệm "Xã hội phong kiến", "hậu kỳ
trung đại"… người lớn, nhiều người đã hiểu chưa? Mà
bắt các em học.

Đến phần hai của quyển sách lịch sử này kiến
thức bắt các em học thuộc, hiểu mới thật kinh khủng - Lịch
sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, gồm 6 chương, 22
bài. Cho dẫu chỉ tóm tắt cũng là một sự "nhồi nhét"
không hơn, không kém. Như chương I: Buổi đầu độc lập thời
Ngô - Đinh - Tiền Lê (Thế kỷ X) gồm hai bài: Bài 8: Nước ta
buổi đầu độc lập. Bài 9: Nước Đại Cồ Việt thời Đinh
- Tiền Lê. Tôi cứ tự hỏi, học sinh lớp 7 có cần nêu những
sự kiện (đến cả người lớn, nếu hỏi, có khi không nhớ,
không biết) về tình hình chính trị, quân sự, sự phát triển
kinh tế và văn hóa… của cuối thời Ngô, nhà Đinh, tiền Lê.
Tiếp theo nội dung của cuốn sách giáo khoa lịch sử này là
các sự kiện dài dằng dặc bắt các em học thuộc từ nước
Đại Việt thời Lý (thế kỷ XI – XII) kéo dài đến Việt Nam
nửa đầu thế kỷ XIX. Bài nào cũng có tình hình kinh tế - xã
hội, văn hóa, giáo dục… với những những dòng chữ khô khan,
không có một chút nào gây hứng thú đến học sinh như: "…
Chính quyền phong kiến được hoàn thiện dần. Đứng đầu
triều đình là vua… cả nước chia làm năm đạo… dưới
đạo là phủ, huyện…" (trang 94 – Sách lịch sử lớp 7 -
NXBGD năm 2010). Nêu khái niệm này giáo viên phải giải thích,
so sánh mà giải thích, so sánh làm sao khi đầu óc non nớt của
các em còn mải chơi bi, đá cầu… đâu có cần những khái
niệm trìu tượng này. Điều cần nhất, ở tuổi các em, qua
môn lịch sử sẽ hình thành, bồi đắp lòng yêu nước, nhưng
nếu cứ dạy kiểu này chắc chắn không thể có được.

Giá như ở tuổi các em học sinh lớp 7, thay thế những
kiến thức lịch sử khô khan như vậy, bằng những câu chuyện
kể lịch sử của từng giai đoạn đó, hợp với lứa tuổi
tâm lý, sinh hoạt của các em (Những câu chuyện lịch sử hay,
không thiếu trong sách vở, di tích đền chùa, lời kể của các
cụ già, bậc cao niên…) hoặc như bằng hình thức đi tham quan
đình chùa, di tích lịch sử có liên quan đến những giai đoạn
lịch sử đang học rồi viết thu hoạch hay kể lại những câu
chuyện lịch sử mình đã biết, đã nghe, đã nhìn… dưới sự
hướng dẫn của giáo viên, có phải tốt bao nhiêu. Học sinh
vừa có kiến thức, vừa tạo hứng thú, vừa để các em yêu
môn lịch sử. Tất nhiên, để làm tốt điều đó, đòi hỏi
giáo viên lịch sử phải năng động, am hiểu lịch sử, có
nghệ thuật truyền đạt, dẫn chương trình, quản lý giỏi.

Tiếc rằng, các trường sư phạm nói chung, đào tạo
giáo viên dạy môn lịch sử nói riêng, gần như không chú
trọng điều này.

Trong những quyển sách giáo khoa môn lịch sử dạy cho
các em tôi đang cầm, hãi nhất là quyển lịch sử lớp 8. Cũng
hai phần, gồm 31 bài. Phần I, lịch sử thế giới - Lịch sử
thế giới cận đại (từ giữa thế kỷ XVI đến năm 1917) –
Phần II, Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1918. những
kiến thức "cực khủng" buộc học sinh phải thuộc như
chương I – Thời kỳ xác lập của Chủ nghĩa tư bản, sau đó
là một loại bài nói về cách mạng Hà Lan (thế kỷ XVI), cách
mạng tư sản Anh (Thế kỷ XVII ), chiến tranh giành độc lập
của các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ với rất nhiều chi tiết,
đọc hoa cả mắt, chứ chưa nói đến học thuộc. Sau bài này
chốt lại hai câu hỏi "khủng khiếp": "1) Lập niên biểu
về cách mạng tư sản Anh và chiến tranh giành độc lập của
13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ. 2) Nêu ý nghĩa của các cuộc
cách mạng tư sản đầu tiên?"

Hai câu hỏi này, nếu như một số em ở thành phố lớn
có cơ hội tiếp xúc, học hỏi… có thể làm được, thì các
em ở miền núi, vùng khó khăn có cần phải biết đến "cách
mạng tư sản Anh"!!! Khi cơm ăn chưa no, đi chân đất, học
bữa đực, bữa cái… Học lịch sử với một kiến thức quá
tải, quả thật đây là một sự đánh đố, nhất là những em
ở vùng xa, còn khó khăn…

Đó chỉ là chương đầu tiên của cuốn sách giáo khoa
lịch sử lớp 8. Nếu như các bậc phụ huynh có con cháu đang
học lớp 8, chịu khó mở cuốn sách này, xem hết 31 bài, tôi
tin chắc có chung một nhận định, học sinh không thể học
hiểu, yêu môn lịch sử, trừ nói như con vẹt.

Dạy lịch sử, cho các em biết sự phát triển của
từng thời kỳ lịch sử là cần thiết, nhưng nhất thiết
phải phù hợp với từng tâm, sinh lý từng lứa tuổi. Với
học sinh lớp 7, lớp 8 với những mục, chương…như tôi vừa
dẫn chứng, có cần cho các em học ôm đồm như thế không? Hay
chỉ cần nêu một số cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu thông
qua bằng những câu chuyện lịch sử, những hình ảnh, bộ phim
video…để cho các em hiểu (hiện nay với nhiều phương tiện
thông tin hiện đại, điều này không khó với một giáo viên
dạy sử). Ở tuổi này cũng có cần cho các em lập niên biểu,
so sánh, hay nêu ý nghĩa của những cuộc cách mạng tư sản
xảy ra xa lắc, xa lơ? Tôi muốn hỏi, các nhà soạn sách giáo
khoa lịch sử: Điều này có giúp các em yêu lịch sử không?
Gợi mở cho các em điều gì để áp dụng, hay so sánh với
thực tế? Có giúp các em hình thành được một nhân cách tốt
trong cuộc sống hay không?

Nếu không trả lời được những câu hỏi này, rõ ràng dạy
lịch sử đã phản tác dụng.

Đến nội dung quyển sách giáo khoa môn lịch sử lớp 9 với
nội dung: Phần I – Lịch sử thế giới hiện đại từ năm
1945 đến nay, gồm 13 bài, với nội dung bao quát gần như toàn
bộ các cuộc cách mạng lớn trên thế giới từ năm 1945 đến
nay và câu hỏi cuối cùng của chương này với một học sinh
lớp 9: "Tại sao nói "Hòa bình, ổn định và hợp tác phát
triển" vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các
dân tộc?" ( trang 54 – SGK lịch sử lớp 9 – NXB Giáo dục –
2014)

Quả thật, tôi không hiểu một em học sinh lớp 9 sẽ trả lời
câu hỏi này như thế nào?

Phần II của quyển sách giáo khoa này là "<em>Lịch sử Việt
Nam từ năm 1919 đến nay)</em>" gồm 7 chương, 21 bài, diễn giải
gần như toàn bộ lịch sử Việt Nam dưới sự lãnh đạo của
đảng cộng sản. Tôi không đi sâu vào sự kiện, vì tôi tin
rằng, giáo viên chỉ nêu sự kiện lịch sử xảy ra trong giai
đoạn này cũng đã hết giờ, chứ chưa nói giải thích, diễn
giải, minh họa… Tại sao không thể chọn ra một giai đoạn
lịch sử nhất định, sự kiện lịch sử tiêu biểu để
giảng dạy cho các em, nhất là những phong trào yêu nước của
người dân Việt Nam, như khởi nghĩa Yên Bái, hình ảnh lẫm
liệt của anh hùng Nguyễn Thái Học (Quốc Dân Đảng)… Vậy
trong quyển SGK này những sự kiện, nhận vật này nêu rất sơ
sài, ngược lại sách giáo khoa đặt rất nặng những sự kiện
về đảng, từ lúc mới manh nha là những tổ chức đảng ở
ba miền tiến tới, do yêu cầu của lịch sử, thống nhất
thành một tổ chức. Tuy vậy cũng không biết sự kiện nào là
chính, sự kiện nào là phụ. Nhưng giá như đây là những câu
chuyện lịch sử hấp dẫn thì SGK Lịch sử lớp 9 viết một
nhận định y như giáo trình lịch sử đảng: "… sự ra đời
của ba tổ chức cộng sản là một xu thế tất yếu của cách
mạng Việt Nam. Các tổ chức cộng sản trên đã nhanh chóng xây
dựng cơ sở đảng tại nhiều địa phương, trực tiếp và tổ
chức lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nông
dân. Phong trào công nhân kết hợp chặt chẽ với phong trào
đấu tranh của nông dân chống sưu cao thuế nặng, chống cướp
ruộng đất, với phong trào bãi khóa của học sinh, bãi thị
của tiểu thương… tạo thành một làn sóng đấu tranh cách
mạng dân tộc dân chủ khắp cả nước." (Trang 69 – SGK
Lịch sử -NXB Giáo dục -2014). Liệu giáo viên dạy bộ môn này,
ở chương trình phổ thông cơ sở, với 45 phút, chỉ riêng
đoạn văn này, giải thích như thế nào để các em hiểu. Có
cần thiết đưa đoạn văn trên vào bài giảng không? Ta có thể
tìm ra vô số những nhận định lịch sử khô khan, máy móc, áp
đặt… gây khó cho giáo viên cũng như học sinh trong quyển sách
giáo khoa lịch sử này. Cứ mỗi chương lại có những câu hỏi
ngang với thi vấn đáp của học sinh đại học như: "1) Tại
sao nói sự ra đời của ba tổ chức cộng sản vào năm 1929 là
xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam? 2) Hãy cho biết
những yêu cầu bức thiết về tổ chức để bảo đảm cho
cách mạng Việt Nam phát triển từ năm 1930 về sau?" (trang
71-đã dẫn).

Điều đặc biệt, những giai đoạn lịch sử gần đây,
nghĩa là vẫn còn nhân chứng, vật chứng… thì nội dung quyển
sach giáo khoa này vẫn "rập một khuôn" như viết giáo trình
đại học, bắt các em mới mười bốn, mười lăm học. Ví như
phong trào đồng khởi ở Bến Tre dưới sự lãnh đạo của bà
Nguyễn Thị Định, nhiều sự kiện nổi bật, nhân vật hay, có
những trận đánh lớn, gay cấn… lẽ ra SGK dẫn chứng cho học
sinh đọc, hiểu, thì ngược lại, trích dẫn những nghị
quyết, nhận định của đảng rồi tóm tắt bằng mấy dòng
gần như đọc lên học sinh không biết hiểu như thế nào, vì
nội dung rất chung chung: "… Quân khởi nghĩa đã phá vỡ
từng mảng lớn bộ máy cai trị và hệ thống kìm kẹp của
địch ở thôn xã. Ở những nơi đó, Ủy ban nhân dân tự quản
được thành lập, lực lượng vũ tráng ra đời và phát triển,
ruộng đất của địa chủ cường hào bị tịch thu đem chia cho
dân cày nghèo…" (trang 135 – đã dẫn). Cuối cùng là câu
hỏi: "Phong trào "đồng khởi" (1959-1960) nổ ra trong hoàn
cảnh lịch sử nào? Diễn biến, kết quả và ý nghĩa của
nó?". (trang 135 - dã dẫn). Chịu!

Đặc biệt với bài 32 - Xây dựng đất nước, đấu tranh bảo
vệ tổ quốc (1976 – 1985) với hai cuộc chiến tranh ở biên
giới Tây nam và biên giới phía bắc chống quân Pôn pốt và
Đại Hán xâm lược, quyển sách GK lịch sử này viết cực kỳ
sơ sài, không nêu được tội ác diệt chủng của hai thế lực
phản động này, cũng không chỉ cho các em thấy âm mưu thâm
độc muốn thôn tính Việt Nam của chúng. Không một tấm
gương anh hùng nào của nhân dân, quân đội Việt Nam trong
cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pôn pốt và Đại Hán
được trích dẫn (trang 173 – đã dẫn).

Theo tôi đây là một sai lầm nghiêm trọng của những người
viết quyển sách GK này.

Tôi được biết rằng, hiện này Bộ GD-ĐT vẫn muốn có một
bộ sách giáo khoa chung, nếu vậy vẫn đi vào vết xe đổ như
bao lần cải cách sách giáo khoa. Với môn lịch sử, muốn cho
học sinh yêu, thích học môn này điều cần thiết, phải làm
cho các em yêu lịch sử ngay nơi mình sinh ra, gia đình, bà con
họ hàng đang sống, yêu quê hương, rộng ra yêu và tự hào
với lịch sử đất nước. Nên thế, ngay từ lúc học phổ
thông cơ sở, ngoài chính sử, chỉ cần những sự kiện, nhân
vật tiêu biểu để các em nắm được, nhất thiết trong giảng
dạy phải gắn với lịch sử địa phương nơi các em đang học
bằng các phương pháp trực quan như đi tham quan di tích lịch
sử, nghe kể chuyện, đọc sách, xem phim…rồi các em viết thu
hoạch, diễn kịch, hay kể lại những câu chuyện lịch sử
đó… như vậy tốt bao nhiêu, các em sẽ hứng thú học lịch
sử.

Còn cứ dạy và học lịch sử, như tôi nêu những ví dụ trên,
tuy còn sơ sài, đến người lớn cũng chán học lịch sử,
đừng nói các em.

Mà để các em chán học lịch sử, nguy hiểm vô cùng.

Đó là sự tiềm ẩn của nguy cơ mất nước.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141123/tran-ky-trung-oi-gioi-mon-lich-su),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét